Đại Kỷ Nguyên

Đối mặt với sinh tử, ta mới nhận ra mọi thứ trên đời đều chỉ là hư vô

Thuở xưa, ở đất Ấn Độ, có một thanh niên trẻ tuổi vì chán nản bèn bỏ nhà tìm đến cửa Phật quy y. Thế nhưng ngay cả khi đã vào chùa tu hành, anh ta vẫn còn lưu luyến trong vòng trần tục. 

Dù đã đi tu, nhà sư trẻ vẫn giữ thói quen sinh hoạt ngày trước của mình, chăm chút miếng ăn, giấc ngủ vô cùng cẩn thận. Dù đã xuất gia, thụ giới nhưng trong tâm anh vẫn chưa buông được những điều thế tục này khác, dường như vẫn còn là một người phàm tục mang nặng chấp trước. 

Bấy giờ, có một vị tôn giả nổi tiếng đức hạnh cao thâm. Nhà sư trẻ thầm ngưỡng mộ ông từ lâu, bèn chẳng quản đường xa mệt nhọc, tìm đến bái kiến tôn giả. 

Khi vừa nhìn thấy nhà sư trẻ, vị tôn giả đáng kính cất lời hỏi: “Con đường xa dặm thẳm tìm đến ta có việc gì?”.

“Con chẳng còn nguyện vọng gì hơn nữa, chỉ mong được nghe ngài khai thị cho lẽ huyền diệu của Phật Pháp”. (Ảnh: Youtube.com)

“Con vốn ngưỡng mộ tôn giả lâu nay, nghe đại danh như sấm động bên tai, hôm nay may nhờ duyên lành run rủi được đến bái kiến ngài. Con chẳng còn nguyện vọng gì hơn nữa, chỉ mong được nghe ngài khai thị cho lẽ huyền diệu của Phật Pháp”. 

Nhìn qua nhà sư trẻ một lượt, vị tôn giả hiểu ngay anh vẫn còn mang lòng trần tục, bị cái tình người thường trói buộc, khó mà giải thoát. Tôn giả bèn hỏi: “Vậy con có chắc chắn rằng mình sẽ hoàn toàn nghe lời dạy bảo của ta không?”. 

“Con nhất định sẽ nghe theo lời thầy!”, nhà sư trẻ khẳng khái đáp. 

“Được, vậy thì trước tiên ta sẽ dạy cho con phép thần thông, sau đó sẽ thuyết Pháp. Nhưng con phải thật sự tin tưởng ta”, tôn giả nói.

Nhà sư trẻ mừng rỡ ra mặt: “Ôi, thật là tốt quá. Học thần thông trước thật quá tốt!”. 

Thế là vị tôn giả dẫn hòa thượng trẻ lên núi dạy anh ta thiền định, đồng thời cũng yêu cầu anh ta tuyệt đối phục tùng. Vị tôn giả vận dụng thần thông, biến hóa ra một cây đại thụ rồi nói: “Con hãy trèo lên cây này đi!”. 

Hòa thượng trẻ cung kính nghe lời, lập tức trèo lên cây, ngồi yên trên đó. Nhưng đến khi nhìn xuống, anh ta không khỏi kinh hãi. Bên dưới là một cái hố rất to, sâu hun hút, đen kịt. Miệng hố chỉ phủ một màu đen kịt, trông như miệng một con quái vật đang há sẵn chờ đợi. 

Bên tai hòa thượng trẻ vang lên lời nói của vị tôn giả: “Hãy buông hai chân của con ra!”. Hòa thượng trẻ lập tức buông chân ra. Vị tôn giả lại nói: “Con hãy buông một tay ra!”. Hòa thượng trẻ cũng răm rắp làm theo.

Cuối cùng, vị tôn giả nghiêm nghị ra lệnh: “Con hãy buông nốt tay còn lại ra!”. Hòa thượng trẻ lúc này vô cùng sợ hãi, run rẩy đáp: “Thưa thầy, nếu buông nốt tay này ra con sẽ rơi xuống hố mà chết ngay!”. 

Tôn giả nghiêm nghị nói: “Con đã hứa là sẽ nghe theo lời dạy của ta. Sao bây giờ lại không tin?”

“Thưa thầy, khi đối mặt với sống chết thì hết thảy đều không còn gì đáng yêu cả!” (Ảnh: weebly.com)

Hòa thượng trẻ miệng lúng ba lúng búng, không nói được gì, đành nhắm mắt, không nghĩ gì nữa, buông nốt cánh tay còn lại ra khỏi thân cây. Quả nhiên, anh ta rơi xuống hố sâu, tưởng như đã cận kề cái chết. Thế nhưng “soạt” một tiếng tất cả đều biến mất, cả cây đại thụ, cả miệng hố sâu. Hòa thượng trẻ như bừng tỉnh ra từ một cơn ác mộng. 

Vừa định thần lại, hòa thượng trẻ ngước đầu lên trông thấy vị tôn giả đang ngồi đả tọa uy nghi trên tảng đá. Ngài ôn tồn giảng: “Bây giờ ta hỏi con, khi con buông cánh tay cuối cùng và rơi xuống hố, con có còn cảm thấy thế gian này có gì đáng yêu nữa không?”. 

“Thưa thầy, khi đối diện với sự sống và cái chết thì hết thảy mọi thứ trên đời đều trở thành vô nghĩa cả!”, hòa thượng trẻ đáp lời.

Vị tôn giả mỉm cười đầy từ bi, đoạn nói: “Đúng vậy, cõi thế gian hết thảy đều là mộng ảo, hư vô. Sắc thân tiêu tan thì tình ái cũng tan biến. Nếu con có thể nhìn thấu sắc thân vô thường thì những thứ ái tình quấn quanh, vốn trói buộc con cũng sẽ theo đó mà được cởi bỏ hết. Yêu thương, tình ái chính là căn nguyên của mọi phiền não, sinh tử vậy!”. 

Hòa thượng trẻ nghe lời thầy giảng, lập tức ngộ ra, cung kính quỳ xuống vái tạ. Từ đó trở đi, không còn ai trông thấy hòa thượng trẻ lang thang mơ màng nữa. Cậu chuyên tâm tu hành, trước sau cung kính, cuối cùng cũng chứng đắc được quả vị La Hán, có thể xuất khỏi Tam giới, được hưởng phúc trời.

Văn Nhược 

Exit mobile version