Cha ông ta ngày xưa luôn tự giác răn mình hàm dưỡng đạo đức, tu tâm dưỡng tính để TÍCH ĐỨC cho mình, cho con cháu đời sau, để luân hồi tái sinh phát tài lộc, hưởng phúc thọ… Ngày nay, nhiều người không tin Trời Phật, không tin Thánh Thần; việc ác nào cũng dám làm. Ai cũng cho lợi ích vật chất cầm nắm được mới là thực tại. Nếu quả thực người xưa đúng, thì sinh mệnh vô nhân vô đức ngày hôm nay quả là quá mong manh và đối diện với tương lai thật đáng sợ.
Tiếp theo Phần 1
2/ Vì sao Khổng Tử lại nói: Làm được “năm Đức” trong thiên hạ thì gọi là “Nhân”?
Trong rất nhiều phẩm chất của Đức, có lẽ chữ Nhân (yêu thương, quan tâm người khác) là cái Đức mà chúng ta thường nhắc đến.
NHÂN được định nghĩa là “Đức khoan dung, từ ái, thiện lương.” Trong Luận Ngữ, “Tử Trương vấn nhân ư Khổng Tử”, Khổng Tử viết: năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hĩ. Thỉnh vấn chi, viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ”
Có thể dịch là: “Tử Trương hỏi Khổng Tử về Đức Nhân. Khổng Tử đáp: Làm được năm Đức trong thiên hạ thì gọi là Nhân. (Tử Trương) xin hỏi là những Đức gì, Khổng Tử đáp: Cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái”.
Tranh vẽ Khổng Tử và môn đệ/ internet
Khổng Tử từng nói với Tăng Sâm là học trò của mình: “Học thức của Tử Hạ đề cao rất nhanh vì anh ta thích ở với người nhân đức.” Do đó nói rằng, ở gần với thiện nhân, thì như thể sống trong một ngôi nhà đầy hoa trái thơm hương. Khi thời gian qua đi, người ta sẽ ảnh hưởng và đồng hóa. Thành thử, bậc quân tử phải chọn lựa kỹ càng người ở bên cạnh phò tá mình.
Đức Khổng cũng nói: “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí?” (Nơi có Đức Nhân thì tốt đẹp, chọn lựa ở nơi không có Nhân, sao được gọi là sáng suốt?)
Như vậy, con người sinh sống ở nơi nào có nhiều người nhân đức thì mới là tốt đẹp nhất. Nếu như con người không thể tìm được nơi nhân đức cho bản thân cư ngụ, làm sao có thể nói là có trí tuệ được đây?
Khổng Tử lại nói: “Trí giả lợi nhân” (người có trí tuệ vận dụng Nhân Đức), ý nói rằng một người có trí tuệ sẽ biết truy cầu Nhân Đức, khiến bản thân luôn hành xử Nhân Đức, từ đó mới có thể đạt được mục đích.
3/ Phật gia coi ĐỨC chính là THIỆN
Đức có quan hệ tới chữ Thiện vốn là đặc trưng của Phật gia. Trên thân chữ Thiện có một cành lộc nõn là Nhân mà chúng ta vừa nói. Tuy nhiên, Thiện là quan tâm tới người khác, là phó xuất được tâm từ bi, lấy khổ làm vui để trả nợ thế gian. Đúng ra là trả nợ cho chính mình.
Phật gia coi Đức chính là hành động Thiện, lời nói Thiện, suy nghĩ Thiện… để từ đó có được sự từ bi, hỷ xả, mang điều tốt đẹp đến cho mọi người. Trong luân hồi, có sự nối tiếp nhân quả của Đức từ tiền kiếp trong quá khứ. Vì vậy mới có lời khuyên rằng: Ăn ở hiền lành để Đức cho con; hoặc có lời răn: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước… Đức Phật Thích Ca có ba Đức là Bi Đức, Trí Đức và Tịnh Đức. Trong đó, Bi Đức là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn; Trí Đức là trí tuệ cao khó có gì sánh bằng; Tịnh Đức là dù ở trước mặt hay sau lưng thì tâm Phật đều vậy, không đổi thay. Như thế, tình thương, trí tuệ và sự chân thật ở con người là cốt lõi của Đức.
Đường Tăng Trần Huyền Trang sang Tây Thiên thỉnh kinh, ở lại nhiều năm học tập. Sư trở về quê hương với hơn 600 bộ kinh luận viết bằng tiếng Phạn và dịch chúng. Sư đã định danh biểu tượng nhà Phật này là ĐỨC. Mãi sau này người ta mới gọi nó là Vạn với nghĩa là nhiều, không thể luận bàn. Như vậy, biểu tượng chữ Vạn đồng nghĩa với chữ ĐỨC có nội hàm thâm sâu của ĐỨC.
4/ Chữ ĐỨC trong quan hệ với chữ CHÂN, THÍNH
Chữ ĐỨC rất dễ liên tưởng tới chữ CHÂN (真). Trong các bức Thư Pháp người ta cố ý dựng chữ TỨ (四) thành chữ MỤC(目) cách điệu chữ TÂM ở dưới cùng để ta vừa nhìn được chữ Tâm vừa liên tưởng tới chữ Nhân. Và ta dễ dàng nhận ra chữ Chân. Một chữ thông qua tài năng của nghệ sĩ thư pháp mà người ta có thế đọc được cả hai chữ với những liên hệ đa chiều nhiều thú vị.
Chữ Chân gồm có “Thập trên Mục dưới Nhất đè chữ Nhân”. Ở đây chữ Tứ đã dựng dậy thành chữ Mục. Thực ra Thập, Mục và Nhất là chữ TRỰC. Vì thế Chân còn 2 chữ: Trực và Nhân.
Chữ Chân trong quan hệ với chữ Đức
Như vậy Đức và Chân có sự ăn thông với nhau về tư tưởng trong quan niệm của người xưa.
Vì bộ phận bên phải rất giống với chữ THÍNH (trong từ ”Thính giả”) nên người có Đức là người biết lắng nghe. Trong nghĩa gốc thì THÍNH là ông Vua biết dùng Tai của mình, chăm chú lắng nghe những điều trong thiên hạ bằng trái tim chính trực và nhân đức; không gì không quan tâm, không gì bỏ sót; từ chuyện quốc kế dân sinh; chuyện tồn vong của dân tộc đến những chuyện thỏn mỏn như cây kim sợi chỉ của dân đen, con đỏ.
Còn có người thì giải thích theo chiều hướng ngược lại. Chủ thể của Thính (nghe) ở đây không phải là vua mà lại là thần dân với vua. Đó là thái độ tôn trọng, chăm chú lắng nghe lời của Vua ở các quần thần trong triều. Phải có Đức lớn, có lòng chính trực, lòng trung tuyệt đối với bề trên mới có thể nghe những lời vàng ngọc của Thiên Tử (con Trời). Cũng nên nhớ rằng, do chúng ta bài xích chế độ phong kiến nên nói tới Vua là định kiến, là phủ nhận. Thực ra tương ứng với một thời kỳ văn minh sẽ có một hình thái xã hội phù hợp. Những minh quân như Đường Thái Tông, như Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông… chẳng phải thương dân như con đó sao?
Ngay thời nay, những nước theo quân chủ lập hiến như Nhật, Thái, Anh và một số nước Bắc Âu, dân chúng rất tôn trọng vị vua của họ. Cái chính là đạo đức và tài năng, sự mẫu mực của họ cũng xứng đáng được tôn trọng.
THÍNH có thể nói về thái độ lắng nghe những điều chính TRỰC của người này với người kia như thái độ của Trung thần với hoàng thượng của họ vậy.
5/ Chữ ĐỨC trong thư pháp
Bức thư pháp viết chữ Đức
Cách chơi chữ của người xưa là một thứ nghệ thuật. Chỉ có thứ chữ thánh hiền này mới có cách tiếp cận, biểu hiện mang đậm sắc thái tính cách và thông điệp về nhân sinh, về thế giới quan, vũ trụ quan của cá nhân.
Chữ Đức ở đây không còn là chữ Đức nguyên sơ nữa. Phần bên phải là chữ HÀNH đã không còn. Chữ NHẤT không có đè chữ TÂM mà đã đứng thẳng thành chữ TRỰC ngạo nghễ. Chữ TÂM thiếu dấu chấm, gợi cho người ta sự cách điệu tung hoành phóng khoáng của chữ NHÂN. Không có chữ Hành nhưng với cấu trúc đặc trưng này, ta nhận diện ra chữ Đức. Nó còn cho ta liên tưởng tới 2 chữ mà người viết rất tự hào: CHÂN & TRỰC.
Phụ trợ cho một chữ lớn là một đám con cháu to nhỏ lít nhít. Những chữ rõ nhất là TÍCH KIM TÀI, VÔ, BẤT, TRƯỜNG KẾ…
Tự bản thân những chữ “tiểu nhân” này đã làm cho chữ Đức trở thành trượng phu, quân tử.
Thực ra, trong nhiều cách viết chữ Đức thì việc kết hợp chỉ có hai chữ TRỰC và TÂM cũng là chữ Đức độc lập được thừa nhận xưa nay.
Tôi yêu chữ Hán bởi nó là chữ Thần truyền. Nó ra đời ở một vùng gọi là Thần Châu…
Hầu hết các con chữ của nó phân tích, tổng hợp; liên tưởng theo chiều tương đồng hay tiếp cận đều cho ta được giác ngộ, đều cho ta thấy nội hàm thâm sâu. Đặc biệt, là những bức tranh chữ của những nhà thư pháp.
Chữ là người, là Thần, là chuyên chở đạo đức. Và trong chiều sâu thăm thẳm, nó là Đạo. Nó giúp ta kính ngưỡng Thần, biết chế ước tự thân làm cơ sở để tránh cho nhân loại tiểu kiếp, đại kiếp và… tận thế.
La Vinh
Xem thêm: