Con người chỉ khi nhận thức được và nắm bắt chính xác về bản thân, cả đời mới có thể sống một cách có ý nghĩa và minh bạch hơn.
Trong đó có những nguyên tắc nên theo và có những điều cấm kỵ nên tránh.
Điều cấm kỵ thứ nhất: Tiếc nuối
Trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long” có câu thoại đại ý rằng:
Khi bạn nắm chặt hai tay, không có bất cứ thứ gì bên trong đó, nhưng khi bạn mở rộng bàn tay, thể giới đều ở trong lòng bàn tay bạn.
Nhiều lúc, lý do khiến người ta mệt mỏi chính là bởi tiếc nuối quá nhiều thứ, điều nên từ bỏ lại tiếc nuối không muốn từ bỏ, việc không nên cố chấp thì nhất định kiên trì. Thời gian lâu dần, không những mệt người mà lòng cũng đau khổ.
Leo Tolstoy trong cuốn tiểu thuyết How Much Land Does a Man Need? (tạm dịch: Một người cần bao nhiêu đất đai?) kể một câu chuyện thế này:
Pahom vốn chẳng phải lo lắng về cái ăn cái mặc, nhưng anh ta cả ngày u sầu vì tìm cách thuê đất để có nông trại của riêng mình. Tình cờ nhờ một thời cơ tốt, Pahom đã có được nông trại mà anh ta muốn, gia sản cũng vì thế mà không ngừng tăng lên, cuộc sống của anh cũng ngày càng tốt hơn.
Nhưng Pahom rất tham lam, anh ta không hài lòng về điều này và cố gắng mở rộng thêm càng nhiều đất đai càng tốt.
Với sự thúc giục của ham muốn, Pahom yêu cầu người hầu của mình nhanh chóng đi đến những nơi xa để tìm kiếm nhiều đất đai hơn.
Cuối cùng, anh ta vì quá tham lam, trong lòng không yên dẫn đến thổ huyết mà chết. Sau khi chết đi, người hầu của anh ta phát hiện, thực ra, thứ mà Pahom cần chỉ là một mảnh đất chôn thân dài khoảng 1m8.
Muốn có càng nhiều, cái gì cũng không nỡ từ bỏ, cuối cùng lại chẳng có được gì, ngược lại có khi mất đi cả sinh mạng.
Người có trí tuệ thực sự là người có thể cho đi và dám cho đi. Như câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn có thể từ bỏ tôn nghiêm nhất thời, mà có được bá nghiệp phục quốc sau này. Hay như Tiền Chung Thư có thể từ bỏ nhiều bài phỏng vấn hào nhoáng mới có thể thanh tĩnh an tâm sáng tác.
Đôi khi chỉ là những điều nhỏ bé, như từ bỏ những xã giao xã hội không cần thiết mới có thể có thời gian ở bên gia đình mình. Từ bỏ nhiều khát vọng, mới có thu hoạch được một cuộc đời vui vẻ đơn giản.
Chịu từ bỏ là một dạng lĩnh ngộ, một dạng rộng lượng, một dạng trí tuệ, cũng là một dạng cảnh giới của đời người.
Chịu bỏ cái nhỏ có được cái nhỏ, chịu bỏ cái lớn có được cái lớn, không bỏ cũng không có được gì.
Chỉ những người biết cách đưa ra lựa chọn, kiên trì với những gì họ nên kiên trì và từ bỏ những gì họ nên từ bỏ, mới có thể sống một cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội trọng vật chất.
Điều cấm kỵ thứ hai: Không thua được
Có câu chuyện rằng, cả ngựa trắng và ngựa đen đều muốn trở thành những con ngựa chạy nhanh nhất trên thảo nguyên. Bất cứ khi nào có cuộc thi đua ngựa, chúng đều đăng ký với sự tự tin, nhưng lần nào cả hai cũng thua cuộc.
Sự tự tôn và tự tin của ngựa trắng chịu đả kích lớn, từ đó, nó không tham gia bất cứ cuộc thi nào nữa, cũng từ bỏ luôn việc luyện tập. Còn ngựa đen thì càng tăng cường luyện tập, không bỏ bất cứ cơ hội thi đua nào, nhưng nó vẫn thua rất nhiều lần.
Ngựa trắng hỏi ngựa đen: “Mỗi lần cậu tham gia kỳ thi đều không đạt được hạng nhất, không sợ người khác cười sao?”.
Ngựa đen cười nhẹ rồi nói: “Tôi không sợ thua, càng không sợ người khác chê cười. Mặc dù không có được hạng nhất, nhưng tôi thu hoạch được rất nhiều kinh nghiêm quý báu”.
Trời thưởng cho người siêng năng. Một năm nọ, ngựa đen giành được chức vô địch trong cuộc đua ngựa ngàn dặm hàng năm trên thảo nguyên.
Trên bục vinh quanh, ngựa đen nói: “Muốn chiến thắng, thì không sợ thua, đối thủ thật sự của cuộc thi thực tế là chính bản thân mình”.
Đúng vậy, trong cuộc sống, khiến người ta bước đi nặng nề, không phải là những gập ghềnh của đường đi mà chính là tâm lý rút lui của con người. Khiến con người sa sút tinh thần, không phải là đả kích của thất bại mà là tư tưởng nản lòng của bản thân.
Đời người thực tế là một quá trình trưởng thành không ngừng trong sự thất bại. Người có tầm nhìn không sợ thất bại, và người kiên trì không sợ thua cuộc. Bởi vì, họ biết rằng, không phải cả đời đều như ý, một lần thất bại không có nghĩa là cả đời thất bại.
Con người, không thể vì sợ gục ngã mà không bước đi, chỉ cần có thể đứng lên được thì đừng sợ gục ngã.
Thua không đáng sợ, đáng sợ là thua mà không đứng dậy được.
Đời người thực tế là một quá trình trưởng thành không ngừng trong sự thất bại.
Điều cấm kỵ thứ 3: Không buông bỏ được
Triết gia người Hy Lạp cổ đại Socrates từng gặp một người thất tình, nhìn bộ dạng đau khổ của anh, nhịn không được mà khai sáng cho anh ta. Người thất tình không hề bị lay chuyển, thở dài nói: “Sự hối tiếc và mất mát này, ngài không phải là người trong cuộc làm sao hiểu được”.
Socrates vẫn kiên trì khai sáng cho anh ta: “Mất đi thì cũng đã mất rồi, sao không tiếp tục tiến về phía trước, những quả nho tươi ngon vẫn còn rất nhiều. Hãy cảm ơn người đã bỏ cậu mà đi, chúc phúc cho cô ấy”.
Người thất tình tỏ vẻ kinh ngạc: “Cảm ơn cô ấy, tại sao chứ?”.
Socrates trả lời: “Bởi vì cô ấy cho cậu một cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc mới”.
Điểm yếu nhất của con người, luôn luôn có liên quan với việc không buông bỏ được. Việc không buông bỏ được một đoạn tình cảm sớm đã chết yểu, một người quả quyết rời bỏ mình, quả thật sau này nghĩ lại sẽ thấy rất không đáng. Khi bạn lưỡng lự và chìm đắm trong việc buông tay hay không buông tay, hạnh phúc ngay trước mắt mà bạn nên trân trọng cũng đi qua mất.
Cầm một cốc nước lâu tay sẽ mỏi, vác một chiếc túi lâu vai sẽ mỏi, một người trong lòng có quá nhiều thứ, thời gian dài sẽ bị áp lực nghiền nát.
Nhà văn hiện thực người Pháp Honoré de Balzac từng nói:
Trong sóng gió lớn của cuộc đời, chúng ta cần phải học cách của những người thuyền trưởng, vứt bỏ hàng hóa nặng nề, để giảm trọng lượng cho con tàu.
Con thuyền của cuộc sống cũng không thể chịu đựng quá nhiều chấp niệm, không thể chịu quá nhiều ràng buộc.
Khi nỗi đau của quá khứ trộn lẫn với những rắc rối của hiện tại, đó là một cực hình tinh thần cho bất cứ ai, chúng cũng không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Vì thế, có một số người cần buông bỏ thì nên buông bỏ, có một số chuyện cần quên đi thì nên quên đi. Đừng để những người không đáng được trân trọng và những chuyện không đáng để ghi nhớ, cất giữ trong trái tim mình.
Khi có được, học cách trân trọng, khi mất đi, học cách cảm ơn. Buông bỏ quá khứ, chia tay với những gì đã qua, không để ký ức trở thành sự ràng buộc, đây không phải là một sự mất mát, mà là một sự giải thoát, bỏ qua cho chính bản thân mình.
Điều cấm kỵ thứ tư: Không nhìn rộng được
Trong cuốn Lã bàng chính cách ngôn có viết: “Thời cơ, vận mệnh và vận may, chúng ta đều không thể nắm bắt được hoàn toàn” (Thời dã, mệnh dã, vận dã, phi ngộ chi sở năng dã)
Đây không phải là sự bất lực và bi quan tiêu cực về thực tế, mà là nhìn rộng ra một chút. Những người có thể nhìn thoáng, nhìn rộng, thì cho dù gặp phải những khó khăn như thế nào, tâm trạng vẫn rất tích cực.
Nhà triết gia Hy Lạp Epictetus từng nói:
Chúng ta thường không bị bản chất của sự việc làm khó, mà bị chính cách nhìn nhận và quan điểm về vấn đề của chúng ta làm khó.
Cả đời người, chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều điều không như ý, bạn giữ thái độ sống như thế nào thì bạn sẽ có cuộc sống như thế.
Gặp chuyện có thể nhìn rộng, nhìn nhận vấn đề một cách thản nhiên, nở nụ cười đối mặt với cuộc sống, thì mới có thể nhìn xuyên qua sương mù, có được ánh sáng trong đêm tối tăm.
Con người sống ở trên đời, nếu sợ gặp phải những khó khăn trong sự nghiệp, những thất bại trong tình cảm, những cú sốc trong cuộc sống, khi gặp chuyện sẽ có những cảm xúc bi quan tiêu cực, thì không cách nào thoát khỏi trầm cảm và tự làm hại bản thân mình.
Trong đời, mỗi người đều gặp phải những con đường không thể đi qua được, những đạo lý không thể nhìn thấu được và những người không thể đoán định được. Cũng sẽ trải qua rất nhiều khó khăn và cản trở, gặp phải những cay đắng và đau khổ, va phải những chuyện bất lực và không nắm bắt được, đi qua rồi, quay đầu nhìn lại, cũng chẳng qua là chuyên thường thôi.
Vạn sự nhìn rộng rồi, chính là trí tuệ, cũng là sự trưởng thành.
Nhìn không rộng, thì sẽ trở thành một gánh nặng tâm lý, một cực hình. Gặp chuyện có thể nhìn rộng hơn, tâm tình cũng đơn giản hơn và cả người cũng nhẹ nhàng hơn.
Cả đời người, nói ngắn cũng không ngắn, nói dài cũng không dài. Sống tốt hay không, sống mệt mỏi hay không, đều là do bản thân suy nghĩ như thế nào, hành động như thế nào.
Chịu cho đi, mới có được nhiều.
Thua được mới có được chiến thắng trong tương lai.
Buông bỏ được, mới có thể cầm lên được.
Nhìn rộng được, mới có được sự tự tại.
Ngọc Linh
Theo Secretchina