Đại Kỷ Nguyên

Ghi chép chân thực thời Khang Hi: Quan Công hiển linh, thổ phỉ đại bại 

Trong thời Khang Hy, Quan Công hiển linh, giúp đỡ huyện lệnh Vương Khiêm dập tắt cuộc nổi loạn của người Miêu ở địa phương. (Bức tranh lấy từ “Tam Quốc Diễn Nghĩa” do Kim Hiệp Trung vẽ, Ảnh: Phạm vi công cộng)

Vào năm Canh Thân Khang Hy (năm 1680 sau Công nguyên), Vương Khiêm nhậm chức huyện lệnh ở huyện Thành Bộ, nơi đây thường xuyên xảy ra các cuộc nổi loạn của người Miêu. Sau khi nhậm chức, Dương Ứng Long, một người Miêu địa phương, đã tập hợp một nhóm phản loạn, Vương Khiêm vì để bảo vệ an định một phương mà lãnh đạo dân chúng dẹp loạn, thành tâm của ông đã cảm động Quan Đế. Quan Đế hiển linh giúp đỡ, bọn giặc đại bại. Dưới đây là ghi chép do chính Vương Khiêm viết trong “Bình Miêu Thần dị ký”. 

Tôi được bổ nhiệm vào chức vụ huyện lệnh huyện Thành Bộ trong năm Canh Thân thời Khang Hy, những thân hữu tiễn biệt tống hành tôi đều nghĩ rằng tôi đến Thành Bộ nhậm chức sẽ rất nguy hiểm. Tôi chỉ cười và nói lời tạm biệt họ. Khi tôi mới đến sở, người Miêu còn chưa dám ngông cuồng. Đợi đến ngày đầu tiên của tháng Bảy năm Quý Hợi, Dương Ứng Long, một người Miêu từ Tây Diên Động ở Tuyền Châu, phía Tây Quảng Đông, đã tập hợp hơn 1700 người Miêu, người Dao, chuẩn bị xâm phạm huyện Thành Bộ. Chúng trước tiên giết người để tế tự quân kỳ, phát thệ trước thất tịch sẽ giành thắng lợi. Chúng cho rằng huyện Thành Bộ là một cô thành biệt lập không phòng thủ, có thể dễ dàng công hạ. Nhưng trước đó, tôi đã đoán trước những hành động của bọn phản loạn, nên đã bí mật chiêu mộ một đội quân cảm tử gồm 300 người, gấp rút huấn luyện. Khi biết tin bọn thổ phỉ, tôi một mình đi khảo sát địa hình, rồi về bí mật dạy mọi người kế chống giặc.

Bảy ngày sau, bọn thổ phỉ đã đến thành. Nhìn thấy những lá cờ tung bay trên thành, đao kích chỉnh tề, chúng kinh ngạc nhìn nhau, trước mắt thế trận đã vượt qua dự tính của chúng, khiến chúng sĩ khí sa sút. Tôi ủy thác điển sử Từ Sĩ Kỳ, để tổng Vương Minh trấn thủ phía bắc thành, luyện tổng Dương Ứng Hòa trấn thủ phía nam thành. Một mình tôi đảm đương phía đông thành, trấn giữ những trọng điểm mà bọn thổ phỉ phải đi qua, đồng thời dẫn đội tinh nhuệ của mình ra khỏi thành để nghênh chiến.

Tôi lợi dụng thời cơ sĩ khí của bọn cướp đang xuống thấp, lao vào nội địa của quân địch. Dương Ứng Long trong lúc luống cuống, chống cự không được, ngay cả cách đốt bùa hạng bàng môn tả đạo cũng không có tác dụng gì, bọn phản loạn đa số đều bị giết. Những tên còn lại sợ hãi bỏ chạy. Trước khi chúng có thể chạy được hai dặm, phục binh tứ xứ xuất hiện, ngoài những tên bị giết bởi đao tiễn hỏa khí, hơn 500 tên thổ phỉ đã đứng yên để bị bắt sống. Dương Ứng Long, thủ lĩnh băng cướp, từng là phó tướng bộ hạ của Mã Bao. Yêu đạo trợ Trụ vi ngược là đạo sĩ núi Hoàng Dương Chu Đại Thánh.

Khi thẩm vấn bọn thổ phỉ, chúng được hỏi tại sao chúng không bỏ chạy mà ở lại đó và bị bắt. Những tên đạo tặc bị bắt đều nói: “Khi chúng tôi chuẩn bị trốn thoát, một vị đại tướng mặt đỏ râu dài từ trên trời cưỡi ngựa trắng giáng xuống, chỉ huy các thần binh, bao vây tứ phía khiến chúng tôi không có đường thoát thân.” 

Tôi bắt đầu cảm thấy kinh dị, quay đầu hỏi quân tướng binh sĩ của tôi xem có nhìn thấy điều tương tự không. Đến thời Thân, sau khi đội quân của tôi đã về thành, tôi vội vàng vào thành bái lạy Quan Đế, ngẩng đầu nhìn lên, thấy mồ hôi chảy dài trên mặt tượng Thần Quan Đế, như thể ngài vừa cởi xong áo giáp. Tôi càng bàng hoàng kính sợ hơn, nên dập đầu cảm tạ Quan Đế đã tương trợ.

“Dân quốc phổ Nho thư họa: Quan Công” Ảnh do Bảo tàng Cố cung Đài Loan cung cấp.

Tôi tự nghĩ đức hạnh mình nông cạn, làm sao dám nhờ cậy vào thần lực của Quan Đế? Hay là vì nguyên nhân chính nghĩa có thể đánh bại tà ác, ‘tinh thành sở chí, kim thạch vi khai’? Trong trận chiến bình Miêu trảm yêu hôm nay, không cần dùng đến một binh một tướng viện quân nào, không khiến cho trăm họ bị thương, thực là do Thần trợ chứ không phải do nhân lực! Tôi là ai mà dám tùy tiện xưng công của Trời? Vì thế tôi xin tu sửa lại ngôi miếu cũ, càng thêm cung kính tế tự Quan Đế, trăm họ khắp nơi gần xa đến tế bái miếu Quan Đế càng ngày càng nhiều. Trong huyện có một học giả đã sáng tác bài thơ “Bình yêu truyền” để ghi nhớ câu chuyện thần kỳ này, nói rằng đó là một điều kỳ lạ trăm năm chưa từng xảy ra. Nạn tặc Miêu không còn tái diễn nữa, tính đến hiện tại đã hơn 20 năm.

Mỗi năm đến Thất Tịch, tôi nhất định trai giới mộc dục để cung kính tế tự Quan Đế, không dám quên ân đức của ngài. Chỉ lạ là con ngựa Quan Đế cưỡi trước giờ đều là màu đỏ, duy độc có lần này là màu trắng. Có người nghi ngờ rằng Mã Viện từng đến thăm Ngũ Khê Man. Chẳng lẽ tướng quân phục ba Mã Viện đã tới? Tôi không nghĩ nhất thiết phải như vậy. Vì tượng Quan Đế đổ mồ hôi, đó chính là Quan Đế hiển linh. Tôi không nghi ngờ người cưỡi ngựa chính là Quan Đế, mà chất vấn con ngựa mà Quan Đế cưỡi vì sao lại biến thành màu trắng? Hãy tạm gác câu hỏi này sang một bên, không đưa ra bất kỳ phán đoán nào, lưu lại để sau này dần dần khảo chứng.

Sau đây là lời giải thích của Ngô Bảo Nhai về lý do khiến ngựa của Quan Đế biến thành bạch mã.

Ngô Bảo Nhai kể: Vào đầu thời nhà Minh, một vị huân thích (hoàng thân quốc thích có công huân) có nuôi một con ngựa trắng trong nhà, mập mạp và khỏe mạnh. Một đêm nọ, Quan Đế trong mộng nói với ông ta: Ở một tỉnh nào đó sẽ phát sinh phản loạn, ta muốn mượn bác con ngựa này để giúp họ một tay. Sáng hôm sau, vị huân thích thức dậy, thấy con ngựa trong chuồng nằm im bất động, có lẽ là thần hồn của nó đã bị Quan Đế chụp đi. Khi tin tức về cuộc bình định phản loạn truyền đến, vị huân thích càng kính phục hơn. Người dân kinh thành cảm thấy sự việc này rất đặc biệt, nên đã xây dựng miếu Bạch Mã để thờ Quan Đế. Từ đó, Quan Đế thường hiện thân hiển linh, kháng Oa phá tặc, cưỡi bạch mã cũng là chuyện thường thấy. Đại tư mã người Toại Ninh Trương Công (Trương Bằng Cách) từng nói đến việc này. Vì vậy, chuyện Thần trợ giúp bình định Miêu loạn ở Thành Bộ chắc chắn chính là Quan Đế. Truyền thuyết kể rằng Quan Đế cưỡi ngựa xích thố, có thể đi ngày ngàn dặm. Ngựa xích thố sao có thể không vấp ngã? Hoặc có thể nào là do xích thố đã phục vụ thời gian quá lâu, vì lao lực mà sinh bệnh, do đó Quan Đế dùng ngựa ở nhân gian thay thế? 

Nguồn: “Ngu sơ tân chí”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version