Đại Kỷ Nguyên

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (1): Chân mệnh Thiên tử, thụ quyền Thần trao

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất thời cổ đại, đất nước ông trị vì trở thành trung tâm thế giới, văn minh Trung Hoa lên đến đỉnh cao dưới thời của ông, trở thành kiểu mẫu lịch sử. Chúng ta đang nói đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Bóng tối của lịch sử đã che khuất đi nhiều sự thật về ông, hãy cùng chúng tôi phủi đi lớp bụi thời gian, lần lại những trang sử đã thất lạc về vị quân vương vĩ đại ấy.

Lời mở đầu

Ba vị Thánh quân Nghiêu, Thuấn, Vũ từ sau trận Đại hồng thủy cuồn cuộn ngất trời lần trước đã khai sáng nền văn minh Thần truyền 5000 năm của nhân loại lần này, giáo hóa nhân dân, trọng đức sùng đạo. Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế nhất thống thiên hạ, mở mang bờ cõi, khâm định thể chế quốc gia, xác lập thể hệ văn hóa tư tưởng. Trong thời Tam Quốc, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng, Chu Du cùng trình diễn vở kịch thiên thu vạn đại, giải thích một cách tròn đầy về nội hàm của chữ “Nghĩa”.

Những nhân vật anh hùng thiên cổ này tuy không ở cùng một thời đại, nhưng đều tận sức khai sáng, bảo hộ văn hóa Thần truyền, cũng đã kết duyên với các chúng sinh đến từ các tầng trời khác nhau, diễn dịch một triều đại mới với một nền văn hóa mới. Từng màn từng màn kịch lớn, kinh thiên động địa, chấn động quỷ Thần, oanh oanh liệt liệt, chiếu rọi khắp cả gầm trời.

Năm 280, Tam quốc quy về nhà Tấn, Hoa Hạ nhất thống tạm thời. Nhưng hợp phân dời đổi, đông đảo vô số các sinh mệnh nơi Thiên quốc đều muốn được bước lên sàn diễn Trung Nguyên góp mặt một lần trong sân khấu lớn của lịch sử này. Vậy nên “bát vương loạn Tấn” (loạn do 8 vị vương họ Tư Mã thuộc hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra năm 291 – 306), Ngũ Hồ Thập lục quốc, Tống – Tề – Lương – Trần, sóng gió liên miên, chiến loạn không ngừng. Lại 300 năm khói lửa, Nam Bắc triều rút khỏi vũ đài. Tùy Văn Đế Dương Kiên vào năm 581 dựng lập nên triều đại nhà Tùy, bắt đầu màn diễn “Tùy Đường phong vân”.

Tần Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, mở mang bờ cõi, khâm định thể chế quốc gia, xác lập thể hệ văn hóa tư tưởng. (Ảnh: vyctravel)

Từ Tùy Văn Đế đến Tùy Dạng Đế, cho đến Lý Uyên, Lý Thế Dân khởi binh ở Thái Nguyên (năm thứ 13 niên hiệu Đại Nghiệp, năm 617), chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, thiên hạ đại loạn, khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, chiến loạn lại bắt đầu. Thiên triều Đại Tùy mở màn hạ màn, màn diễn lại gần đến hồi chót.

Từ cổ loạn thế xuất anh hùng. Thiên thượng ngay lúc này ắt sẽ an bài Đại Giác Giả hạ thế xoay chuyển càn khôn, an bang định quốc, chào đón người mới, mở ra văn hóa mới của một triều đại mới. “Binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc“, ắt không tránh khỏi cảnh binh đao loạn lạc, mấy hồi chinh chiến, đưa tiễn những chúng sinh thiên triều Đại Tùy đã kết duyên xong chuyển sinh đến vùng đất khác. Trên vùng đất Trung Thổ, lại mở ra một thiên triều hoàn toàn mới, một màn kịch lớn chấn động cổ kim lại bắt đầu lên sàn diễn.

Thái Tông Đại Đường bắt đầu từ năm 16 tuổi đã xung phong đi đầu, cưỡi ngựa bắn cung, xông pha chiến đấu, thống lĩnh ba quân, không sức mạnh nào địch nổi, đánh tan giặc cướp, bình định Trung Nguyên, nhất thống thiên hạ. Sau khi lên ngôi, Thái Tông dẫn dắt thần dân khai sáng thời hoàng kim “Trinh Quán chi trị” thiên hạ an hưởng thái bình, xưa nay chưa từng có.

Thái Tông văn võ song toàn, trí huệ hơn người. Với tư cách là Hoàng đế, ông hạ mình cầu hiền, lắng nghe can gián, chọn dùng người đúng với khả năng, trị quốc chi đạo đều được hậu thế tôn sùng. Với tư cách là tướng quân, ông dẫn quân đánh đâu thắng đó, chiến công hiển hách, uy danh vang xa. Là một thi nhân, ông chuyên cần sáng tác, tạo nên thể ngâm, mở ra phồn thịnh văn nhã suốt 300 năm của triều đại nhà Đường.

Trong 23 năm Thái Tông tại vị, quốc chính trong sạch, kinh tế phồn vinh, xã hội an định, võ công hưng thịnh. Văn hóa nghệ thuật, thi từ ca phú, chói lọi huy hoàng, cực kỳ hưng thịnh. Đại Đường lớn mạnh, sôi nổi xưa nay chưa từng có, các nước đến chầu, là quốc gia hưng thịnh giàu mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Thái Tông Đại Đường xông pha chiến đấu, thống lĩnh ba quân, không sức mạnh nào có thể địch nổi, đánh tan giặc cướp, bình định Trung Nguyên, nhất thống thiên hạ. (Ảnh: zh.wikipedia.org)

Thái Tông đã đẩy nền văn minh Trung Hoa 5000 năm đến đỉnh cao, khiến văn hóa Thần Châu rạng rỡ tột cùng. Trinh Quán thịnh Đường, dưới sự duy hộ của đích thân Thái Tông, ba tôn giáo lớn là Nho, Thích, Đạo đều hưng thịnh, không chỉ con dân Hoa Hạ tu Đạo, tu Phật, kính Trời tín Thần, còn đem văn hóa Thần truyền Trung Hoa lan tỏa ra thế giới, khiến cho các quốc gia lân cận cho đến các quốc gia vùng miền khác trên thế giới đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Thần truyền Đại Đường một cách sâu sắc. Đến nay, rất nhiều con phố người Hoa ở các nước trên thế giới đều gọi là “phố Đường Nhân”, thành tích thái bình thịnh trị thời Trinh Quán mãi được hậu thế truyền tụng.

Vương triều Đại Đường, quân chủ giáng hạ, chấn động đến những vùng xa xôi, tấm lòng rộng mở của biển cả dung nạp trăm nghìn sông này, phong thái khoáng đạt tự tin, huy hoàng vô cùng, lớn mạnh vô cùng, phồn vinh vô cùng của nó, vẫn kiêu hãnh cho đến tận hôm nay.

Thái Tông xuất thế, lĩnh quyền Thần trao

Ngày Mậu Ngọ, tháng 12 năm thứ 18 niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy (ngày 28 tháng 1 năm 599), Lý Thế Dân, sau này là Hoàng đế Thái Tông của Đại Đường đản sinh ở biệt quán Võ Công (cảnh nội Hàm Dương, Thiểm Tây ngày nay). Khi đó có hai con rồng chơi đùa ở bên ngoài cổng dịch quán, ba ngày mới đi (Cựu Đường Thư – Thái Tông Thượng).

Người xưa thường xưng Hoàng đế, quân vương là Thiên tử hoặc chân mệnh Thiên tử, nói rằng họ vốn không phải là sinh mệnh thông thường, vốn không phải người bình thường có thể tùy tiện trở thành bậc đế vương được! Thân là thiên tử, “phụ thiên mẫu địa dĩ dưỡng nhân“, cho thấy hết thảy của thế gian con người, họ đều phải gánh vác.

Họ phải kế thừa mệnh Trời, coi sóc vạn vật trong thiên hạ, giải trừ nguy hại cho chúng, tự mình đức độ xứng đáng với trời đất, khiến mỗi người mỗi việc đều được sắp đặt đâu vào đấy, yên vui với thân phận của mình, nhờ thế mà thiên hạ an định và thái bình.

Vậy nên, mỗi một lời nói hành vi, nhất cử nhất động của Hoàng đế đều là tấm gương cho người trong thiên hạ noi theo. Chính bởi vì họ thân ở địa vị trí cao như vậy, mà không tự coi là sở hữu của tự thân, gánh vác trọng trách nặng nề như vậy, lại không dám chậm trễ chút nào, Thần sẽ ban cho vinh diệu, trao cho thiên hiệu và quyền bính Thần thánh chí tôn.

Hai con rồng nô đùa khi Thái Tông giáng sinh, lấy phương thức thần kỳ, an lành, đặc thù để tỏ rõ với thiên hạ rằng có kỳ nhân giáng sinh. Quyển 2 “Bản kỷ đệ nhị” trong “Tân Đường Thư” có ghi chép:

Thái Tông Văn Võ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu Hoàng Đế tên húy Thế Dân, là con trai thứ của Cao Tổ. Mẫu thân là Thái Mục Hoàng hậu Đậu thị. Khi mới sinh ra không có khóc. Cao Tổ Lý Uyên đóng quân ở Kỳ Châu, Thái Tông khi đó chỉ có bốn tuổi. Một vị thư sinh tự nhận là giỏi xem tướng, khi nhìn thấy Cao Tổ nói: “Ngài là quý nhân, hơn nữa còn có quý tử”. Khi nhìn thấy Thái Tông nói: “Dung nhan rồng phượng, tướng mạo hệt như mặt trời, đến năm 20 tuổi, ắt có thể tế thế an dân”. Lý Uyên nghe xong, đây rõ ràng tỏ rõ Thái Tông Lý Thế Dân sau này sẽ trở thành Hoàng đế! Lời này nếu như truyền ra bên ngoài, há không phải mang đến họa diệt môn! Cao Tổ sợ thư sinh để lộ lời nói ra bên ngoài, liền sai người truy sát, thư sinh không biết đã đi đâu mất. Cao Tổ tin là thiên Thần, bởi vậy tiếp thu ý “tế thế an dân”, đặt là tên của Thái Tông Lý Thế Dân.

Như lời của vị thầy tướng, thân thế của Thái Tông quả thực không hề tầm thường, trong “Đại Hưng Thiện Tự Chung Minh Tự“, Thái Tông nói rõ thân phận Kim Luân Thánh Vương của mình, giáng sinh trong hoàng thất, tấm lòng bao dung thiên hạ, phổ độ chúng sinh: “Hoàng đế Đạo nghiệp Kim Luân, tâm nơi lầu vàng, che phủ vạn phương, đi thuyền khắp tam giới. Muốn lấy nhạc mây hòa, cùng với tiếng trống Pháp để hoằng dương giáo hóa. Tiếng nhạc Nhã tụng thịnh thế cùng với Phạn âm Phật Pháp vang xa”.

Khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân chào đời, xuất hiện hai con rồng bay lượn trên không bên ngoài cổng của biệt quán, ba ngày sau thì chúng rời đi. (Song long đưa Thánh Chủ – Tranh của Tào Túy Mộng)

Năm Trinh Quán tứ 9 (năm 635), trong “Độ tăng ư thiên hạ chiếu”, Thái Tông cũng bày tỏ rõ: “Trẫm Khâm Nhược Kim Luân, cung kính theo mệnh ngồi ngôi báu, dùng Đức chí thượng giáo huấn muôn dân, không nơi xa xôi nào không nghĩ đến, dùng phép tắc của bậc đại Thánh, không nơi tối tăm nào không xem xét tới, muốn cho người người đều không phải khổ não, nhà nhà đều no đủ, nhân nghĩa, trường thọ, các nguyện cầu duyên ẩn đều linh ứng, che chở hết thảy sinh linh. Ngũ phúc tỏ rõ nơi phép tắc, tam tai chấm dứt chốn thế gian”.

Thánh chủ Đại Đường, khi vừa mới sinh ra đã khác hẳn người thường. Thái Tông “sinh mà không khóc”. Dường như hết thảy của nhân gian đều vâng theo sai khiến dưới thiện hóa vô tư vô ngã của ông. Thuở thiếu thời, Thái Tông thông minh dị thường, nhìn xa trông rộng, nắm bắt thời cơ hành sự quyết đoán, ôm chí lớn mà không câu chấp những việc nhỏ nhặt, tuổi đời còn nhỏ, lo xa nghĩ rộng, đương thời không ai có thể đoán ra được tâm trí của ông.

Thái Tông ứng nghiệm lời của thầy tướng, từ năm 18 tuổi khuyên cha khởi binh, mở đầu một đời phi phàm tế thế an dân của mình. Sau khi lên ngôi, chỉ trong thời gian mấy năm, các nước Hoa Hạ chia năm xẻ bảy, chiến loạn không ngừng suốt gần 400 năm đã được thống nhất dưới vương triều Đại Đường.

Ngày Kỷ Tỵ 26 tháng 5 năm thứ 23 niên hiệu Trinh Quán (ngày 10 tháng 7 năm 649), Thái Tông Lý Thế Dân bệnh mất ở điện Hàm Phong, cung Thúy Vy, hưởng thọ 51 tuổi, táng ở Chiêu lăng. Năm 674 (năm đầu niên hiệu Thượng Nguyên thời Đường Cao Tông) thêm thụy hiệu là Văn Võ Thánh Hoàng Đế. Năm 749 (năm thứ 8 niên hiệu Thiên Bảo, Đường Huyền Tông) thêm tên thụy là Văn Võ Đại Thánh Hoàng Đế. Năm 754 (năm thứ 13 niên hiệu Thiên Bảo) thêm tên thụy là Văn Võ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu Hoàng Đế.

“Tân Đường Thư” có khen Thái Tông là: “Quân chủ có thể tế thế an dân giống như Thái Tông đây thật khó có người thứ hai! Hạ Vũ có thiên hạ, truyền 16 đời quân vương, nhưng chỉ Thiếu Khang có công nghiệp phục hưng vương triều. Thành Thang nhà Thương có thiên hạ, truyền đến 28 đời quân vương, người hưng thịnh nhất trong đó, chỉ có ba người hiệu xưng “tam tông” (Thái Giáp, Võ Đinh, Tổ Ất). Chu Võ Vương có được thiên hạ, truyền vị 36 đời quân vương, ngoài văn trị của Thành Vương, Khang Vương và võ công của Tuyên Vương ra, còn những quân chủ khác đều không đáng khen ngợi“.

Dù rằng ghi chép trong “Thi Kinh”, “Thượng Thư”, đôi lúc có những chỗ thiếu sót, nhưng ba đời Hạ, Thương, Chu chiếm giữ thiên hạ hơn 1700 năm, truyền thừa hơn 70 vị quân vương, những vị trác tuyệt trong đó cho hậu thế thấy rõ, chẳng qua chỉ có sáu bảy vị quân vương này mà thôi. Quân chủ có thể mở ra thời hoàng kim có thể nói thật khó có được vậy!

“Cựu Đường thư” đánh giá rằng: “Sử thần nói: Thần thấy Văn Hoàng đế phát tích rất nhiều điều kỳ lạ, thông minh Thần vũ. Sử dụng người, vật vô tư, không bè đảng, người có chí đều được sử dụng hết tài năng… Nghe lời can gián quyết đoán chẳng nghi hoặc, theo việc thiện tự nhiên mau lẹ, ngàn năm ca ngợi, chỉ có duy nhất một người mà thôi”.

Ngô Căng trong lời tựa của “Trinh Quán chính yếu” nói: “Nền chính trị giáo hóa thời Thái Tông, tốt đẹp đủ đầy có thể thấy rõ, chấn động cổ kim, xưa nay chưa từng có vậy”.

Theo Epoch Times
Vũ Dương – Nam Phương biên dịch

Exit mobile version