Đại Kỷ Nguyên

Đua nhau đến trường mấy ai thực học, đua nhau thao giảng mấy ai thực thầy?

Mới ngày nào còn là cậu học trò lớ ngớ, mà giờ đây dường như ký ức xưa đã xa lắm rồi. Thời gian kia cũng đủ để khiến ta ngậm ngùi mỗi khi chiêm nghiệm về cuộc đời với những vui buồn quá vãng…

Tôi vẫn nhớ như in cái hình ảnh ngày đầu đi tầm sư học nghệ: mỗi ngày sau buổi tan trường là tôi lại đạp xe khắp các con phố, chỗ nào treo biển dạy đàn guitar hoặc có ai giới thiệu đến đâu, thì tôi đều lần tìm đến đó. Rong ruổi trong tiết trời mùa hạ nắng như thiêu như đốt, dưới lòng đường hơi nóng hừng hực bốc lên, xa xa phía hai bên đường, hàng hoa phượng rực lửa – loài hoa đặc trưng của miền đất cảng Hải Phòng càng làm cho không khí ngày hè thêm ngột ngạt và oi ả. Ánh mắt tôi trải dài theo mặt đường trải nhựa mà trông như ảo ảnh.Từng giọt, từng giọt mồ hôi rơi xuống theo guồng quay của bàn đạp, cây guitar classic đeo phía sau lưng cũng nóng ran và trở lên trĩu nặng.

Đã khoảng hơn một tháng nay, ngày nào tôi cũng đi – về trong vô vọng. Không phải vì không có lớp học hay không có thầy dạy, mà vì không có ai dạy ngón đàn mà tôi muốn theo học. Tuy thế, chưa khi nào tôi thấy mình tuyệt vọng, bởi tôi biết chắc chắn một điều rằng: “Ánh sáng luôn ở phía cuối con đường”.

Quả đúng là như vậy! Cơ duyên vô tình đến với tôi như một định mệnh hay nói đúng hơn là cái duyên nợ với “nghiệp đàn” của tôi cũng đã đến. Qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi lọc cọc đạp xe lần tìm đến địa chỉ ghi trên giấy. Đó là một công ty âm thanh ánh sáng khá tiếng tăm. Tôi bước vào gian phòng, khép nép chào mọi người. Thầy mời tôi ngồi và giới thiệu tôi với các thành viên trong nhóm nhạc.

Cơ duyên với nghề đàn cuối cùng cũng đến. (Ảnh: Youtube)

Một người vừa nói, vừa đưa tay ra hiệu: Đưa anh xem cây đàn của em nào? Chà! Trông bao rách rách mà đàn đẹp quá nhỉ! Bản Romance quen thuộc được vang lên, không gian bỗng thinh lặng để nhường chỗ cho điệu nhạc du dương… Anh gật đầu, đưa ánh mắt như một lời mời trân trọng.

Tôi đón lấy cây đàn từ tay anh không một chút e ngại, và đáp lại bằng bản Natalia của soạn giả Blogradio. Tất cả nín lặng, những con mắt lim dim như để dồn hết thính lực mà thưởng thức từng nốt nhạc tròn vo như bọt nước đang tí tách lan tỏa trên khuông đàn êm ái nhẹ nhàng buông vào không gian.

Lúc sau mọi người cũng lần lượt chào tạm biệt, để trả không gian lại cho hai thầy trò chúng tôi.

Thầy ân cần hỏi:

– Em chơi guitar lâu chưa?

– Dạ thưa thầy, cũng sắp được năm năm rồi ạ! Tôi trả lời rành rọt.

Thầy mỉm cười nhìn tôi, bảo:

– Cũng không ít công phu nhỉ! Nhưng nếu em muốn học solo thì em phải bỏ hẳn cổ điển, vì đây là hai trường phái hoàn toàn khác hẳn nhau. Ví Cổ điển như một thiếu nữ ấy: cần phải dịu dàng, thùy mị, đôi khi thêm chút giận hờn hay cá tính… Thế tay phải đẹp, phải mềm mại. Còn guitar solo lại thiên về kỹ thuật đu dây, nhấn nhá, đòi hỏi sự trau chuốt… kết hợp với kỹ thuật xử lý âm thanh từ Phơ để tạo ra hiệu ứng âm thanh đẹp. Khó hơn cả là cần phải phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với các tay khác trong ban nhạc, một chút chênh phô nào đó của cá nhân cũng sẽ bị bộc lộ ra ngoài và khiến cả ban nhạc vỡ trận.

Dừng lại đôi chút, nâng chén nhấp một ngụm trà nhỏ, thầy nói tiếp:

– Người thường ví: nếu như Violin là “công chúa” trong dàn nhạc giao hưởng thì tay solo luôn luôn là ngôi sao trong dàn nhạc nhẹ. Nếu đã là “sao” thì cần phải xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và đã gọi là “sao” thì cũng không bao giờ sợ thiếu chỗ đứng.

– Thầy cười, nói vui:

– Chỉ sợ chưa thành “sao” mà đã muốn thành “giăng” rồi thì hơi khó!

Tôi miệt mài với những ngón đàn do thầy truyền thụ. Sau khi tôi trả bài, thầy lấy làm hài lòng căn dặn:

– Em nên ghi chép lại bài học hôm nay kẻo về nhà lại quên.

Tôi nhanh nhảu đáp:

– Dạ không cần đâu ạ, em có thể nhớ được ạ.

Nói rồi thầy trò tạm biệt nhau, và hẹn gặp lại trong buổi học sau. Về đến nơi, tôi vội vàng lôi cây đàn ra cố nhớ lại để tập. Nhưng thôi, tôi không còn nhớ gì sất, họa chăng lõm bõm được vài nốt thì cũng không thể tập đu dây với cây guitar Classic được. Tôi chỉ biết im lặng trong căn phòng trống không, thoáng nghĩ đến việc ngày mai sẽ phải trả bài cho thầy ra sao cũng đủ khiến cho tôi cảm thấy hoang mang và căng thẳng.

Về nhà tôi đã quên hết bản nhạc mà thầy dạy. (Ảnh: guitargurumethod.review)

Ngày hôm sau, tôi cố gắng bình tâm lại và quyết định mang đàn đến gặp thầy để tạ lỗi.

Thấy tôi đến thầy mừng rỡ hỏi:

– Em được nghỉ hay sao mà đến?

Nghe thầy hỏi vậy tôi nghẹn ngào, ấp úng:

– Thưa thầy bài học hôm qua về nhà em không tài nào đánh lại được. Không hiểu sao em… em quên hết rồi ạ!

Thầy cố nén cơn giận rót nước mời tôi, đợi tôi uống ngụm nước xong. Thầy nói tiếp:

– Từ mai em không phải đến nữa, quên thì nghỉ thôi!…

Câu nói của thầy như tiếng sét đánh ngang tai, cả bầu trời trong tôi như đổ sụp… Tôi cố gắng nuốt nghẹn để không phải bật khóc.

Thầy im lặng hồi lâu rồi nói tiếp:

– Em nên hiểu rằng một người thầy sẽ không bao giờ muốn kiếm tiền từ học trò của mình. Nếu muốn kiếm tiền thì thầy không nhận em, mà thầy nhận mấy đứa con nhà giàu kìa. Có người đến đây xin trả học phí bằng đô la, tính theo giờ, thầy cũng không nhận. Mặc dù thầy không phải người giàu có nhưng thầy cũng không quá coi trọng đồng tiền. Em nên biết điều đó!

Tôi chỉ biết câm nín trong sự hối hận, muốn nói lời xin lỗi nhưng không tài nào mà cất lên được thành lời. Thời gian như đang dừng lại.

Thầy trầm ngâm hồi lâu, rồi đứng dậy đi vào phòng trong và trở ra một với một cây đàn, nói:

– Thầy đã tìm cho em một cây đàn rồi đây, cây đàn kia về bán đi hoặc cho ai thì cho…

Tập đàn đòi hỏi phải có công phu và sự kiên nhẫn lớn. (Ảnh: mGift)

Tim tôi như thắt lại, cảm động không thốt lên lời. Tôi biết thầy đã thứ lỗi cho tôi, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn nói lời xin lỗi. Vậy mà mãi cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nợ thầy một lời xin lỗi.

Bài học đầu tiên đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: “Có rất nhiều thứ quý hơn tiền, và cho dù có rất nhiều tiền ta cũng không thể mua được nó”. Đôi khi “tiền” chỉ là phương tiện để thu xếp cho cuộc sống chứ hoàn toàn không phải là mục đích của cuộc đời.

Lại có người nói: “Cuộc đời là một thước phim quay sẵn”. Vậy nếu ta thủ vai chính trong phim, thì ai sẽ là đạo diễn? Giá như mỗi chúng ta đều có thể dành cho mình một khoảng trống trong tâm hồn, dù chỉ là trong giây lát để suy nghĩ một cách thấu đáo và chính diện về cuộc đời, ta sẽ thấy trong thẳm sâu sinh mệnh của mỗi con người luôn khao khát và kiếm tìm một con đường sáng như chân lý của bản nguyên sinh mệnh – Một thứ gì đó rất thiêng liêng, quý báu, nhưng hiển nhiên nó không phải là tiền, là kim cương, là nhà, là xe, là danh vọng… bởi vật chất hay lợi danh, chúng vẫn vĩnh viễn chỉ là phương tiện. Thời gian và sự kiếm tìm, lựa chọn sẽ trả lời cho câu hỏi về số phận của mỗi con người.

Còn với tôi, mỗi niềm vui, nỗi buồn, những kỉ niệm – nụ cười và nước mắt… đều đã khắc sâu theo thời không và năm tháng để nhiều năm sau nhìn lại, ta chợt nhận ra: đó cũng chỉ là một tình tiết trong “kịch bản cuộc đời” mà tất yếu mình cần trải nghiệm.

Với tôi tất cả đều có giá!

Thái Bảo

Exit mobile version