Đại Kỷ Nguyên

Đường Tăng từng gặp một người bí ẩn trên đường thỉnh kinh, chuyện không chép trong Tây Du Ký

Trên hành trình sang Tây Trúc của Đường Tăng, có một nhân vật kỳ lạ không được nói đến trong “Tây Du Ký”, nhưng lại là một cái tên huyền thoại trong Phật giáo. Ông là ai?

Trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, pháp sư Huyền Trang đã phải đối mặt với biết bao gian nguy hiểm trở, lại thêm núi non trùng trùng, khi thì sa mạc khô cằn, khi thì thác đổ, khi thì rừng sâu. Trên hành trình ấy, ngoài những ma quỷ rập rình, những Bồ Tát và chư Thần hộ thân, thì Huyền Trang còn có cơ duyên gặp được một bậc cao tăng đắc đạo. Nhân vật huyền thoại này dù không xuất hiện trong “Tây Du Ký”, nhưng đã được ghi chép trong các cuốn cổ thư về Phật giáo.

Chuyện kể rằng…

Hôm ấy, Huyền Trang đi ngang qua một hang núi và thấy trong hang có hình thù kỳ dị. Dường như đó là một tăng nhân đang ngồi thiền nhập định. Có lẽ ông đã ngồi ở đó rất lâu rồi, lâu đến mức tóc trên đầu đã kết lại thành bè, cả thân hình phủ một lớp bụi đất dày. Huyền Trang bèn lấy chiếc khánh ra gõ nhẹ một cái, chờ cho lão tăng xuất định.

Huyền Trang đi ngang qua một hang núi và gặp một lão tăng đang ngồi thiền định. (Ảnh: youtube.com)

Huyền Trang hỏi, tôn giả vì cớ gì mà ngồi ở đây? Lão tăng đáp:

– Tôi chờ Đức Phật Hồng Dương (Phật Thích Ca) xuất thế để giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp.

– Đức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn hơn một ngàn năm rồi, ông vẫn còn ngồi ở đây sao?

– Ðức Thích Ca đã nhập niết bàn rồi ư? Vậy thì tôi lại nhập định chờ Đức Phật Bạch Dương (Phật Di Lặc) giáng thế vậy.

– Ông hà tất phải nhập định, như vậy ông sẽ lại bỏ lỡ cơ duyên lần nữa. Chi bằng ông hãy theo tôi về Đông Thổ. Đợi tôi từ Thiên Trúc thỉnh kinh trở về, ông có thể giúp tôi hoằng dương Phật Pháp.

Lão tăng suy nghĩ một lát, bèn tỏ ý ưng thuận. Pháp sư Huyền Trang dặn dò rằng:

– Cơ thể này của ông quá cũ kỹ rồi, ông nên đổi qua một thân mới. Khi tới Tràng An, ông xem toà nhà nào có mái ngói lưu ly sắc vàng thì tìm vào đó đầu thai. Ngày sau, khi tôi từ Thiên trúc trở về, tôi sẽ đến đón ông.

Dặn xong, hai người chia tay, một người lên đường về phía Tây, một người rời gót hướng về phương Đông.

Thời gian thấm thoắt, trải bao cay đắng ngọt bùi, cuối cùng Huyền Trang cũng thỉnh được chân kinh và trở về Đông Thổ.

Trải bao cay đắng ngọt bùi, cuối cùng Huyền Trang cũng thỉnh được chân kinh và trở về Đông Thổ. (Ảnh: soha.vn)

Khi về đến Trường An gặp hoàng đế Đại Ðường, Huyền Trang có lời mừng:

– Cung hỷ bệ hạ! Chúc mừng bệ hạ đã sinh thái tử.

Vua Ðường hết sức ngạc nhiên, đáp lại rằng:

– Không có chuyện đó.

Huyền Trang thầm nghĩ: “Rõ ràng ta đã dặn lão tăng đến đây đầu thai, sao nay lại không thấy?”. Ngài liền nhập định quan sát mới hiểu ra cơ sự. Thì ra ông ấy đã đầu thai lầm vào tôn phủ của Uất Trì Cung rồi!

Huyền Trang bèn tới thăm Uất Trì Cung và kể rõ sự tình. Vừa thoạt trông thấy cháu trai của vị công thần này, Ngài đã nhận ra ngay. Lão tăng năm xưa nay đã thành một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, tướng mạo thể hiện rõ là một đấng một anh tài, sau này nhất định sẽ làm nên đại sự. Vì lời hẹn năm xưa, Huyền Trang bèn khuyên chàng trai hãy mau mau xuất gia.

Nhưng chàng thiếu niên vừa nghe nói đến “xuất gia” đã tỏ vẻ không vui, đáp rằng: “Ðại sư nói gì? Bảo tôi xuất gia ư? Ðâu có chuyện đó được!”. Nói xong cậu hừ một tiếng rồi quay gót bỏ đi.

Pháp sư Huyền Trang chỉ còn cách tâu lên Ðường Thái Tông, nhờ Hoàng đế chu toàn cho đoạn nhân duyên đó. Ðường Thái Tông bèn hạ chỉ ra lệnh cho cháu trai của Uất trì Cung xuất gia. Nhưng cậu ta không phục, bèn tỏ ý phản đối:

– Bệ hạ bảo thần xuất gia, nhưng thần có ba thứ chẳng thể bỏ được, nếu bệ hạ có thể chấp nhận ba điều kiện này thì thần xin tuân chỉ.

Ðường Thái Tông nói:

– Được, hãy cho trẫm biết ba điều kiện của khanh là gì?

– Người xuất gia không được uống rượu, nhưng thần thì không thể thiếu rượu. Vậy bất luận thần ở đâu, phải có một xe chất đầy rượu cho thần.

Thái Tông thầm nghĩ: “Người xuất gia không được uống rượu, nhưng pháp sư Huyền Trang đã có lời dặn rằng điều kiện nào cũng ưng thuận cho y”, bèn đáp:

– Ðược! Ta ưng thuận. Ðiều kiện thứ hai là gì?

– Người xuất gia phải ăn chay, nhưng thần thì chỉ thích có thịt. Vậy bất luận thần ở đâu cũng phải có một xe chở đầy thịt đi theo thần.

– Ta ưng thuận. Còn điều kiện thứ ba?

– Kẻ xuất gia phải buông bỏ nữ sắc, nhưng thần thì không thể thiếu mỹ nữ. Vậy bất luận thần ở đâu cũng phải có một xe chở mỹ nữ đi theo thần. Phải có một xe rượu, một xe thịt, một xe mỹ nữ, đầy đủ ba điều kiện ấy thì thần mới xuất gia.

– Ðược! Ta hoàn toàn chuẩn y!

Chàng thiếu niên không cách nào từ chối, đành miễn cưỡng vâng lệnh. Tới ngày đã hẹn, cậu đến chùa Ðại Hưng Thiện để làm lễ, theo sau là một xe chở rượu, một xe chở thịt, một xe chở mỹ nữ. Khi đoàn người vừa đến, tất cả chuông chùa đều đồng loạt gióng lên. Âm thanh uy vũ khiến cậu bừng tỉnh ngộ: “Ồ! Ta vốn là vị lão tăng năm đó, đã nguyện đến đây giúp Pháp sư Huyền Trang hoằng dương Phật Pháp”. Ngay sau đó, cậu ra lệnh cho cả đoàn xe quay về.

Cậu thiếu niên đó về sau được người đời gọi là Tam Xa Tổ Sư (tổ sư ba xe), sư tổ thứ hai Tông Duy Thức, cũng chính là đại sư Khuy Cơ, người đã dành cả phần đời còn lại để hoằng dương Phật Pháp.

Chuông chùa đều đồng loạt gióng lên. Âm thanh uy vũ khiến cậu bừng tỉnh ngộ. (Ảnh minh hoạ: dkn.tv)

Đại Kỷ Nguyên bàn:

Phật gia giảng cõi người là cõi mê. Con người vì sống trong mê, nên mới chìm đắm trong danh – lợi – tình, trong những thú vui tầm thường của cõi thế tục. Đến như đại sư Khuy Cơ, từng là bậc chân tu đắc Đạo, đã trải qua biết bao năm tu hành, trường kỳ nhập định, đạt đến cảnh giới của một bậc Thánh giả, cũng từng phát nguyện sẽ trợ giúp các đức Phật vị lai hoằng dương Phật Pháp.

Vậy mà chỉ qua một kiếp luân hồi chuyển thế, ngài đã quên mất mình là ai, cũng không còn nhớ tới bản nguyện xưa kia nữa. Kiếp trước là cao tăng đắc Đạo, kiếp này làm công tử cao sang, lòng chỉ biết rượu ngon, mỹ vị, nữ sắc, tận hưởng mọi lạc thú trần gian. Bất kỳ ai, cho dù là bậc Thánh giả, chỉ cần tiến nhập vào cõi mê thì bất kể thứ gì nơi đây cũng có thể dẫn dụ, lôi kéo, nhấn chìm người ta trong dục vọng.

Thế mới biết, con người “mê” đến nhường nào!

Nhưng có “mê” thì cũng có “ngộ”, ai ai cũng có Phật tính trong tâm. Khi Phật tính khởi xuất, thì người ta sẽ tìm lại được bản nguyên chân chính của mình. Trong “Thuỷ Hử” có câu chuyện kể về hoà thượng Lỗ Trí Thâm. Lỗ Trí Thâm cả một đời phiêu bạt chốn giang hồ, hành hiệp trượng nghĩa, cứu người nhưng cũng đánh người, thân mặc áo cà sa nhưng bụng vẫn no nê rượu thịt.

Bất kỳ ai, cho dù là bậc Thánh giả, chỉ cần tiến nhập vào cõi mê thì bất kể thứ gì nơi đây cũng có thể dẫn dụ, lôi kéo, nhấn chìm người ta trong dục vọng. (Ảnh: pinterest)

Một hoà thượng phá vỡ giới luật thanh quy của Phật môn, vậy mà đến phút cuối cùng, nghe tiếng sóng triều trên sông Tiền Đường, sư đột nhiên đại ngộ “mới tỉnh ra rằng Ta là Ta”. Câu chuyện Trí Thâm cũng giống với pháp sư Khuy Cơ thời trai trẻ, vì ở trong mê nên say đắm rượu, thịt, mỹ nữ. Nhưng khi chuông chùa vang lên, thì âm thanh ấy giống như chiếc khoá khai mở ký ức từ tiền kiếp, khiến ông bừng tỉnh ngộ.

Vậy thì mỗi chúng ta, sống trong xã hội xô bồ này, bạn có thể có rất nhiều đam mê, rất nhiều phiền luỵ, rất nhiều tranh đấu, rất nhiều giận hờn. Dù cuộc sống có xô đẩy bạn đến hoàn cảnh nào, thì đừng quên rằng mỗi chúng ta đều là những sinh mệnh cao quý. Những thứ bụi bặm trần gian dẫu có thể tạm thời che khuất nhưng vĩnh viễn không thể làm mất đi cao quý trong tâm. Hy vọng cũng có một ngày bạn sẽ tìm thấy bản nguyện chân chính của mình, sẽ nhận ra rằng “Ta là Ta”…

Hồng Liên

Exit mobile version