Đại Kỷ Nguyên

Đời người tích đức hay tích của? Đời người tích của xả đức liệu rồi sẽ ra sao?

Đạo đức ngày nay dần trở thành danh từ gắn với kẻ “ngốc nghếch”, có người nói: “Tích của thì còn có cái mà dùng, Tích đức có bỏ ra ăn được không?” Hai câu chuyện sau xảy ra trong triều đại nhà Thanh dưới đây là câu trả lời xác đáng.

1. Khương Nguyên Long

Khương Nguyên Long là một phú giả nông điền ở huyện Kim Sơn. Đa phần tài sản có được đều là dùng tâm kế mà có.

Ông ta chuyên cho vay nặng lãi, thấy nhà ai có ruộng nương tốt, liền đợi thời cơ khi họ gặp lúc khó khăn, cho vay lãi. Vì lãi rất cao nên thường thì người vay ít có cơ hội trả được, lúc đó Khương Nguyên Long sẽ thu ruộng đất khấu trừ. Cứ như vậy, trong vòng 20 năm, ông ta trở thành phú gia, ruộng điền nghìn mẫu.


Phú gia Khương Nguyên Long nghìn mẫu ruộng. (Ảnh minh họa)

Sau này Khương Nguyên Long sinh được một người con trai, tên là Khương Đức Chương, tính tình lười biếng, không chịu lo liệu việc nhà. Mới 20 tuổi nhưng đã là một tên cờ bạc rượu chè ăn chơi sành sỏi, mỗi lần ra khỏi cửa đều mang mấy tờ khế ước ruộng đất đi đánh bạc. Khương Đức Chương thường hay dùng khế ước ruộng đất để mượn 10 lượng ngân lượng lãi cao của người ta, sau đó đem ngân lượng đi đánh bạc thua sạch. Đợi đến ngày thứ 2, khi Khương Đức Chương đi ghi giấy nợ, có người lại cố ý gạt anh ta: “Hôm qua anh mượn tôi 50 lượng, làm sao qua một đêm đã quên rồi sao?“, Khương Đức Chương cũng không buồn tranh luận với người ta, liền ghi luôn giấy nợ 50 lượng. Có lẽ cũng không nghĩ đến chuyện trả tiền cho người ta để chuộc khế ước về, vì thế trong vòng 10 năm mà gia sản tiêu tán, cuối cùng chết vì đói.

2. Chu Thánh Chương

Chu Thánh Chương là người huyện Đan Dương, gia cảnh vốn dĩ rất bình thường. Vào một năm Càn Long, lúa mì được mùa, 10 đấu có 200 đồng (mỗi đấu bằng 10 lít, đây là hệ thống đo lường thóc gạo ngày xưa), gia đình nhà Chu Thánh Chương ruộng điền trăm mẫu bội thu, được nhiều hơn gia đình nhà khác. Năm đó Chu Thánh Chương lại gom góp được một số tiền, toàn bộ đều đem đi mua hết lúa mì. Tất cả được gần 4 vạn đấu, đến mùa xuân và mùa thu năm thứ 2, địa phương mất mùa, lúa mì được giá, lúc đó Chu Thánh Chương vẫn đóng cửa không bán, đợi đến cuối năm, khi có lũ lụt đến, người dân xung quanh không có gì ăn, tất cả đều đến tìm Chu Thánh Chương mua, lúc đầu Chu Thánh Chương cũng nhất quyết không bán, đợi đến khi người khác không thể chịu đựng được nữa mới chấp nhận đổi 10 đấu lúa mì lấy 1 mẫu ruộng, hơn thế trong lúa mì còn bị trộn lẫn vỏ chấu. Chu Thánh Chương tổng cộng đã dùng gần 4 vạn đấu lúa mì đổi lấy được gần 5 vạn mẫu ruộng. Vốn là người keo kiệt, lại cộng thêm giỏi tích cóp, mấy năm sau ruộng điền của Chu Thánh Chương có tới trên vạn mẫu, tiền bạc như núi.


Phú ông giàu có, tiền bạc như núi nhưng keo kiệt. (Ảnh minh họa: internet)

Nhưng Chu Thánh Chương lại không thể sinh được con trai, mãi tới năm 68 tuổi mới sinh được con trai, Chu Thánh Chương đặt tên là Chu Lục Bát, Lục Bát chưa được 10 tuổi thì Chu Thánh Chương qua đời, sau này khi Lục Bát trưởng thành, xem tiền bạc như cỏ rác, mỗi khi ra ngoài đều đem theo rất nhiều ngân lượng, tiêu hết mới chịu quay về. Thậm chí có khi tiêu không hết liền vứt bên đường.

Thời kỳ đó, đất nước thực thi chế độ “kho xã”, (chọn một gia đình để làm kho chứa lương thực của quốc gia cho địa phương, giữ không tốt sẽ phải đền lại), việc xấu rơi ngay vào gia đình Lục Bát. Người dân địa phương thấy Lục Bát nhu nhược yếu đuối vì thế luôn bắt nạt, người đến vay thóc gạo là đều một đi không trở lại, không khi nào trả thóc gạo đã mượn. Việc này cứ thế diễn ra khiến cho mỗi năm gia đình Lục Bát phải bồi thường vô số, Lục Bát lại là người ham mê cờ bạc, mỗi lần chơi đều là ngàn lượng vì thế gia cảnh ngày càng suy yếu, dựa vào việc bán gia sản sống qua ngày, thậm chí ruộng điền bán còn không kịp viết kế ước, chỉ trong mấy năm, toàn bộ gia sản bị tiêu tán sạch, tới khi chết thì không còn cả có nhà mà ở, con của Lục Bát phải sống khó khăn cùng cực, đi làm gác cửa kiếm cơm sống qua ngày.

Người dân nơi đây, sau này có câu nói cửa miệng khi mắng con cái hư đốn, phá gia chi tử đều mắng “đồ Lục Bát”.

Qua hai câu chuyện trên chúng ta có thể thấy  phúc phận do đức mà thành, tổ tiên sống không có đức, không tích đức hành thiện, con cháu sẽ bại gia vô phúc. Ác có ác báo, người mà ức hiếp người khác, con cháu của họ sẽ gặp báo ứng, hoặc giả cuối đời hay kiếp sau của họ cũng sẽ chịu nghiệp báo đeo thân.

Đúc kết lại, một con người mà vì tiền buông bỏ nhân tính, sống đời vô đạo thử hỏi có gì là tốt…?

Minh Vũ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version