Đạo sĩ lấy ra một mũi tên đưa cho những người có mặt xem, nói rằng mũi tên này khác với phàm tục, không phải thứ của nhân gian, dặn hãy giữ gìn cẩn thận, đợi đến sang năm, chủ nhân của mũi tên sẽ đến thu hồi nó…
Vào Tết Trùng Dương (còn gọi là Tết Trùng Cửu vào 9 tháng 9 Hoàng lịch) vào năm Thiên Bảo thứ mười ba của hoàng đế Đường Huyền Tông, Huyền Tông đã đến Sa Uyển để săn bắn. Sa Uyển nằm cách huyện Phùng Dực 12 dặm về phía nam (nay là phía nam huyện Đại Lệ, tỉnh Thiểm Tây), một đồng cỏ cát rộng lớn giữa sông Lạc Thủy và Vị Thủy. Đây là nơi được hoàng đế Đường Cao Tổ thiết lập để chăn nuôi quân mã, bò và dê.
Huyền Tông nhìn lên bầu trời thấy một con hạc cô đơn đang bay lượn giữa những đám mây. Huyền Tông giương cung hết cỡ và bắn một mũi tên, “Phù”, mũi tên của Huyền Tông đã bắn trúng vào con hạc cô đơn. Con hạc mang theo mũi tên trên người chậm rãi rơi xuống đất, nhưng khi sắp chạm đất, thì con hạc đột nhiên lại vùng lên, bay về phía tây nam bầu trời.
Lúc đó có mấy vạn người ở đó, tất cả đều nhìn lên trời, phóng mắt nhìn theo con hạc cô đơn mang theo mũi tên bay đi, quan sát rất lâu cho đến khi nó biến mất ở gần thành Ích Châu.
Cách thành Ích Châu mười lăm dặm có một đạo quán tên là “Minh Nguyệt Quán”. Đạo quán nằm giữa sơn thủy, xung quanh là rừng thông rậm rạp và hoa quế thơm ngát, tĩnh mịch thâm u, là nơi tu hành rất tốt, tuy nhiên, chỉ những người tu hành tinh tấn mới có thể ở trong đạo quán này.
Trong viện thứ nhất tại hành lang phía đông của Minh Nguyệt Quán, khung cảnh đặc biệt thanh tịnh tuyệt mỹ. Từ Tá Khanh, người tự nhận mình là đạo sĩ Thanh Thành, cứ mỗi ba bốn tháng lại đến thăm Minh Nguyệt Quán. Người chủ sự đạo quán sẽ nhường lại chánh điện của viện thứ nhất cho ông, ông sẽ ở đó ba đến năm ngày, hoặc khoảng mười ngày.
Từ Tá Khanh phong độ tao nhã cổ phác, độ lượng khoan hậu, tố chất tiên phong đạo cốt của ông khiến người trong đạo bội phục và ngưỡng mộ. Một ngày nọ, ông đột nhiên hiện thân trong đạo quán, tinh thần dường như không vui vẻ khoan thai như thường lệ. Ông nói với những người trong sân rằng mình vừa đi qua núi thì vô tình bị một mũi tên bay bắn trúng, nhưng ông đã hồi phục nhanh chóng, thân thể bình an. Lúc này, ông lấy ra một mũi tên đưa cho những người có mặt xem, nói rằng mũi tên này khác với phàm tục, không phải thứ của nhân gian, dặn hãy giữ gìn cẩn thận, đợi đến sang năm, chủ nhân của mũi tên sẽ đến thu hồi nó.
Từ Tá Khanh để lại mũi tên trên tường của trung đường, lấy bút viết ngày bên cạnh mũi tên, ngày này là ngày 9 tháng 9 năm Thiên Bảo thứ mười ba.
Cuộc nổi loạn An Sử nổ ra vào tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14, Huyền Tông chạy đến đất Thục để tị nạn vào tháng 6 năm thứ 15. Vào một ngày rảnh rỗi, ông ra lệnh cho người lái xe đi tứ xứ tham quan, tình cờ đoàn xe lữ hành đến Minh Nguyệt Quán, thấy phong cảnh nơi đây tao nhã thâm u không vương phàm tục, liền tiến vào trong tham quan.
Khi Huyền Tông đang đi trong chính điện của Đông viện, ông chú ý đến một mũi tên treo trên tường điện, cảm thấy nó có vẻ quen thuộc. Ông bảo cận thần tháo mũi tên ra và chơi với nó, bỗng phát hiện mũi tên đó hóa ra là mũi tên hoàng gia của chính ông. Điều này khiến Huyền Tông cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không hiểu vì sao mũi tên của mình lại lạc xuống đây, nên đã hỏi đạo sĩ về nguồn gốc của mũi tên.
Đạo sĩ của Minh Nguyệt Quán kể lại cho Huyền Tông nghe những gì Từ Tá Khanh đã nói ở đây vào năm ngoái. Sau khi nghe điều này, Huyền Tông xác nhận rằng mũi tên này chính là mũi tên đã bắn trúng con hạc cô đơn khi ông đi săn ở Sa Uyển vào năm ngoái. Con Hạc đã mang mũi tên đi nhưng cuối cùng lại hạ cánh ở đây, điều kỳ lạ là con hạc đó thực chất là hóa thân của vị đạo sĩ. Lúc đó, Từ Tá Khanh đã biết trước rằng mũi tên sẽ được trả lại cho chủ nhân ban đầu của nó trong năm tới, và sự tình quả nhiên diễn ra đúng như dự ngôn của ông.
Truyền kỳ này đã khiến Huyền Tông xem mũi tên này như một báu vật và lưu giữ nó. Kể từ đó, không ai gặp lại Từ Tá Khanh nữa, và câu chuyện của ông đã trở thành một truyền thuyết thần bí. Cho đến ngày nay, dân làng Trung Thảo thôn ở Sa Uyển vẫn lưu truyền câu chuyện Tá Khanh hóa hạc. (Nguồn: “Tập Dị Kí” của Tiết Dụng Nhược đời Đường)
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch