Cái lý tương sinh tương khắc là có chính thì có tà, có chính Pháp thì ắt có tà pháp, chính và tà cùng truyền ở thế gian để xem con người lựa chọn cái nào sẽ quyết định đến tương lai của họ.
Tà thuật tức là tà pháp, là pháp thuật bất chính. Cát Hồng đời Tấn có viết trong chương “Hán Quá” sách “Bão Phác Tử” rằng: “Tả đạo tà thuật, mượn ma quỷ yêu quái, gọi là thần nhân thông linh”.
Du Giao đời Thanh viết trong chương “Lâm Thanh Khấu Lược” sách “Mộng Quảng Tạp Trước” rằng: “Vương Luân lại quỷ quyệt xưng rằng đã được dị nhân truyền thụ bùa triện, có thể gọi quỷ thần làm tà pháp để mê hoặc người ngu dốt mê muội”.
Người xưa đều khinh bỉ tà thuật, chỉ ra tà thuật là những hành vi bất chính có nguy hại. Tà thuật không những hại người mà hại chính mình. Xưa nay đã có rất nhiều những câu chuyện chân thực minh chứng cho những lời này.
Câu chuyện tà thuật hại người hại chính mình ở triều Đường
Lưu Tốc đời Đường viết trong Quyển Trung, sách “Tùy Đường Giai Thoại” về một câu chuyện như sau.
Những năm Trinh Quán, người Tây Vực có dâng một tăng nhân phương bắc, tục gọi là Hồ tăng, dùng thuật chú có thể giết chết người. Thái Tông hạ lệnh lựa chọn tráng sỹ dũng cảm trong đội quân phi kỵ để thử. Quả đúng như vậy, niệm chú thuật khiến dũng sỹ chết, và niệm chú thuật khiến anh ta sống lại. Vua nói với quan Thái thường khanh Phó Dịch. Dịch nói: “Đó là tà pháp. Hạ thần nghe nói tà không thể phạm được chính. Nếu để ông ta dùng chú thuật với hạ thần ắt sẽ không sử dụng được”.
Vua triệu Hồ tăng niệm chú Dịch. Dịch niệm đối lại. Ban đầu không có cảm giác gì. Một lát sau Hồ tăng bỗng nhiên ngã vật xuống, như bị người đánh vậy. Ông ta không sống lại được”.
Tà thuật của Hồ tăng Tây Vực thực sự cao siêu, có thể khiến tráng sỹ dũng cảm trong quân đội tử vong, cũng có thể khiến tráng sỹ sống lại. Nhưng tà thuật của Hồ tăng trước mặt Phó Dịch thì hoàn toàn không hiệu nghiệm. Phó Dịch vốn là Đạo sỹ, sau này hoàn tục làm quan. Phó Dịch đã học qua pháp thuật của Đạo gia, hơn nữa công năng mạnh hơn tà thuật của Hồ tăng, vì vậy tà thuật của Hồ tăng không những không có bất kỳ tác dụng đối với Phó Dịch, trái lại con khiến bản thân ông ta ngã vật ra tử vong, vĩnh viễn không sống lại được.
Câu chuyện tà thuật hại người hại chính mình ở triều Thanh
Cuối thời nhà Thanh đầu thời kỳ Dân Quốc, huyện Xạ Hồng tỉnh Tứ Xuyên có một người biết tà thuật. Để hiển thị khả năng của mình, ông ta thường xuyên dùng tà thuật trêu chọc người khác, thậm chí làm những việc trái đạo lý. Mọi người xung quanh đều rất sợ, nhưng cuối cùng ông ta cũng không thoát khỏi quy luật hại người hại chính mình.
Một hôm người biết tà thuật này đang đạp guồng nước cùng với bạn trên cánh đồng. Sắp đến trưa, ở lưng chừng núi Lương Sơn phía xa xa xuất hiện một cô gái yểu điệu. Lúc này hai người bọn họ đều mệt mỏi đau nhức cả lưng lẫn bắp đùi. Người biết tà thuật này liền nghĩ kế dùng cô gái này để làm trò vui, để giải tỏa nỗi phiền muộn trong lòng.
Thế là ông ta nói với người bạn rằng: “Tôi có thể khiến cô gái trên lưng chừng núi kia lập tức cởi bỏ hết quần áo, ông có tin không?”
Người bạn đánh cược rằng: “Tôi không tin là ông có khả năng lớn như thế được”.
Thế là ông ta niệm lẩm bẩm mấy câu, dùng tà thuật đối với cô gái kia. Cô gái kia lập tức cởi hết quần áo trên người, cứ đi đi lại lại trên lưng chừng núi. Cứ như thế một lúc lâu sau, người bạn nhìn thấy không thuận mắt liền nói với ông ta rằng: “Tôi tin rồi, ông thu lại pháp thuật mau lên, để người ta còn trở về nhà”.
Nghe người bạn nói, ông ta mới thu pháp thuật lại.
Sau khi ông ta thu pháp thuật, cô gái đó lập tức tỉnh táo trở lại, vội vàng mặc quần áo, cuống quýt chạy về nhà. Nhưng điều không thể ngờ là cô gái lại chạy thẳng đến chỗ bọn họ đang làm việc, từ xa đã gọi một tiếng “cha”. Lúc này ông ta không biết chui vào đâu, vô cùng hối hận. Trở về nhà ông ta bèn đem tất cả các sách về sử dụng tà pháp ra đốt hết. Từ đó trở đi ông ta không bao giờ dùng tà pháp hại người nữa.
Lời bàn
Cái lý tương sinh tương khắc là có chính thì có tà, có chính Pháp thì ắt có tà pháp, chính và tà cùng truyền ở thế gian để xem con người lựa chọn cái nào sẽ quyết định đến tương lai của họ.
Tại sao lại có người luyện tà pháp?
Bởi vì họ muốn có một số khả năng đặc biệt, siêu thường để nhằm mục đích đạt được danh lợi chốn thế gian, khiến mọi người nể phục kính sợ, từ đó tác oai tác quái, giả Thần giả Thánh, tự xưng Thần xưng Thánh.
Với tuyệt đại đa số người bình thường mà gặp những người luyện tà pháp này thì sợ lắm, nên mới nói “Đạo cao một thước, ma cao một trượng (tức 10 thước)”. Đây cũng là tà thuyết, vì ma không thể cao bằng Đạo được, cũng như tà không thể thắng chính được. Xưa nay vẫn nói “Nhất chính áp bách tà”.
Làm thế nào nhận ra tà pháp?
Thường có hai hình thức. Một số người chuyên luyện tà pháp như người đàn ông ở câu chuyện thứ hai. Trường hợp này thì rất dễ nhận ra. Còn trường hợp có người tu hành chính giáo chính Đạo mà vẫn luyện tà pháp, như trường hợp tăng nhân Tây Vực ở câu chuyện thứ nhất. Tăng nhân này tu Phật giáo, nhưng tâm không đoan chính, không tu tâm, không buông bỏ danh lợi thế gian, trái lại ông ta truy cầu những tiểu năng tiểu thuật để được nổi danh.
Khi tu luyện mà không hướng vào cái tâm bản thân để tu bỏ những chấp trước về danh – lợi – tình nơi thế tục thì trong Phật giáo gọi những người này là đã nhập ma Đạo rồi. Loại này vẫn khoác trên mình cái vỏ chính giáo chính Đạo nên khó nhận ra nhất, và cũng được các tín chúng tin theo và sùng bái.
Trong Kinh Đại thừa Kim cang kinh luận, Phật Thích Ca có giảng về những người này như sau:
“Lại có người làm theo việc hữu hình, học phép hữu vi, vẽ bùa, thỉnh chú, đuổi Quỷ, sai Thần, phỉnh gạt người đời, ác kiến càng nhiều thì chính kiến của Phật càng bị tiêu diệt”.
Để giúp mọi người phân biệt được chính và tà, Phật Thích Ca còn giảng trong Kinh Thủ lăng nghiêm rằng có 4 điều có thể phân biệt được tà Đạo, đó là: Sát (sát sinh), Đạo (ăn trộm, ăn cướp), Dâm (tà dâm, dâm loạn) và Vọng (cuồng vọng, vọng ngữ, nói sằng bậy).
Theo Khương Tân Thắng – Secretchina
Nhất Tâm biên dịch