Đại Kỷ Nguyên

Đừng lưỡng lự khi có thể giúp đỡ người khác, bởi vì giúp người chính là giúp mình!

Trong cuộc sống, hẳn là ai trong chúng ta cũng gặp được những người rơi vào hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Chứng kiến những hoàn cảnh ấy, lòng thiện lương trong mỗi chúng ta đều thúc giục chúng ta hành động, như vậy thì thật tốt rồi! Nhưng có khi nào bạn còn lưỡng lự mà để cơ hội hành thiện qua đi?

Vào những năm đầu niên hiệu Thành Hóa triều đại nhà Minh có một người họ Trương từ doanh trại Cao Bưu Vệ chèo thuyền đi xử lý công vụ.

Khi ông ta đang ngồi thuyền trên mặt hồ thì một cơn bão bỗng nhiên ập đến đánh lật thuyền của ông. May mắn là ông Trương đã thoát nạn sau tai nạn này.

Sau khi thoát nạn, ông tiếp tục đi dọc theo bờ sông về phía trước. Trong mưa gió, ông Trương lờ mờ nhìn thấy có một người đang bám trên một chiếc thuyền nhỏ bị lật trôi nổi bập bềnh theo từng đợt sóng. Người này đang kêu khóc cầu cứu với giọng yếu ớt.

Cảm thấy thương xót người bị nạn, ông Trương vội hỏi mượn một chiếc thuyền câu nhỏ của một ngư dân gần đó để đi cứu người kia. Tuy nhiên, người ngư dân này một mực từ chối không cho mượn thuyền.

Cuối cùng, ông Trương đã hứa rằng sẽ tặng lại phù hiệu bạch kim cho người ngư dân này để họ đi cứu nạn nhân thì người ngư nhân ấy đã đồng ý.

Sau khi cứu được người bị nạn, ông Trương bàng hoàng nhận ra rằng người mà ông đã cứu chính là con trai của mình.

Con trai ông đã bám trụ ở dưới nước nửa ngày để chờ người đến cứu. Lúc được cứu lên bờ, anh ta đã mệt lả và ở vào tình trạng cận kề với cái chết.

Ông Trương trong lúc cứu người bị nạn lại may mắn cứu đúng được người con trai của mình. Qua đây có thể thấy rằng, cứu người chính là cứu mình, giúp người chính là giúp mình, đó là chân lý.

Trong xã hội ngày nay, người ta thường nghĩ rằng con người được coi trọng vì vai trò xã hội của mình.

Một người có trình độ học vấn cao, kỹ năng giỏi và có thể tự lo cho chính mình thường khinh miệt những người không có kỹ năng và phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác. Dần dần trong họ cũng không còn sự thương xót, mà coi thường người yếu hơn mình.

Họ nghĩ rằng: “Hà cớ gì  mình phải giúp người khác, trong khi mình đâu cần sự giúp đỡ từ ai?” Kỳ thực, giúp đỡ người khác chẳng khác gì đang gieo hạt thiện, đưa đẩy sợi dây thiện và người thu hoạch cuối cùng lại chính là bản thân mình.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version