Ai cũng có cuộc sống riêng của mình, không ai chi phối, sắp xếp quyết định cuộc sống của người khác được. Biết vậy, nhưng sao tim gan đau quá…!
Bữa cơm gia đình chính là khoảng thời gian ấm cúng để mọi người cùng dốc bầu tâm sự, nhắc nhở và dặn dò lẫn nhau. Đó cũng là truyền thống của gia đình ông tôi. Ông tôi thường dạy con cháu chúng tôi: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, làm người phải có lòng Nhân, sống phải biết đạo lý.
Ông đã kể tôi nghe về cuộc đời ông. Cha mẹ mất sớm, lúc ấy ông tôi 10 tuổi, anh của ông tôi 12 tuổi. Hai anh em rất yêu thương nhau, buồn vui, nặng nhọc cùng chia sẻ. Bà con chú bác không có ai ở gần nên lúc cha mẹ mất, cảnh nhà rơi vào khốn khó. Trồng rau, nuôi gà vịt, heo, bò…, hai anh em cố gắng vượt qua hoàn cảnh mà sống, mà học tập.
Có lúc, ông tôi thấy anh mình ngồi cạnh bàn học (nói cái bàn cho sang, chứ nó chỉ là tấm ván gác ngang qua mấy chồng gạch), cứ thẫn thờ nhìn hình cha mẹ, rồi lại nhìn sách vở. Mới đầu ông tôi nghĩ không ra, nhưng qua nhiều lần bắt gặp cảnh ấy, ông mới vỡ lẽ: “À, thì ra anh mình tính nghỉ học đây!”. Thế là ông trằn trọc suy nghĩ. Trong lớp, ông tôi học ở mức trung bình, nhưng anh của ông tôi rất ham học, là học sinh xuất sắc. Bây giờ vì cha mẹ đột ngột mất đi, anh sắp phải nghỉ học để kiếm việc làm nuôi hai anh em. Không ngủ được… suy nghĩ và suy nghĩ… Làm sao đây? Ba mẹ ơi… con phải làm sao đây?
Một hôm, ông tôi cho bò ăn cỏ về sớm, đưa nó vào chuồng xong, ông cùng anh dọn cơm ăn. Ông nói với anh: “Anh à, anh vẫn tiếp tục đi học nhé! Em không học nữa”. Người anh giật mình, ngạc nhiên: “Sao em nói vậy? Em còn nhỏ, phải đi học! Anh lớn anh làm được nhiều việc hơn để nuôi anh em mình”. Ông tôi vội đáp:
“Anh sai rồi. Anh học giỏi hơn em nhiều. Anh học tới đại học, ra kiếm được nhiều tiền, anh nuôi lại em, lo gì, và đó cũng là niềm tự hào mà cha mẹ mong ước”.
Bàn cãi một hồi, người anh đuối lý, ôm em khóc nghẹn ngào: “Sao mà em tôi hiểu biết thế này, giàu lòng hy sinh thế này!”.
Hai anh em quyết định bán đi đàn heo để mua thêm gà vịt chăm dễ hơn. Mỗi buổi sáng, ông dậy sớm hơn một chút. Ai thuê mướn gieo mạ, gặt lúa, bó lúa, nhổ cỏ, ông tôi đều làm tất tần tật. Xóm làng thương cho hoàn cảnh hai anh em và hiểu tấm lòng của người em, họ hết lòng giúp đỡ. Kiếm được đồng nào, ông tôi mừng lắm, vội bỏ nó vào con heo đất cất kỹ, chờ khi nào anh cần tiền nộp cho nhà trường hoặc mua quần áo sách vở là ông tôi đập nó ra.
Cả năm ông tôi chỉ sắm cho mình mỗi một bộ quần áo, đồ của anh mặc ngắn thì ông tôi để dành mặc. Trước tấm chân tình ấy, người anh càng ra sức học giỏi để xứng đáng với sự hy sinh của em mình. Đôi lúc nhìn em vất vả, khổ cực, làm suốt ngày đến nỗi da cháy nắng, người anh khóc thầm và lặng lẽ tranh thủ lúc nghỉ học là giúp em. Khi nhận bằng khen học sinh giỏi, người anh vội chạy về khoe với em ngay. Hai anh em ôm nhau khóc, vui buồn lẫn lộn: “Cha mẹ, anh con học giỏi không nè! Cha mẹ yên tâm nhé!”. Ông tôi hãnh diện về anh của mình lắm, cầm bằng khen của anh đi khoe khắp xóm, cứ như ông là người học giỏi ấy.
Thời gian trôi qua, người anh học xong cấp 2 trường làng, rồi đậu vào cấp 3 trường tỉnh. Người anh càng học lên cao thì người em càng làm lụng nhiều hơn, nhận nhiều việc hơn. Người em không một lời than khổ, than mệt. Vẫn vui vẻ làm và chờ đợi… Rồi thì người anh thi đậu đại học Y. Hai anh em ôm nhau khóc. Giọt nước mắt của vui mừng, hãnh diện, và cũng là những giọt nước mắt khi sắp xa nhau.
Ngày ấy cũng đến. Ông tôi bán cả bò, gà vịt để sắm sửa đồ dùng cần thiết cho anh. Vào dịp hè và tết hai anh em mới gặp nhau, đó là những tháng ngày đẹp nhất, vui nhất của họ. Nhưng qua năm thứ 4, năm thứ 5, hè không thấy anh về nữa. Ông tôi chờ từ đầu hè, giữa hè còn hy vọng mong manh, đến cuối hè thì hy vọng đã hết. Chiều nào, ông cũng ngồi chờ anh về bên cây cầu khỉ bắc qua con mương dẫn nước của làng – điểm giao hẹn của hai anh em. Chờ cho đến khi ánh chiều tà đã tắt, tiếng ếch nhái kêu vang và nhà hàng xóm lên đèn, ông tôi lủi thủi đi về. Khi nhận được thư của anh qua bưu điện xã, ông mới biết anh phải học thêm ngoại ngữ để phục vụ cho chuyên môn.
Ông tôi lại tiếp tục làm việc, tiếp tục dành dụm tiền, tiếp tục gửi cho anh. Ông không quan tâm đến sức khỏe, thân thể của mình như thế nào. Cuộc sống hằng ngày lam lũ, đạm bạc, giản dị, kể cả trong tình yêu trai gái. Nhiều cô trong làng cảm mến sự hy sinh của ông tôi mà tự đến giúp đỡ, động viên, bày tỏ tình cảm, nhưng ông tôi vẫn không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, vì còn phải dành dụm giúp anh. Qua năm thứ 6 đại học, hai anh em ăn tết đoàn viên vui vẻ, ấm cúng. Trước khi lên lại Sài Gòn, người anh còn dặn kỹ: “Hè này anh về đấy! Chờ anh nhé!”.
Nhưng ông tôi, bên cây cầu khỉ chờ từ chiều cho đến tối mịt, chờ từ đầu hè đến cuối hè vẫn không thấy anh về. Ông tôi lo lắng, không biết sức khỏe của anh ra sao, bèn gửi thêm tiền cho anh vì nghĩ anh ăn uống bồi dưỡng thêm thì sẽ có sức khỏe mà học (Bấy giờ, thông tin đâu tiện lợi như hiện nay). Tháng 10 năm ấy, có chú hàng xóm lên Sài Gòn thăm bà con, tình cờ gặp người anh. Chú cho biết anh có cô bạn gái rất xinh, ra vẻ con nhà giàu có lắm. Ông tôi nghe vậy, bất ngờ, hụt hẫng, một nỗi buồn, một cảm nhận mất mát len lỏi tận vào tim. Người em vẫn gửi tiền cho anh, vẫn ra sức làm việc. Nhưng hè đến thì không còn cái nỗi đợi chờ bên cây cầu khỉ nữa. Hy vọng đã tắt rồi.
Cái ngày chưa dám nghĩ đến, nhưng nó vẫn đến. Ngày người anh ra trường cũng chính là ngày anh tuyên bố cưới vợ. Người anh về báo tin cho em biết trong tâm trạng vô cùng phấn khởi: “Bên vợ sẽ mua nhà cho hai vợ chồng, trang bị phòng khám riêng và bố vợ xin cho một chỗ làm tại Sài Gòn”. Người anh đưa địa chỉ cho em, dặn em nhớ thu xếp vào Sài Gòn dự đám cưới.
Ở được 5 hôm, người anh lên lại thành phố. Người em không biết nói gì, cũng không biết nghĩ gì cho đúng. Ai cũng có cuộc sống riêng của mình, không ai chi phối, sắp xếp quyết định cuộc sống của người khác được. Biết vậy, nhưng sao tim gan đau quá…! Một năm, hai năm… ông tôi vẫn không thấy vợ chồng người anh về quê, kể cả trong ngày giỗ cha mẹ. Ông tôi không biết anh có sao không, nhờ hàng xóm trông giùm nhà, vội vào Sài Gòn thăm anh.
Anh chị vẫn khỏe, nhà đẹp, con xinh. Thấy ông tôi vào, người anh cũng mừng lắm. Nhưng công việc bận cả ngày: ở bệnh viện, ở phòng khám tư. Hai anh em chỉ hỏi nhau được dăm câu sức khỏe. Người chị dâu thì nhanh nhảu dặn dò: “Chú thay hết đồ bẩn đi! Nhớ không được để chân lên ghế sô-pha đấy! Ai ăn gà mà chú mang vào cho bẩn nhà!”. Chiều đó, ông tôi chào anh chị xin về cho kịp chuyến xe, lấy lý do công việc dưới quê. Người anh giữ lại mãi không được. Chị dâu thì im lặng. Đưa em ra xe đò, người anh lục túi và dúi vào tay em ít tiền. Anh cười giả lả: “Em cầm nhé, chị lấy hết hồi nào anh không hay”. Ông tôi trả lại tiền cho anh, ra về trong tâm trạng nặng trĩu. Ông chỉ nhắn nhủ với anh: “Giỗ cha mẹ anh nhớ về”.
Ngày giỗ cha mẹ, vợ chồng anh chị về. Mâm cơm đơn giản trên bàn thờ cùng 3 nén hương tưởng nhớ. Người anh thắp được nén nhang thì chị dâu đòi về ngay với lý do không khí khó thở, nhà tiện nghi không có. Người anh không quyết định được, phải nghe theo ra về. Ông tôi buồn lắm, cầm chai rượu trắng ra cây cầu khỉ ngồi uống một mình. Đời không như mình nghĩ, và lòng người cũng không như mình tưởng. Và cứ thế, đến ngày giỗ là anh chị chạy xe về, thắp nén hương rồi vội đi ngay. Ông tôi vẫn cảnh cũ: chai rượu bên cây cầu khỉ mà uống cho đến say, cho quên đi những kỷ niệm tuổi thơ của hai anh em cùng tụi bạn nô đùa, trèo cây, bơi thi bên cây cầu khỉ.
Thời gian của người em, tuổi xuân của người em trôi dần đi trong sự tự nguyện. Hơn 40 tuổi, ông tôi mới lập gia đình. Vẫn mái nhà tranh vách đất năm nào. Mặc ai nói gì, cười trách gì, ông tôi vẫn bình thản. Ba tôi ra đời, rồi đến lớp con cháu chúng tôi. Nếp nhăn trên gương mặt ông đỡ hơn, ông cũng đã biết cười lại rồi. Ông đã có gia đình hạnh phúc: vợ hiền đảm đang, con hiếu thảo, cháu học hành giỏi giang, nhà cửa mới cất lại khang trang hơn trước. Còn anh của ông tôi, qua tìm hiểu tôi biết được: vợ của ông ham ăn diện, đua đòi, con cháu ỷ lại vào gia tài mà ăn chơi lêu lổng. Gia cảnh không còn sung túc như xưa nữa. Anh của ông tôi buồn lắm, nhưng lực bất tòng tâm.
Tôi nghĩ: Ông tôi không cần sự đền đáp tiền bạc, giàu sang của người anh; điều mà ông cần là tình cảm anh em. Những lời ông dặn tôi vẫn nhớ: “Làm người sống sao cho không thẹn với lương tâm. Sống phải có trước có sau”. Qua câu chuyện của ông tôi, tôi càng thấm thía hơn về quy luật Nhân Quả, như câu ca dao xưa: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con…”
Tịnh Liên
Bạn đang đọc bài viết: “Em trai nhịn ăn nhịn mặc nuôi anh ăn học, nhiều năm sau phải chứng kiến chuyện đau lòng” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |