Ở phía bắc thành Lạng Sơn, từ ngã ba góc phố Tô Thị và phố Tam Thanh, du khách đã có thể nhìn thấy mỏm đá hình mẹ bồng con kì lạ nhô lên trên vách núi. 

Đá Vọng Phu đã ở đó không biết tự bao giờ, trong tiết xuân thanh tịnh, dáng người phụ nữ ôm con hiện ra bên vách núi dựng đứng, trầm mặc siêu nhiên như đang bay trên những thửa ruộng mạ non xanh ngát và xóm làng ấm áp, dõi mắt ra những dải núi nhấp nhô màu lục lam nơi biên cương.

Truyền thuyết đá Vọng Phu

Truyền thuyết dân gian về đá Vọng Phu kể rằng, có hai vợ chồng nhà họ Tô, sinh được hai con một trai một gái. Lúc cha mẹ vắng nhà, người anh nhặt đá ném chim, chẳng may ném trúng đầu em gái, em gái ngất đi. Người anh sợ quá bỏ nhà ra đi. Năm 30 tuổi, chàng trở về sinh cơ lập nghiệp tại Lạng Sơn, sau đó lấy vợ là con nuôi một nhà buôn bán, sinh được một đứa con. Một hôm, chàng chải tóc cho vợ, thấy có vết sẹo trên đầu, hỏi rõ ngọn ngành thì mới biết vợ chính là em gái mình khi xưa. Người chồng đau buồn day dứt, không muốn vợ phải chịu đựng thêm nữa, chàng không cho vợ biết mà quyết đi lính để rời xa. Trước khi đi, chàng dặn vợ nếu chàng sau ba năm mà không về thì nàng hãy đi lấy chồng khác. Nói rồi, chàng một đi không trở lại.

Người vợ ở nhà chờ mãi, chờ mãi mà nhất quyết không tái giá. Hằng ngày, nàng bồng con lên núi, mắt dõi hướng tìm chồng, lệ rơi lã chã. Một hôm bỗng có một cơn bão lớn, nàng vẫn bồng con đứng đó không về. Bão tan, mọi người lên núi thì thấy hai mẹ con nàng đã hóa thành tượng đá, cảm động gọi tượng đá ấy là nàng Tô Thị vọng phu. 

Trong thư tịch cổ tỉnh Cao Bằng cũng có ghi chép về một nàng Tô Thị, rằng thời Hậu Lê đời Dụ Tông năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) có ông Tán Lý quân vụ họ Tô từ kinh sư đi dẹp giặc đóng quân ở châu Hạ Lang, ông nạp người con gái xã Đồng Loan là Thị Đề làm thiếp. Năm 26 tuổi sinh được một người con gái đặt tên là Tô Thị Huệ. Nàng thông mẫn  lạ thường, nhan sắc tuyệt thế. Đến năm Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733), nàng được tiến vào cung làm cung phi, được nhà vua vô cùng sủng ái. Được hơn năm, nàng phụng chỉ về thăm quê, đi qua xứ Khâu Lư, Lạng Sơn thì nghe tin vua Lê mất, nàng lên núi vọng về phía kinh thành mãi mà hóa đá. Sau dân chúng lập đền thờ nàng ở chân núi Xuân Sơn xã Đồng Loan để phụng tự. Triều Lê phong nàng là Tô Thị Phúc Thần. 

Hai nhân vật nàng Tô Thị, một trong dân gian và một trong sử sách, dù có sự khác biệt về hoàn cảnh nhân sinh, nhưng lại chung một kết cục chờ chồng đến hóa đá, giữ tròn tiết hạnh, được nhân gian tôn kính thờ phụng như một vị Thần. 

Thi phẩm “Vọng Phu thạch” của đại thi hào Nguyễn Du

Thắng cảnh hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn không chỉ mãn nhãn hàng triệu du khách, mà qua câu chuyện nàng Tô Thị lay động lòng người, đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân, trong đó có tác phẩm “Vọng Phu thạch” – Đá Vọng Phu của Nguyễn Du (1766 – 1820), đại thi hào thế kỷ 19, chúng ta hãy cùng thưởng thức:

望夫石
石耶人耶彼何人?
獨立山頭千百春。
萬劫杳無雲雨夢,
一貞留得古今身。
淚痕不絕三秋雨,
苔篆長銘一段文。
四望連山渺無際,
獨教兒女擅彝倫。

Vọng phu thạch – Thơ Nguyễn Du

Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân? 
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.
Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng, 
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.  
Tứ vọng liên sơn diểu vô tế,
Độc giáo nhi nữ thiện di luân.

Hòn Vọng phu – Lạng Sơn

Dịch thơ
Là đá, là người hay là ai?
Ngàn xuân nàng hóa đá đợi chồng.
Vạn kiếp trôi qua mây gió mộng,
Nhất trinh giữ mãi tấm thân trong.
Lệ chẳng ngừng tuôn mưa dầm đẫm,
Rêu phong hay văn tự khắc lòng.
Liên sơn tứ phía vô biên vọng,
Khuyên bảo nữ nhi nghĩa vợ chồng.

Thưởng thức thi phẩm

Nguyễn Du mở đầu bài thơ bằng hai câu “Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân? Độc lập sơn đầu thiên bách xuân” thể hiện một nỗi niềm sững sờ khi lần đầu nhìn thấy đá Vọng Phu. Có lẽ bởi đá Vọng Phu là đá mà không giống đá, giống người mà không phải là người. Mỏm đá trơ trọi hình người nổi lên chênh vênh bên vách núi, trải qua ngàn năm gió thổi mưa quật mà vẫn uy nghiêm đứng đó, dường như là phi tự nhiên. Vì sao? Bởi nó không còn là tảng đá vô tri nữa, mà đang mang trong mình linh hồn một người phụ nữ, là hóa thân của nàng Tô Thị. 

Bức tượng đại thi hào Nguyễn Du

Hai câu tiếp theo “Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng, Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.” – dù giấc mộng ân ái bên chồng ngày nào đã trôi qua vạn kiếp, thì tấm thân nàng Tô Thị hóa đá từ cổ chí kim vẫn giữ trọn vẹn một chữ trinh. Sự đối sánh giữa “vạn kiếp” và “nhất trinh” triển hiện sức nặng của một chữ trinh trong đức hạnh của người phụ nữ. Chữ trinh đại biểu cho đức hạnh của người vợ thủ tiết chờ chồng không tái giá, dẫu cho tháng ngày thoi đưa, xuân sắc như cánh hoa sớm tàn lụi, thì tấm lòng chung thủy sắt son kia vẫn chẳng hề đổi thay. 

Có thể thấy đạo nghĩa vợ chồng của người Việt xưa thật đáng ngưỡng mộ, tấm lòng chung thủy của nàng Tô Thị không là cá biệt, mà là phổ biến. Mỗi khi đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược, đôi lứa khó tránh cảnh chia ly, chồng chiến chinh giữ gìn bờ cõi, vợ ở nhà tần tảo nuôi con khôn lớn, từ đó mà dưỡng thành những mối tình sắt son chung thủy bất chấp nghịch cảnh. Hình tượng nàng Tô Thị cũng vì thế mà thấm sâu vào tiềm thức dân tộc.

Hai câu tiếp theo “Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ, Đài triện trường minh nhất đoạn văn.”  Tượng đá ngấn lệ không ngừng rơi như mưa dầm day dứt, rêu phong phủ kín bao ngày đã đóng thành từng mảng như văn tự khắc ghi tấm lòng son. Nhà thơ ngắm nhìn tượng đá, cảm nhận đằng sau lớp đá xám thô ráp là những giọt nước mắt nóng bỏng của nàng Tô Thị vẫn không ngừng chảy, thấu hiểu nỗi đau khổ của sự chờ đợi trong vô vọng. Liệu ai có thể vượt qua nỗi tuyệt vọng để nung nấu một tia hy vọng? Nhân sinh tại thế, chính là phải chịu khổ. Thế nhưng, có thể ở trong hoàn cảnh khổ đau tuyệt vọng đó mà giữ gìn một tia hy vọng, giữ vững tấm lòng trung trinh, không gục ngã trước cám dỗ, thì người đó hẳn có thể cảm động Thiên Địa.

Hai câu thơ cuối “Tứ vọng liên sơn diểu vô tế, Độc giáo nhi nữ thiện di luân.” – Đá Vọng Phu nhìn về bốn phương là núi non trùng điệp vô biên, nó kiên trinh đứng đó để lưu lại cho nữ nhân đương đại lời giáo huấn của cổ nhân về nghĩa vợ tình chồng. Tạc nàng Tô Thị thành đá Vọng Phu, một mình sừng sững giữa bao la đất trời để nhân gian chiêm ngưỡng, đó hẳn là ý Trời muốn lưu lại cho muôn đời sau một tượng đài về tiết hạnh của người phụ nữ Việt, giáo huấn phận nữ nhi khi hồi ức về cố nhân mà giữ gìn tiết hạnh nhân luân.

Thắng cảnh đá Vọng Phu xứ Lạng

Kề bên núi Tô Thị là hệ thống núi Nhị – Tam Thanh, nơi có chùa Tam Thanh đi cùng câu ca dao của người dân xứ Lạng “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”. Đá vọng phu nằm trên núi Tô Thị gắn liền cùng di tích thành nhà Mạc với hệ thống tường thành quân sự được xây dựng vào thế kỷ 16. 

Sau bức tường thành dày khoảng 1m có niên đại gần năm thế kỷ là vườn đào rộng xanh mướt đã lấm tấm điểm hoa. Ngay giữa khu di tích cổ thành, vài thanh niên địa phương đang đá bóng trên khoảng đất rộng từng là nơi đóng quân của nhà Mạc suốt mấy mươi năm. Men theo một đoạn đường mòn bên sườn núi khoảng trăm mét, leo qua vài tảng đá, sẽ đến được đá Vọng Phu.

Nhìn theo hướng đá Vọng Phu, toàn bộ cánh đồng làng Khòn Lèng hiện ra trước mắt với những thửa ruộng mạ non, ngô, cam nối tiếp trải dài đến dãy núi trùng điệp xa xa. Vài đồng rạ chuẩn bị vụ mới, hương thơm khói đốt đồng thoang thoảng giữa tiết trời se lạnh. Mọi năm vào 16 tháng giêng, lễ hội Lồng Tồng làng Khòn Lèng đều được tổ chức lớn, thu hút rất đông du khách. Đây là lễ hội đặc trưng của người Tày, một trong những cộng đồng sinh sống lâu đời tại làng Khòn Lèng, còn gọi là hội xuống đồng.

Điều đặc biệt, ngoài các nghi thức chính là cúng cầu vụ mùa, xuống đồng cày ruộng, một phần quan trọng khác chính là lễ rước nàng Tô Thị từ sườn núi. Ông Kiên, một vị giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn nhận định: “Hình tượng bà Tô Thị thấm sâu vào văn hóa như thế. Ngay cả miếu thờ Thần Nông của làng Khòn Lèng ở chân núi, dưới chân nàng Tô, ban đầu chỉ là miếu nhỏ thờ Thần Nông, sau này người ta trùng tu cũng để một góc dành cho việc thờ bà ấy.”

Tài liệu tham khảo: Nàng Tô Thị Wiki, “Vọng Phu thạch” Nguyễn Du,
thắng cảnh đá Vọng Phu xứ Lạng,
Hương Thảo dịch thơ và biên soạn