Tác giả: Walker Larson 

Số người bị trầm cảm ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Theo báo cáo khảo sát năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm đã lên tới gần 30%, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2015. Ngay cả khi không được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, đại đa số chúng ta đều từng cảm thấy thất vọng, chán nản và thậm chí tuyệt vọng vào một thời khắc nào đó trong cuộc đời. Đôi khi mọi thứ dường như lặng lẽ trôi qua, những thứ xấu xa luôn chiếm thế thượng phong, những thử thách phải đối diện trong cuộc sống quá nhiều, dù chúng ta có nỗ lực đến mấy cũng luôn là không đủ.

Bên cạnh những gánh nặng mà mỗi người phải gánh trong cuộc sống thường ngày, các bản tin tràn ngập vô số tin tức tiêu cực: chiến tranh hạt nhân, bệnh tật, tai nạn, suy thoái kinh tế, v.v. Chúng ta rất dễ vì những tin tức tiêu cực này mà nản lòng thoái chí.

Thất vọng đã trở thành kinh nghiệm chung của con người, và do đó trở thành chủ đề hay cho các tác phẩm văn học vĩ đại, vang vọng chân lý được dệt nên theo thời gian.

Câu chuyện cổ tích của hy vọng

Trong “Sự trở lại của nhà vua” của Tolkien, Frodo và Sam đi sâu vào vương quốc bóng đêm “Mordor” để tiêu diệt Chúa tể của những chiếc nhẫn. Bức tranh “Trục xuất: Mặt trăng và Ánh lửa” (Expulsion. Moon and Firelight), sáng tác bởi Thomas Cole vào khoảng năm 1828. (phạm vi công cộng)

“Sự trở lại của nhà vua” của tác giả J.R.R Tolkien là phần cuối cùng trong bộ ba phim sử thi huyễn tưởng “Chúa tể những chiếc nhẫn”, nội dung luôn đối diện với hắc ám, nhưng kết cục thật quang minh. Đây là một câu chuyện tràn đầy hy vọng, vô luận có bao nhiêu thế lực đen tối, vô luận khó khăn đến mấy, hy vọng vẫn không bao giờ tắt. Vào thời khắc mà mọi thứ dường như vô vọng, câu chuyện này rất đáng để chúng ta học hỏi.

Trong câu chuyện, Tolkien đưa các nhân vật của mình vào trung tâm của hắc ám. Hai người hobbit, Frodo và Sam, được chọn để đưa “Chúa tể những chiếc nhẫn” độc ác nhất đến vương quốc bóng đêm Mordo, để tiêu diệt chúa tể bóng tối Sauron. Ở đó, họ phải leo lên ngọn núi lửa Mount Doom và ném chiếc nhẫn vào ngọn lửa – nơi duy nhất có thể phá hủy chiếc nhẫn. Đồng thời, những người bạn của họ, chẳng hạn như quốc vương chính thống Aragorn của Gondor, cũng phải trải qua một trận chiến cam go để ngăn chặn đội quân dã nhân Orc của chúa tể bóng tối tràn qua vương quốc tự do.

Khu vực Mordor trên bản đồ Trung Địa. (Erman Gunes/Shutterstock)

Trong “Sự trở lại của nhà vua”, Frodo và Sam bước vào Mordor hoang tàn như địa ngục và phủ đầy tro bụi. Trong bóng tối hắc ám của nơi tà ác đó, ngày trở nên ngắn hơn và đêm trở nên dài hơn, mà Frodo, người nắm giữ Chiếc nhẫn, thì sức lực đang dần yếu đi. Cậu và Sam phải đi qua một thung lũng đầy lũ Orc và những sinh vật khủng khiếp mới đến được ngọn núi. Trong cuộc hành trình gian khổ và vô vọng xuyên qua vùng đất bóng tối, có lúc Sam đã ngước nhìn lên bầu trời, và nhìn thấy thứ gì đó.

“Vào lúc đó, trong những đám mây trôi phía trên chỗ nhô ra màu đen trên đỉnh núi, Sam thoáng thấy một ngôi sao màu trắng, tỏa sáng rất lâu qua một khoảng trống trên mây. Khi Sam nhìn lên nó từ vùng đất bị bỏ hoang này, ánh sao mỹ lệ chạm đến trái tim của cậu, khiến cậu lấy lại niềm hy vọng. Như một tia sáng trong trẻo mát lạnh xuyên thấu tâm linh của cậu, cậu biết thứ bóng tối đó chỉ là đám mây bay qua mắt, vĩnh viễn không thể sánh được với ánh sao lấp lánh trên cao kia. Bài ca mà cậu hát trong tòa tháp là phản kháng thay vì hy vọng, vì lúc đó cậu chỉ nghĩ đến bản thân. Vận mệnh của cậu lúc này, thậm chí vận mệnh của chủ nhân của cậu, đột nhiên không còn khiến cậu bận tâm nữa. Cậu bò trở lại bụi cây, nằm xuống bên cạnh Frodo, vứt bỏ mọi sợ hãi và chìm vào giấc ngủ sâu.”

Bức tranh “Sao mai”, sáng tác bởi Jozef Szermentowski vào năm 1874. Tranh sơn dầu trên vải, được sưu tầm bởi Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw, Ba Lan. (phạm vi công cộng)

Chỗ huyền diệu của đoạn câu chuyện mỹ lệ này, có lẽ là sự huyền diệu của niềm hy vọng, nằm ở chỗ nó uẩn hàm ý nghĩa của sự “buông bỏ tự ngã”. Khi Sam nhận ra rằng có một sức mạnh to lớn hơn, một vẻ đẹp vô song tồn tại, thì dù biết bản thân có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy nó nữa, trái tim cậu đã bình tĩnh lại. Cậu quên đi chính mình, chỉ cần biết rằng ngôi sao sẽ tiếp tục tỏa sáng ở đâu đó phía trên kia là đủ.

Bên ngoài Mordor, thế lực của tà ác vượt xa lực lượng của chính nghĩa. Thời gian không còn nhiều, Aragorn và những người bạn đồng hành quyết định chiến đấu hết mình để Frodo có thể nhân cơ hội hủy diệt chiếc nhẫn. Aragorn và người của chàng hành trình đến Cổng Đen của Mordor, một đội quân vừa nhỏ bé vừa yếu đuối bất kham, muốn đối kháng với uy lực của quân đội khủng đại của Sauron và cơn thịnh nộ mà hắn phóng ra. Xuyên suốt tập này và trong phần lớn bộ ba, đó là tình huống dường như vô vọng. Bóng tối diệt vong bao trùm lên mọi thứ, nhưng đây chưa phải là kết cục.

Sau đó, câu chuyện lên đến cao trào, đúng vào thời khắc mà mọi thứ dường như sắp rơi, khi Frodo cuối cùng ngã xuống đất trước khi có thể chạm tới ngọn lửa hủy diệt chiếc nhẫn, còn đội quân của Aragorn đang dần rút lui, thì hy vọng ngự trị như một ngôi sao lấp lánh trên cao. Một sự việc gì đó nằm ngoài dự liệu đã xảy ra, bất chấp những điểm yếu và sai lầm của các nhân vật trong truyện, chiếc nhẫn cuối cùng vẫn bị phá hủy. Đế chế tà ác sụp đổ, bi kịch biến thành thắng lợi. 

Khoảnh khắc đánh bại tà ác đó – vượt qua sức mạnh mà bất kỳ cá nhân nào có thể tạo ra – đã trở nên khả thi nhờ sự kiên trì đoàn kết, nhờ sự bền bỉ, thầm lặng của niềm hy vọng, giống như một bông hoa vươn lên giữa đám cỏ dại.

Định luật vĩnh hằng bất biến

“Hiệp sĩ chiến thắng thời gian, cái chết và ác quỷ” sáng tác bởi Philips Wouwerman vào năm 1662. Văn học mang đến cho con người khả năng nhìn thấy thắng lợi, hy vọng trong thất bại, và lòng dũng cảm để vượt qua những thời khắc đen tối. (phạm vi công cộng)

Tác giả Tolkien, trong tiểu luận “On Fairy-Stories” đã gọi thời điểm này trong văn học và cuộc sống là “thời điểm cứu chuộc” (eucatastrophe), nghĩa là “tai nạn tốt” hay là bước ngoặt của tai nạn. 

“Niềm an ủi của những câu chuyện cổ tích, niềm vui của một kết thúc có hậu – hay nói chính xác hơn là một tai nạn tốt, một ‘bước ngoặt’ vui vẻ bất ngờ (vì không có bất kỳ câu chuyện cổ tích nào có một kết thúc thực sự). Niềm vui này là một trong những điều tuyệt vời nhất mà truyện cổ tích có thể tạo ra, về bản chất, nó không phải là ‘chạy trốn hiện thực’ hay là có tính ‘tạm thời’. Trong bối cảnh của một câu chuyện cổ tích hoặc một thế giới giả tưởng, nó là ân điển bất ngờ, kỳ diệu không bao giờ có thể tái hiện. Nó không phủ nhận tai họa, nỗi buồn và sự tồn tại của thất bại, niềm vui được giải thoát khỏi tai nạn là tất yếu; nó phủ nhận (nếu bạn sẵn sàng đối mặt với bằng chứng rõ ràng) sự phổ biến của kết cục thất bại, trong khi bản thân nó là phúc âm, mang đến cho con người niềm vui thoáng qua nhất thời, niềm vui vượt qua những bức tường của thế giới, cũng thấm thía như tai nạn… Trong một câu chuyện như vậy, khi một “bước ngoặt” bất ngờ đến, chúng ta thoáng thấy một niềm vui bất ngờ và sự thỏa mãn khát vọng trong tim, trong khoảnh khắc, nó vượt ra ngoài khuôn khổ, thực sự xé toạc cả mạng lưới câu chuyện, để cho một tia sáng lóe lên.”

Sự lý giải và trải nghiệm về “thời điểm cứu chuộc” không chỉ hữu ích cho chúng ta, mà tôi nghĩ nó là điều không thể thiếu. Chúng ta đã quen với những tai nạn trong cuộc sống, nhưng chúng ta cần nhận thức những khoảnh khắc cứu chuộc thông qua văn học, bởi những ngã rẽ hạnh phúc bất ngờ như vậy thường dành cho những ai kiên trì không bạc nhược, hoài bão hy vọng vào chiến thắng, cho dù điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Nếu không có khát vọng khắc phục mọi gian nan và giành chiến thắng trong tác phẩm văn học, chúng ta rất có khả năng sẽ ngã quỵ, thừa nhận thất bại và để bóng tối bao trùm chúng ta; Đối với người làm như vậy mà nói, sẽ không có “bước ngoặt niềm vui đột nhiên tới” như vậy. Nói chung, chỉ có thông qua sự kiên trì không sợ hãi, có một mức độ tin tưởng nhất định đối với những kỳ tích, thì “thời khắc cứu chuộc” của Tolkien mới có khả năng xảy ra.

Tôi thường cảm động rơi lệ vì những tình tiết như thế này hơn là so với những câu chuyện thất bại và bi thương, những câu chuyện này mô tả những hy vọng bất ngờ, tạo ra những chiến thắng còn bất ngờ hơn. Như G.K. Chesterton đã mô tả: “Một điều hoàn toàn thần thánh, một thoáng nhìn về thiên đường được Thượng Đế ban cho nhân loại, là một trận chiến tưởng thua nhưng cuối cùng đã chiến thắng.” Văn học có thể cho chúng ta nhìn thấy chiến thắng trong thất bại, hy vọng và dũng khí để chiến thắng trong thời khắc đen tối nhất, khiến chúng ta cảm động sâu sắc hơn bất cứ khổ nạn nào. 

Tôi tin chắc rằng cái kết có hậu bất ngờ không chỉ là giả tượng an ủi nhân tâm, mà là quy luật vĩnh hằng bất biến, là quy tắc tồn tại cơ bản và thần bí nào đó trong vũ trụ được truyền tải qua các tác phẩm văn học như “Sự trở lại của nhà vua”: Cho đến cuối cùng, thì tà không thể thắng chính. Đây là nguyên do vì sao câu chuyện của Tolkien tạo nên âm hưởng sâu sắc trong lòng chúng ta.

Ở một nơi nào đó xa xôi hơn tầm nhìn của bạn và tôi, những vì sao vẫn tỏa sáng. Và chúng sẽ tiếp tục tỏa sáng lấp lánh bất kể bạn và tôi có bao giờ nhìn thấy chúng hay không, và bất kể có bao nhiêu ma quỷ cố gắng xóa nhòa chúng thế nào. Chúng ta mò mẫm trong bóng đêm, nhưng bóng đêm nào cũng đều phải nhường chỗ cho buổi sáng. Đến cuối cùng, bóng tối chỉ là đám mây bay qua mắt mà thôi.

Nguyên văn: Tolkien’s ‘The Return of the King’: A Tale to Reignite Hope

Về tác giả:

Trước khi trở thành nhà báo tự do và nhà phê bình văn hóa, Walker Larson dạy văn học và lịch sử tại các trường tư thục ở Wisconsin, nơi ông sống cùng vợ và con gái. Larson có bằng thạc sĩ về văn học và ngôn ngữ học Anh, và các bài báo của ông đã xuất hiện trên The Hemingway Review, Intellect Takeout, và Substack của riêng ông (nền tảng tự đăng ký RSS) Hazelnut ”(The Hazelnut). Ông cũng là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết Hologram và Song of Spheres.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch