Có người nói ý nghĩa của cái tên “Hà Nội” là thành phố ở trong những con sông: sông Hồng và sông Đáy. Hà Nội đã qua hơn 1000 năm tuổi với phần lớn thời gian được chọn làm thủ đô nước Việt. Hà Nội cũng có những lúc thịnh suy, thăng trầm theo thời cuộc nhưng luôn có nét văn hóa rất riêng không giống bất cứ vùng đất nào khác. Mỗi con phố cũ của Hà Nội không chỉ là một chốn đi về mà là cả một không gian văn hóa, lịch sử. Từng gốc cây ngọn cỏ, những mái ngói nâu sồng, tường cũ rêu phong là những nhân chứng lịch sử vừa gần gũi, vừa huyền ảo về một Hà Nội vàng son và hào hùng.
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu loạt bài: “Đường phố Hà Nội với danh nhân và lịch sử” với hy vọng chia sẻ với độc giả chút tình cảm về Hà Nội và người xưa việc cũ.
Phố Lý Thái Tổ
Phố Lý Thái Tổ có chiều dài 882m, được giới hạn bởi một đầu là phố Tràng Tiền, đầu kia là phố Lò Sũ. Phố này có thể nằm ngay trên vị trí dải đất chạy men theo bức tường phía đông của tòa thành đất bao quanh thành Thăng Long xưa, hoặc có thể chính là bức tường thành đó. Hoặc có thể đó là một con đê cũ. Khi xưa khu vực này có nhiều hồ ao ruộng, sau được san lấp lại. Chỗ đó là đất của mấy thôn cũ là Tả Lâu, Yên Vệ, thuộc huyện Thọ Xương cũ.
Tên của phố Lý Thái Tổ thời Pháp thuộc khi mới xây dựng là phố Courbet. Sau 1945 mới được đổi thành phố Lý Thái Tổ. Phố Lý Thái Tổ là một trong những con phố Tây nằm ngoài khu vực 36 phố phường. Khu vực phố Tây quanh Hồ Gươm, Tràng Tiền, Đồn Thủy được xây dựng vào giai đoạn 1886-1910, và phố Lý Thái Tổ thì được xây dựng khoảng đầu những năm 1900. Khu phố Tây, như tên gọi, là cho người Pháp và những người phục vụ cho chính quyền bảo hộ ở, cách biệt hẳn với 36 phố phường của dân Việt. Đặc điểm của khu phố Tây là đường xá rộng rãi, nhiều nhà biệt thự diện tích lớn, có sân vườn rộng, yên tĩnh và ngập trong bóng cây xanh mát, khác hẳn khu 36 phố phường.
Phố này có một số công trình kiến trúc quan trọng. Có trường tiểu học Courbet, tức trường Hàng Vôi, nay là trường tiểu học Nguyễn Du (số nhà 25-27), có câu lạc bộ Cercle dành cho người Pháp ở số nhà 38, có nhà thờ Tin Lành ở số nhà 61. Vườn trẻ Ấu trĩ viên ở số nhà 34-36 nay là cung Thiếu nhi Hà Nội.
Ở đoạn giữa phố trông về phía Hồ Gươm thì thấy trước mặt là vườn hoa Paul Bert, sau 1945 được đổi thành vườn hoa Chí Linh. Đến năm 1985 vườn hoa được đổi tên lần nữa thành vườn hoa Indra Ghandi và nay thì mang tên vườn hoa Lý Thái Tổ.
Đối diện vườn hoa Paul Bert bên kia đường chính là Ngân Hàng Đông Dương, nay là Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.
Chéo bên kia đường với Ngân Hàng Đông Dương là vườn hoa Con Cóc. Vườn hoa hình tam giác này có bể nước, giữa bể có đài bia Chavassieux. Vườn hoa này có tên Con Cóc là vì bốn góc bể nước có bốn con cóc bằng đồng phun nước lên cao giội xuống bể.
Đi tiếp phố Lý Thái Tổ về phía Tràng Tiền, hết khu vực vườn hoa Con Cóc thì đến khách sạn Metropole là khách sạn to lớn và hiện đại nhất thời bấy giờ. Khách sạn chiếm một khu đất khá rộng trông ra ba mặt phố Rivière (Ngô Quyền), Courbet (Lý Thái Tổ) và vườn hoa Con Cóc. Khách sạn Metropole chính là nơi đón tiếp những chính khách, nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn của thế giới từ khi nó được xây dựng đến nay.
Nói chung phố Lý Thái Tổ là một con phố chính có nhiều công trình quan trọng trong khu vực phố Tây ở phía Đông Hồ Gươm. Phố mang tên vị vua Lý Thái Tổ, người đã dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long từ năm 1010, có thể coi là vị vua đã khai sinh ra Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Lý Thái Tổ – vị vua tiên phong của những cải cách
Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, được tôn lên làm vua năm Kỷ Dậu (1009) mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Việt trên nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Sách sử Đại Việt Sử ký Toàn thư ca ngợi ông là “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương”. Đây là vị vua mà cuộc đời có nhiều chi tiết thú vị và huyền ảo.
Lý Thái Tổ có xuất thân thật bí ẩn. Chính sử cho biết mẹ ông họ Phạm nhưng không ghi tên là gì. Còn theo dã sử và giai thoại dân gian, bà tên là Phạm Thị Ngà. Cha vua thì càng khó xác định hơn. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Mẹ vua đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với thần nhân giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974)… vua từ bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường”.
Bài ký ở chùa Tiêu Sơn có nói: “Thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua”. Theo sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ thì: “Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt bà đang ngủ lơ mơ, lão sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trổ dậy rồi có thai mà sinh ra vua… Thế thì thật không biết người nào là cha vua nữa”. Chỉ biết Lý Thái Tổ từ nhỏ được sư trụ trì chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi, do vậy lấy họ Lý. Có lẽ vua đi ra từ cửa Phật nên sau này mới sùng kính Phật giáo đến vậy.
Việc lên ngôi của Lý Thái Tổ cũng có điềm báo thật ly kỳ. Có cây gạo ở làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp quê ông (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) bị sét đánh, để lại vết tích là một bài thơ tiên đoán những sự việc của nước Nam trong 1000 năm lịch sử. Trong đó có câu:
“Thụ căn liễu liễu,
Mộc biểu thanh thanh,
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành…”
Có nghĩa là:
“Gốc cây to xù,
Lá cây xanh xanh,
Cây hòa đao rụng,
Thập bát tử nổi lên…”
‘Hòa đao mộc’ (禾刂木) là chữ Lê (梨), ‘thập bát tử’ (十八子) là chữ Lý (李). Câu sấm ấy ý nói nhà Lý sẽ thay nhà Lê, đấy là giải thích của sư Vạn Hạnh, một bậc cao tăng có tài tiên tri. Sử gia Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án viết rằng: “Sét đánh vào cây mà thành câu sấm chỉ có 40 chữ, mà đủ hết cả hưng vong của các đời trong thời gian hơn một nghìn năm. Trời có nói gì đâu, đó là nhà sư Vạn Hạnh tinh thông cách sấm bói, nhân việc sét đánh cây đa, nói thác ra các chữ ấy, để tỏ ra là thần dị đấy thôi”. Thực ra, nếu Ngô Thì Sĩ sống vào thời hiện đại mà biết câu chuyện về tảng tự thạch có niên đại 270 triệu năm ở tỉnh Quý Châu, một hôm đất đá bên ngoài sụp xuống lộ ra dòng chữ thần thì có lẽ ông phải thay đổi quan điểm về sự kiện sét đánh gốc đa làng Cổ Pháp mà hiện ra dự ngôn như trên đã nói.
Lại có chuyện “ở viện Cam Tuyền, chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ Thiên tử, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất sẽ làm Thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất, làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ lên ngôi ngày Quý Sửu, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), chỉ hai ngày sau khi vua Lê Ngọa Triều mất; khi đó ông 36 tuổi và là vị vua triều Lý tuổi cao nhất khi lên ngôi.
Lý Thái Tổ là một trong những vị vua có tôn hiệu dài nhất. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, cuối năm Kỷ Dậu (1009) Lý Công Uẩn được tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Triều đình “dâng tôn hiệu là Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn bang hiển ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế”. Cả thảy 52 chữ.
Lý Thái Tổ là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, sau khi lên ngôi đã cho lập 6 hoàng hậu. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”. Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu. Hậu cung thời xưa có tam cung lục viện, vua chúa có phi tần mỹ nữ cả trăm, cả nghìn người là thường. Nhưng ngôi vị hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ thì thường chỉ có một. Nên hậu nhân cũng thấy khó lý giải với việc lập nhiều hoàng hậu của vị vua đầu triều Lý. Sao không lập một bà làm hoàng hậu, tám bà kia thì gọi là Hoàng phi?
Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội ngày nay) vào năm Canh Tuất (1010). Tương truyền khi đoàn thuyền đến đỗ bên bờ sông Hồng thì “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự” (Đại Việt sử ký toàn thư) vì thế vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Đây là tên gọi của một kinh đô được sử dụng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Có rồng vàng hiện ra đón vua thật không? Ta không thể khẳng định, nhưng cũng không thể bác bỏ với suy diễn rằng đó là một màn “hý lộng quỷ thần” với mục đích lấy chính danh. Các nhà khảo cổ những năm gần đây đã tìm thấy những bằng chứng mới về loài rồng Châu Á, về xương cốt của chúng. Có người còn quay được những hình ảnh chân thực về loài rồng.
Trong các thư tịch cổ của văn khố triều đình Trung Hoa hoặc trong những tài liệu dân gian cũng nói về những lần rồng xuất hiện. Vả lại, những câu chuyện kỳ lạ như tảng tự thạch 270 triệu năm tuổi ở Quý Châu còn có thật thì có lẽ chúng ta phải nhìn lại những sự kiện lịch sử mang màu sắc huyền thoại với góc nhìn mới.
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên trực tiếp xét xử các vụ án và đã bố cáo việc này cho trăm họ cùng biết. Ngay sau khi lên ngôi ông đã ban chiếu quy định rằng: “Từ nay ai có việc tranh kiện nhau, cho đến triều tâu bày, vua sẽ thân giải quyết” (Đạí Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ cũng đã tổ chức hoàn thiện lại các đơn vị hành chính mà các đời vua trước chưa làm được. Đến tháng 12 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ chia lại khu vực hành chính trong cả nước thành 24 lộ, dưới lộ là phủ, huyện, hương, giáp và thôn. Tại khu vực miền núi thì được chia thành các châu, trại, đạo.
Lý Thái Tổ cũng là vị vua đầu tiên thực hiện chính sách thông hôn để nắm vững quyền kiểm soát đối với các khu vực biên ải, miền núi xa xôi. Sau khi lên ngôi, ông đã gả con gái là công chúa Đông Thiên cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và một phần Lạng Sơn) là Giáp Thừa Quý. Kể từ đó các đời vua nối tiếp của triều Lý đều thực hiện chính sách liên kết với các tù trưởng dân tộc thiểu số bằng quan hệ hôn nhân.
Đây là một chính sách hết sức khôn ngoan của nhà Lý, bắt đầu từ Lý Công Uẩn. Thời ấy, việc giao thông khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi rừng núi hoang vu. Triều đình cũng không thể kiểm soát hết được các thế lực địa phương, đặc biệt là các địa phương gần biên giới phía Bắc. Nếu xử trí không khéo, thay vì trở thành phên dậu che chắn cho triều đình, họ lại có thể trở thành lực lượng chống đối hay làm nội ứng cho người phương Bắc xâm nhập.
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên của triều Lý cho đúc tiền để lưu thông, đó là đồng “Thuận Thiên đại bảo”, mặt sau có chữ Nguyệt. Tính từ kỷ nguyên giành được độc lập tự chủ thì đây là đồng tiền thứ 3 của dân tộc ta, sau đồng “Thái Bình hưng bảo” của Đinh Tiên Hoàng và “Thiên Phúc trấn bảo” của Lê Đại Hành.
Lý Thái Tổ là vị vua đặc biệt quan tâm đến việc sửa chữa, trùng tu lại các công trình tôn giáo. Cuối năm Canh Tuất (1010), ông “hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên thực hiện miễn thuế cho dân chúng trong một thời gian nhất định. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 12 năm Canh Tuất (1010) vua “đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu thiếu thuế đã lâu đều tha cho cả”. Các vua miễn thuế cho dân đều có lòng nhân.
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên quan tâm đến việc đào tạo, dạy dỗ việc trị nước cho người kế vị. Năm Nhâm Tý (1012) ông sai làm cung Long Đức ở ngoài hoàng thành cho Thái tử ra đó ở để gần gũi với bách tính nhằm nắm được đời sống dân tình.
Lý Thái Tổ cũng rất chú ý việc võ bị. Triều đại của ông là triều đại duy nhất trong lịch sử nước Việt có quân đội chiến đấu với quân Nam Chiếu. Nam Chiếu là một quốc gia phía Nam Trung Quốc, giáp giới với Đại Việt, nay là khu vực tỉnh Vân Nam. Cuối năm Nhâm Tý (1012) ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng) bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn 1 vạn con ngựa. Tháng giêng năm Giáp Dần (1014), 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay là Cao Bằng), “vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ cũng là vị vua đầu tiên trong triều Lý dám chủ động Bắc phạt để răn đe và thị uy với người phương Bắc. Năm Nhâm Tuất (1022) vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh Đại Nguyên Lịch (một vùng đất tiếp giáp giữa nước ta và Tống), sau đó “quân ta đi sâu vào trấn Như Hồng đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên cho biên soạn phả hệ hoàng tộc, vào năm Bính Dần (1026) “mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu làm ngọc điệp (phả hệ)” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Thái Tổ làm vua 18 năm (1009-1028), đặt những nền móng đầu tiên cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Việt. Sách Việt giám thông khảo tổng luận đánh giá về sự nghiệp của ông như sau: “Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt, sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân; tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ; Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên”.
Chẳng những có công lớn với Đại Việt, ông còn có công lớn với đất Thăng Long, thủ đô ngàn năm văn hiến của nước Việt yêu dấu. Do vậy, bài đầu tiên của loạt bài “đường phố Hà Nội với danh nhân và lịch sử” này xin được viết về ông và con phố mang tên ông: phố Lý Thái Tổ.
Bình Nguyên
Tài liệu tham khảo:
- “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Văn Uẩn
- “Phố và Đường Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
- “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và các sử gia đời sau
- “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ
- “Việt giám thông khảo tổng luận” của Lê Tung
- “Những điều thú vị về các vua triều Lý” của tác giả Lê Thái Dũng