Đại Kỷ Nguyên

Đức Phật xử trí ra sao khi bị vu khống tội tà dâm và giết người?

Ảnh minh họa: Freewechat.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Tăng đoàn ở tại Kỳ Viên, Ngài được dân chúng trọng vọng và cúng dường nhiều vô kể. Trước sự hiện diện của Ngài, các giáo phái ngoại đạo trở nên lu mờ như ngọn đèn trước ánh sáng mặt trời. Họ trở nên đố kỵ với Đức Phật.

Một ngày nọ, họ họp nhau bàn tán:

– Từ khi Sa-môn Cồ-đàm xuất hiện, chúng ta bị mất hết lợi lộc và danh dự; trước kia chúng ta còn được dâng cúng, bây giờ chẳng ai thèm biết đến chúng ta. Chúng ta phải tìm cách phá vỡ danh tiếng và lợi lộc mà y đang có. Ai sẽ là người có thể làm được việc này?

Họ bàn tán một hồi và quyết định giao phó nhiệm vụ này cho một nữ du sĩ tên là Tôn-đà-lỵ.

Sau đó, mỗi buổi chiều, khi dân chúng đi nghe Pháp trở về thành, họ lại thấy Tôn-đà-lỵ trang điểm lộng lẫy đi về hướng Kỳ Viên, với hương hoa, dầu thơm, kem, phấn, long não, trái cây. Mỗi khi dân chúng hỏi “Cô đi đâu?”, Tôn-đà-lỵ luôn đáp rằng:

– Đến chỗ ngài Cồ-đàm, tôi có thói quen ở lại một mình trong hương thất suốt đêm.

Thực ra sau đó, cô đến một tu viện ngoại đạo và ở lại. Sáng hôm sau, Tôn-đà-lỵ lại ngược đường trở về thành. Nếu có ai hỏi, cô ta sẽ trả lời:

– Tôi đã ở qua đêm trong hương thất của Cồ-đàm, chỉ một mình và bây giờ trở về.

Vài ngày sau, nhóm ngoại đạo đưa tiền cho một số du đãng và bảo:

– Hãy giết Tôn-đà-lỵ, rồi ném thi hài cô ta nơi đống rác gần hương thất của Cồ-đàm.

Bọn du đãng làm theo mệnh lệnh. Và các ngoại đạo bắt đầu rêu rao:

– Tôn-đà-lỵ bị mất tích!

Họ tâu sự việc lên nhà vua. Vua hỏi:

– Các người có nghi ngờ ai không?

– Vài ngày trước, cô ta hãy còn qua đêm tại tinh xá Kỳ Viên, từ đó xảy ra chuyện gì, chúng tôi không biết.

– Như thế, hãy đi tìm!

Được lệnh nhà vua, họ tập hợp đồ đệ kéo vào Kỳ Viên lục lọi, và thấy thi hài Tôn-đà-lỵ nằm ở đống rác trong tinh xá. Họ khiêng tử thi về thành, tâu lên nhà vua:

– Đám đệ tử của Sa-môn Cồ-đàm đã tự nhận: “Chúng sẽ che đậy được việc xấu Thế Tôn đã làm”. Do đó họ giết Tôn-đà-lỵ và vất thi thể vào đống rác.

Vua phán:

– Hãy báo cho dân chúng biết!

Các ngoại đạo đi rêu rao khắp thành:

– Hãy nhìn xem hành động của đám Sa-môn đệ tử dòng họ Thích!

Với những câu phỉ báng tương tự, họ truyền tin khắp thành, rồi trở về cung vua. Nhà vua ra lệnh đặt thi hài Tôn-đà-lỵ trên đất hỏa thiêu, cắt người canh gác. Trừ các Thánh đệ tử của Đức Phật, phần đông dân cư thành Xá-vệ đều la ó:

– Coi kìa, đám đệ tử dòng họ Thích đã làm nên chuyện này!

Trong thành, ngoài thành, trong rừng, trong xóm, họ đều chửi mắng các Sa-môn. Các thầy đến bạch Phật, Đức Phật vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, và dạy rằng:

– Các ông chê trách họ làm gì.

Ngài nói kệ:

“Nói láo, đọa địa ngục,
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt”.

***

Lại nói, nhà vua ngầm cho thám tử điều tra về cái chết của Tôn-đà-lỵ. Khi ấy, bọn du đãng nhận tiền rồi nhậu nhẹt say sưa, gây gổ; chúng lảm nhảm với nhau:

– Mày đã giết Tôn-đà-lỵ, mày ném xác ả vào đống rác. Mày được tiền nhiều tha hồ uống. Được lắm! Được lắm!

Thám tử liền trói họ, giải đến trước vua. Vua hỏi:

– Các người giết Tôn-đà-lỵ?

– Tâu vâng.

– Ai mướn các người?

– Các thầy ngoại đạo.

Nhà vua cho đòi các ngoại đạo đến, bắt phải rao lên trong thành như sau:

– Chúng ta giết Tôn-đà-lỵ vì muốn hạ nhục Sa-môn Cồ-đàm. Sa-môn và đệ tử không có lỗi gì.

Từ đó, danh dự của Đức Phật cùng Tăng đoàn lại càng rực rỡ hơn như ánh mặt trời.

***

Một người bình thường khi đối mặt với vu khống và nhục mạ có thể sẽ nổi giận, căm ghét và trả thù kẻ hãm hại mình. Đức Phật lại có thể bình tâm đối đãi, thậm chí từ bi thương xót cho họ, bởi vì Ngài có trí huệ sáng suốt nhìn thấu nhân quả. Tương tự, khi Chúa Jesus bị các thầy tế và trưởng lão Do Thái ghen ghét, vu khống, hãm hại và bị đóng đinh lên cây thập tự giá; Và khi Ngài gần như ngạt thở do kiệt sức, đau đớn bởi vết thương, Ngài vẫn cầu xin Thiên Chúa trên trời tha thứ cho những người hành quyết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Chỉ khi ai đó thấu tỏ các Pháp lý và quy luật của vũ trụ, người đó mới có thể quên đi bản thân mình trong khổ nạn và xót thương kẻ khác. Báo Minh Huệ cũng từng đăng câu chuyện về một lính canh của Đảng cộng sản Trung Quốc đang đánh đập một người tu luyện Pháp Luân Công – một công pháp Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn; đột nhiên người học viên ấy bật khóc: “Đừng đánh tôi nữa!” Lính canh nghĩ rằng học viên này không thể chịu đựng được nữa và đã sẵn sàng phản bội đức tin của mình. Nhưng rồi, người học viên ấy nói: “Mỗi lần cậu đánh tôi là cậu đang tiến một bước về địa ngục, và hiện tại cậu chỉ còn cách nó một bước chân. Nếu cậu tiếp tục đánh tôi thêm một lần nữa, cậu sẽ vĩnh viễn mất cơ hội được cứu”. Từ bi của người học viên đã làm cho lính canh dừng lại.

Từ bi là vị tha, khoan dung vô tận. Từ bi mang đến một trái tim thảnh thơi, thanh tịnh, vô ưu và bất động. Với từ bi hiện hữu trong tâm, chúng ta như đắm mình trong cơn gió nhẹ mùa xuân, ngắm nhìn sự mênh mông bao la của đất trời và đại dương.

Thanh Ngọc
Tham khảo: Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

Exit mobile version