Đại Kỷ Nguyên

Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luật, âm gian trả nợ không hết

Người đang làm Trời đang nhìn, tất cả mọi hành động của con người thế gian đều không thể qua mắt khỏi ông Trời…

Con người sống trên thế gian, nhất tư nhất niệm đều có Thần linh giám sát. Cổ nhân vẫn thường giảng: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tận giai tri; thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”, ý nói rằng, lòng người sinh một niệm, Trời Đất đều sáng tỏ; thiện ác nếu không có báo ứng, há chẳng phải càn khôn có tư tâm sao? Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, dù sống trên dương gian không gặp quả báo thì khi xuống âm tào địa phủ cũng khó có thể thoát được trọng hình. Trong lịch sử xưa nay cũng có không ít bài học đắt giá về phương diện này.

Bức hại bách tính, gặp quả báo thống khổ

Xưa có viên quan tham tên là Liễu Thắng, thường hay lạm dụng chức quyền làm nhiều điều ác khiến cho trăm dân căm phẫn, oán không nên lời. Sự việc được bẩm báo lên kinh, triều đình bèn phái một viên quan là Ân Thuật Khánh đến giám sát. Nhưng Ân Thuật Khánh cũng là một tham quan, lợi dụng chức quyền cấu kết với Liễu Thắng để bòn rút của dân, cùng chia nhau số tiền tài bất chính.

Dân lành bị áp bức tàn khốc nhưng không thể kêu oan, chỉ còn cách cầu xin Thần Phật phù hộ người vô tội. Không đến nửa năm sau, Liễu Thắng đột nhiên mắc bệnh qua đời, sau đó vài ngày Ân Thuật Khánh cũng lâm bệnh rồi chết.

Tham quan lợi dụng chức quyền câu kết bức hại bách tính cuối cùng bị chịu quả báo thống khổ. Ảnh dẫn theo youtube.com

Lúc ấy, một gia nô đã cao tuổi cùng với con chó nuôi trong phủ của Liễu Thắng cũng vô duyên vô cớ mà chết đột ngột. Sang ngày thứ hai, khi mọi người đang chuẩn bị hậu sự thì người gia nô bỗng tỉnh dậy khiến ai nấy đều một phen hoảng loạn. Người gia nô này kể lại:

“Tôi vừa xuống địa phủ, thấy Diêm Vương đang ngồi trên điện đường. Sau đó ngài lệnh cho quỷ sứ áp giải lão gia Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh đến, hai vị quan gia lúc đó đều phải chịu cực hình vô cùng thống khổ. Diêm Vương bèn lệnh cho người mở cuốn sổ công tội ra xem, trên đó ghi chi tiết rõ ràng tôi đã thay mặt chủ nhân nhận bao nhiêu tiền, ngay cả con chó thường xuyên đi với tôi cũng cùng đến đối chứng. Không lâu sau, trên điện đường truyền xuống: ‘Đem nhốt Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh vào địa ngục cho đến khi đền hết tội ác đã gây ra’. Diêm Vương cho tôi trở về nhân gian là để nói rõ sự việc, hy vọng thế nhân sẽ lấy đó làm bài học răn đe, từ nay về sau không còn hành ác nữa”.

Liễu Thắng và Ân Thuật Khánh, một người thì thân mang trọng trách của một vị quan phụ mẫu mà không làm tròn bổn phận vì dân phục vụ, một người thì dùng thủ đoạn mua quan bán chức, hối lộ tham ô, cuối cùng đều gặp quả báo.

Bỏ bê trọng trách, cả gia quyến chết bất đắc kỳ tử

Vào thời nhà Thanh, có một vị quan đến Giang Tô nhậm chức quản lý tứ trấn trong vùng. Người này đem theo vợ con cùng đi, khi đến nơi thì hay tin vị quan tiền nhiệm mắc bệnh nặng vừa qua đời.

Trong năm đó, một số nơi trong vùng xảy ra lũ lụt, triều đình hạ lệnh miễn thuế cho dân đồng thời cho mở kho cứu tế. Triều đình cũng hạ chiếu chỉ cho tân huyện lệnh cùng với hai vị quan sai đi điều tra số người gặp nạn trong khu vực thiên tai, khẩn cấp cứu người.

Hai vị quan sai và tân huyện lệnh vốn là chỗ quen biết, vì vậy tân huyện lệnh đã giữ hai người cùng ở lại trong phủ, ngày đêm uống rượu hàn huyên tâm sự, để mặc việc cứu tế cho cấp dưới đi làm. Vì quan huyện lệnh không sát sao giám sát, bỏ bê nhiệm vụ, nên những người bên dưới thừa cơ cấu kết với nhau, mưu cầu tư lợi khiến bách tính muôn dân phải chịu khổ, cơm không có ăn, áo không có mặc, không được cứu giúp, nhiều gia đình vì thế mà mạng vong.

Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng tân huyện lệnh đều chết bất đắc kỳ tử. Lúc này tân huyện lệnh vẫn chưa đầy 40 tuổi. Đây chính là tội bỏ bê trọng trách khiến cho nhân dân chịu khổ lầm than, thực là quả báo nhãn tiền.

Qủa báo nhãn tiền bỏ bê trọng trách khiến nhân dân chịu khổ lầm than. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tiếc lương thực cứu trợ nhân dân, cuối cùng gặp quả báo

Vào thời Nam Tống, Vương Hiểu đến thăm con rể là Lâm Cơ, lúc ấy đang giữ chức Ti Nông Thiểu Khanh (phụ trách các vấn đề về tiền và lương thực của quan phủ). Vợ Lâm Cơ thấy cha đến thì nước mắt ngắn nước mắt dài chạy đến than khóc với cha: “Lâm gia sắp tuyệt hậu rồi”. Vương Hiểu kinh hãi bèn bảo con gái kể rõ sự tình.

Con gái Vương Hiểu nói: “Khi trời gần sáng, con nằm mộng thấy một thiên sai mặc áo hồng bào, tay cầm lệnh bài nói với con: ‘Thiên đế có lệnh, Lâm Cơ nghịch chỉ hại dân, đặc lệnh tru di toàn tộc!’ Nghe xong con giật mình tỉnh dậy, đến giờ vẫn còn như phảng phất nhìn thấy mọi việc”.

Nghe con gái kể xong, trong lòng Vương Hiểu cũng có đôi chút lo sợ nhưng vẫn an ủi con gái: “Đây chỉ là giấc mơ thôi, con hà tất phải cho đó là thật. Thôi con đừng nghĩ nhiều mà đau buồn nữa, đợi Lâm Cơ về cha sẽ hỏi đầu đuôi sự việc”.

Lâm Cơ trở về, Vương Hiểu nhẹ nhàng hỏi con rể gần đây có làm việc gì không thoả đáng không? Lâm Cơ suy nghĩ một hồi rồi nói: “Gần đây Tây Xuyên hạn hán, quan viên gửi sớ lên triều đình xin 10 vạn thạch lương thực cứu đói. Sau được hoàng thượng phê chuẩn nhưng con vẫn cho rằng 10 vạn thạch là quá nhiều nên kiến nghị triều đình chờ điều tra chính xác số người cần cứu trợ sau đó hãy cứu trợ. Hoàng thượng cho rằng đường đến Tây Xuyên xa xôi, nếu đợi điều tra xong mới cứu trợ thì e rằng không kịp nên đã quyết định vận chuyển một nửa trước. Con nghĩ chỉ có việc này là không được thoả đáng trong tâm”. Vương Hiểu nghe xong trau mày trầm tư một lúc rồi rời đi.

Vợ Lâm Cơ lòng càng thấy bất an, bèn kể cho chồng giấc mơ khi sáng. Lâm Cơ nghe xong cũng ưu tư buồn bã, tự cảm nhận được một viễn cảnh tăm tối phía trước, nhưng không biết phải làm sao để cứu vãn sự tình. Lâm Cơ vì thế mà sinh bệnh, từ quan về quê ở Phúc Châu rồi qua đời. Hai người con trai cũng lần lượt mắc bệnh theo cha, quả nhiên nhà họ Lâm tuyệt tự tuyệt tôn, gia đình tuyệt hậu.

***

Lòng trời vì dân lành mới lập nên vua chúa. Vua chúa lại vì dân mà lập ra quan viên các địa phương. Quan là phụ mẫu, dân là con. Nếu như vua không cứu tế cho dân, thì quan phụ mẫu cũng cần thuyết phục vua cứu tế, như vậy mới có thể nói là đem phước lành đến cho muôn dân bách tính, làm lợi cho xã tắc giang sơn. Thế nhưng có những kẻ, thân hưởng bổng lộc triều đình, nhưng lại vì tư lợi mà bẻ cong pháp luật gây nguy hại cho dân, đồng thời gây ra nghiệp chướng cho chính mình.

Cổ nhân có câu nói rằng: “Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính” (Trời nhìn tự ở dân ta nhìn, Trời nghe tự ở dân ta nghe), lòng dân chính là ý Trời, người đối nhân xử thế hợp với lòng dân cũng chính là hợp với ý Trời. Trong cuốn “An sĩ toàn thư” có viết: “Thiên vi dân nhi lập quân, quân vi dân, nhi thiết quan” (Trời vì dân mà lập vua, vua vì dân mà lập quan), đã làm vua quan thì đều cần lấy lợi ích của nhân dân mà làm, lấy dân làm gốc.

Chân dung Mạnh Tử, nhà triết học và là người tiếp nối Khổng Tử. Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, sinh vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Mạnh Tử trong “Tẫn Tâm Chương Cú Hạ” viết: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý nhất, sau rồi đến xã tắc, cuối cùng mới là vua). Chính vì tư tưởng này mà trong văn hoá truyền thống xưa nay, những vua hiền quan nghĩa đều là lấy lợi ích của dân làm gốc, vì dân mà lo toan suy nghĩ trăm bề.

Một người mà may mắn có được địa vị trên công đường, vì dân mà phục vụ thì cần phải xử lý thận trọng, không sợ hãi, tận lực vì dân, thời thời khắc khắc đều phải vì dân mà nghĩ, mang lại hạnh phúc to lớn hơn nữa cho dân. Ngược lại nếu ỷ vào quyền cao chức trọng mà ức hiếp dân lành, tham ô hối lộ, hại dân lợi mình, thì cho dù tự thân có bị lưu đày hay phải chịu cảnh tuyệt tử tuyệt tôn, cũng chưa đủ đền bù cho tội lỗi đã gây ra.

Theo Secretchina
Yên Ba

Exit mobile version