Cha ông ta ngày xưa luôn tự giác răn mình hàm dưỡng đạo đức, tu tâm dưỡng tính để TÍCH ĐỨC cho mình, cho con cháu đời sau, để luân hồi tái sinh phát tài lộc, hưởng phúc thọ… Ngày nay, nhiều người không tin Trời Phật, không tin Thánh Thần; việc ác nào cũng dám làm. Ai cũng cho lợi ích vật chất cầm nắm được mới là thực tại. Nếu quả thực người xưa đúng, thì sinh mệnh vô nhân vô đức ngày hôm nay quả là quá mong manh và đối diện với tương lai thật đáng sợ.
1/ Chữ Đức trong văn hóa Thần Châu
Thuở nhỏ, tôi được ông ngoại dạy cho cách học thuộc chữ Đức:
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên Tứ dưới Nhất đè chữ Tâm”
Như vậy dòng Lục câu thơ trên chính là chữ “xích” (彳) ( cũng được đọc là Sách); Dòng Bát theo thứ tự từ trên xuống sẽ là 4 chữ còn lại: “thập” (十); “mục” (目); “nhất” (一); “tâm” (心) hợp thành.
Chữ Xích là “bước ngắn”, bước chân trái gọi là xích 彳, bước chân phải gọi là xúc 亍, hợp lại thành chữ” hành” 行 (trong hành động). Như vậy đọc riêng hai tiếng Xích và Xúc (彳và 亍) thì nghĩa là bước đi chậm rãi. Thực ra chữ Xích ở đây là chữ Hành. Nó hé lộ một hướng đi có mục đích của người lựa chọn Đạo, lựa chọn con đường để thực hiện. Mọi con đường (Đạo) người ta đi mãi mà thành. Thực hiện hành vi của đạo đức, con người cần phải hành động chậm rãi, kiên trì và chắc chắn.
Đây là lý do người ta dùng chữ Xích chứ không dùng chữ DẪN với nghĩa là bước đi nhanh nhẹn, cũng không dùng chữ XƯỚC với nghĩa là bước một bước dừng một bước. Chẳng hạn ta thấy qua chữ KIẾN [建] trong “kiến trúc, kiến tạo” dùng bộ Dẫn, còn chữ TIẾN (Di động hướng về phía trước hoặc phía trên, phía tốt đẹp: “tiến công” 進攻) thì dùng bộ SƯỚC.
Khi kết hợp 2 chữ ĐẠO ĐỨC (道德) ta sẽ thấy hai chữ bên trái của chúng tạo nên liên tưởng về nghĩa khá thú vị. Chữ Đức có bộ Xích là bước khoan thai, chữ ĐẠO có bộ Sước nghĩa là bước chậm, vừa bước vừa dừng để suy ngẫm chín chắn vấn đề.
Theo “Thuyết văn giải tự”, “Xích” (彳) giống như 3 khớp xương đùi, bắp chân, bàn chân của chân dưới của con người liên kết lại với nhau, ý là đi từng bước nhỏ.
Nhưng bước đi thong thả trong chữ “đức” (德) này, không phải là chạy, nhảy, hoặc tản bộ nơi bằng phẳng, cũng không phải đang dậm chân một chỗ mà là đi được ở bất cứ địa hình nào, bất cứ con đường khúc khuỷu, bất cứ hoàn cảnh nào. Thực hành để có Đức, để tích Đức nhất định phải nhẫn nại, không thể nóng vội. Phía bên phải của chữ Đức từ trên xuống sẽ là: “thập mục nhất tâm” (十目一心).
Trong thế giới văn minh của loài người mấy ngàn năm nay có rất nhiều chính đạo tín ngưỡng được lưu truyền. Nhưng chung quy có hai nhóm chính. Dùng ngôn ngữ quy ước hạn hẹp có thể đặt tên cho chúng là Đạo gia và Phật gia. Một là tu cho cá nhân thành Chân Nhân. Và hai là phổ độ chúng sinh, cứu vớt con người mê trong tội (chữ của Đạo Thiên Chúa ), mê trong nghiệp (chữ dùng của Thích giáo).
Chữ THẬP là thế giới mười phương của nhà Phật. Chữ Mục là con mắt. Đạo gia rất chú trọng tới chữ này. Bởi muốn thành Chân Nhân, họ phải thấy Chân Tướng, họ phải thoát khỏi giả tướng. Họ phải khai mở thiên mục với hàng trăm thứ công năng thuật loại để khám phá các không gian và sinh mệnh. Đây là lý do tại sao chữ Chân, chữ Trực mà họ nhắc tới luôn có chữ Mục.
Hai chữ cuối là NHẤT TÂM. Nhà Phật cho rằng muốn tu luyện phải bỏ mọi tâm chấp trước. Phải “Nhất Tâm Bất Loạn” thì mới có thể nhập định thâm sâu.
Người có Đức luôn hành động với cái tâm kính ngưỡng Thần Phật. Mọi hành động đều theo Chân, Thiện, Nhẫn. Vì người, đặt lợi ích của người trước của mình. Không tranh giành mà nhường nhịn. Không tranh đấu mà chấp nhận chui háng luồn trôn.
Ai đã thử cầm bút lông tập làm nhà thư pháp thì thấy chữ Đức viết rất mềm mại từ tốn. Cái ấn tượng là con chữ rất động. Chữ Xich 3 nét từ trên xuống. Tiếp theo là Thập trên, rồi Tứ dưới, rồi “Nhất đè chữ Tâm”. Rồi liên tiếp những chữ chỉ con số đè nặng dần lên chữ Tâm. Thực hiện được Đức, cái Tâm phải chịu đựng và buông bỏ rất nhiều!
Có một cách hiểu chữ Đức khác rất thâm thúy và đáng lưu ý
Chữ Đức chỉ là kết hợp bởi ba bộ chữ, đó là chữ SÁCH, chữ TRỰC và chữ TÂM. Bộ chữ Sách có nghĩa bước đi, hành động, nó kết thành chữ Hành nên người ta cũng thường nói là bộ chữ Hành; chữ Trực ( gồm các chữ “thập, mục và nhất ” 十目一) nghĩa là ngay thẳng, chính trực và chữ Tâm có nghĩa là sự suy tưởng, ý nghĩ, tư duy. Vậy thì Đức không phải là khái niệm tư tưởng trừu tượng. Nó biểu hiện bằng những hành động rất cụ thể. Ai cũng có thể nhìn thấy việc người đó làm và kết quả tốt đẹp của hành động đó. Hiển nhiên những việc làm ấy phải có 2 tiêu chuẩn. Đó là Trực nghĩa là ngay thẳng, chính đáng không thiên lệch thiên vị, đường đường chính nhân quân tử, phó xuất bao nhiêu xứng đáng hưởng thụ bấy nhiêu. Tiêu chí 2 là ở chữ Tâm. Nghĩa là hành động chính trực nhưng phải hết lòng, bằng dâng hiến, bằng từ bi, bằng yêu thương. Như vậy, Đức là hành động cho tấm lòng, cho hơn nhận. Đức cũng có nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình. Tất nhiên muốn sống thực với chính mình, trước hết phải hiểu về chính mình. Hiểu về chính mình không phải là điều dễ.
Nho giáo chủ trương: ”Tồn tâm dưỡng tính”. Đạo giáo nói: ”Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” cũng nhấn mạnh tinh thần tự chiến thắng bản thân khó khăn gấp ngàn lần việc chiến thắng người khác.
Trong sách “Thuyết văn giải tự” viết: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân”, nghĩa là: “Người có Đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm”. Đặc biệt, càng những người ở “quyền cao chức trọng”, càng cần có Đức. Bởi vai trò và việc làm của họ ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến đất nước. Muốn “Tề gia trị quốc, bình thiên hạ” thành công thì đầu tiên phải biết “Tu nhân” và “Tích Đức”; nghĩa là phải không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân. Không phải vô cớ mà người xưa quan niệm rằng: Vua, quan, phú, quý đều từ Đức mà ra. Vô Đức, vô đắc; mất Đức là mất tất cả. Vì chỉ có Đức, người lãnh đạo mới có thể thu lấy Đức của quần chúng; rồi lại đem đến cho quần chúng nhân dân những thành quả mà xã hội, đất nước có được… Hiểu được như thế thì cả người dân và các quan chức mới tích cực “tu Nhân tích Đức”, mới có thể mang phú quý thái bình, ấm no sung sướng về cho dân và sự phồn vinh cho đất nước.
Ba chữ ĐỨC LƯU PHƯƠNG và ĐỨC LƯU QUANG thường hay được treo như Bức Trung Đường trong những gia đình có nề nếp. Chữ Lưu ở đây là dòng chảy (lưu lượng, thủy lưu…); chữ Phương là hương thơm của loài cỏ tiên; chữ Quang là ánh sáng. Đức sẽ khởi nguồn cho gia đình dòng họ, chảy từ thế hệ này về con cháu mai sau đều là hương thơm, là tiếng thơm mãi mãi; Đức chảy ánh sáng cho con cháu mai sau… Những bức trung đường này tôi thấy ở Bến Tre rất nhiều. Bước vào gian chính của ngôi nhà ba gian, phía dưới là bàn thờ ông bà, tổ tiên, phía trên là tấm hoành phi sơn son thiếp vàng ấy. Chúng ta thấy rất trang trọng, rất linh thiêng. Tôi có cảm nhận gia chủ có truyền thống gia đình gia giáo.
Thực ra, chữ ĐỨC có thể kết hợp với rất nhiều chữ mang hàm nghĩa Đạo Đức. Ta thường nói những cao nhân đắc Đạo, đáng kính là ĐẠI ĐỨC. Ta gọi những Đại Giác Giả thoát mê hoặc những thánh thần là ĐỨC. Chẳng hạn Đức Chúa Trời, Đức Thích Ca Mâu, Đức Lạt Ma, Đức Thánh Trần. Trong hệ thống kết hợp này thì ĐỨC và ĐẤNG là như nhau…
Cũng cần lưu ý thêm, chữ Đức có tới 7 chữ với cách viết khác nhau nhưng chúng cùng một nghĩa. Chữ mà chúng ta đang nói đây là chữ dùng phổ biến nhất.
Như vậy người xưa nhiều lúc đồng hóa chữ Đức với chữ Thiện, với chữ Tâm, xa hơn là với chữ Hạnh, chữ Ân…
Trái nghĩa với ĐỨC là NGHIỆP. Đây là một cặp phạm trù đối lập, luôn đi đôi với nhau như âm với dương, như TRẮNG với ĐEN, như đêm với ngày. Nó là hai dạng vật chất, sản sinh ra những chủng sinh mệnh tương ứng để vận hành quy luật vũ trụ. Đó là luật NHÂN QUẢ BÁO ỨNG. Có lúc nhìn thấy nhãn tiền và được logic giải thích khoa học. Nhưng đa số quy luật này bí hiểm với những ai không ở trong văn hóa Tu Luyện. Thường nhân thường bằng lòng với khái niệm ngẫu nhiên. Nhưng sự vận hành của Đức và Nghiệp theo Phật gia giảng là không có gì ngẫu nhiên. Tất cả đều Nhân Quả. Chữ Nghiệp tôi xin được nói sau.
La Vinh
Xem thêm: