Vào thời nhà Thanh, có một người đàn ông tên là Thịnh Sinh ở Tú Thủy, bản tính nhân hậu, bình sinh chưa bao giờ tranh cãi với người khác. Một trong những người anh họ của ông làm huyện lệnh ở Quảng Đông, nên Thịnh Sinh đã đến Quảng Đông làm thuê cho anh họ, làm công tác văn thư. Ông và huyện thừa (tương đương phó huyện trưởng ngày nay) làm việc rất ăn ý với nhau. 

Một ngày nọ, huyện thừa bày rượu mời Thịnh Sinh, khi nha dịch mang bát đĩa lên, vô ý đánh đổ bát canh làm bẩn y phục của Thịnh Sinh. Huyện thừa đại nộ, gọi người gác cổng vào, dùng dây xích sắt quấn cổ nha dịch, trói ở sảnh đợi đến khi bữa tiệc kết thúc rồi sẽ dùng gậy đánh anh ta. Nhưng Thịnh Sinh rất thản nhiên, không có ý oán trách, mà bình tĩnh nói: “Lỗi của anh ta là vô tâm, từ pháp lý mà nói có thể dung thứ. Y phục tuy bị bẩn, nhưng lại có thể giặt sạch trở lại, không có tổn thất gì. Hơn nữa, ngài bày bữa tiệc hôm nay là vì tôi, anh ta lại bị quở trách, đây là họa hại do tôi mà ra, trong tim tôi sao có thể an tâm, thỉnh ngài hãy bớt giận, hãy tha cho anh ta.” 

Huyện thừa vẫn không nghe. Thịnh Sinh cố gắng phân giải, nộ khí của huyện lệnh mới nguôi nguôi đi. Thịnh Sinh lập tức gọi lính gác vào, cởi dây xích quanh cổ nha dịch, rồi thả anh ta ra.

Sau một năm, Thịnh Sinh cùng anh họ mang theo hành lý di chuyển đến một quận khác. Đi đến ngày thứ ba, đường núi đột nhiên trở nên gồ ghề, hành nhân thưa thớt. Đến chạng vạng, đoàn người dừng xe, tiến vào lữ điếm. Thịnh Sinh thấy lữ điếm vừa thấp vừa nhỏ, ít khách, trong tâm cảm thấy khá nghi hoặc. Chẳng bao lâu sau, có vài người dáng vẻ hung hãn đến, lén lút nhìn vào bên trong cánh cửa quan sát rồi rời đi.

Đêm khuya, mọi người đều đã ngủ say, nhưng Thịnh Sinh vẫn thức thắp nến. Đột nhiên có người đẩy rèm bước vào, thấy Thịnh Sinh, nhìn ông chằm chằm. Thịnh Sinh kinh ngạc hỏi, thì người kia quay lại nói với đồng bọn, không biết anh ta nói gì, chỉ nghe thấy hết tiếng này đến tiếng khác, rồi vội vàng tản đi. Thịnh Sinh đêm đó không dám ngủ, thức đến tận bình minh trước khi lên đường cùng những người khác. Lúc này, có một người đứng bên đường, chờ Thịnh Sinh tới, sau đó bám theo rất lâu.

Thịnh Sinh hỏi nguyên nhân, anh ta nói: “Bác không nhớ người làm đổ bát canh làm bẩn quần áo của bác sao?” Hóa ra anh ta là nha dịch bị huyện thừa mắng, sau đó rời khỏi nha môn, tham gia toán cướp, nhưng Thịnh Sinh không nhận ra anh ta là người đã đến tối qua. Lại hỏi anh ta đến đây làm gì? Người đàn ông nói: “Ở đây cướp rất nhiều, thường cướp của khách, các chủ lữ điếm đều là đồng đảng của chúng. Đêm qua, đầu tiên có vài người xông vào, khi thấy quan viên và khách đang lưu trú, chúng liền mời hơn mười đồng đảng, muốn xông vào cướp, nhưng khi nhìn thấy bác trong số khách, tôi mắng chúng, bảo chúng rời đi. Tôi ở bên ngoài canh gác cho đến khi trời sáng. Nơi tá túc đêm nay vẫn còn có tụi cướp, tôi tiễn bác đi một chặng, mới không có nguy hiểm. Bác cũng không cần phải nói cho người khác biết.” Một lúc sau, anh ta biến mất.

Trước khi khởi hành vào sáng hôm sau, người đàn ông lại đến và nói: “Con đường phía trước ổn rồi. Tôi đi đây.” Thịnh Sinh muốn thưởng tiền cho anh ta, nhưng người đàn ông lập tức bỏ đi. Thịnh Sinh nói với những người đồng hành, họ đều khen ngợi, không ngờ trong cường đạo vẫn trọng nghĩa khí, họ cũng kính trọng Thịnh Sinh làm người có hậu đức.

Thịnh Sinh thường đích thân về vùng nông thôn để thu điền tô, đối đãi với những người giao điền tô, ông không những không khắt khe, mà thấy người khó khăn, ông còn miễn giảm tiền tô cho họ. Một lần khi Thịnh Sinh đang trên đường đến Sơn Đông, con tàu dừng lại ở cửa sông vào ban đêm, có bọn cướp trèo lên tàu, đột nhập vào khoang tàu. Thịnh Sinh vừa mới ngủ thì nghe thấy tiếng động, thò đầu ra ngoài xem. Tên cướp nhận ra Thịnh Sinh, lập tức xua tay ngăn cản mọi người tiến vào, nói: “Không biết ngài ở đây, đã mạo phạm ngài. Tôi dù bất nhân, nhưng cũng không dám quấy rầy bậc trưởng giả.” Sau đó, anh ta quay người bỏ đi.

Thịnh Sinh vội vàng hỏi: “Ngươi là ai, sao lại biết ta?” Người đàn ông đáp: “Nếu người thu tô đều giống như ngài, thì những người nông dân nghèo khổ đó sẽ không phải lo nạn đói.” Hóa ra trong toán cướp có một người là điền hộ cũ của Thịnh Sinh. Những người khách trên tàu nhờ vậy đã được bình yên.

Từ đó có thể thấy, con người sinh ra đã sẵn có thiện tính và lương tâm tốt; con người tại thế gian cũng nên hành xử có hậu. Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc, người mà hà khắc quá đáng với người khác, nên nghiêm khắc xem xét bản thân và sửa đổi (Nguồn: “Chỉ văn lục”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch