Một người chỉ cần có tài năng, trí tuệ và bản lĩnh thì có thể làm việc lớn, thành công trong cuộc sống hay chăng? Nếu như chỉ cần có đủ tài năng là có thể thành công trong đời thì con người còn cần đạo đức để làm gì? Mấy câu hỏi này, trả lời cho tường tận cũng thật không dễ chút nào.
Trong “Liệt tử, Thuyết phù” có giảng đại ý: Ta chưa từng nghe tới việc bản thân chăm sửa trị mà quốc gia lại loạn lạc, cũng chưa nghe qua việc bản thân bại hoại mà quốc gia lại hưng thịnh. Điều ấy nhắm vào các bậc quân vương mà nói vậy. Quân vương hay người điều hành một quốc gia phải biết sửa trị bản thân thì mới mong quốc phú dân cường.
Nếu thước kẻ không chuẩn, rất khó vẽ hình vuông. Nếu la bàn không chính xác, rất khó vẽ một vòng tròn hoàn hảo. Việc tu luyện đạo đức của một người âu cũng giống như thước kẻ và la bàn, nó cũng có những quy chuẩn chính xác không thể bị xê dịch.
Cổ nhân nói về 4 loại người có cảnh giới cao như sau: Không nghi hoặc chuyện họa phúc ắt hành động theo lý, không mừng giận quá đà ắt thưởng phạt không thiên lệch, không tham lam, si độn ắt không bị dục vọng hại thân, không quá phát tiết dục vọng ắt cũng hiểu đạo lý tu tâm dưỡng tính. Phàm là 4 loại người này đều có điểm chung là: không cầu những thứ ở bên ngoài, không giả dối người, chỉ tự phản tỉnh, tu dưỡng chính mình từ bên trong.
Bởi vì biết cách tu dưỡng, rèn luyện bản thân mà người ta có thể hàm dưỡng được sức mạnh của mình. Đạo đức sẽ tạo ra sức mạnh. Người khôn ngoan mà không có đạo đức thì chẳng khác nào con thuyền không bánh lái, trôi dạt vô định, có ngày đâm phải đá ngầm mà chìm. Cũng giống như khi qua sông, người khỏe mạnh cỡ nào dẫu không biết bơi thì cũng chìm dưới nước. Ngược lại, người có vẻ ngoài yếu đuối ra sao nhưng có được kỹ năng bơi lội thì vẫn qua được bờ bên kia.
Có tài năng nhưng cũng phải liên tục trui rèn đạo đức. Ta chưa từng thấy người nào lưu danh sử sách, làm nên việc lớn chỉ bằng tài năng đơn thuần mà không có yếu tố “đức” ở bên trong.
Một người muốn thành công vững bền trong sự nghiệp thì cần phải có đức hạnh. Con người sống không có đức hạnh thì làm sao có thể làm quan lớn, phát tài lớn, giữ vững cơ nghiệp, hưởng phúc trọn đời, giống như Trụ Vương vô đạo, đam mê dục vọng cuối cùng cũng bị Trời phái Đát Kỷ xuống hủy hoại cả một vương triều hùng mạnh.
Trong “Kinh Dịch” viết: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, ý rằng: Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật.
Người xưa cũng ví Đạo của đất là thiện lương, từ bi, đất có thể chuyên chở vạn vật, sinh mệnh, con người. Người có đức dày cũng như mặt đất bao dung, nâng đỡ tất cả. Vì đức dày nên mới có thể bao dung, dung chứa mọi sự, mọi vật.
Đức dày chính là phúc khí lớn nhất của đời người. Có đức một phần là có phúc một phần, có đức mười phần thì cũng có phúc mười phần. Đức ấy giống như mạch nước ngầm dưới lòng sông, có sức mạnh vô cùng to lớn nhưng trên bề mặt lại không chút gợn sóng.
Xem ra đức độ cũng chính là phúc khí vậy!