Đại Kỷ Nguyên

Đồng dao dự ngôn tu Đạo thành Tiên? Mao Doanh bạch nhật phi thăng

Vào đầu thời nhà Tần, có một bài đồng dao được lưu truyền ở Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, ý tứ là Mao Sơ Thành đã tu thành thần tiên, cưỡi rồng bay lên nhập trời xanh, thời sau Mao Doanh kế nghiệp tiên tổ đắc Đạo tu Tiên. Bài đồng dao hát rằng:

Thần tiên đắc giả Mao Sơ Thành,
Giá long thượng thăng nhập thái thanh. 
Thì hạ nguyên châu hí xích thành,
Kế nghiệp nhi vãng tại ngã Doanh.
Đế nhược học chi lạp gia bình. 

Tần Thủy Hoàng sau khi nghe xong bài đồng dao, ông liền hỏi nguyên nhân. Các bô lão địa phương trả lời: “Đây là bài ca dao của Tiên nhân, khuyên Hoàng đế cầu thuật trường sinh.” Tần Thủy Hoàng luôn sùng Đạo, nên ông vui vẻ đồng ý. Do đó, vào năm thứ 31, tháng mười hai âm lịch (tháng Chạp hay Lạp Nguyệt) được đổi tên thành tháng “Gia Bình”.

Bài đồng dao này vừa là tụng ca, vừa là dự ngôn. Bài hát ca tụng Mao Sơ Thành đã đắc Đạo thành Tiên, và dự ngôn là cháu đời sau của Sơ Thành sẽ kế tục đạo phong của tiên tổ, nhập sơn tu Đạo, cuối cùng bạch nhật phi thăng.

Trong những năm cuối của triều Chu, liệt quốc xưng hùng, chinh chiến không ngừng nghỉ. Mao Sơ Thành nhìn thấy thế đạo suy tàn, do đó ông đã tiến nhập vào Hoa Sơn để tu luyện. Vào ngày Canh Tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 30, Mao Sơ Thành cưỡi rồng khổng lồ, thăng thiên giữa ban ngày. 

Trong số các hậu duệ của Mao Sơ Thành, có một người tên là Mao Doanh, sinh vào năm Hán Cảnh Đế Trung Nguyên thứ năm (năm 145 TCN). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã hiển lộ một phẩm hạnh độc đáo, sùng thượng tu Đạo. Năm mười tám tuổi, Mao Doanh xuất gia đến Hằng Sơn để tu Đạo.

Mao Doanh tu hành một mình trên núi sáu năm. Một hôm, Mao Doanh trong mộng thấy Thái Huyền Ngọc Nữ tay cầm một thư trát chế bằng ngọc, nói với ông: “Tây Thành có Vương Quân, là một vị tu đắc chân Đạo, cậu có thể tìm đến bái ông ấy làm thầy.”

Ngày hôm sau, Mao Doanh đến Tây Thành để tìm Vương Quân. Sau ba tháng tề giới, quả nhiên ông đã gặp được Vương Quân. Mao Doanh cúi mình bái hết lần này lần khác, cần khẩn hướng tới Vương Quân cầu xin truyền thụ thuật trường sinh. Ông tại cung Kim Ngọc ở Động Đài Tây Thành, sớm tối siêng năng hầu hạ Vương Quân, 17 năm đều chuyên cần như vậy, không hề trễ nải.

Sau đó, Vương Quân tới thăm núi Bạch Ngọc Quy, lệnh cho Mao Doanh đồng hành. Tại núi Quy, Mao Doanh được gặp Vương Mẫu. Vương Mẫu truyền thụ cho ông đạo lý cốt yếu để tu thân, cũng như chân Kinh của Đạo gia. Từ đó, Mao Doanh quay về Hằng Sơn tiếp tục tu Đạo.

Khi ông bốn mươi chín tuổi, cha mẹ ông vẫn rất khỏe mạnh. Sau khi Mao Doanh trở về nhà, cha ông rất tức giận, mắng ông đã xa nhà quá lâu, mà bặt vô âm tín: “Con bất hiếu, không tự mình cung dưỡng cha mẹ, truy cầu yêu vọng, lang thang tứ phương.” Cha của Mao tức giận đến mức muốn dùng trượng gỗ đánh ông một trận.

Mao Doanh quỳ phục trên mặt đất và nói: “Con thụ mệnh Thượng Thiên, đương ứng đắc Đạo rồi.” Ông cũng biểu thị rằng, dù mình không cách nào tự mình hiếu dưỡng song thân, nhưng nhờ có ông tu Đạo, toàn gia thọ ích, bình an, cha mẹ đắc thọ. Ông nói: “Con đã có được phù lục của Thánh Sư, bên thân thường có Thiên binh thị vệ bảo hộ.” Như nay tu Đạo có thành quả, nếu cha dùng gậy gỗ đánh, Thiên binh sẽ ra tay ngăn chặn.

Cha Mao Doanh muốn nghiệm chứng lời nói của Mao Doanh có chân thực không, không nghe phân bua liền vung gậy lên đánh. Cây trượng gỗ lập tức bị bẻ gãy thành hàng chục đoạn, cong lên như cung tên, bắn vào tường, rồi xuyên thẳng qua tường; đoạn nào bắn trúng vào tường, tường lập tức lõm xuống. Thấy vậy, cha mẹ Mao Doanh biết con trai đã tu Đạo có thành quả, từ đó ngừng lại không đánh chửi nữa.

Mao Doanh có hai em trai, Mao Trung và Mao Cố, hai người làm quan địa vị hiển hách, thân phận hiển quý. Mao Trung được bổ nhiệm chức Thái thú Tây Hà, Mao Cố được bổ nhiệm chức Kim Ngô. Sau khi triều đình truyền lệnh xuống, trong làng tụ tập hàng trăm người đến tiễn biệt họ. Đương thời Mao Doanh cũng đang ở đó, ông mỉm cười, nói với quan khách có mặt: “Tôi tuy không phải là quan viên hai ngàn thạch, nhưng sang năm ngày 3 tháng 4, trường cảnh tiễn tôi đăng Tiên phi thăng cũng sẽ không kém hôm nay.” Khách khứa nghe xong nói: “Chúng tôi đều nguyện ý đến phụng tống.” Mao Doanh nói: “Mọi người khẳng định đến tống tiễn tôi, tôi chân thành cảm tạ hậu ý của chư vị. Chỉ là mọi người hãy đến tay không, không cần mang theo bất cứ quà cáp gì, tôi nhất định sẽ khoản đãi chư vị.” Năm đó là năm Hán Nguyên Đế Sơ Nguyên thứ 4 (năm 45 TCN)

Cách một năm sau, đến ngày mà Mao Doanh đã đề cập, khu vực trước nhà Mao đột nhiên tự động san bằng, trên mặt đất không còn một chút cỏ dại nào, sàn được phủ thảm trắng, có thể chứa được cả trăm người. Tất cả quan khách đều tập trung tại nhà Mao Doanh, tham gia yến hội.

Dân chúng không thấy bất cứ sứ giả và người hầu cận nào, nhưng họ thấy đĩa vàng chén ngọc tự hành di động đến mâm cỗ, bên trong là các loại mỹ tửu giai hào, quả tiên kỳ dị, nhiều không đếm xuể. Lúc này lại truyền đến âm thanh ti trúc kim thạch, tiên nhạc phiêu phiêu, nhập thẳng vào tai. Hương thơm kỳ lạ của xạ hương lan tỏa khắp chung quanh, bay xa đến mấy dặm. Một lúc sau, hàng trăm Thiên quan nghênh tiếp Mao Doanh, mặc y phục đỏ và đeo ngọc, các thị vệ của Thiên cung tay giương cờ, ánh sáng chói lọi. Mao Doanh từ biệt gia nhân thân hữu, bước lên Thiên xa có cánh, cưỡi mây từ từ bay lên.

Hai người em của Mao Doanh còn đang tại vị, họ nghe nói anh cả của mình bạch nhật phi thăng, đều từ quan về nhà vào năm Hán Nguyên Đế Vĩnh Quang thứ năm (năm 39 TCN), đến Đông Sơn tìm kiếm huynh trưởng. Mao Doanh hiện thân nói với hai người em rằng: “Các em thức ngộ quá muộn, người nay đều đã lão niên, khó có thể tu phục di bổ (bản thể), kể cả đắc chân quyết thì cũng chỉ có thể tu thành địa tiên.” Ông dạy hai người em pháp diễn niên bất tử, bảo họ trường tề (trai giới) sau 3 năm sẽ dạy họ pháp tu Đạo.

Tạo tượng thông huyền quan thời kỳ Nam Tống ở Hàng Châu, thứ hai từ phía đông là “Chưởng ngô việt tư mệnh tam Mao Chân Quân tượng”. (Maomao’s Notebook / Wikipedia)

Vào năm Hán Ai Đế Nguyên Thọ thứ 2 (năm 1 TCN), vào ngày Kỉ Dậu tháng 8, Nam Nhạc Chân Nhân Xích Quân, Tây Thành Vương Quân cùng với rất nhiều chư tiên đồng theo Vương Mẫu giáng lâm nhà Mao Doanh. Chẳng bao lâu, Thiên Hoàng Thiên đế phái sứ giả Lãnh Quảng mang đến ban cho Mao Doanh thần tỷ ngọc chương. Đại Vi đế quân sai tam thiên tả cung ngự sử quản tu ban cho Mao Doanh 8 bộ y phục gấm thêu rồng. Thái thượng Đại Đạo Quân sai Hiệp Thần Đại Phu ban cho Mao Doanh kim hổ chân phù lưu kim linh. Kim Khuyết Thánh Quân sai Thái Cực Chân Nhân, Chính Nhất Chỉnh Huyền, Vương Lang, Vương Trung, Bào Khâu và những Tiên nhân khác ban cho Mao Doanh tứ tiết thần chi (nấm Thần bốn mùa). Sứ giả của bốn vị thượng Thần phụng mệnh ban cho Mao Doanh ăn nấm linh chi thần (thần chi), đeo thần tỉ (ấn thần), mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Sứ giả của bốn vị thượng Thần vừa rời đi, năm vị Đế quân lại mang đến cho Mao Doanh quan phục tương ứng và xe mã hạ xuống sân nhà ông, truyền lệnh của Thái Sơn Đế Quân: “Bái Doanh vi Đông Nhạc thượng khanh, tư mệnh chân quân, Thái Nguyên Chân Nhân”. Mao Doanh tu Đạo có thành quả, được tiên gia phong hiệu, làm tư mệnh thượng chân, đông nhạc thượng khanh, từ đó ông “thống Ngô Việt chi Thần tiên, tống giang tả chi sơn nguyên”, thành Thần tiên của Đạo gia. Quả thật đã ứng nghiệm câu dự ngôn của đồng dao: “Kế nghiệp nhi vãng tại ngã Doanh”.

Tư liệu tham khảo:
“Thái Bình ngự lãm” Tập 661
“Thái Bình hoàng ký” Tập 11 / Tập 13
“Khâm định cổ kim đồ thư tập thành | Tuyển tập Phương Dư | Sơn xuyên điển” Tập 44 
“Hằng Nhạc Chí”

Tác giả: Tống Bảo Lam, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version