Tháng 11 Hoàng lịch là tháng đông chí, đông chí là tiết khí mở đầu và lãnh đạo trong 24 tiết khí. “Đông chí” có biểu hiện cụ thể gì? “Đông chí nhất dương sinh” phải chăng chỉ là một khái niệm huyền bí hư ảo về Âm Dương Ngũ Hành? Hay đó là một hiện tượng tiết khí có thể quan sát thực tế, thậm chí có thể nắm bắt được?
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa đều giảng “đông chí nhất dương sinh”. “Nhất dương” là khởi điểm của một chu kỳ tuần hoàn âm dương của thiên địa. Vào thời điểm đông chí, khí âm bước đến cực điểm, một “nguyên” mới phục khởi, khí dương hồi thăng, đối với sự sinh trưởng của con người và vạn vật, có ý nghĩa rất trọng đại.
Ảnh hưởng cụ thể của đông chí
Thời điểm đông chí, từ Trái Đất tiến hành quan sát, phát hiện Mặt Trời di chuyển đến phương nam nhất, chiếu thẳng vào chí tuyến nam. Vào thời điểm này, góc xiên của bán cầu bắc là lớn nhất, bóng Mặt Trời đo được cũng là dài nhất. Sau ngày đông chí, Mặt Trời bắt đầu quay hướng trở lại phương bắc, và từ đó trở đi, dương khí bắt đầu hồi thăng. Đông chí là thời điểm xoay chuyển của khí âm dương thiên địa. Sau đông chí, có thể quan sát thấy sự biến hóa khi bóng của Mặt Trời dần thu ngắn, và thời gian Mặt Trời mọc dần sớm lên, đó là hiện tượng âm tiêu dương trưởng.
Lịch pháp là một trong những thành tựu vĩ đại của nền văn minh cổ đại Trung Quốc, từ thời kỳ thượng cổ đã nắm bắt được hiện tượng đông chí, và đặt nó làm ngày đầu tiên của năm, truyền từ đời này qua đời khác.
“Tứ Thư Chương Cú Tập Chú” viết: “Người làm lịch thượng cổ lấy đêm Giáp Tử tháng 11 vào giữa tiết đông chí làm nguyên lịch.” Cuốn lịch thư “Thụ Thời Lịch” do Quách Thủ Kính, một nhà khoa học thiên văn thời nhà Nguyên biên soạn, đã trở thành cuốn lịch thư tinh chuẩn nhất kể từ thời nhà Hán và thậm chí đến cả thời nhà Thanh, dựa trên thực trắc bóng đổ Mặt Trời. “Thụ Thời Lịch Nghị” của Lý Khiêm đề cập rằng một lịch pháp tốt cần nắm vững sự vận hành Nhật Nguyệt, tính toán tiết khí, trong đó một bước quan trọng nhất chính là thẩm độ tiết khí của đông chí, mới có thể tương khớp với thiên đạo của Nhật Nguyệt vận hành. Trung Quốc qua mọi thời đại đã nắm vững ý nghĩa then chốt của ngày đông chí trong năm, và đo lường chu kỳ tuần hoàn âm dương, một năm bắt đầu vào ngày đông chí.
Phương pháp “hậu khí”
Vậy làm thế nào mà người xưa nắm bắt được “nhất dương chi khí” của đông chí? Vào thời cổ đại, có một phương pháp cụ thể gọi là phương pháp “hậu khí”.
Phương pháp này là dùng ống luật lữ (khí cụ để xác định âm giai trong âm nhạc thời xưa), cho vào một ít tro lá lau sậy cực nhẹ để cảm ứng khí của tứ thời thiên địa. Sách “Hậu Hán Thư” nói rằng “tiết khí ứng tắc hôi trừ”. Đó là chuyện gì? Làm thế nào để quan sát? Dưới đây xin nói về “pháp hậu khí”.
Vào thời cổ đại, việc sử dụng mười hai ống luật lữ để cảm ứng tiết khí cần phải được thực hiện trong một căn phòng rất kín và rất yên tĩnh.
Đầu tiên, trên mặt đất bằng phẳng xây dựng một mật thất có ba lớp tường, hình dạng trên tròn dưới vuông, trong mật thất chia thành ba phòng, nội thất, trung thất và ngoại thất. Ngoại thất mở cửa hướng nam, trung thất mở cửa hướng bắc, nội thất mở cửa hướng nam, các khe hở ở các cửa phòng đều dùng máu động vật trát kín, lại dùng vải che giăng kín, khiến trong phòng nội thất kín bưng không gió. Trong nội thất đặt một chiếc hộp gỗ, đặt 12 chiếc ống luật lữ thẳng đứng trên chiếc hộp theo thứ tự vị trí, và đổ đầy tro sậy vào các ống. Ba ngày trước tiết khí, người ta vào phòng quan sát khí hậu. Ngay khi tiết khí đến, dương khí vừa động, tro sậy trong ống luật sẽ bị thổi lên. Người xưa chủ yếu đo hai đại tiết khí lớn là đông chí và hạ chí.
Động tĩnh lớn nhỏ của tro trong ống luật cũng biểu trưng cho phản ứng nhân sự. Nếu tro động nhẹ, có nghĩa là biểu thị quân thần hòa khí, tro động mạnh biểu thị thần khí cường, quan lấn lướt vua. Do đó “nhất dương chi khí” thiên địa cũng cảm ứng phản ứng của sinh mệnh. “Chu Tử Ngữ Loại” nói: “Kim trị lịch gia dùng luật lữ hậu khí, kỳ pháp tối tinh chuẩn. Khí chi chí dã, phân thốn bất sai, tức là khí này từ địa bốc lên. Vào tháng 11 đông chí, đặt ống chuông vàng cách mặt đất 9 thốn, cho tro cỏ lau vào trong, đến ngày ‘đông’ chí, khí đến tro bay, đồng hồ này không sai.” Cũng chính là nói, dùng phương pháp hậu khí, khi dương khí xung khiến tro sậy trong ống chuông vàng bốc lên, chính là thời khắc đông chí chuẩn xác. Từ đó mà xét, khí “thiên địa nhất dương sinh” là xác thực có thể được quan trắc và nắm bắt.
Tác giả: Dung Nãi Gia, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch