Đại Kỷ Nguyên

Được cao nhân truyền thụ, hai danh y thời Minh trị bệnh như Thần

Vương Đại Quốc không coi trọng danh lợi, ông chỉ nghĩ đến trị bệnh cứu người, tạo phúc cho trăm họ. Dưới tay ông, hàng vạn người bệnh đã được cứu sống (Shutterstock)

Trung y cổ đại bác đại tinh thâm là một mạch truyền thừa văn hóa Đạo gia. Nhìn vào các triều các đại, không chỉ trong cung đình không thiếu các ngự y thông am y đạo, trị bệnh như Thần, mà trong dân gian cũng có không ít lương y thân đầy tuyệt kỹ, tinh thông kỳ thuật. 

Y thuật của họ, có người thì thông qua nghiên cứu học tập phương thuốc cổ, học hỏi các thành tựu về y lý, và cũng có những người được truyền thụ y thuật, tiên phương từ những cao nhân tu hành Đạo gia.

Diêu Ứng Phụng được cao nhân chỉ điểm, có thể từ ngoại thương biết được người ta lúc nào sẽ chết

Vào thời nhà Minh, ở huyện Nhân Hòa (nay là Hàng Châu, Chiết Giang), có một vị lương y tên là Diêu Ứng Phụng. Năm mười ba tuổi, ông lên núi hái thuốc, gặp một bà lão. Bà lão chỉ vào một loại cây tên là “Thanh Tinh” trên mặt đất và nói với ông: “Thứ này có thể ăn được, ăn xong sẽ tràn đầy tinh lực, thể lực tăng gấp bội.” Không lâu kể từ đó, ông lên núi Tề Vân tầm Tiên học Đạo.

Núi Tề Vân được gọi là “Bạch Nhạc” vào thời cổ đại, do truyền thuyết Chân Vũ Đại Đế từng hiển linh nơi đây, nên nó còn được mọi người gọi là núi “Tiểu Võ Đang”. Không lâu sau khi tiến vào núi, Diêu Ứng Phụng đã gặp được một vị Đạo nhân. Hôm đó tuyết rơi dày đặc, ông nhìn thấy một ông lão đang nằm trên tuyết, thân thể như một cái lò chưng, không ngừng bốc nhiệt ra ngoài. Ông nhận định người này quyết không là phàm phu tục tử, do đó tiến lên bái kiến, thỉnh ông lão chỉ bảo. Lão nhân nhìn nhìn ông, sau đó thuyết đạo: “Con và ta hai người hẳn có chút duyên phận, nay ta sẽ lấy đan dược và bí phương trên thân ta truyền cấp cho con!” Từ đó về sau, Diêu Ứng Phụng đã học được một số thành tựu trong y thuật. Ông xuống núi, bắt đầu hành nghề y tại Chiết Giang, rất nhanh đã vang danh thiên hạ.

Y thuật của Diêu Ứng Phụng thập phần tinh xảo, đặc biệt giỏi trị ngoại thương. Trong mắt người dân địa phương, ông là một đại phu ngoại khoa nổi tiếng. Tuy nhiên, kỹ thuật cắt da róc xương mà ông sử dụng cũng có thể trị liệu các bệnh tật trong cơ thể hoặc nội tạng. Vì vậy, vô luận là bệnh nhân lở loét ngoài da, hay là đầu đau não nhiệt, thể nội bất an, họ đều tìm đến ông để được chữa trị. Phương pháp trị bệnh của ông rất đặc biệt, không có ghi chép tương tự trong sách y học phổ thông.

Đương thời ở Nghiêm Châu có một người đàn ông tên là “Thi Thịnh Vũ”, chữa bệnh đau đầu đã ba năm mà vẫn không thuyên giảm. Diêu Ứng Phụng khám bệnh và nói với anh ta: “Cần phải rạch trước trán, lấy xương cốt bên trong ra. Đến tháng 8, chứng trạng đau đầu của cậu sẽ thuyên giảm, nhưng rất khó trị đoạn căn, cậu hãy đợi đến mùa xuân sang năm!” Ngay khi mùa xuân năm mới đến, ông cắt xương trong đầu bệnh nhân ra, để máu chảy ra. Máu chảy đến vài thăng, bệnh của Thi Thịnh Vũ được chữa khỏi triệt để.

Một ông lão bị chướng bụng, các thầy thuốc khác cho rằng đó là do cơ hoành, nhưng họ trị thế nào cũng không khỏi. Diêu Ứng Phụng nói: “Bệnh nhân này là bị phế ung (nhọt phổi).” Ông lấy một can nước, đổ ụp lên đầu ông lão. Lợi dụng lúc ông lão giật mình kinh hãi, ông rút dao đâm một nhát vào vị trí tâm tạng của ông lão. Sau khi khạc ra mấy bát mủ, ông lão đã khỏi bệnh. Sau này có người hỏi Diêu, nếu chẳng may ông đâm trúng tim người ta, không sợ chết người sao? Diêu Ứng Phụng trả lời: “Trái tim của người ta bình thường rủ xuống, khi tôi tạt nước, sẽ khiến ông lão giật mình; khi ông ấy giật mình, tim của ông ấy sẽ đột nhiên nâng lên, lúc đó sẽ không đâm vào tim.”

Thời hoàng đế Sùng Trinh tại vị, Dụ Tư Tuân, tuần phủ tỉnh Chiết Giang, đang suất quân chống lại cuộc xâm lược của một nhóm quân hải tặc. Chiến sự chưa kết thúc, thì ông ấy bị nhọt độc trên lưng. Ông đau đớn không chịu nổi, liền mời Diêu Ứng Phụng đến chữa trị cho mình. Diêu Ứng Phụng khoét từ sau lưng ông ấy ra hai bát thịt thối lớn, rồi bôi loại tiên dược do vị Đạo sĩ ban cho lên vết thương của bệnh nhân. Chỉ sau hai ngày, vết thương đã lành.

Vào thời cổ đại, nhọt độc được gọi là “ung 癰”, có nghĩa là họa hoạn. Một ngày sau khi Diêu Ứng Phụng chữa lành vết thương cho Dụ Tư Tuân, thủ lĩnh của đội quân hải tặc đã chủ động đầu hàng. Những binh sĩ rất vui mừng khi họ không cần phải chiến đấu nữa. Họ không ngờ rằng lần trị liệu này của Diêu Ứng Phụng lại có thể hóa can qua thành ngọc lụa, vì vậy họ đều rất cảm kích ông.

Trong dân gian, nhiều thầy thuốc đều cần thông qua xem, ngửi, hỏi, bắt mạch mới có thể biết rõ bệnh tình và nguyên nhân bệnh của một người. Nhưng Diêu Ứng Phụng lại có thể thông qua xem da bụng liền biết tạng phủ trong nhân thể có khỏe mạnh hay không; nhìn vết thương của bệnh nhân là biết bệnh nhân mắc bệnh gì, trị liệu ra sao, thậm chí có thể nói ra chính xác bệnh nhân có cứu được hay không, và sống được bao lâu.

Trên lưng có người ta mọc ra cái gì, Diêu Ứng Phụng chỉ liếc một cái liền nói: “Không có vấn đề gì lớn.” Bên cạnh có một người, có vẻ như vô bệnh, nhưng trên khóe môi trái lại có một nốt ruồi đỏ. Lúc này Diêu Ứng Phụng nói: “Răng của cậu cũng vô dụng, người sống không quá ba năm.” Người này nghe xong, tức giận đến một câu cũng không nói. Nhưng ba năm sau, răng của người đó đều bị rụng. Anh ta đến hỏi Diêu Ứng Phụng phải làm gì, ông xua tay và nói: “Qua ba năm, cậu sẽ chết, đây là Trời phạt, tôi làm sao có thể thay đổi được?” Một người khác bị “khảm đầu sang” (nhọt) trên cổ. Diêu Ứng Phụng vừa nhìn liền nói với anh ta: “Đã vô phương cứu chữa, ba năm nữa ngay cả đầu cũng tiêu, e rằng tính mạng khó bảo toàn!” Sau này quả là như vậy.

Một bệnh nhân khác bị đau khắp người, tìm đến Diêu Ứng Phụng để điều trị. Ông liếc mắt liền nhìn thấy thứ gì đó gắn trên cánh tay trái của người đàn ông, liền nói: “Cậu trước đây khi ăn thịt, bị trúng độc chuột, bây giờ trên cánh tay trái của cậu mọc lên một con chuột.” Nói xong, ông cầm lấy con dao, làm như thể sẽ cắt nó đi. Đúng lúc này, quả nhiên một con chuột rơi khỏi người đàn ông, nhanh chóng bỏ chạy.

Sau đó, một bệnh nhân ở độ tuổi 60 đến gặp Diêu Ứng Phụng, ông nhìn thấy những cái ghẻ có kích thước bằng hạt kê mọc khắp trên cơ thể người đàn ông, bèn nói với ông ta: “Đây là ‘Tịnh hải sang’, đến khi 60 tuổi, nó sẽ lan toàn thân; Ông nhất quyết đừng đi trị, không trị thì còn có thể sống, trị là sẽ chết ngay.” Người đàn ông không nghe lời, tìm đến thầy thuốc khác để chữa. Kết quả là vừa lành vết thương thì ông ta chết.

Vào những năm cuối đời, một ngày nọ, Diêu Ứng Phụng gọi con cháu đến trước mặt và nói với họ: “Ta đi đây, sẽ hồi lại sau.” Nói xong, ông xếp bằng đả tọa, nhắm mắt lại và viên tịch.

Vương Đại Quốc học hỏi dị nhân, dùng hai viên thuốc chữa khỏi bệnh khó trị

Vào thời nhà Minh, có một vị lương y ở Nam Xương, Giang Tây, tên là Vương Đại Quốc, tự Ấp Giao. Khi còn trẻ, ông đã gặp được một vị dị nhân rất có học vấn, y thuật bất phàm. Vị dị nhân đã chữa khỏi bệnh đờm trong nhiều năm của ông, Vương Đại Quốc thập phần kính phục. Ông thấy người này đạo hành phi phàm, không giống người thế tục, liền bái làm thầy, theo học y thuật.

Vương Đại Quốc dốc tâm sức nghiên cứu các thư tịch cổ như “Hoàng Đế Nội Kinh” chứa đựng lý thuyết y học cao siêu, đồng thời thầy giáo cũng truyền cấp cho ông nhưng kỳ phương bí thuật. Có một ngày, khi thầy giáo kiểm tra nội dung học tập của ông, phát hiện ông không chỉ trả lời trôi chảy mà đáp án đưa ra câu câu đều chính xác. Thầy giáo kinh ngạc không thôi, liền từ biệt ông và nói: “Ta tại thế gian hành tẩu bao nhiêu năm, chưa từng thấy có học sinh nào có lực lĩnh ngộ tốt như con! Con hãy nỗ lực nỗ lực, sẽ có thể sánh vai với những thánh y tiền bối.”

Sau khi thầy rời đi, Vương Đại Quốc dấn thân vào con đường huyền hồ tế thế, trị bệnh giúp người. Ông nhân từ thánh thiện, y thuật như Thần, rất nhiều người đều thán phục. Có một gia đình ở cùng thôn với ông, đứa con nhỏ trong nhà mắc bệnh lao bạch huyết. Đứa trẻ đã uống rất nhiều thuốc, nhưng trị lâu ngày mà không khỏi. Vương Đại Quốc khám bệnh, lấy ra hai viên thuốc và bảo đứa trẻ uống. Kết quả là đứa trẻ hồi phục ngay trong ngày. Vương Đại Quốc trị bệnh thần hiệu như vậy, ai tận mắt chứng kiến ​​cũng vô cùng kinh ngạc.

Một viên quan ở Nam Xương bị một vết loét ác tính ở bàn chân trái, từ mu bàn chân đến lòng bàn chân thịt bị thối rữa, vô cùng đau đớn, đã mời nhiều thầy thuốc đến chữa trị. Nhưng sau một thời gian dài điều trị, vết loét không những không lành mà còn đau hơn trước. Sau đó, Vương Đại Quốc đến, xem xét chân của viên quan, rửa sạch tất cả các loại thuốc trên đó, chỉ cho viên quan uống thang thuốc do ông sắc. Vị quan thấy lạ nên hỏi ông: “Chỉ uống thang thuốc này mà mọc da thịt mới được à?” Vương Đại Quốc đáp: “Trong khoảng nửa tháng nữa, ngài sẽ khỏi bệnh!” Kết quả là thang thuốc mới uống ba bốn ngày, thì vết loét đã bắt đầu lành lại. Vào ngày thứ hai mươi, chỗ bị thối rữa, thịt đã mọc lại hoàn toàn, da ở bàn chân dường như vừa mới mọc ra. Viên quan tâm phục khẩu phục, đã đích thân viết bốn chữ lớn “Kĩ siêu phương ngoại” làm thành một tấm bảng và trao nó cho Vương Đại Quốc.

Vương Đại Quốc không coi trọng danh lợi, ông chỉ nghĩ đến việc trị bệnh cứu người, tạo phúc cho bách tính một phương. Hàng vạn ngàn người đã được ông ấy cứu chữa. (Tài liệu nguồn: “欽定古今圖書集成博物彙編藝術典 /第五百三十七卷目錄 /醫部醫術名流列傳”)

Tác giả: Nhan Văn, theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version