Trước khi tu luyện đắc Đạo, Đức Phật A Di Đà đã trải qua vô lượng kiếp, trong đó có một kiếp là quốc vương nước Diệu Hỷ, tên gọi Kiều Thi Già. Phụ vương của ngài tên là Nguyệt Thượng Chuyển Luân Vương, mẫu thân ngài là Thù Thắng Diệu Nhan.
Câu chuyện về Đức Phật A Di Đà trước khi Ngài tu luyện Đắc Đạo. Thời đó có một vị Phật xuất thế, tên gọi là Thế Tự Tại Vương Như Lai (là vị Phật thứ 53 sau Định Quang Phật). Kiều Thi Già nghe Phật thuyết Pháp, trong lòng vui thích, tâm địa rộng mở bèn phát tâm vô thượng Bồ Đề. Ông từ bỏ ngôi báu quốc vương, quy y theo Phật Thế Tự Tại Vương rồi xuất gia, được ban Pháp hiệu tỳ kheo Pháp Tạng.
Ý chí tu hành của tỳ kheo Pháp Tạng là cứu độ khổ nạn của tất cả chúng sinh, phát xuất nguyện lực to lớn và rộng khắp. Ngài vốn thích tu trì hạnh đặc biệt, đồng thời mong muốn đạt được Phật quả tối cao vô thượng. Đối với các chúng sinh khổ não đang trầm luân trong biển khổ, ngài mong muốn ban cho họ an lạc và lợi ích to lớn nhất, thì mới thỏa mãn tâm nguyện của mình. Thế là, ngài suy nghĩ kỹ lưỡng, để đạt được mục đích này ắt phải kiến lập thế giới Cực Lạc thù thắng thì mới có thể độ chúng sinh đến được, đồng thời phải đặt ra một Pháp môn đơn giản nhất, khiến cho hết thảy chúng sinh dễ dàng tu trì và nguyện được sinh ra ở quốc thổ của ngài.
Thời gian đó tỳ kheo Pháp Tạng không biết Phật thổ của vị Phật nào là siêu tuyệt nhất, Pháp môn tu trì nào đơn giản dễ dàng nhất, để có thể đạt được đại nguyện, thành tựu vĩ nghiệp. Tỳ kheo Pháp Tạng bèn đến bái kiến Phật, đảnh lễ xong, ngài cứ quỳ mãi ở đó chắp tay hợp thập, rồi thưa với Phật rằng: “Con phát tâm vô lượng chính giác, chỉ nguyện thế tôn giảng Tịnh Thổ trang nghiêm của chư Phật Như Lai 10 phương và các Pháp môn tu luyện. Con nghe xong sẽ tu hành theo thuyết Pháp, thành tựu nguyện ước, để con mau chóng đắc chính giác, cứu khổ khắp chúng sinh”.
Lúc đó Phật Thế Tự Tại Vương cảm động chí lớn cao cả của ngài, lập tức khai thị các Pháp môn tu luyện, đồng thời giảng cảnh giới quốc thổ của 210 vạn ức chư Phật. Khi đó, tỳ kheo Pháp Tạng nhờ thần lực không thể tưởng tượng của Phật, và tâm nguyện nhất niệm chân thành cảm ứng, quốc thổ chư Phật lập tức đều hiện lên trước mắt. Tỳ kheo Pháp Tạng nghe Phật thuyết giảng, càng vui mừng nhảy lên, phát nguyện vô thượng. Ngài xem xét lựa chọn kỹ quốc thổ chư Phật, thấy chỉ có Tây Phương Tịnh Thổ là thù thắng nhất, thích hợp nhất. Ngài bèn tỉ mỉ kiểm định lại các hạnh tu quá khứ, bỏ Pháp môn khó mà chọn lấy cái dễ nhất, không gì thuận lợi dễ dàng hơn Pháp môn niệm Phật hiệu.
Lúc đó, ngài lại bái Phật: “Con đã chọn quốc thổ trang nghiêm, hạnh thanh tịnh”. Khi đó, Phật nói với tỳ kheo Pháp Tạng: “Những điều con nói hôm nay có thể khiến chúng sinh vui mừng”. Tỳ kheo Pháp Tạng bạch với Phật rằng: “Nguyện sư tôn nghe nguyện của con”, rồi trước mặt Phật, ngài phát xuất 48 nguyện, sáng lập ra thế giới Cực Lạc mới, độ rộng rãi 9 phẩm hàm linh, mỗi nguyện đều trang nghiêm cực lạc, mỗi nguyện đều độ chúng sinh.
Lúc đó tỳ kheo Pháp Tạng nghĩ rất sâu rằng, nếu không phải là Tịnh Thổ tuyệt diệu thù thắng, thì chúng sinh muốn vãng sinh đến sẽ ít, hoặc khó tu trì, tuy Tịnh Thổ thù thắng tráng lệ thế nào đi nữa cũng khó độ được đông đảo chúng sinh cầu vãng sinh ở quốc thổ ngài. Mong muốn thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm sẽ là quả cho các chúng sinh quy túc, ngài đề xướng Pháp môn niệm Phật hiệu là nhân cho các chúng sinh tu hành vãng sinh. Một đại nghiệp tuyệt thế nhường này, nếu không có đại lực đại nguyện, sao có thể dễ dàng thành tựu được?
Do đó, tỳ kheo Pháp Tạng phát đại Đạo tâm, theo nguyện lực lời thề này, sẽ tu hành muôn kiếp, dũng mãnh tinh tấn, nhẫn nại không mệt mỏi, làm việc thiện không lùi bước. Hoặc sinh làm vua, hoặc sinh làm người giàu có, hoặc sinh làm tỳ kheo, hoặc sinh làm Thiên nhân… đều cung kính hết thảy chư Phật, quảng tu vạn hạnh, trồng nhiều gốc đức, cho đến tu các khổ hạnh gian nan, khổ hạnh nan hành năng hành (khó làm cũng vẫn cứ làm bằng được), nan nhẫn năng nhẫn (khó nhẫn cũng vẫn cứ nhẫn bằng được), cứ như thế tu trì, có thể thấy tỳ kheo Pháp Tạng đã dụng tâm như thế nào.
Tỳ kheo Pháp Tạng đã ở đời rất xa xưa, trong một kiếp thiện trì, ở thế giới là San Đề Lam. Khi đó giáo chủ có danh xưng là Bảo Tạng Như Lai. Bảo Tạng Như Lai thụ ký cho ngài và nói: “Đời sau con sẽ thành Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ (có nghĩa là Amitā, tức A Di Đà), thế giới tên là An Lạc, quốc thổ thanh tịnh”.
Tỳ kheo Pháp Tạng muốn đạt được hồng nguyện to lớn siêu thế như thế này, chẳng phải là một kiếp hai kiếp, mà là hàng trăm nghìn vạn kiếp tu xuất lai, trường kỳ tu luyện tích tụ, mới thành tự vạn hạnh công đức không thể tưởng tượng, tu xuất ra Thế giới Tây Phương Tịnh Thổ trang nghiêm tuyệt thắng như thế này, có thể nói là đã viên mãn thành tựu vĩ nghiệp.
* Để biết chi tiết nội dung câu chuyện độc giả có thể xem Kinh Vô Lượng Thọ
Nhất Tâm biên dịch
Xem thêm: Câu chuyện hài đáng suy ngẫm: Niệm phật không bằng tu tâm tính