Đại Kỷ Nguyên

Tài không kém Tôn Tẫn, điều gì khiến Bàng Quyên phải chuốc lấy bại vong?

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Đố kỵ, ganh ghét với kẻ tài giỏi, may mắn hơn mình xưa nay vẫn là một tật xấu khó bỏ của con người. Lòng đố kỵ có thể dẫn đến những hành động nông nổi, hại người, hại mình, hậu quả tang thương không sao kể xiết.

Huynh đệ tương tàn

Trong lịch sử thường hay có một quy luật thế này: Hễ khi một bậc anh hùng cái thế trình làng thì đồng thời cũng xuất hiện một nhân vật phản diện, không đội trời chung với họ. Nhân vật phản diện này tài cán cũng không phải hạng tầm thường, lắm mưu mô, quỷ kế nhưng cả đời cứ tìm cách hãm hại người anh hùng kia. Tôn Tẫn – Bàng Quyên là một cặp kỳ phùng địch thủ trời sinh như thế.

Tôn Tẫn (thế kỷ 4 TCN), người nước Tề, thuở nhỏ theo sư phụ Quỷ Cốc Tử học binh pháp. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên chép: “Tẫn sinh ở giữa đất A và đất Quyến. Tẫn là con cháu của Tôn Tử”. Như vậy có thể thấy, Tôn Tẫn hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một nhân vật kinh bang tế thế, từ xuất thân đến sở học bình sinh.

Tôn Tẫn từ nhỏ theo học binh pháp với Quỷ Cốc Tử, đã tỏ ra có tài năng hơn người. Ảnh: Epoch Times

Bàng Quyên (? – 342 TCN), là bạn học đồng môn của Tôn Tẫn. Tẫn gọi Quyên là sư huynh, cùng theo Quỷ Cốc Tử học binh pháp. Khác với Tôn Tẫn vốn dòng danh gia, vọng tộc, Bàng Quyên chỉ là con cháu hạng bình dân. Quyên lại là người quỷ quyệt, nhiều tham vọng, kết nghĩa với Tôn Tẫn cũng vì mục đích riêng.

Vốn ham phú quý, Bàng Quyên xin Quỷ Cốc Tử cho xuống núi trước để lập nghiệp công danh. Còn Tôn Tẫn vẫn ở lại ngày đêm trui rèn binh pháp và được sư phụ mật truyền cho “Binh Pháp Tôn Tử”. Trong “Đông chu liệt quốc” hồi thứ 88 thuật lại rằng khi Bàng Quyên dò hỏi Tôn Tẫn binh pháp bí truyền thì Tẫn giải thích: “Sách ấy do tiên sinh chú giải rõ ràng, khác với nguyên bản. Tiên sinh chỉ cho mượn xem ba ngày rồi đòi lại và cũng không có bản sao”.

Tạo hình của Tôn Tẫn (trái) và Bàng Quyên (phải) trên điện ảnh. Ảnh dẫn qua: phim14.net

Sau khi xuống núi, Bàng Quyên được phong làm tướng ở Nguỵ, cầm binh quyền cả nước, oai danh lẫy lừng. Vốn thông hiểu phép dùng binh, Quyên nhanh chóng lập được nhiều công trạng lớn, chinh phạt các nước nhỏ xung quanh, thậm chí đánh bại được cả Tề quốc (vốn là một nước hùng mạnh thời Chiến Quốc).

Dù vậy, Bàng Quyên vẫn luôn canh cánh trong lòng mối lo về Tôn Tẫn. Biết tài mình kém sư đệ, Bàng Quyên cho người đến mời Tôn Tẫn về nước Nguỵ cùng phò tá Nguỵ vương. Thực chất Bàng Quyên vốn không có ý tốt đến thế, chỉ là sợ một khi Tôn Tẫn được nước chư hầu khác trọng dụng sẽ trở thành đại địch nguy hiểm của mình. Ngoài mặt Bàng Quyên luôn đối xử rất ân cần với sư đệ của mình, thường năng qua lại thăm hỏi. Nhưng trong tâm, Bàng Quyên vẫn ngấm ngầm muốn hại Tôn Tẫn. Quyên nhiều lần gièm pha trước mặt vua Nguỵ, rồi vu cáo rằng Tôn Tẫn là gián điệp nước Tề.

Nguỵ vương nghe lời gièm pha, hạ lệnh tống ngục Tôn Tẫn, cho quân sĩ cắt bỏ hai miếng xương bánh chè rồi thích lên mặt ông, khiến ông sống không bằng chết. Sau khi biết người hại mình chính là sư huynh Bàng Quyên bấy lâu vẫn tin tưởng, Tẫn càng đau khổ.

Một trận giao tranh

Bản đồ trận chiến Mã Lăng. Ảnh: Wikipedia

Để che mắt Bàng Quyên, Tôn Tẫn phải giả điên, lăn lóc khắp đầu đường xó chợ. Bàng Quyên vẫn cho người theo dõi sát sao, thấy Tẫn điên thật nên có ý lơi lỏng. Năm 366 TCN, nhân có sứ giả nước Tề đến kinh đô Đại Lương của Nguỵ quốc, Tẫn lén đến gặp và kể rõ sự tình. Sứ giả nghe xong bèn bí mật chở Tẫn về. Sang Tề, Tôn Tẫn trở thành thượng khách của tướng quốc Điền Kỵ. Sau đó, Điền Kỵ lại tiến cử ông với Tề Uy Vương. Tề vương biết Tẫn là nhân tài hiếm gặp, lập tức trọng dụng, phong làm thầy, cùng mưu đại nghiệp.

Sang Tề, Tôn Tẫn có nhiều dịp được so tài với Bàng Quyên. Khi ấy, Quyên cầm đại quyền ở Nguỵ, dương dương tự đắc, thường xuyên mang binh đi chinh phạt các nước chư hầu. Năm 353 TCN, Bàng Quyên thống lĩnh đại binh đánh nước Triệu. Vua Triệu kíp cho người đến cầu cứu nước Tề.

Vua Tề toan đem binh đến giải vây cho nước Triệu nhưng Tôn Tẫn dâng kế “vây Nguỵ cứu Triệu”. Theo đó, Điền Kỵ mang đại quân tức tốc tiến thẳng đến kinh đô Đại Lương của Nguỵ doạ vây đánh. Bàng Quyên nghe tin liền vội vã rút binh trở về cứu nhà. Trên đường rút về, Quyên bị Điền Kỵ đánh cho đại bại ở Quế Lăng, thậm chí còn bị bắt sống giải về. Nể tình đồng môn, Tôn Tẫn tha cho Bàng Quyên về Nguỵ.

Năm 341 TCN, Bàng Quyên thống suất đại binh sang đánh Hàn để lấy lại thanh danh sau thất bại ở trận Quế Lăng. Khi hai quân đối địch nhau, Tôn Tẫn dùng kế “rút bếp”, cho quân làm bếp ít đi một nửa sau mỗi ngày, từ 10 vạn cái xuống còn 5 vạn rồi không đầy 3 vạn.

Bàng Quyên cho người đếm bếp quân Tề, thấy bếp ngày càng ít đi thì cho rằng quân Tề vì khiếp sợ đã đào ngũ bỏ đi cả. Nhân đó, Quyên bỏ trọng binh ở lại, chỉ mang theo khinh binh, gấp rút ngày đêm đuổi theo quân Tề.

Bàng Quyên đốt đuốc đọc thấy dòng chữ “Bàng Quyên chết ở dưới gốc cây này” trên đường Mã Lăng. Ảnh: NTD TV

Trên đường rút lui, Tôn Tẫn đã sớm dự liệu và cho quân mai phục ở Mã Lăng, vốn là một con đường hiểm trở, hai bên có vách núi cao. Tẫn phục hai bên núi nhiều cung nỏ, gỗ đá, lại cho người quét sơn lên một cái cây lớn ở đường dòng chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới cây này”. Tẫn dặn quân sĩ khi thấy có đốm lửa sáng thì bắn tên, lăn đá gỗ xuống.

Quả nhiên, Bàng Quyên đuổi đến Mã Lăng, tự mình dò xét địa thế, đến bên gốc cây châm đuốc đọc được dòng chữ đó. Bỗng hai bên tiếng reo hò nổi lên, quân Tề nhất loạt bắn tên như mưa xuống. Quân Nguỵ hoang mang, giẫm đạp lên nhau, tử thương vô số. Bàng Quyên thế cùng lực kiệt, không muốn thêm một lần nữa chịu nhục rơi vào tay Tôn Tẫn bèn rút gươm tự sát.

Trước khi chết, Bàng Quyên ngửa mặt lên than rằng: “Thế là ta làm cái thằng ấy nổi danh!”. Sau này, kế rút bếp và trận Mã Lăng mai phục Bàng Quyên của Tôn Tẫn đã đi vào kinh điển của binh gia như một ví dụ sinh động cho chiến thuật dùng lợi nhử địch.

Đố kỵ là một liều thuốc độc

Bên cạnh nhiều phẩm chất tốt đẹp, người Á Đông nói chung có một tính cách tiêu cực rất điển hình là đố kỵ. Sự ghen tức, đố kỵ xảy ra phổ biến trong xã hội, giữa bạn học cùng thầy, quan lại cùng triều, thậm chí là anh em hay hàng xóm…

Cảm thấy ghen tỵ với thành công của bè bạn, oán hận với tình cảnh của bản thân mình hay không phục người khác, tất cả đều là biểu hiện của lòng đố kỵ. Nhưng bạn biết chăng, đố kỵ chính là một liều thuốc độc hại người, hại cả mình.

Đố kỵ, ghen ghét khiến con người đánh mất bản thân, trở nên mù quáng. Nó cũng trút vào đầu người ta đầy rẫy hận thù, oán hờn, làm người ta đánh mất đi điềm tĩnh, và sự thanh thản.

Một người ôm giữ lòng đố kỵ sẽ khiến chính họ không đạt được thành tựu nào. Bởi vì cứ mãi oán hận, so sánh thiệt hơn và soi mói kẻ khác, họ không còn đủ thời gian dành cho mục tiêu đích thực của mình. Nhìn kẻ khác hạnh phúc thì ghen tức, thấy kẻ khác đau khổ thì họ vui mừng, họ đã tự coi mình như cái bóng của kẻ khác.

Bàng Quyên trong câu chuyện trên chỉ vì đố kỵ, ganh ghét Tôn Tẫn mà giở đủ mọi thủ đoạn hãm hại người bạn của mình. Dù vậy, Tôn Tẫn cũng chỉ bất quá là bị phế đôi chân, không thể đi đứng như người bình thường. Còn Bàng Quyên, thực tài chẳng kém Tôn Tẫn là bao nhưng chỉ vì hai chữ “đố kỵ” cứ mãi không dứt, mất đi tỉnh táo, đành phải chết không toàn thây nơi sa trường mà lòng ôm mối hận nghìn thu. 

Hãy nhớ rằng:

Đố kỵ là con dao hai lưỡi. Bạn tưởng rằng nó đã đâm lên thân kẻ thù nhưng kỳ thực bạn đã tự tay đâm nó vào trái tim mình.

Hữu Bằng

Xem thêm:

Exit mobile version