Đại Kỷ Nguyên

Đời người biết lấy khổ làm vui, dẫu cùng cực vẫn phiêu diêu tự tại giữa mây trời

Liễu Tông Nguyên có tài nhưng con đường hoạn lộ lắm trắc trở, chông gai. Ông bèn trút cả tâm tình vào thơ văn. Và khi rơi vào cảnh cùng cực bế tắc nhất, lại thấy được cảnh giới siêu thoát của thi nhân tài hoa này.

Trước hết, hãy điểm lại một chút về cuộc đời chìm nổi của nhà thơ trứ danh này.

Liễu Tông Nguyên (773-819), là nhà thơ, nhà văn, triết học gia đời Đường, tự Tử Hậu, người Giải, Hà Đông (nay là thị trấn Giải Châu, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây), nên cũng gọi là Liễu Hà Đông. Ông là tiến sỹ những năm Trinh Nguyên (Niên hiệu Đường Đức Tông, tháng 1 năm 785 đến tháng 8 năm 805), được bổ nhiệm chức Hiệu thư lang, rồi Lam Điền úy, rồi thăng chức Giám sát ngự sử lý hành. Do tham gia tập đoàn Vương Thúc Văn, ông bị giáng chức làm Tư mã Vĩnh Châu. Sau đó làm Thứ sử Liễu Châu, do đó được gọi là Liễu Liễu Châu. Ông cùng Hàn Dũ khởi xướng phong trào Cổ văn, được liệt vào “Đường Tống bát đại gia” (8 nhà văn thơ nổi tiếng nhất đời Đường – Tống), và được gọi là “Hàn Liễu”.

Phong cách thơ văn của Liễu Tông Nguyên thanh cao chót vót, được gọi cùng với Lưu Vũ Tích là “Lưu Liễu”, được gọi chung với Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Vi Ứng Vật là “Vương Mạnh Vi Liễu”.

“Ngư ông” là một trong những bài thơ tiêu biểu của Liễu Tông Nguyên. Bài thơ này miêu tả được nội tâm an tĩnh thông qua hình ảnh ngư ông giữa nơi sơn thủy, nói lên nỗi lòng của tác giả sau thất bại trong cải cách chính trị, thân chịu nhiều công kích, đã tìm được cảnh giới tâm hồn siêu thoát.

Bài thơ như một bức tranh phong cảnh trữ tình bay bổng, tràn đầy màu sắc, cảnh giới kỳ diệu rung động lòng người. Trong đó 2 câu “Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân, ái nãi nhất thanh sơn thủy lục” được mọi người đặc biệt ca ngợi.

Tranh vẽ chân dung Liễu Tông Nguyên. Ảnh dẫn theo catalog.digitalarchives.tw

Nguyên văn:

Ngư ông

Ngư ông dạ bạng tây ngạn túc,
Hiểu cấp thanh Tương nhiên Sở trúc.
Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân,
Ái nãi nhất thanh sơn thủy lục.
Hồi khán thiên tế hạ trung lưu,
Nham thượng vô tâm vân tương trục.

Diễn nghĩa:

Trời  tối, ngư ông dựa thuyền tây sơn ngủ,
Sáng sớm, dậy lấy nước nổi lửa nấu cơm.
Mặt trời lên, sương sớm tan hết, bốn bề lặng ngắt không bóng người,
Ngư ông khua mái chèo, bì bõm một tiếng, núi xanh nước biếc hiện ra trong tầm mắt
Nhìn lại phía chân trời, nước sông cuồn cuộn chảy về đông,
Mây trắng trên núi, du nhiên tự tại nhẹ trôi.

Dịch thơ:

Thuyền câu ngủ ghé non tây,
Dòng Tương, tre Sở sáng ngày nấu ăn,
Khói tan trời nắng vắng tanh,
Tiếng vang nước biếc non xanh một chèo.
Xuôi dòng ngoảnh lại trời cao,
Đầu non mấy đám mây theo lững lờ.

(Bản dịch của Tản Đà)

Liễu Tông Nguyên làm bài thơ sơn thủy này ở Vĩnh Châu (Linh lăng, Hà Nam ngày nay). Năm 806 (Năm Nguyên Hòa thứ nhất Đường Hiến Tông), Liễu Tông Nguyên do tham gia Vĩnh Trinh cách tân nên bị giáng đày xuống Vĩnh Châu, bao hoài bão tan tành mây khói. Ông chịu đòn chính trị nặng nề, gửi tình vào non nước quê người, đã sáng tác “Vĩnh châu bát ký nổi tiếng”, đồng thời viết rất nhiều bài thơ ngâm nga ca ngợi bóng hồ sắc núi Vĩnh Châu, và Ngư ông tà một tác phẩm tiêu biểu trong số đó.

Bài thơ này tình cảm dạt dào, nhà thơ dùng ngòi bút đạm dật thanh (nhạt, trong veo) vẽ lên bức tranh sơn thủy buổi sáng làm say mê lòng người, từ đó thấy được thế giới nội tâm đầy nhiệt huyết, sâu sắc của ông.

Liễu Tông Nguyên làm bài thơ sơn thủy này ở Vĩnh Châu, dùng ngòi bút đạm dật thanh (nhạt, trong veo) vẽ lên bức tranh sơn thủy buổi sáng làm say mê lòng người. Ảnh dẫn theo blog.163.com

Bài thơ với tiêu đề ‘ngư ông’, ngư ông là hình ảnh trung tâm, xuyên suốt trong bài thơ, nhưng nhà thơ không chỉ vẽ một mình ngư ông, ý vị bài thơ cũng không chỉ ở trên hình ảnh ngư ông. Xem hết bài thơ, không chỉ có hình ảnh ngư ông lao động vất vả không ngừng, vẫn còn có ngư ông giữa trời đất non xanh nước biếc, cả hai trong thơ đều theo đặc điểm quy luật riêng của mình thay đổi, phát triển, biến ảo. Nhưng nhà thơ cũng để ngư ông và cảnh sắc tự nhiên hòa tan vào nhau, trở thành một thể không tách rời cùng hiển thị nhịp điệu cuộc sống và kỳ thú nội tại.

Từ đêm đến sáng, là thời khắc vạn vật phục sinh, bừng bừng sức sống. Bài thơ lấy đó làm sợi dây phát triển cảnh sắc. Do vậy cử chỉ hành động không ngừng thay đổi của ngư ông và cảnh sắc tự nhiên biến ảo không ngừng có chỗ dựa là thời gian chung, đạt được sự thống nhất cực kỳ hài hòa.

Bài thơ 6 câu, theo trình tự thời gian, chia làm 3 tầng thứ.

Ngư ông dạ bạng tây ngạn túc,
Hiểu cấp thanh Tương nhiên Sở trúc

(Thuyền câu ngủ ghé non tây,
Dòng Tương, tre Sở sáng ngày nấu ăn,)

Hai câu đầu là cảnh tượng từ đêm đến rạng sáng. Ngư ông là hình tượng gây chú ý trong 2 câu này, ông đêm ngủ bên núi, sáng lấy nước đốt tre lấy lửa, dùng hình tượng bận rộn để biểu thị thời gian thay đổi. Theo hoạt động của ngư ông, tác giả rất tự nhiên đặt bút đến Tây nham, Thanh Tương, Sở trúc (Đá núi tây, sông Tương trong vắt, tre nước Sở). Tây nham là núi Tây Sơn ở Vĩnh Châu, Liễu Tông Nguyên “Thủy đắc Tây Sơn du ký” đã nói lên nỗi vui mừng được đến núi Tây Sơn và miêu tả Tây Sơn cao vòi vọi: “Ở trên đình Tây Sơn thì đất đai mấy châu đều như mảnh chiếu”. Mà dòng sông Tương Thủy chảy qua núi Tây Sơn thì “rất trong, tuy sâu 5, 6 trượng (17-20m) mà vẫn nhìn thấy đáy” (“Tương trung ký”).

Trong bài thơ, chữ “Thanh” nói lên đặc điểm này. Hơn nữa, vùng Vĩnh Châu (Linh Lăng, Hồ Nam ngày nay) có rất nhiều trúc, thế là sơn, thủy, trúc dường như là những vật đơn lẻ, tự nhiên xuất hiện trong bài thơ, nhưng trong lòng độc giả lại cấu thành bức tranh hoàn chỉnh, rõ nét: Màn sương như tấm lụa mỏng phủ lên ngọn núi cao, dòng sông, rặng trúc…  Tư Không Đồ trong “Thi phẩm” có nói: “Có các dấu tích chân thực, mà như là không thể biết được, ý tưởng chực tuôn, tạo hóa thần kỳ”, đã khái quát đặc điểm thể hiện nghệ thuật của hai câu thơ trong bài thơ này. Hai câu này vẽ lên bức tranh không gian tú lệ vui tươi, lại dùng cảm nhận thời gian lưu chuyển, màn đêm buông xuống, nắng sớm hé lên dẫn dắt miêu tả mặt trời mọc. Có thể nói hai câu thơ đã đặt ra các nét cơ bản hoạt bát, thanh nhàn cho toàn bộ bài thơ trên hai mặt thời gian và không gian.

Sau khi mặt trời mọc, bức tranh càng rộng mở. Lúc này con thuyền đã ra giữa dòng, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy trên đỉnh núi những đám mây trắng đang phiêu du. Ảnh dẫn theo tranhviet.com.vn

“Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân,

Ái nãi nhất thanh sơn thủy lục”

(Khói tan trời nắng vắng tanh,
Tiếng vang nước biếc non xanh một chèo)

Đây là câu tuyệt diệu nhất thấy được công lực của nhà thơ, cũng là tinh hoa của toàn bộ bài thơ. Hai câu miêu tả cảnh như sau: Một mặt là cảnh tự nhiên, mặt trời mọc, sương khói tan, non nước bỗng xanh biếc một màu; Mặt khác là hành tung của ngư ông: con thuyền rời bờ bơi đi, không gian văng vẳng tiếng mái chèo. Nhưng nhà thơ đã không theo logic cuộc sống này để tạo cấu trúc thơ, mà lại xuất phát từ cảm thụ của chính mình. Hai cảnh tượng trên được đan xen vào nhau, càng biểu hiện rõ nét sự thay đổi tinh tế kỳ diệu của tự nhiên.

Câu đầu “Yên tiêu nhật xuất” và “bất kiến nhân”, thứ nhất là cảnh thường thấy lúc mặt trời mọc, thứ hai là đột nhiên nhận thấy không biết con thuyền đã lặng lẽ ra đi lúc nào, cả hai đều không có mối liên hệ tất yếu, nhưng ở đây lại cùng trong một câu thơ, lại gợi lên nhiều trí tưởng tượng: Phảng phất trong tích tắc mặt trời ló lên, trời đang tối bỗng bừng sáng, vạn vật từ mông lung vụt chuyển sang rõ nét, lúc này mới bỗng phát giác con thuyền đã biệt vô tông ảnh.

“Bất kiến nhân” – cảm nhận đột ngột này đã trở thành một tiêu chí, vạch phân định trước và sau lúc mặt trời mọc. Mặt trời mọc trong cuộc sống hiện thực được nhấn mạnh bởi nghệ thuật, với tiết tấu khoa trương hiện ra trước mắt người đọc. Tiếp theo là “Ái nãi nhất thanh” và “Sơn thủy lục” làm cho âm thanh mà tai nghe thấy và cảnh tượng mà mắt nhìn thấy có mối liên hệ nương tựa lẫn nhau.

Sáng tinh sương, non nước thay đổi theo sắc trời, màu sắc từ tối sang sáng, là quá trình thay đổi từ từ. Nhưng trong thơ, cùng với âm thanh phá bầu không yên tĩnh, vạn vật xanh một màu. Chữ “Lục” này không chỉ hiện lên chức năng của màu sắc, nó còn đem đến cho chúng ta cảm giác sinh động. Bất giác nó gợi chúng ta câu thơ nổi tiếng của Vương An Thạch: “Xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn” (Gió xuân xanh ngắt bờ Giang Nam).

Vương An Thạch mượn gió xuân thổi đã tạo ra động thái cho chữ “Lục” này. Liễu Tông Nguyên lại mượn âm thanh vụt vang lên, không chỉ tạo ra động thái, mà còn tạo ra cảm giác nhanh chóng thay đổi trong khoảnh khắc, đã thể hiện sinh động cảnh tượng lúc mặt trời mọc, làm người đọc cảm thấy thần kỳ.

Gotthold Ephraim Lessing, nhà lý luận nghệ thuật thời kỳ Khai sáng của Đức khi chỉ ra sự khác biệt giữa thi và họa đã nói: “Tất cả vật thể không chỉ tồn tại trong không gian, mà còn tồn tại trong thời gian. Vật thể cũng liên tục, mỗi khoảnh khắc trong thời gian liên tục của nó đều có thể xuất hiện dáng vẻ khác nhau, đồng thời có quan hệ khác nhau với các sự vật khác. .. Thơ trong khi mô phỏng tính liên tục của vật thể, chỉ có thể vận dụng thuộc tính nào đó của nó, cái lựa chọn nên là cái thuộc tính, nhìn từ quan điểm thơ muốn vận dụng nó, có thể gây ra hình tượng cảm tính sinh động nhất của vật thể”.

Liễu Tông Nguyên không thể hiện cảnh huy hoàng tráng lệ khi mặt trời mọc, hoặc thế giới rực sáng sau khi mặt trời mọc một cách tĩnh lặng, ông nắm bắt khoảnh khắc mặt trời ló lên có sức sống nhất, giàu sinh khí nhất, đã thể hiện cảnh tượng tự nhiên thường thấy trong cuộc sống còn đẹp hơn sơ với thực tại, đem lại sức truyền cảm mãnh liệt cho người đọc.

Tô Đông Pha bình luận bài thơ này như sau: “Bài thơ lấy kỳ thú làm tông chỉ, thú vị ở chỗ khác thường mà hợp đạo, càng ngâm nga bài thơ này, càng thấy kỳ thú” (“Lãnh trai thi thoại”). Đây là đánh giá đúng mức nhất về bài thơ này.

(Ảnh dẫn theo gushixuexi)

“Hồi khán thiên tế hạ trung lưu,
Nham thượng vô tâm vân tương trục”

(Xuôi dòng ngoảnh lại trời cao,
Đầu non mấy đám mây theo lững lờ.)

Sau khi mặt trời mọc, bức tranh càng rộng mở. Lúc này con thuyền đã ra giữa dòng, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy trên đỉnh núi những đám mây trắng đang phiêu du, cứ như thể vô tâm, vô tư theo sau vậy, thi cảnh cực du nhàn điềm đạm.

***

Một Liễu Tông Nguyên đầy tài năng và nhiệt huyết, bột bồ kinh luân với hoài bão chí lớn báo đáp quốc gia, vỗ yên bách tính, con đường quan lộ đang mở rộng thênh thang, phút chốc sự nghiệp tiêu tan, giáng đày nơi sơn cùng thủy tận, vùng hoang sơ nghèo đói “chó ăn đá gà ăn sỏi”.

Liễu Tông Nguyên trong thơ đã nhiều lần nói lên tâm trạng nặng nề đè nén sau khi bị giáng chức đi đày, trong “Dữ Dương Hối chi đệ nhị thư”, ông viết: “Đến Vĩnh Châu đã 7 năm, bọ chét đêm đêm kinh sợ”. Hoài bão lý tưởng và hiện thực tàn khốc đã sinh ra mâu thuẫn gay gắt, trong tình trạng đau buồn phẫn uất cực độ.

Trong “Thủy đắc Tây Sơn yến du ký”, Liễu Tông Nguyên biểu lộ càng rõ nét: “Từ khi ta bị làm kẻ nhục nhã, tiếng là ở Châu, thường nơm nớp cái lo cơm gạo, lúc rảnh rỗi thì túc tắc mà làm, từ từ mà chơi”.  

Với người bình thường, chắc đã không sống nổi bởi nỗi nhục nhã và cùng cực cả về thân xác và tâm hồn. Nhưng với Liễu Tông Nguyên, người am hiểu Nho – Thích – Đạo từ tuyệt cảnh ngộ ra chân lý, lấy khổ làm vui, ông “lấy cuốc thay xẻng, đào suối lấy nước trồng rau ăn, lúc rảnh rỗi đào ao ngòi, trồng cây cảnh, đi hát ca, ngồi câu cá, ngắm trời xanh mây trắng, lấy làm mãn nguyện”. Ông hòa mình vào tự nhiên, đồng hóa với thiên nhiên rộng lớn.

Cũng giống như Lão Tử từng nói: “xem sống chết như ngày đêm, họa với phúc cũng như nhau, lành cũng như dữ, không sang, không hèn, không vinh, không nhục”. Vậy nên, Liễu Tông Nguyên lúc nào cũng ung dung tự tại, phiêu du cùng trăng gió mây trời, du nhàn cùng non xanh nước biếc, chính là cảnh giới của bậc đắc Đạo siêu thoát vậy.

Hải Sơn biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version