Xưa có một thương nhân giàu có tên là Lý Dung. Lý Dung thời trai trẻ sống tằn tiện bằng nghề đồ tể, nhưng từ khi chuyển sang buôn bán thịt và ngũ cốc, anh bỗng phát đại tài, kiếm được rất nhiều tiền. Sau, anh kết hôn và sinh được một cậu con trai đặt tên là Trường Cần.

Dân chúng trong làng ai cũng tò mò về quá trình phất lên nhanh chóng của gia đình Lý Dung. Không rõ từ đâu họ còn đồn thổi về một thứ bí mật gọi là “vật báu phát tài”. Ngay cả Trường Cần cũng chưa từng được thấy báu vật này mãi cho đến khi cha cậu qua đời. Thì ra, đó chính là một chiếc cân hai cán.

Trước khi nhắm mắt, Lý Dung để lại cho con trai một bức thư, trong thư viết rằng ông đã dựa vào chiếc cân hai cán để gây dựng cơ nghiệp. Cán cân có chiếc to chiếc nhỏ, cán cân to ở giữa có một cái lỗ, khi cân mỗi một ký sẽ chỉ còn 8 lạng. Cán cân nhỏ ở giữa đổ đầy thủy ngân, một cân thực tế sẽ là một ký hai lạng. Mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại, cuối cùng gia đình họ Lý đã có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Lý Dung dặn con trai rằng chỉ cần sử dụng chiếc cân thì sẽ phát tài, không bao giờ lo sợ nghèo đói. Lý Trường Cần đọc xong lá thư thì không khỏi kinh ngạc, trong lòng chất chứa ưu tư. Cậu không ngờ thứ được gọi là “báu vật phát tài” của gia đình lại là vật này, nếu đúng là như vậy thì suốt mấy chục năm qua, cha cậu đã cân sai cho bao nhiêu người, làm thiệt không biết bao nhiêu lạng thịt, lạng ngũ cốc của người khác. Nghĩ vậy, cậu liền bẻ gãy cán cân và cho vào quan tài chôn xuống đất.

Báu vật Lý Dung để lại không chỉ đơn thuần là chiếc cân hai cán, mà chính là lương tâm của một thương nhân, là số lạng, số cân đã làm thiệt cho người khác. Lý Trường Cần phá hỏng chiếc cân cũng không phải chỉ để làm hỏng một vật dụng, mà là sự từ chối thẳng thừng đối với việc buôn gian bán lận, là tiếng nói dứt khoát của một người biết giữ gìn đạo đức, lương tri.

Cũng từ đó, Lý Trường Cần ra sức làm ăn trung thực, một cân là đúng một cân, cậu cố gắng bù đắp lại những việc thất đức mà cha cậu đã từng làm.

Không ngờ, chưa đầy một năm sau nhà họ Lý xảy ra hỏa hoạn, toàn bộ kho ngũ cốc bị thiêu rụi, hai đứa con trai của Trường Cần cũng phải bỏ mạng trong biển lửa. Cơ nghiệp Lý gia trong một đêm đã tiêu tan, giờ đây tất cả đều quay lại vạch xuất phát.

Lý Trường Cần khóc lóc thảm thiết, nửa đêm tỉnh dậy lao ra miếu Thành Hoàng than rằng: “Đạo trời không công bằng! Thiên lý nằm ở đâu? Bố ta cả đời buôn gian bán lận, vậy mà gia đình vẫn ăn nên làm ra, sung túc chẳng bao giờ thiếu thốn. Giờ ta phá hỏng chiếc cân, làm ăn ngay thẳng, mà sao lại phải chịu mất con, khuynh gia bại sản? Đây chẳng phải là làm việc thiện mà bị gặp quả báo hay sao?”.

Sau khi than vãn một thôi một hồi, cậu bỗng thấy toàn thân lạnh toát, cả người hôn mê ngất xỉu. Khi tỉnh lại, Trường Cần thấy bên cạnh có hai con quỷ, lại nhìn thấy cha cậu Lý Dung đang bị treo trên xà, trên người là chiếc cân hai cán. Cái cán to móc vào cột sống, cán nhỏ móc vào lưỡi, đau đớn không thể nào kể xiết.

Cạnh Lý Dung có một con quỷ đang ngồi, tay trái cầm quyển sổ ghi nợ, tay phải cầm bút lông. Trong quyển sổ ghi rõ số cân và số lạng mà Lý Dung đã cân thiếu hay cân thừa khi còn sống, số thừa thiếu này sẽ dần dần giảm đi sau mỗi giờ hành xác.

Thần Thành Hoàng nói với Lý Trường Cần: “Đây chính là kết cục của cha ngươi, khi sống mà tham lam, chết đi sẽ phải trả giá. Tài sản của Lý gia là do cha ngươi làm ăn thất đức mà có, vì thế nhất định phải bị thiêu rụi tất cả. Hai con trai của ngươi là do quỷ biến thành, chúng đến để đòi nợ. Ngươi đã phá cái cân để tỏ rõ quyết tâm làm ăn ngay thẳng, vậy nên ta cho quỷ đến đốt hết gia tài và thu hồi lại hai đứa con của người, giúp ngươi có cơ hội làm lại từ đầu. Ngươi nói xem, có phải đạo Trời công bằng hay không?”.

Lúc này, Lý Trường Cần đột nhiên tỉnh dậy, phát hiện mình đang nằm trong miếu, cậu vội vàng quỳ xuống vái lạy Thần Thành Hoàng.

Lý Trường Cần trở về nhà, trong lòng có phần nguôi ngoai, cậu quyết tâm cùng vợ làm lại từ đầu. Cuộc sống mặc dù rất vất vả nhưng cậu luôn gặp may mắn, đi đâu cũng được quý nhân phù trợ. Không đến ba năm, cuộc sống đã khấm khá trở lại, vợ cậu cũng sinh được một quý tử bụ bẫm.

Khi về già, Trường Cần luôn có con cái ở bên phụng dưỡng, hai vợ chồng 70 tuổi vẫn khỏe mạnh, gia nghiệp ngày càng phát đạt. Trường Cần cũng thường xuyên kể lại những gì đã chứng kiến ở miếu Thành Hoàng năm xưa để cảnh tỉnh người đời không nên làm việc tham lam thất đức.

Con người sống trên đời thì phải biết trung thực, tuyệt đối không làm những việc hại đến quyền lợi của người khác. Lừa gạt không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín mà còn rước họa vào thân, hại đến con cháu trong nhà. Một người sống trung thực, nói sao làm vậy, không lừa không gạt thì sẽ luôn được mọi người tin tưởng và tôn trọng. Một doanh nghiệp muốn thành công và phát triển bền vững phải là doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng, không gian dối, không lừa gạt người.

Theo Khánh Chu, Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Tôi đã từng là một “Anh Đại” trong đời

videoinfo__video3.dkn.tv||e80fb241e__