Đại Đường không chiến mà lòng người khuất phục, đả thông con đường trọng yếu kết giao với Tây Vực.
Ban ân huệ hòa bình cùng Thổ Phiên
Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) sinh ra ở bờ Nam sông Nhã Lỗ Tạng Bố. Từ khi còn nhỏ, ông đã nhận được sự giáo dục tốt và nghiêm khắc từ gia đình, trở thành người tinh thông cưỡi ngựa bắn cung, giỏi đấu vật đấu kiếm, võ nghệ xuất chúng. Hơn nữa ông lại giỏi ca hát ngâm thơ, là một vương tử văn võ toàn tài. 13 tuổi ông kế nhiệm làm Tán Phổ (vương), xuất quân Nam chinh Bắc chiến, thành lập nên vương triều Thổ Phồn thống nhất. Lãnh thổ quốc gia ngày nay chính là Cao nguyên Thanh Tạng. Dân tộc Tạng với dân tộc Khương từng là con dân đời trước của Hoa Hạ cho nên mới có mối liên hệ chặt chẽ với người Hoa ở Trung Nguyên.
Vào thời Đại Đường thịnh thế, tứ hải thần phục triều Đường, Tùng Tán Cán Bố cũng vô cùng ngưỡng mộ. Vì vậy, vào năm Trinh Quán thứ 8, Tùng Tán Cán Bố đã phái sứ thần đến Trường An qua lại giao hảo hỏi sính lễ cầu hôn, nhưng lúc đó Đường Thái Tông đã không đồng ý. Vào năm Trinh Quán thứ 12 (năm 638), Cán Bố lấy cớ là Thổ Dục Hồn, một chư hầu của nhà Đường để tới can thiệp, đích thân chỉ huy 20 vạn quân Thổ Phiên tấn công Tùng Châu của nhà Đường (nay là khu vực A Bá Tứ Xuyên mà dân tộc Tạng và dân tộc Khương sinh sống), dùng vũ lực để bức hôn. Đồng thời Cán Bố lại phái sứ thần đến Thủ đô Trường An của triều Đường một lần nữa để thỉnh cầu, mong muốn kết hôn với công chúa. Thái Tông đã cử Hầu Quân Tập đảm nhiệm chức Đại tổng quản Di đạo hạnh quân chỉ huy 5 vạn binh, Chấp Thất Tư Lực, Ngưu Tiến Đạt, Lưu Giản hiệp trợ, cứu giúp Tùng Châu. Cùng lúc đó, quân Thổ Phiên đang bao vây Tùng Châu, nhưng các mũi tiến quân của quân Đường dưới sự chỉ huy của Ngưu Tiến Đạt đã thất bại trước quân Thổ Phiên.
Với đại uy của nhà Đường khiến cho Tùng Tán Cán Bố càng thêm kiên định quyết tâm kết nối thông gia. Vào năm Trinh Quán thứ 14, một lần nữa ông phái sứ thần mang theo hậu lễ 5000 lượng vàng kim cùng mấy trăm kiện đồ bảo vật quý giá, đến Trường An tạ tội và thỉnh cầu hôn lễ lần nữa. Xuất phát từ sự yêu thích đối với một thân phẩm cách của Cán Bố, Thái Tông cũng nhận thấy dân tộc Thổ Phiên rất hùng mạnh, có thể xứng với công chúa, thế là đã nhận lời và năm sau gả công chúa Văn Thành cho Cán Bố, đồng thời hạ lệnh cho Lễ bộ Thượng thư Giang Hạ Vương Lý Đạo Tông quản lý lễ nghi hộ tống công chúa. Năm Trinh Quán thứ 15 (năm 641), công chúa Văn Thành đi đến đất Phiên, đoàn người đưa dâu kéo thành hàng dài, người dân tộc Thổ Phiên thấy họ mặc trang phục lộng lẫy, mọi người đều đổ xô ra đường nghênh đón, dãy người từ xa đã không ngớt khen gọi là ‘Đường vương hậu”. Tùng Tán Cán Bố sống trên Hồng sơn (nay là núi Potala) ở độ cao 3.700 mét về hướng Tây Bắc, đã xây dựng một cung điện nguy nga cho công chúa theo lối kiến trúc thời nhà Đường. Lúc đó cung điện có 999 gian cùng với 1000 gian hành thất. Đây là Cung điện Potala đời trước. Cho đến nay, trong cung điện Potala còn bảo tồn tượng nặn và di tích hai người động phòng kết hôn.
Công chúa Văn Thành là một người phụ nữ hiếm thấy, tài hoa phong nhã, trí tuệ hơn người, bà mang theo toàn bộ nền văn minh cực kỳ phát triển của triều đại nhà Đường. Tất cả những điều này đã thu hút và khuất phục Tùng Tán Cán Bố dốc sức vì nước, ông đã ban cho công chúa Văn Thành không gian cùng sự sùng kính cao nhất để bà thi triển tài năng, giúp Văn Thành truyền bá văn hóa thần truyền, tư tưởng, nghệ thuật và phát triển kỹ thuật. Tất cả những đóng góp của bà cũng được tích hợp vào những thành tựu vĩ đại của Tùng Tán Cán Bố, mang lại lợi ích về mọi mặt cho Vương triều Thổ Phiên. Công chúa Văn Thành còn chủ trì việc xây Đại chiêu tự và Tiểu chiêu tự, đây là những ngôi đền cổ nhất của Tây Tạng và là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển Phật giáo ở Tây Tạng.
Tùng Tán Cán Bố từng thoái ẩn 4 năm, chuyên tâm đọc kinh Phật. Sau khi trở lại triều chính, dựa theo tôn chỉ Phật giáo, khuyến khích học tập, cũng căn cứ vào 10 điều răn của Thích Ca Mâu Ni để chế định luật pháp mới, dùng để giáo hóa dân chúng. Dưới sự trợ giúp của công chúa Văn Thành, Tùng Tán Cán Bố đã thực hiện cách tân quy chế pháp luật mới của dân tộc Thổ Phiên, lệnh cho quan đại thần cùng con cháu hoàng tộc chuyên tâm học theo văn hóa Hán, nghiên cứu thi thư người Hán mang đến; đồng thời đưa con cháu dòng dõi đến trường quốc học ở Trường An nghiên cứu học tập thi thư lễ nhạc, mời văn sĩ Trung Nguyên quản lý tấu trương. Triều đại nhà Đường cũng liên tục cử nhiều thợ thủ công đến Thổ Phiên để truyền thụ các loại kỹ thuật, giúp cho vương triều Thổ Phiên đương thời cùng sau này đều được hưởng lợi ích.
Uy chinh Cao Xương
Nước Cao Xương nằm ở trên thông đạo Nam Bắc Thiên Sơn, con đường tơ lụa xung yếu phía Bắc, đất nước ổn định, sản vật phong phú, văn hóa phát triển. Đại thần đi sứ của Trung Quốc và phương Tây, thương khách cùng tăng lữ thường xuyên qua lại nơi này, do đó Cao Xương trở thành đầu mối then chốt quan trọng trong trao đổi văn hóa giữa phương Tây và Trung Quốc vào thời Hán Đường. Sau khi Thái Tông diệt Đông Đột Quyết, ông bắt đầu thi triển binh lực đối với liên minh Tây Đột Quyết và các nước nhỏ khác nhằm khôi phục lại việc quản lý đối với Tây Vực (nay là Tân Cương và Trung Á) từ thời Lưỡng Hán. Khúc Văn Thái, vua của nước Cao Xương đã liên hợp với Dục Cốc Thiết của Tây Đột Quyết, gây trở ngại đến con đường buôn bán tới Tây Vực, cùng tấn công Y châu của nhà Đường. Nước Cao Xương tuy nhỏ nhưng lại nằm ở địa thế trọng yếu, nếu không xử lý vấn đề này thì việc thông thương giữa Đại Đường và Tây Vực không thể nào thực hiện.
Năm Trinh Quán thứ 13 (năm 639), Thái Tông hạ chiếu khiển trách Khúc Văn Thái, đồng thời phái tướng A Sử Na dùng phép tắc triệu Khúc Văn Thái tới kinh thành. Nhưng Khúc Văn Thái cự tuyệt, ông ta sai quan viên của mình là Khúc Ung hướng đến hoàng đế tạ lỗi. Thái Tông cũng hạ lệnh cho Khúc Văn Thái giao ra người Đông Đột Quyết lưu vong đến Cao Xương cho triều Đường. Nhưng Khúc Văn Thái từ chối, hơn nữa còn thuyết phục Tiết Duyên Đà Chân Châu khả hãn Di Nam cùng phản bội nhà Đường.
‘Thảo Cao Xương chiếu’ của Thái Tông’
“Minh phạt sắc pháp, thánh nhân thùy trừng ác chi đạo; mệnh tương xuất quân, vương giả thành định loạn chi đức. Cố Tam Miêu phụ cố, Ngu đế sở dĩ hưng sư; Quỷ Phương bất cung, Ân Tông sở dĩ bạc phạt… . Nhi Cao Xương Khúc Văn Thái, do vi bất quỹ, cảm hưng dị đồ, sự thượng vô trung khoản chi tiết, ngự hạ sính tàn nhẫn chi chí. Vãng kinh triêu yết, bị gia ân lễ, khê hác nan mãn, tằng vô báo hiệu, cầm thú vi tâm, cự hoài hung giảo. Chiếu mệnh chi nghiêm, bẩm thừa chi thành ký khuyết; vương nhân chi trọng, chi kính chi lễ diệc khuy… .
Trẫm thụ mệnh thượng nguyên, vi nhân phụ mẫu: Cấm bạo chi đạo, vô cách nội ngoại; nạp hoàng chi lự, thiết vu tẩm hưng. Lục kỳ cựu khoản, nhưng hoài mẫn niệm, sở dĩ tần khiển sử nhân, cụ thân triêu chỉ. Úc dĩ vi thiện chi quy, kỳ dĩ tự tân chi lộ, thứ tri cảm ngộ, vô phiền sư lữ. Nhi hôn mê toại tính, hoang đãi bất thuân, quán doanh chi hấn ký nhẫm, thiên vong chi kỳ dĩ cập… . Lương tương phấn kiến linh chi uy, duệ tốt hiệu như tỳ chi dũng. Ký mã yến tê. Do tấn lôi chi chấn kích; vân thê địa đạo. Nhược chí thần chi biến hóa. Dĩ thử chế địch, sự đẳng tồi khô; dĩ thử đồ thành, dịch vu phản chưởng. Nhiên trẫm căng ai chi tâm, hữu hoài khứ sát; thắng tàn chi đạo, vô vong hảo sinh. Nhược Văn Thái diện phược quân môn, nê thủ thỉnh tội, đặc hoành phần sấn chi trạch, toàn kỳ tương tẫn chi mệnh. Tự dư thần thứ, khí ác quy thành, tịnh gia phủ úy, lệnh các an đổ. Kỳ dĩ thuận nghịch chi lý, bố tư khoan đại chi đức. Như kỳ đồng ác tương tể, cảm cự vương sư, tiện tẫn đại binh chi thế. Dĩ trí thượng thiên chi phạt. Minh gia hiểu dụ, xưng trẫm ý yên”.
Đại ý là: Hình phạt pháp luật nghiêm minh là đạo mà Thánh nhân chế định ra để trừng phạt kẻ ác. Mệnh quân xuất binh thảo phạt, vương giả liền dùng đức định lại cục diện loạn thế. Xưa có Tam Miêu cậy ở đất hiểm mà không chịu phục tùng, cho nên khiến Ngu (Thuấn) đế khởi binh; bởi vì quỷ phương không cung kính nghe mệnh, cho nên vua Thương Vũ Đinh Dư mới thảo phạt… Khúc Văn Thái của nước Cao Xương, mưu đồ làm loạn, bất kính thượng quốc, giết hại dân chúng. Mặc dù Đại Đường đã dùng lễ đối đãi nhưng vẫn không thỏa mãn dục vọng, lấy oán trả ơn, không có thành ý, với lễ khó dung.
Ta là hoàng đế, tuân theo mệnh trời, trừ hại cho dân. Nghĩ đến tình cũ, dùng mọi cách khuyên nhủ, không muốn sử dụng đến binh lực. Nhưng ngươi đã bị mê mất bản tính, tội ác chồng chất, ngày vong đã đến. Đại quân đến xử lý dễ như trở bàn tay. Nhưng ta có đức hiếu sinh, nếu như ngươi tự thú thỉnh tội, sẽ thành toàn số mệnh cho ngươi. Tất cả thần dân của Cao Xương, bỏ ác quy thành, sẽ bỏ qua chuyện cũ. Nếu như hiệp trợ kẻ ác hành hạ người, dám chống lại Vương bậc thầy, liền nghiêm trị không tha.
Vào mùa đông năm Trinh Quán thứ 13 (năm 639), Hoàng đế Thái Tông dùng Hầu Quân Tập làm Đại tổng quản Giao Hà đạo hạnh quân, dẫn binh đánh vua Khúc Văn Thái của Cao Xương. Năm Trinh quán 14 (năm 640), quân Đường đi tới Thích Khẩu, vua Khúc Văn Thái không ngờ quân của nhà Đường lại tới nhanh như vậy, sợ tới mức phát bệnh nặng không dậy nổi, vài ngày sau thì qua đời. Cũng vì điều này mà Khúc Văn Thái được ghi vào sử sách là vị vua đầu tiên bị nhà Đường hù dọa sợ quá mà chết. Con trai của ông ta là Khúc Trí Thịnh đăng cơ không lâu bị Hầu Quân Tập bao vây mà đầu hàng quân Đường. Ba châu, 5 huyện, 20 thành trì, 8 ngàn hộ, hơn 30 ngàn người của Cao Xương giờ thuộc về triều Đường. Đến lúc này, nước Cao Xương không còn nữa. Triều Đường đã thiết lập Cao Xương thành Tây Châu. Quân Tây Đột Quyết nhìn thấy uy binh của Đại Đường thì không dám trợ giúp Cao Xương mà bỏ chạy thật xa. Đại Đường không chiến mà lòng người khuất phục, từ đó cũng đã đả thông con đường trọng yếu kết giao với Tây Vực.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
- Xem trọn bộ Đường Thái Tông Lý Thế Dân
Theo Epoch Times
San San biên dịch