Đại Kỷ Nguyên

Đời người có một báu vật không thể đánh mất, chính là lòng lương thiện

Ngày xưa có một vị thương nhân giàu có nổi tiếng là người hào phóng rộng lượng. Phàm là người khốn khó, đến cửa nhà ông đều không ra về trắng tay. Có đôi lần, người ta hỏi xin những thứ mà ông vô cùng trân quý. Lúc ấy vị thương nhân thường nhíu mày, nắm chặt tay rồi thốt lên: “Không được, nhất định không thể để mất!” rồi sau đó lại đem vật phẩm tặng cho người kia. Lời nói và hành động mâu thuẫn của vị thương nhân khiến nhiều người thắc mắc.

Một lần, một bà lão ăn mày già nua lưng còng nặng nhọc lê bước đến trước nhà ông. Bà lão nói:

– Lão đây lưng đã còng mà không có nổi một chiếc gậy để chống. Nghe nói tiên sinh có một chiếc gậy bằng gỗ quý, loại gỗ này mùa đông cầm vào thì ấm, mùa hè cầm vào thì mát, dìm xuống nước không mục, ném vào lửa không cháy. Lão đây không nhà, không con cái, rất cần một chiếc gậy như thế để phòng thân. Tiên sinh có thể nhường lại cho lão không?

Vị thương nhân thoáng chút ngạc nhiên, rồi từ tốn đáp:

– Thưa cụ, quả là tôi có một cây gậy bằng gỗ, nhưng nó không thể sưởi ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè, nó sẽ mục nát khi bị ngâm trong nước quá lâu và sẽ bị cháy thành tro khi ném vào lửa. Tôi không tiếc gì cây gậy ấy mà sẵn sàng tặng lại cho cụ. Chỉ có điều, chiếc gậy này là do đích thân Quan phủ đại nhân ban thưởng, tôi không dám mạo phạm Ngài.

Bà cụ dường như không nghe thấy lời vị thương nhân nói, vẫn khăng khăng:

– Cây gậy ấy là ước nguyện duy nhất của lão. Lão không còn sống được bao lâu nữa, nếu không có cây gậy này thì chi bằng chết đi là hơn.

Vị thương nhân nghe vậy thì nhíu mày, nắm chặt tay rồi thốt lên: “Không được, nhất định không thể để mất!”, rồi sau đó đi lấy cây gậy quý tặng cho bà lão.

Bà lão được gậy thì vô cùng vui sướng, cảm tạ xong bà hỏi:

– Tôi nghe tiên sinh nói “Không được, nhất định không thể để mất!”, nhưng sau đó lại đem gậy nhường cho tôi, thế là ý gì vậy?

(Ảnh minh họa: theepochtimes.com)

Vị thương nhân cung kính trả lời:

– Thưa cụ, trong nhà tôi có nhiều của cải và vật báu, tôi đều có thể đem cho nếu người khác cần nó hơn tôi. Chỉ duy có một thứ mà tôi trân quý nhất trên đời, đó chính là tấm lòng lương thiện! Không có lương thiện thì con người chỉ ngang cầm thú, súc sinh. Nếu tôi tiếc của mà bỏn xẻn với người, thì tôi đã đánh mất sự lương thiện đó, thế nên tôi thà đem cho vật báu chứ nhất định phải giữ lại lòng lương thiện.

Bà lão nghe xong, mỉm cười từ bi nhìn vị thương nhân, gật đầu rồi đáp:

– Lành thay! Lành thay! Thời buổi thế đạo suy đồi, vẫn còn người lương thiện như con. Vậy con có biết, chiếc gậy này quý ở chỗ nào không?

Không phải vì nó do Quan phủ đại nhân ban thưởng mà trở nên quý giá. Nó trở nên quý giá chính nhờ tấm lòng lương thiện của con đó. Lòng lương thiện có thể sưởi ấm con người trong mùa đông giá rét, làm tan chảy sự thờ ơ lạnh lùng, khiến người với người xích lại gần nhau hơn. Lòng lương thiện có thể làm dịu mát cái nóng bức của mùa hè, người đang nóng nảy sân hận cũng sẽ được cảm hoá. Lương thiện là báu vật vô giá nhất của con người, chìm trong nước không mục rữa, ném vào lửa không cháy. Nó vượt qua tất cả giới hạn của thời gian và không gian.

Bà lão nói đến đây, vị thương nhân không khỏi kinh ngạc, ông cho rằng đằng sau dáng vẻ già nua kia hẳn phải là một bậc Tiên nhân có đạo hạnh cao thâm. Bà lão căn dặn:

– Con hãy nhớ: Xả bỏ mọi thứ trên thế gian, nhất định phải gìn giữ thiện tâm. Phải tinh tấn tu hành, đạt đến độ xả bỏ tất cả mà tâm bất động. Làm được như thế, con sẽ thoát khỏi luân hồi sinh tử, bước vào Thiên quốc.

Bà lão nói xong thì hoá thành một làn mây mỏng, tan biến vào không trung. Vị thương nhân sau này nhất tâm tu Thiện, nhiều năm sau ông không bệnh mà tạ thế, thần sắc vẫn tươi tỉnh hồng hào. Có người nhìn thấy nguyên thần của ông trong trang phục đạo sỹ uy nghi thoát tục, nhẹ nhõm siêu thăng. Câu chuyện về cây gậy của vị thương nhân được người đời truyền tụng.

Thanh Ngọc

Exit mobile version