La Hầu La là hoàng tử hạnh phúc nhất trên đời khi được làm con trai của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tiểu hoàng tử tính tình ngỗ ngược, lại được ông nội Tịnh Phạn Vương yêu chiều, vậy nên cậu thường châm chọc và làm người khác tổn thương. Sau này, La Hầu La được dạy dỗ dưới sự từ bi của Phật, trở thành một trong mười đại đệ tử của Đức Thích Ca.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca trở về quê hương để độ hóa những người thân của mình, trong đó có con trai ông là tiểu hoàng tử La Hầu La. Khi đó, La Hầu La mới vừa tròn 6 tuổi, cậu vui vẻ chạy đến chỗ tăng đoàn.
La Hầu La đưa mắt nhìn các tăng nhân rồi bước thẳng đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni. Cậu nói đi nói lại: “Vị tăng này, hình bóng của ông khiến ta cảm thấy vô cùng vui vẻ và hạnh phúc”.
La Hầu La hồn nhiên đã ở bên cạnh Đức Phật, lúc thì nhảy múa vui vẻ, lúc lại khóc mếu đòi được cưng chiều. Đức Phật đưa tay ra để La Hầu La nắm lấy bàn tay rồi cả hai cùng nhau bước đi.
Đức Phật đi đến một khu rừng yên tĩnh và gọi tôn giả Xá Lợi Phất đến giúp tiểu hoàng tử xuất gia. Từ đó La Hầu La chính thức bước trên con đường tu luyện.
Khi vừa mới xuất gia, La Hầu La vẫn còn là một cậu bé nghịch ngợm, bướng bỉnh và thường hay chọc phá người khác. Thích Ca Mâu Ni bèn lệnh cho cậu đến sống ở một ngôi nhà linh thiêng, để cậu ý thức được sự nuông chiều có hại như thế nào, từ đó tự mình rèn luyện đạo đức và kỷ luật.
La Hầu La đã sống ở đó 90 ngày. Cậu ý thức được những hành vi sai trái của mình và cảm thấy rất hối hận. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni đến thăm, La Hầu La vui vẻ hành lễ và đi chuẩn bị cho Đức Phật một chiếc ghế tựa.
Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên ghế tựa, nói với La Hầu La: “Con cầm khay tắm đi lấy nước lại đây rửa chân cho ta”.
Rửa chân xong, Đức Phật lại nói: “Chỗ nước này có thể uống được không?”. La Hầu La nói: “Đây vốn là nước sạch, nhưng vì Ngài đã rửa chân nên nước không còn dùng được nữa”.
Đức Phật nói: “Con cũng thế, mặc dù là con trai ta và là cháu của quốc vương, nhưng con đã từ bỏ vinh quang và sự giàu có để xuất gia, trở thành một tăng nhân. Nếu không tu dưỡng đạo đức, nếu vẫn ôm giữ những suy nghĩ xấu xa thì cũng sẽ giống như chỗ nước này, không dùng được nữa”.
Đức Phật lại hỏi: “Khay tắm này đã đổ nước đi rồi, giờ có thể dùng để đựng cơm không?”. La Hầu La trả lời: “Không được ạ, khay tắm đã đổ nước đi rồi, nhưng vẫn còn dính bẩn”. Đức Phật lại nói tiếp: “Con cũng vậy, mặc dù đã quy y cửa Phật nhưng tính cách của con quá ngỗ ngược, không có ý chí tiến lên, lại còn ôm giữ những suy nghĩ xấu. Như vậy thì cũng như chiếc khay này, không thể đựng đồ ăn được nữa”.
Đức Phật nói xong liền dùng chân đá chiếc khay tắm khiến nó xoay tròn vài vòng rồi rơi xuống đất. Lúc này Đức Phật lại hỏi: “Con có sợ khay tắm bị đá vỡ không?”.
La Hầu La trả lời: “Khay tắm rửa chân cũng là thứ có giá trị, mặc dù con cảm thấy tiếc nhưng nếu hỏng rồi cũng chẳng sao”.
“La Hầu La, làm người xuất gia mà không tu thân, không dưỡng tính, lời nói ác độc, làm tổn thương người khác… thì quần chúng sẽ không chấp nhận con, những người khôn ngoan cũng sẽ không quan tâm đến con. Điều ấy cũng giống như cách con nói về cái khay tắm vậy”. La Hầu La lắng nghe, trong lòng vừa xấu hổ vừa ân hận.
Sau đó Đức Phật kể cho La Hầu La một câu chuyện: Trước đây quốc vương có một con voi rất dũng cảm và hiếu chiến. Khi quốc vương cầm quân xông pha chiến đấu, ông đã mặc áo giáp cho con voi và buộc vũ khí lên thân thể mình. Tuy nhiên, con voi này chỉ lo giấu mũi vào bên trong mà không chịu tấn công. Tại sao vậy? Bởi lẽ cơ quan yếu nhất trên cơ thể voi là mũi, nếu mũi bị trúng tên thì nó sẽ chết. Để giữ mạng sống nó chỉ có thể bảo vệ tốt chiếc mũi của mình. Và vì muốn bảo vệ mũi, nó đã không chiến đấu. Đức Phật nói với La Hầu La rằng, sửa cách ăn nói để trở nên lễ độ cũng giống như cách con voi bảo vệ bản thân vậy.
Từ những lời dạy từ bi của Đức Phật, La Hầu La đã quyết tâm tu dưỡng tâm tính, thay đổi chính vận mệnh của mình.
Một buổi sáng nọ, Xá Lợi Phất và La Hầu La mặc quần áo gọn gàng bước vào thành khất thực. Trên đường họ gặp một kẻ vô lại. Ông ta thầm nghĩ: “Đệ tử của Đức Phật đang xin ăn”. Nghĩ đến đây, người đàn ông nảy ra một ý nghĩ xấu xa, bèn lấy cát trên mặt đất cho vào bát của Xá Lợi Phất và tấn công La Hầu La.
Xá Lợi Phất thấy La Hầu La máu chảy ròng ròng, ông bèn nhắc nhở: “Làm đệ tử của Phật thì không nên oán trời trách người, không nên ôm giữ tâm oán hận, mà hãy thương xót chúng sinh bằng lòng từ bi. Người ta thường nói: Người có thể nhẫn nhịn là người hạnh phúc nhất, chỉ có bậc trí giả mới có thể làm điều đó”.
La Hầu La lặng lẽ lắng nghe lời căn dặn của tôn giả Xá Lợi Phất. Lúc này máu từ đầu cậu đã chảy khắp mặt, cậu dùng nước làm sạch máu trên mặt mình. Vừa rửa, cậu vừa tự nói với bản thân: “Sự đau đớn của ta chỉ ở khoảnh khắc này, còn sự đau đớn của anh ta còn kéo dài rất lâu. Bởi vì con người gây ra tội nghiệp nên mới khiến cho vùng đất này bị ô nhiễm. Lòng ta không tức giận, mà cảm thấy thương cảm cho anh ta”.
La Hầu La nghĩ tới lời dạy của Đức Phật, rằng cần phải có một trái tim từ bi. Là người xuất gia, cậu không thể vì người khác hãm hại mình mà lại theo họ làm chuyện tương tự. Cậu không muốn hành xử giống như kẻ vô lại, vậy nên đã tự kìm nén trái tim mình, không hề oán trách hay tức giận.
Ai có thể ngờ, tiểu hoàng tử nghịch ngợm ngày nào giờ đã trở thành một bậc tu hành có thể nhẫn nhịn và có đức hạnh cao quý.
Có thể nhẫn nhịn sẽ toả ra thứ năng lượng từ bi, để lòng mình hòa với đất trời.
Có thể nhẫn nhịn thì tấm lòng bao la khoáng đạt, ấy là kho báu của thế gian, cũng là kho báu của đất trời.
Có thể nhẫn nhịn, cả đời không phàn nàn, không đổ lỗi, người như thế sẽ có được bình an vĩnh viễn trong tâm hồn, trải nghiệm sự nhẹ nhõm vĩnh cửu.
Có thể nhẫn nhịn sẽ mang đến ánh sáng trong tim, còn sáng hơn mặt trời, mặt trăng và các vì sao, có thể trường tồn vĩnh cửu cùng tuế nguyệt.
Có thể nhẫn nhịn, trái tim không nhiễm độc, tâm tự nở hoa, đung đưa trong gió, hương thơm lan toả chín tầng mây.
Có thể nhẫn nhịn giống như chiếc thuyền vượt qua sóng to gió lớn, mang đến cho người hạnh phúc bình yên.
Ngọc Linh
Theo epochtimes.com