Đại Kỷ Nguyên

Đức mỏng mà ngôi cao, không công mà nhận nhiều lộc ắt rước họa vào thân

Trong những năm gần đây, dường như có một hiện tượng khá phổ biến: những người trước đó kiếm được rất nhiều tiền thì sau một thời gian ngắn đã tán gia bại sản. Câu chuyện buồn ấy có lẽ đang gợi nhắc nhiều điều cho chúng ta…

Hãy cùng nhìn lại một lần nữa những hiện tượng này: Tại sao nhiều người trẻ tuổi đang trong giai đoạn sung sức nhất lại chết sớm? Tại sao có người vừa mới nổi tiếng đã qua đời? Tại sao có một vài quan chức mới được thăng thưởng đã mắc phải bệnh nặng? Một trong những nguyên nhân chính là… 

“Đức không xứng vị”

Có câu nói phổ biến trong dân gian rằng: “Đức dày tải vạn vật”. Tất cả tài phú, địa vị của chúng ta, người xưa dùng một chữ để miêu tả: “Vật”, chính là do phúc đức nhiều mang lại. Trong “Chu Dịch” cũng viết: “Quân tử dĩ hậu đức tải vật”, nghĩa là người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ, chở che vạn vật.

Tương phản với câu nói này là: “Đức không xứng vị”. Cũng có nghĩa là đức hạnh của người ta không tương xứng với tài phú và danh lợi mà họ đang có. Đơn cử như có một cái bàn chỉ chịu được sức nặng 10kg nhưng bạn nhất định đặt lên trên đó 15kg, 20kg, 50kg… thì nó chắc chắn sẽ bị biến dạng, thậm chí sẽ gãy đổ. Một người có thể mang chứa được những gì và dựa vào cái gì để mang chứa? Chính là dựa vào đức hạnh, dựa vào giá trị mà bạn tạo ra cho xã hội. 

Người xưa quan niệm rằng, tất cả những gì chúng ta có thể hưởng thụ đều là từ phúc báo của mình. Nếu một người kiếp trước thường xuyên làm việc tốt, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình thì có thể kiếp này sẽ được làm quan, phát đại tài. Ngay cả việc tưởng như rất đơn giản như ăn ngon mặc ấm cũng đều là do phúc báo mang tới. Vì thế, văn hóa truyền thống phương Đông rất trân trọng đồ ăn, cái mặc. Đó đều kết quả từ việc làm người tốt, sống lương thiện của ta mà có cho nên càng phải trân trọng, đừng dễ dàng tiêu hết nó. Công sức ta tích đức mà có được mà cũng không biết trân quý thì còn có thể trân quý điều gì? 

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” của Viên Liễu Phàm có câu: “Người có phẩm đức đáng giá trăm vàng mới có thể gánh vác gia tài trăm vàng, người có phẩm đức đáng giá nghìn vàng mới có thể gánh vác gia tài nghìn vàng”. Một người nếu tiêu phí phúc lành của mình một cách vô duyên vô cớ thì ắt là phúc đức của bản thân cũng sẽ có ngày cạn kiệt, tai họa bởi thế mà theo chân đến. 

Tại sao nhiều người giàu lại ăn vận một cách rất đơn giản? Lý do rất dễ hiểu: họ đều là những người sống rất khiêm tốn, ăn mặc càng giản dị, tâm càng cứng rắn, càng yên tĩnh. Trái lại, có rất nhiều người trẻ tuổi thích những chiếc túi hàng hiệu đắt tiền, xe sang nhập khẩu. Trước khi hưởng thụ những điều này, ta cũng nên tự hỏi bản thân rằng mình đã có đóng góp gì cho xã hội để có thể hưởng thụ những điều này? Nếu như không thể trả lời được thì đó chính là việc ta đang tiêu tán dần phúc lành của mình để đổi lấy vật chất mà thôi. 

Nghệ sĩ Vương Cương trong vai Hòa Thân (ảnh trái) và phác họa nhân vật Hòa Thân – đại quan tham trong lịch sử Trung Hoa, vừa có địa vị cao vừa giàu có nhưng vẫn chịu thảm cảnh cuối đời (ảnh: Doanhnghiepvietnam).

Các mục tiêu phát triển kinh tế được đặt ra hàng năm cùng với nỗi ám ảnh về những thời kỳ thiếu ăn thiếu mặc xa xưa đang khiến xã hội cuống cuồng chạy đua làm kinh tế. Có những lớp doanh nhân không từ bất cứ thủ đoạn nào, đều là nghĩ gì làm nấy, không cần đạo đức, không cần lương tâm. Bỏ qua tất cả các quy chuẩn ước thúc, họ trở nên phát tài mau chóng. 

Trong những năm gần đây, những phương thức làm ăn chỉ cốt mưu lợi cho mình mà sẵn sàng hại người đã gây ra hậu quả ngày một kinh hoàng. Từ sữa cho trẻ em chứa chất độc, trong trái cây ăn quả lại có kim gây sát thương, đồ ăn thức uống chứa hóa chất gây ung thư, đến cả nước sinh hoạt cũng nhiễm bẩn đen ngòm… Xã hội hoang mang, không biết làm thế nào mới tốt, ra ngoài kiếm chác được thật nhiều tiền, rồi cũng có lúc phải trả lại bằng việc tiêu tốn tiền trên giường bệnh để chữa bệnh nan y. 

Đã đến lúc ta nên bình tĩnh và suy nghĩ kỹ càng và tự hỏi lòng mình rằng ta có thể tạo ra những giá trị gì cho xã hội? Thời đại này rất tàn nhẫn nhưng cũng rất công bằng: Chỉ khi bạn tạo ra giá trị, bạn mới có giá trị.

Bạn tạo ra cho xã hội bao nhiêu giá trị thì bạn có thể yên tâm bấy nhiêu về phúc báo của bản thân. Khi bạn có phúc báo, không phải bạn đi kiếm tiền mà tiền tự tìm đến với bạn. Cổ nhân có nói “người kiếm tiền bằng hai chân, tiền tìm người bằng tám chân” cũng chính là đạo lý này.

Phải nhớ rằng: Đức bạc mà chức cao, công nhỏ mà tiền nhiều, thì sớm muộn tất cả sẽ đều chôn vùi trong họa nạn.

Ảnh: Pinterest.

Một người nhân phẩm kém mà ngồi ở chức quan cao, một người có đóng góp ít cho xã hội mà sở hữu khối tài sản khổng lồ, người có đầu óc đơn giản nhưng lại muốn quyền lực lớn thì một ngày nào đó sẽ gặp phải tai họa thảm khốc.

Học sinh và trẻ nhỏ bây giờ cũng như vậy, không cần biết bản thân thuộc thân phận gì cũng cứ phải đòi hỏi, mong muốn có được những thứ tốt nhất. Nhưng một đồng tiền cũng chưa kiếm được mà lại muốn có được thứ tốt nhất, ai dạy bạn những điều đó? Đó phải chăng là Tivi dạy, xã hội dạy, người lớn trong nhà dạy, thầy cô giáo dạy? Các bạn trẻ đâu hề biết rằng, hưởng phúc quá nhiều như thế thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Ông bà tổ tiên chúng ta cũng từng dạy, không công mà nhận lộc thì ắt là tổn phúc, tổn thọ, hậu vận thê lương. 

Tình yêu thương của các bậc phụ huynh dành cho con cái ngày nay đã hoàn toàn trái với đạo lý khi xưa. Bạn càng yêu thương chúng, càng nuông chiều chúng, chúng càng sinh ra nhiều bệnh tật. Khi chúng lâm cảnh trái ý, hoạn nạn lại chẳng có sức mạnh và tâm thái tích cực để vượt qua. Cuối cùng người ta sẽ trở thành bạc nhược, ích kỷ, tham lam, đường đời về sau dù có được cha mẹ trải thảm đỏ cũng sẽ tiêu tán phúc lộc của mình một cách nhanh chóng mà lâm vào cảnh bất mãn.

Trong “Giới tử thư” (Thư dạy con), Gia Cát Lượng từng nói: “Tĩnh có thể tu thân, kiệm có thể dưỡng đức”, đó cũng là con đường người ta nên đi. Trong “Kinh Dịch” cũng nhắc nhở người đời rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khách, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, nghĩa là: “Nhà tích thiện, ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện, ắt có thừa tai ương”. 

Ngọc Linh
Theo Forhuaren

Exit mobile version