Hành sự dụng binh, từ xưa đã như thế, tiêu diệt loạn chính, đánh kẻ bạo ngược, là điều mà các bậc hiền triết đều đồng ý. Cái Tô Văn của Cao Ly, giết chủ của mình, làm hại thần dân, chiếm đoạt vùng biên cương, quấy nhiễu nước nhỏ một cách trắng trợn. Biểu dương chính nghĩa, vì vậy mà hưng binh hỏi tội…
Cao Câu Lệ được thành lập vào thời nhà Hán, diện tích bao gồm phần phía Bắc của Bán đảo Triều Tiên và phần phía đông của khu vực Đông Bắc Trung Quốc, chia thành 4 quận gần giống với thời Hán Vũ Đế, gồm có Nhạc Lãng quận, Huyền Thố quận, Chân Phiên quận và Lâm Truân quận. Vùng đất này xưa nay vốn thuộc về Hoa Hạ, không thích hợp làm chỗ đứng cho Cao Câu Lệ. Cao Câu Lệ cũng không phải là Cao Ly (lại tự xưng là vương triều Cao Ly, 918 – 1392). Cao Ly là do Vương Kiến Sở thiết lập, vương quốc này nằm hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên thuộc khu Đông Á, trong đó bao gồm cả vùng đất ban đầu của Cao Câu Lệ ở phía Nam đảo.
Cao Câu Lệ (ở đây gọi tắt là Cao Ly), mặc dù thực hiện cống nạp nhưng lại có thái độ thù địch với nhà Đường. Cao Ly vẫn còn bức trường thành ngàn dặm xây dựng ở khu Liêu Đông để phòng ngự quân Đường. Năm Trinh Quán thứ 16 (năm 642), Cao Ly liên thủ với Bách Tể tiến công Tân La, Tân La vội vàng báo nguy với Đại Đường. ‘Tân Đường Thư’ có viết: “Bách Tể cùng Cao Ly liên thủ chinh phạt Tân La, đoạt về hơn 40 thành trì. Họ phái binh trấn giữ, âm mưu chiếm lấy thành Đường Hạng và chặt đứt con đường tiến cống”.
Để hỗ trợ Tân La, nơi bị Cao Ly và Bách Tể bao vây, và khôi phục khu vực Liêu Đông do Cao Ly chiếm đóng (nghĩa là khu vực Đông Bắc Liêu Hà, khu vực phía Đông tiếp giáp với bán đảo Bắc Bộ Triều Tiên), Thái Tông quyết định đích thân Đông chinh Cao Ly. Thời điểm này, Đông Đột Quyết đã bị tiêu diệt khiến cho Cao Ly không còn đối tác liên minh. Cùng lúc đó, Đại Đường cùng với Tân La, khu vực phía Nam của Triều Tiên kết liên minh để kiềm chế Cao Ly. Bởi vì lo rằng Tiết Duyên Đà ở Mạc Bắc sẽ thừa cơ làm loạn, Thái Tông truyền lời tới Tiết Duyên Đà nói: “Cha con chúng ta cùng phải đi đánh Cao Ly, Trường An bỏ trống, ngươi muốn thừa cơ mà tiến vào, thì cứ qua đây! Tiết Duyên Đà sợ tới mức không dám làm bừa. ‘Cựu Đường thư’ viết rằng, về sau Cao Ly dùng lời ngon ngọt lôi kéo Tiết Duyên Đà cùng hành động nhưng bởi Khả hãn Di Nam đã bị trấn nhiếp nên không dám hành động”.
‘Thân chinh Cao Ly thủ chiếu’ của Thái Tông
“Hành sư dụng binh, cổ chi thường đạo, thủ loạn vũ vong, tiên triết sở quý. Cao Lệ mạc ly chi cái tô văn, thí nghịch kỳ chủ, khốc hại kỳ thần, thiết cư biên ngung, tứ kỳ phong sái. Trẫm dĩ quân thần chi nghĩa, tình hà khả nhẫn. Nhược bất tru tiễn hà uế, vô dĩ rừng túc Trung Hoa… . Gia dĩ cung tiên thất tụy, thân quyết lục kỳ, sử công vô sở thủ, chiến vô sở cự, lược ngôn tất thắng chi đạo, cái hữu ngũ yên: Nhất viết dĩ ngã đại nhi kích kỳ tiểu; nhị viết dĩ ngã thuận nhi thảo kỳ nghịch; tam viết dĩ ngã an nhi thừa kỳ loạn; tứ viết dĩ ngã dật nhi địch kỳ lao; ngũ viết dĩ ngã duyệt nhi đương kỳ oán. Hà ưu bất khắc? Hà lự bất tồi? Khả bố cáo nguyên nguyên, vật vi nghi cụ nhĩ”.
Đại ý của chiếu thư là: Hành sự dụng binh, từ xưa đã như thế, tiêu diệt loạn chính, đánh kẻ bạo ngược, là điều mà các bậc hiền triết đều đồng ý. Cái Tô Văn của Cao Ly, giết chủ của mình, làm hại thần dân, chiếm đoạt vùng biên cương, quấy nhiễu nước nhỏ một cách trắng trợn. Biểu dương chính nghĩa, vì vậy mà hưng binh hỏi tội…Ta tự mình lãnh binh và quyết định, khiến cho tấn công không chỗ nào có thể phòng thủ, giao chiến không có chỗ nào có thể kháng cự. Đạo của tất thắng tóm lược trong 5 điểm: Một, dùng cái lớn mạnh của ta mà tấn công chỗ yếu của địch; hai là dùng cái thuận lợi của ta để thắng cái bất lợi của địch; ba là dựa vào sự bình thản của ta để thắng lấy cái loạn của địch; bốn là lấy cái nghỉ ngơi đánh vào cái vất vả; năm là lấy cái yêu thích để đối đầu với oán giận. Như vậy thì lo gì không khắc chế và phá trừ được, chớ có băn khoăn lo lắng!
Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), đội quân của nhà Đường tiến đến Liêu Đông. Trên đường đi, Thái Tông nói với các thủ hạ, cơ bản thì tứ phương đã yên ổn, chỉ còn lại khu vực Cao Ly, nhân lúc ta vẫn còn sống, tinh lực lương tướng vẫn còn, nhất định phải giải quyết, “9 biển đã định lại, duy chỉ còn góc này”. Quyết tâm chinh phạt Cao Câu Lệ với tư cách chiến tranh thống nhất phần cuối cùng của Đại Đường Cửu Châu. Mùa hạ, Lý Tích ám độ trần thương, đột nhiên xuất hiện tại chân thành Liêu Đông khiến cho binh lính Cao Ly hoảng hốt. Đô đốc Doanh Châu Trương Kiệm cùng với tướng lĩnh Lý Đạo Tông dẫn binh tiến vào Liêu Đông, đánh bại binh lính Cao Ly, chặt đầu mấy ngàn. Tháng 4, quân Đường công phá thành Cái Mưu Cao Ly, bắt hơn 2 vạn tù binh, thu hơn 10 vạn thạch lương thực. Tháng 5 cùng năm, một đội quân khác của nhà Đường từ Sơn Đông vượt biển tấn công thành Ti Sa của Cao Ly bắt giữ 8.000 tù binh.
Vào đầu tháng 5 năm Trinh Quán thứ 19, Lý Tích cùng Lý Đạo Tông dẫn theo hơn 4.000 kỵ binh tiến đến chân thành Liêu Đông. Vào ngày 8 tháng 5, Tướng Cái Tô Văn của Cao Ly đã phái 4 vạn bộ binh và kỵ binh tới viện trợ cho quân phòng thủ Liêu Đông. Lúc này các tướng của quân Đường đều nhận thấy địch nhiều mà ta mỏng, vì vậy chủ trương làm lũy cao hào sâu, đợi quân chủ lực tập kết rồi mới tiếp tục xuất kích. Lúc ấy chỉ có phó tổng quản là Lý Đạo Tông cho rằng nhân lúc quân viện trợ của địch di chuyển từ xa đến còn mỏi mệt, quân ta chủ động nghênh chiến, ‘Đánh cho chúng đại bại’. Lý Tích tỏ vẻ đồng ý. Lúc này đô úy Mã Văn Cử, một thuộc cấp đã kiên quyết thỉnh chiến, đối diện với địch nhiều gấp 10 lần, hào khí ngút trời, nói: “Không gặp kình địch sao có thể thấy được tráng sĩ!”. Thế là quân binh nhà Đường thúc ngựa ra tiền tuyến đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi. Kết quả là hai quân đã đại chiến dưới thành Liêu Đông. Quân đội Cao Ly bị quân của Mã Văn Cử đột kích liền vội tổ chức lực lượng liều mình phản công, bộ phận quân do Tổng quản hành quân Trương Quân Nghệ chỉ huy thấy quân của Cao Ly chiếm ưu thế đang phản kích lại, không ngăn cản nổi liền lui quân. Quân Đường lâm vào thế cục bất lợi. Lý Đạo Tông thấy bộ phận quân của Trương Quân Nghệ lâm vào hỗn loạn liền lập tức tự mình tiến về phía trước chỉ huy, trong lúc đang thu thập tán quân, ông thúc ngựa lên đồi cao nhìn xuống, thấy trận địa quân của Cao Ly đã bị Mã Văn Cử làm cho đảo loạn, thế là xuất quân dũng mãnh xông vào trận địa, trái phải ra vào, khí thế mạnh không thể ngăn nổi, khiến cho thế trận của quân Cao Ly càng thêm hỗn loạn. Lý Tích đem theo quân trùng kích từ phía sau, cuối cùng quân Cao Ly bại trận, bị diệt hơn một ngàn người.
Sau khi quân đội của Thái Tông đến đã bao vây chặt chẽ Liêu Đông. Dưới tán lá cờ, Thánh hoàng đế không nổi giận mà thể hiện uy nghiêm, tất cả các anh hùng lão tướng khí thế thanh âm áp đảo khiến cho quân Cao Ly chưa chiến đã bại 3 phần. Thừa lúc gió Nam thổi tới, Thái Tông chỉ huy binh sĩ nhóm lửa trên lầu các của thành Tây Nam, thuận hướng gió mà phóng hỏa. Quân Cao Ly không cản nồi, Liêu Đông thất thủ. Quân Đường giết hơn 10 ngàn quân Cao Ly, bắt làm tù binh hơn 10 ngàn, ngoài ra còn thu giữ hơn 4 vạn dân chúng.
Sau khi hạ được Liêu Đông, quân Đường tiếp tục tiến về thành Bạch Nham. Thành Ô Cốt của Cao Ly phái 1 vạn binh tới trợ giúp nhưng bị quân Đường đánh lui. Trận chiến này quân Đường chỉ dùng tới 800 quân. Tháng 6, thành Bạch Nham không đánh mà đầu hàng. Quân Đường lại tiếp tục xuất phát tiến về An Thị. Tướng Cao Duyên Thọ của Cao Ly cùng các tướng khác dẫn quân dân tộc Mạt Hạt cùng binh lính Cao Ly, số người lên tới 15 vạn tới cứu trợ nhưng đã bị đánh bại. Cao Duyên Thọ đã đầu hàng quân Đường, đi vào quân doanh Đại Đường, vừa tới cửa đã quỳ xuống, đi bằng đầu gối tiến về trước, bái phục tại chỗ. (‘Tư trì thông giám’ có viết: “Duyên Thọ, Huệ Chân soái và 36.800 người xin hàng, ra nhập vào hàng ngũ, quỳ ở trước cửa, bái phục chờ lệnh”.) Thái Tông nói với họ: “Thiếu niên của tộc man di phương Đông liệu còn ngang ngược vô độ … Phải chăng từ nay còn dám chiến cùng Thiên tử?” Nhóm người Cao Duyên Thọ phục sát đất và không dám ho he nửa lời. Thái Tông đem quan quân Cao Ly đầu hàng, tù trưởng, tổng cộng hơn 3 vạn người làm tù binh đưa tới Trung Nguyên, và phóng thích toàn bộ dân chúng Cao Ly.
Thành An Thị nhỏ mà kiên cố, quân đường vây công mấy tháng mà vẫn chưa lấy được. Thời gian sắp tới mùa thu, cỏ khô và nước bị đóng băng, binh sĩ khó có thể ở lại lâu, cuối cùng Thái Tông quyết định dừng chuyến xuất chinh lần này. Tháng 9, quân Đường khải hoàn. Lần này chinh phạt Cao Ly đã lấy được 10 thành là Huyền Thố, Hoành Sơn, Cái mưu, Ma Mễ, Liêu Đông, Bạch Nham, Ti Sa, Mạch Cốc, Ngân Sơn, Hậu Hoàng, di chuyển hơn 7 vạn người thuộc 3 châu là Liêu, Cái, Nham về thành người Đại Đường, trải qua 3 trận đại chiến là Tân Thành, Kiến An, Trú Tất, chém đầu hơn 4 vạn quân địch.
Cuộc Đông chinh khiến cho Cao Ly bị đánh trọng thương, chiến sự kéo dài, cuối cùng vẫn chưa khiến cho Cao Ly diệt vong. Tuy nhiên, trận chiến lần này lại có ý nghĩa trọng đại, bởi vì từ thời Tam Quốc, Vô Khâu Kiệm công phá Cao Ly đã tàn sát vương và thành đến nay đã mấy trăm năm, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Nguyên chính thức chiến thắng người Cao Ly, thu về Liêu Ninh và phần lớn vùng đất bị Cao Ly cướp vào thời Nam Bắc triều, và sau đến triều Đường triệt để chinh phục mà đánh hạ nền tảng cơ sở của Cao Ly.
Vào năm Trinh Quán thứ 20 (năm 646), sau khi Đại Đường cùng Hồi Hột tấn công Tiết Duyên Đà, năm Trinh Quán thứ 21 (năm 647), Thái Tông lệnh cho Ngưu Tiến Đạt dẫn binh theo đường biển, Lý Tích dẫn binh theo đường bộ, tiến đánh bán đảo Liêu Đông. Năm Trinh Quán thứ 22 (năm 648), Thái Tông lại phái Tiết Vạn Triệt dẫn quân theo đường biển tiến đánh cửa sông Áp Lục. Sau đó, nhà Đường bắt đầu tập hợp quân trên bộ và trên biển để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn đối với Cao Câu Lệ vào năm Chinh Quán thứ 23 (năm 649). Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế Thái Tông qua đời vào năm Trinh Quán thứ 23, Đường Cao Tông Lý Trị tạm dừng kế hoạch Đông chinh. Năm 668 sau Công nguyên, Đường Cao Tông liên hợp với Tân La cuối cùng đã tiêu diệt được Cao Câu Lệ, thu nạp vào nhà Đường gần 70 vạn hộ, đồng thời thiết lập An Đông đô hộ phủ để quản lý Liêu Đông và địa khu ban đầu của Cao Câu Lệ.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
- Xem trọn bộ Đường Thái Tông Lý Thế Dân
Theo Epoch Times
San San biên dịch