“Socrates dạy dỗ Alcibades”, tranh của hoạ sĩ François-André Vincent (ảnh: Wikimedia Commons).
Năm 399 trước Công Nguyên, Socrates, triết gia vĩ đại Hy Lạp cổ – một trong những người đặt nền móng cho triết học phương Tây, bị phán xét và kết án tử hình. Ông bị toà án Athens cáo buộc không tin vào các vị thần Hy Lạp cổ, làm bại hoại thanh thiếu niên. Ông bị buộc phải kết liễu đời mình bằng cách tự uống thuốc độc.
Trong thời gian chờ đợi hành quyết, thay vì kháng cáo, Socrates đã tự biện. Những lời này được Plato, môn đồ của ông ghi lại trong “Lời tự biện của Socrates theo Plato”.
Trước tiên, Socrates nói với những kẻ buộc tội ông, một “lão già” như ông hiểu rằng sống chết vốn có trời định. Đáng ra những kẻ căm ghét ông chỉ cần chờ đợi đến thời điểm đó. Nhưng, chúng lại làm trái lại thiên ý, chúng buộc ông phải ra đi sớm hơn.
Dẫu vậy, Socrates luôn một tâm kiên định, kiên quyết không hạ thấp phẩm hạnh và làm trái lương tri để bảo toàn mạng sống.
Socrates (trái) và Plato trong trích đoạn bức tranh nổi tiếng “Trường học ở Athen” của danh hoạ Raphael (ảnh: Wikimedia Commons).
Ông nói rằng, thoát khỏi cái chết thì dễ, còn ngược dòng đồi bại mới khó, có mấy ai có thể đứng vững trước danh lợi và cám dỗ? Những kẻ buộc tội ông trong vô tri mà chìm trong dòng chảy đó, rồi vu cho ông những gì là bất kính với Thần và làm bại hoại giới trẻ của Athen.
Lời cáo buộc vô căn cứ xuất phát từ sự căm ghét việc Socrates miệt mài đưa ra các câu hỏi để theo đuổi trí huệ đích thực chứ không bằng lòng với kiến thức thực tại. Đây chính là gian ác, là bất công, và cuối cùng sự thật sẽ lên án những lời cáo buộc đó.
Socrates tiên tri rằng, những hình phạt còn tàn khốc hơn sẽ giáng xuống những kẻ đã hãm hại ông. Giết người đền mạng. Những kẻ mất lương tri sẽ không tránh khỏi bàn tay của tử thần. Người chân chính biết tu sửa bản thân, còn kẻ ác luôn nhìn người khác mà phán xét.
Rồi Socrates nói với các môn đồ rằng Đức Chúa đã chỉ dẫn ông suốt một đời, rằng mỗi khi ma quỷ xuất hiện, Ngài sẽ cảnh báo ông. Thế mà, trong phiên toà sinh tử này, ông đã không nhận được lời cảnh báo nào cả. Nhưng Socrates, với đức tin không hề lung lay, liễu giải rằng vì không được Ngài điểm hoá, có khi cái chết này lại là một đặc ân.
Suy nghĩ như vậy, ông bình thản chấp nhận cái chết của mình, và ông bắt đầu tự hỏi: Rốt cuộc, chết là gì?
Socrates đưa ra một giả định về cái chết, nó có thể là trạng thái hư vô và mất hết ý thức, hoặc nó là sự dịch chuyển của linh hồn từ nơi này sang nơi khác. Ông so sánh trạng thái hư vô và mất hết ý thức đó với giấc ngủ say nồng, khi mà con người không còn phiền não bởi mộng ảo và thất tình lục dục. Nếu chết là như thế, vậy thì nó không hề là mất, mà là được. Còn nếu chết là sự di chuyển của linh hồn, vậy tất cả những người chết có thể sẽ tới Địa ngục. Ở Địa ngục, Socrates tin rằng ông sẽ được phán xét bởi những vị quan toà thực sự và chân chính, và rằng ai đến cuối đời cũng sẽ như vậy.
Tranh “Cái chết của Socrates” của hoạ sĩ Jacques-Louis David (1787) (ảnh: Wikimedia Commons).
Socrates hào hứng kể tên những nhà thơ Hy Lạp cổ trứ danh mà ông mong muốn được diện kiến sau khi chết, như Orpheus, Hesiod, và Homer. Đó sẽ là nơi của “hạnh phúc mỹ hảo”, ông nói. Ông yêu cầu những kẻ bức hại ông suy ngẫm về điều này: “Dù sống hay phải chết, một người tốt sẽ không coi gì là điềm dở, ngay cả khi những khổ nạn của anh ta không được Thần điểm hoá. Điều xảy ra với ta không phải ngẫu nhiên. Cho nên, khi người tốt đặt niềm tin vào Thần, anh ta sẽ không có gì phải sợ hãi”.
Socrates, trong những lời cuối của mình, với những kẻ đã buộc ông đến chết, chỉ từ bi mà không chút oán hận.
Còn với những người con trai của mình, Socrates nói rằng nếu tương lai chúng đặt danh lợi, tiền tài hay bất cứ điều gì trên đức hạnh, hoặc khi chúng tự cao tự đại trong khi chúng chẳng là gì hết, thì những người đã khiến ông phải chết hôm nay nhất định hãy trừng phạt chúng. Nhưng ông mong rằng, họ sẽ đối diện với chúng một cách khoan dung, từ bi như ông đã làm với họ. Đó mới thực sự là hành vi của bậc quân tử.
Sống hết một đời, Socrates tin rằng, sau khi chết rồi, những chuyện từng làm trong đời, đều sẽ được đem ra xét xử. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, cuối cùng, công lý sẽ chiến thắng.
***
Hơn 1400 năm sau, vào thế kỷ 11, Phật Milarepa, một trong những Thánh nhân nổi tiếng của Tây Tạng, thuỷ tổ của Bạch giáo Tạng Mật, cũng từng kể lại cho các đệ tử của ông về thời gian ngài khổ tu trong hang động vùng núi Himalaya. Trong câu chuyện này, hành giả Milarepa đã bị hành hạ tàn nhẫn nhưng vẫn nảy sinh lòng bi mẫn, thương xót cho kẻ đã ức hiếp mình.
Sau một thời gian dài khổ tu, quần áo bên ngoài của ngài cũng đã rách nát. Vì chỉ ăn cây tầm gai, nên chỉ còn da bọc xương, tóc và lỗ chân lông cũng vì vậy mà đều đổi thành màu xanh.
Tranh vẽ Phật Milarepa của hoạ sĩ Dhodeydrag Gonpa, Thimphu, Bhutan vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (ảnh: Wikimedia Commons).
Một hôm có một nhóm người đi săn dắt theo chó đang săn mồi nhưng chẳng săn được gì, vô tình đi tới trước động của Milarepa, thấy Milarepa người xanh lét thì giật mình hoảng sợ. Sau khi Milarepa nói rằng ông là một hành giả Du già (Yoga), những người thợ săn đòi ông phải đưa lương thực cho chúng, nếu không sẽ doạ bắn chết.
Hành giả Milarepa nói với họ rằng ngoài tầm gai ra ngài không có gì khác, và rằng chỉ có người cúng dường đồ ăn cho người tu hành, chứ quyết không ai đi cướp đồ ăn của người tu hành.
Một người thợ săn trong số họ nói: “Cúng dường cho người tu hành thì có ích gì?”.
Milarepa nói: “Cúng dường cho người tu hành thì có phúc khí”.
Ông ta cười nói rằng: “Được rồi! Được rồi! Tôi sẽ cúng dường ông một lần!”. Nói xong, ông ta ôm hành giả Milarepa từ chỗ ngồi ném xuống đất, rồi lại nhấc ngài quăng lên, ném xuống rồi lại quăng lên. Nhục thân yếu ớt của hành giả không thể chịu nổi, đau khổ muôn phần, nhưng trong tâm vẫn sinh tâm từ bi với họ, vô cùng thương xót, nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống.
Trong số họ, chỉ có một người thợ săn không hành hạ mà ngồi một bên nói: “Này, các người không được làm như thế. Ông ấy quả thực là một hành giả tu khổ hạnh đấy! Dẫu ông ấy không phải là một người tu hành, mà sỉ nhục một người gầy như que củi thế này cũng không được coi là anh hùng, hảo hán! Huống hồ bụng chúng ta cũng sẽ bị đói vì ông ấy. Những chuyện không hợp đạo lý thế này tốt nhất là đừng có làm!”.
Rồi quay sang hành giả nói: “Hành giả Yoga! Ta thực sự bái phục ông. Ta không làm phiền ông, xin ông hồi hướng bảo hộ ta”.
Người thợ săn làm nhục hành giả Milarepa nói: “Ta đã cúng dường ông lên xuống rồi đó. Ông cũng nên hồi hướng bảo vệ ta”. Nói rồi cười ha hả bước đi.
Phật Milarepa nói với các đồ đệ của mình rằng, Ngài vốn có thể niệm chú để trừng phạt kẻ đã làm nhục mình, nhưng ngài đã không làm vậy. Ngài cho rằng có thể Tam Bảo sẽ trừng phạt họ, hoặc có thể đó là báo ứng cho ác nghiệp của Ngài. Nghe nói, không lâu sau đó xảy ra chuyện, pháp quan đã xử tử hình người thợ săn đó. Ngoài người thợ săn đứng ra bảo vệ ngài ra thì những người còn lại đều chịu án rất nặng.
(Ảnh: DKN minh hoạ)
Cổ nhân dạy rằng: Tội ác lớn nhất chính là bức hại người tu luyện. Kẻ xấu giờ còn dương dương tự đắc nhưng “Trên đầu ba thước có thần linh”, họ cuối cùng sẽ nhận lấy hậu quả thích đáng. Điều đáng nói từ hai câu chuyện trên chính là tấm lòng khoan dung và từ bi của Socrates và Phật Milarepa. Cả hai không hề sinh tâm oán hận với những người đã hãm hại mình. Đó chính là điểm khiến họ siêu xuất so với người thường.
Sấm chớp, mưa gió đêm 30 Tết vừa qua như báo hiệu cho nhân loại một năm nhiều sóng gió. Dịch bệnh, mất mùa, động đất… xảy ra đồng loạt trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng hãy nhớ rằng, dịch bệnh, thiên tai chỉ là để thanh trừ người xấu, người tốt sẽ luôn được Thần Phật bảo hộ. Như Socrates đã nói, “Khi người tốt đặt niềm tin vào Thần, anh ta sẽ không có gì phải sợ hãi”.
Bài viết: Yến Phi