Khởi niệm là liền có ái,
Dậy tình ắt sẽ sinh tai.

Trong Tây du ký, Đường Tăng thường xuất hiện với diện mạo trang nghiêm thanh tịnh, lời lẽ từ bi hoà ái. Nhưng trên hành trình thỉnh kinh, có một ma nạn mà trong đó ông luôn miệng mắng nhiếc đồ đệ, sự mắng nhiếc này không khỏi khiến người đọc… phì cười, vì đó là khi ông “lớ ngớ” bị kén làm phò mã nước Thiên Trúc. Công chúa giả nước Thiên Trúc vốn là Thỏ Ngọc trên cung Quảng biến hoá thành, cố ý ném tú cầu trúng vào người ông, ép Đường Tăng phải kết duyên chồng vợ.

Còn nhớ trước đây, nữ vương của Tây Lương nữ quốc từng muốn sánh đôi cùng Đường Tăng, tỳ bà tinh cũng muốn cùng ông vui vầy hoan ái… Chúng ta không khỏi thắc mắc, Đường Tăng đã không còn ham luyến nữ sắc, vì sao hết lần này lần khác Phật Tổ và Bồ Tát an bài quan ải ái dục cho ông? Thực ra, mỗi một nạn của người tu luyện đều nhắm vào một chủng tâm phàm tục mà đến, Đường Tăng tuy không mê đắm nữ sắc, nhưng lần này ông đã động niệm thế tục. Tây du ký, hồi 94 có viết:

“Tam Tạng thấy xung quanh không còn ai, bèn oán trách Hành Giả, giận dữ nói:

– Con khỉ già Ngộ Không kia, nhà ngươi hại ta bao phen rồi! Ta đã bảo chỉ đi đổi điệp văn thôi, chứ đừng đi về phía lầu hoa, nhà ngươi lại cứ một mực đòi đưa ta tới đó xem! Bây giờ xem đã sướng chưa? Cớ sự này thì biết làm sao bây giờ?

Hành Giả cười khành khạch nói:

– Sư phụ chẳng bảo “tiên mẫu cũng do gieo quả cầu thêu gặp nhân duyên cũ, nên vợ nên chồng” đó sao? Sư phụ có ý hoài cổ như thế, lão Tôn mới dẫn đi chứ…”

Mặc dù Tôn Ngộ Không lúc này đang trêu đùa sư phụ, thực ra Hành Giả bày kế “ỷ hôn hàng quái” (mượn việc kết hôn mà hàng phục yêu quái), nhưng lời nói đùa cũng có đạo lý: Nếu không phải Đường Tăng khởi tâm động niệm ái tình, thì đã không chiêu mời phiền phức. Giới tu luyện có câu: “Nhân tâm câu đích quỷ thượng môn”, quả không sai.

Phật gia giảng phải xả tận thế gian, sau khi xuất gia rồi thì cha mẹ cũng gọi là “thí chủ”, người tu Phật là thiện đãi tất cả chúng sinh chứ không vì tình ruột thịt mà thiên vị một người nào. Vậy nên ý nghĩ thoáng qua của Đường Tăng về duyên vợ chồng của cha mẹ, bề mặt thì dường như không vấn đề gì, nhưng với người tu luyện mà nói thì đã là thoát ly khỏi Đạo, là nghiêm trọng rồi. Cổ ngữ có câu: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri”, ý rằng mỗi tư mỗi niệm của con người thì Trời Đất đều biết tường tận. Khi tu đến cảnh giới của Phật thì niệm nào cũng phải chính, dẫu một tà niệm còn sót lại cũng không được bước vào thiên quốc. Lúc này, Đường Tăng đã gần đến Linh Sơn, yêu cầu càng phải nghiêm khắc, một niệm vương vấn thế tục cũng không được phép giữ, cũng tạo thành khổ nạn lớn.

Dung nhan kiều diễm của công chúa Thiên Trúc (Thỏ Ngọc) trong phim Tây du ký 1986.

Còn đối với Thần Tiên, người trên thiên quốc thì một niệm thế tục cũng khiến họ bị rơi rớt tầng thứ, đoạ xuống làm người, làm yêu. Thiên Bồng Nguyên Soái trêu ghẹo Hằng Nga nên bị đày thác sinh cửa lợn; Quyển Liêm Đại Tướng làm vỡ chén ngọc lưu ly nên phải làm yêu quái sông Lưu Sa; đây đều do không giữ được chính niệm, khởi tà niệm vẩn vơ mà thành. Trong hồi này, công chúa thật của nước Thiên Trúc cũng không phải vô duyên vô cớ mà gặp nạn. Thái Âm Tinh Quân nói:

“– Đại Thánh không biết đấy thôi. Công chúa con quốc vương, cũng không phải người phàm. Nàng là Tố Nga ở trong cung Quảng. Mười tám năm về trước nàng có đánh con thỏ ngọc một cái tát, rồi lại nhớ phàm trần xuống hạ giới. Một điểm sáng linh thiêng giáng sinh. Còn con thỏ vẫn mang cái thù bị tát, nên năm ngoái lẻn trốn khỏi cung xuống trần, cướp ném Tố Nga ra đồng nội, định lấy Đường Tăng làm chồng…”

Đạo Trời tuy thưa mà khó lọt, nhân quả như bóng theo hình, quả thực khiến người ta khởi tâm kính sợ!

Quay trở lại việc Đường Tăng trong ma nạn này luôn miệng quát mắng đồ đệ, bên cạnh yếu tố nghệ thuật hài hước của tác phẩm thì có lẽ còn ngụ ý rằng ông thật sự rất coi trọng tu bỏ chấp trước ái dục. 

“Tam Tạng quát mắng:

– Câm đi, đừng bẻm mép nữa! Nay họ cố tình kén ta làm phò mã thì khu xử thế nào?

Hành Giả nói:

– Chúng ta cứ đợi tới hôm mười hai là hôm cưới, nhất định công chúa phải ra làm lễ lạy cha mẹ. Lúc ấy lão Tôn sẽ đứng cạnh quan sát. Nếu quả đúng là công chúa thật, thì sư phụ cứ việc làm phò mã, ở lại hưởng vinh hoa phú quý.

Tam Tạng nghe xong, càng tức giận quát mắng:

– Con khỉ già kia, nhà ngươi định hại ta sao! Như lời Ngộ Năng nói đấy, leo cau đã tới buồng rồi, nhà ngươi lại còn uốn lưỡi dụ ta à? Câm ngay miệng lại, đừng há họng ra nữa. Còn vô lễ, ta sẽ niệm bài khẩn cô nhi chú cho nhà ngươi biết tay!

Hành Giả nghe nói tới niệm chú, sợ quá quỳ xuống van xin:

– Sư phụ đừng niệm! Đừng niệm! Nếu đúng là công chúa thật thì tới lúc làm lễ hợp cẩn chúng con sẽ đại náo hoàng cung đưa sư phụ đi”.

Quý độc giả có thể đã biết rằng hình tượng năm thầy trò (kể cả Bạch Long Mã) thực ra là chỉ một người, trong đó Đường Tăng là chủ nguyên thần, là chủ thể của người tu luyện. Việc Đường Tăng không ngừng mắng nhiếc đồ đệ có lẽ là phản ánh của quá trình không ngừng sám hối và sửa lỗi, diệt trừ ma tính của bản thân chăng?

Thật may, cuối cùng Đường Tăng cũng thoát khỏi mối oan duyên này. Đây mới đúng là:

Thanh tịnh trong veo sạch bụi trần,
Chính quả siêu thăng lên thượng giới.

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__