Đại Kỷ Nguyên

Đức của quan như gió, đức của dân như cỏ, gió thổi thì cỏ ắt sẽ rạp xuống

Chuyện “Hán Văn Đế tiếc tiền xây đài” được ghi chép trong cuốn Sử Ký – Hiếu Văn bản kỷ, kể rằng Văn Đế do quý trọng tiền tài của dân mà đã dừng xây dựng lầu đài.

Vị hoàng đế thứ năm của nhà Tây Hán là Hán Văn Đế Lưu Hằng có ý định xây dựng một tòa đài ở núi Ly Sơn. Trước tiên, ông lệnh cho nhóm thợ tính toán chi phí. Nhóm thợ cho rằng chi phí ước tính vào khoảng 100 lượng vàng. Văn Đế nghe xong bèn nói:

– 100 lượng vàng tương đương với tài sản của 10 gia đình trung lưu. Tiên đế đã để lại cho ta nhiều cung điện và đình đài, ta luôn lo lắng rằng nếu không tích đủ công đức sẽ làm ô uế danh tiếng hiền minh của tiên đế. Vậy sao ta lại có thể hao phí tiền tài của dân, khiến nhân dân lao khổ để xây dựng đài này đây?

Hán Văn Đế Lưu Hằng là bậc minh quân biết tiếp thu can gián, chăm làm việc thiện, sống vô cùng giản dị chất phác. Trong suốt 23 năm trị vì, ông không hề tu sửa cung điện vườn tược, thay vào đó là cắt giảm chi tiêu trong cung đình. Những sử gia đời sau bình luận về sự kiện Văn Đế ngừng xây đài như sau:

“Văn Đế là chủ của thiên hạ, có thể nói giàu nhất bốn biển. Thời gian trị vì của ông là một giai đoạn thanh bình, quốc thái dân an, của cải tiền tài dư thừa, xây một chiếc đài thì chẳng đáng là bao. Nhưng đối với một quốc gia giàu mạnh như thế, số tiền 100 lượng vàng nhỏ bé đó ông cũng không muốn tiêu phí. Quả thực, ông xứng danh với các đấng hoàng đế anh minh trong lịch sử như vua Nghiêu, vua Thuấn, và vua Vũ mà dân chúng ca ngợi.”

Theo các ghi chép lịch sử, trong những năm Văn Đế tại vị, các cung điện, vườn cảnh, trang phục, xe cộ và ngựa… đều không tăng thêm. Bất cứ việc gì gây tổn thất dù chỉ một chút đối với lợi ích của bách tính lê dân thì ông cũng không cho phép. Mặc dù Văn Đế là bậc Thiên tử tôn quý, nhưng y phục thường ngày của ông đều làm từ vải thô. Thậm chí Thận phu nhân vốn là thê thiếp được ông sủng ái, ông cũng yêu cầu bà không nên mặc những bộ váy dài kéo lê trên nền, rèm trướng phải đơn sơ và không được thêu gấm hay hoa văn diêm dúa. Hán Văn Đế tự mình sống tiết kiệm chất phác là để làm gương cho thiên hạ.

Ngoài ra, Văn Đế còn quy định rằng lăng mộ của ông phải dùng gạch ngói hoàn toàn, không được sử dụng kim loại quý như vàng, bạc, đồng, hoặc thiếc để trang trí. Ông cũng nghiêm cấm xây dựng mộ to cao, mà phải tiết kiệm nhiều nhất có thể và không được phiền nhiễu tới cuộc sống và canh tác của dân chúng.

Hán Văn Đế ngồi bàn luận chính sự, tranh họa thời nhà Tống. (Ảnh: wikipedia.org)

Thời đó, Nam Việt Vương Triệu Đà tự phong mình làm Vũ Đế, sánh ngang với các vị hoàng đế phương Bắc. Hán Văn Đế thay vì xuất binh chinh phạt, ông đã mời anh em của Triệu Đà đến kinh thành, tặng họ của cải bạc vàng. Hành động ấy đã khiến Triệu Đà cảm động và nguyện ý từ bỏ đế hiệu.

Thời nhà Hán, người Hung Nô vẫn là một thế lực hùng mạnh. Bởi triều Hán mới thành lập, mọi thứ mới khởi đầu, cả quốc gia đang trong thời gian nghỉ dưỡng phục hồi, chưa đủ thực lực để tham chiến. Để bảo vệ sơn hà, Văn Đế đã kết thân với Hung Nô để giảng hòa. Nhưng quân Hung Nô lại phá hủy giao ước, xâm phạm lãnh thổ và cướp bóc nhân dân. Nhưng Văn Đế bèn chỉ lệnh cho quân lính canh phòng, vừa phòng thủ biên giới vừa bảo vệ người dân. Ông không xuất binh đến vùng lãnh thổ của Hung Nô là bởi vì ông luôn quan tâm tới thảm họa mà chiến tranh có thể gây ra cho con dân của mình.

Lúc đó một trong những chư hầu là Ngô Vương Lưu Tỵ thường viện đủ lý do không triều kiến Văn Đế, nhưng ông không vì thế mà truy tội. Thay vào đó, ông cấp cho Lưu Tỵ ghế gỗ và gậy chống để biểu lộ sự quan tâm với Ngô Vương tuổi tác đã cao. Ông cũng tuyên bố rằng Lưu Tỵ có thể được miễn lễ tiết, không phải vào chầu triều.

Trong các quần thần, nhóm người như Viên Áng luôn sỗ sàng và sắc bén khi tâu bẩm trước mặt vua, cố ý làm mất thể diện của Văn Đế, thế nhưng Văn Đế vẫn luôn khoan dung tiếp nhận lời can gián của họ. Thậm chí, đôi lúc ông còn trọng thưởng cho những người can gián. Một lần nhóm đại thần Trương Vũ nhận hối lộ. Khi Văn Đế phát hiện, ông không những không trừng phạt, mà lại còn lấy tiền từ trong kho hoàng cung ban cho họ. Điều này đã khiến nhóm đại thần Trương Vũ cảm thấy hổ thẹn và càng thêm kính phục Văn Đế bội phần.

Trong thời gian tại vị, Văn Đế từng giờ từng phút lo nghĩ cho bách tính lê dân, dốc sức dùng ân đức cảm hóa quần thần, giảm thiểu hình phạt. Dưới sự trị vì của ông, thiên hạ giàu có, bách tính an cư lạc nghiệp, lễ nghi hưng thịnh.

Thời Văn Đế đã qua trên 2000 năm, hoàn cảnh xã hội, tri thức con người và phương thức quản lý quốc gia cũng thay đổi. Dẫu biết rằng chúng ta không thể dập khuôn phương thức trị quốc xưa kia, nhưng tinh thần lo nghĩ cho dân, khoan dung nhân từ với cấp dưới, biết tiết kiệm chi tiêu, sống chân thật chất phác nhân hậu, dùng đức cảm hóa người, thì không cần đặt ra quá nhiều hình phạt pháp luật mà lòng dân vẫn tự quy theo. Mấu chốt của một quốc gia giàu mạnh vẫn là đạo đức xã hội, mà đạo đức xã hội lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ người đứng đầu. Cổ nhân nói: “Đức của quan như gió, đức của dân như cỏ, gió thổi thì cỏ ắt sẽ rạp xuống”.

Kiến Thiện
(Theo Minghui.org)

Exit mobile version