Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa..”.
Vương Liệt (141-219), tự Ngạn Phương, là người Thái Nguyên (huyện Dương Khúc, Sơn Tây ngày nay) sống trong thời Đông Hán, là người chính trực, hiếu nghĩa. Ông nổi tiếng khắp nơi bởi nhân nghĩa và đức hạnh, đã cảm hóa mọi người trong làng, mọi người đều vô cùng kính trọng ông.
Vương Liệt bái Trần Thực làm thầy, kết giao với hai người con trai của Trần Thực. Các danh sỹ Dĩnh Châu đương thời như Tuân Sảng, Giả Bưu, Lý Ưng và Hàn Dung đều theo học Trần Thực, tất cả đều khâm phục nhân cách và phẩm hạnh của Vương Liệt, và đều kết giao với ông. Danh tiếng Vương Liệt nổi danh khắp thiên hạ. Sau khi học hành thành tựu, ông về quê Thái Nguyên mở trường dạy học, giáo dục người dân, khiến cho phong khí xã hội thay đổi, người người đều hành thiện, tránh làm việc ác.
Có một kẻ trộm trâu, bị chủ nhà bắt được. Kẻ trộm nói: “Xin ông cứ đưa tôi lên quan phủ, tôi xin chịu mọi hình phạt của pháp luật. Tôi chỉ xin ông đừng để ngài Vương Ngạn Phương biết”.
Vương Ngạn Phương nghe được chuyện này, lập tức sai người đến tạ tội với người chủ trâu, đồng thời tặng một súc vải cho kẻ trộm trâu. Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ. Có người tìm đến hỏi nguyên cớ, Vương Liệt nói: “Kẻ trộm này sợ tôi biết được tội lỗi của hắn, có thể thấy hắn có lòng xấu hổ. Người có lòng xấu hổ với tội lỗi của mình thì ắt sẽ có thể sửa chữa lỗi lầm mà hướng thiện. Do đó tôi làm như vậy để khích lệ hắn có thể sửa chữa sai lầm mà tự đổi mới mình”
Sau này có cụ già nọ đánh rơi thanh bảo kiếm. Có một người nhặt được, liền đứng ở ven đường chờ đợi, chờ người đánh rơi quay lại nhận. Cho đến tận chiều tối, cụ già mới quay lại tìm. Người kia đem bảo kiếm trả lại, cụ già rất cảm kích, hỏi họ tên anh ta. Hóa ra lại chính là kẻ trộm trâu trước đây.
Bà con trong làng hễ có chuyện tranh cãi kiện tụng, đều đến mời Vương Liệt phân giải giúp. Khi phân định thị phi đúng sai, do Vương Liệt luôn lấy đức cảm hóa, cho nên có người đi đến giữa đường, đột nhiên từ bỏ tranh chấp, hai bên hòa giải quay trở về. Có người muốn đến kiện tụng, đi từ xa nhìn thấy nhà cửa của Vương Liệt, liền cảm thấy xấu hổ, hai bên nhường nhịn, nhượng bộ lẫn nhau rồi trở về. Có thể thấy Vương Liệt đức lớn đã cảm hóa người dân rất sâu sắc, đã vượt xa sức mạnh của hình phạt.
Vương Liệt được tiến cử làm hiếu liêm, cả Tam phủ đều ra sắc lệnh bổ nhiệm ông nhưng ông đều từ chối. Thời đó, Đổng Trác làm loạn, Vương Liệt tránh nạn đến Liêu Đông cày cuốc và nghiên cứu điển tịch. Vương Liệt được mời làm Trưởng sử của Công Tôn Độ, thái thú Liêu Đông, khiến vùng Liêu Đông, người mạnh không ức hiếp kẻ yếu, không cậy đông ức hiếp cô quả, người buôn bán không nói thách, không đẩy cao giá kiếm lợi lớn.
Khi Vương Liệt tránh loạn cư trú ở Liêu Đông, người địa phương khi đó còn man di, được ông giáo hóa cũng đều rất tôn kính ông. Tào Tháo nghe tiếng, sai người đến mời Vương Liệt làm quan, nhưng ông khéo léo từ chối. Cả đời cao khiết, hành thiện vì người, lấy đức cảm hóa, người người đều khâm phục, ca ngợi.
Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa..”
Xưa nay những người đạo đức cao thượng đều được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ. Sức mạnh cảm hóa của đức mạnh hơn tất cả mọi quyền lực, danh lợi, của cải, hình phạt, hay bất kỳ chế tài nào. Vì đức cảm hóa tâm linh con người, khiến họ cảm động, tự nguyện tự giác học, làm theo, tự mình xem xét hành vi và suy nghĩ của bản thân, mà không cần bất kỳ sức mạnh ép buộc nào từ bên ngoài.
Do đó, đức hạnh, thiện lương là cái gốc làm người, là cội nguồn sinh mệnh, là chân lý của vũ trụ , là nơi trở về của tâm linh con người.
Nam Phương sưu tầm và biên dịch