Đại Kỷ Nguyên

Ghi chép vô cùng chân thực trong lịch sử: Trúc Lâm Tự ở một thế giới khác

Có thể với nhiều người, một thế giới song song hay thiên đường địa ngục chỉ là việc huyễn tưởng, không thật. Tuy nhiên, có không ít trường hợp người từng tiến nhập vào không gian khác rồi trở lại được ghi chép vô cùng chân thực trong lịch sử.

Dưới đây là hai trong số những câu chuyện như thế. Nếu như bạn tin thì hãy lấy đó làm điều tham khảo, còn nếu không tin thì cũng cứ xem như một câu chuyện thần thoại là được.

Trúc Lâm Tự ở một thế giới khác

Trong lịch sử, một số người nhờ vào căn duyên đặc biệt nào đó mà có được cơ hội tiến nhập vào không gian khác, trong đó có thể kể tới tăng nhân triều Tấn. Trong cuốn “Ngọc Đường Nhàn Thoại” có ghi chép như sau:

Năm Thiên Phúc triều Tấn, viên ngoại khảo công là Triệu Thù kể lại một câu chuyện:

Gần đây có một tăng nhân từ Tương Châu đến kinh thành nói với ông ấy: “Có lần bần đạo ngồi nghỉ ở thiền viện Tương Châu cùng với một tăng nhân tên Pháp Bổn. Trong lúc chiều tà, cảnh hợp với người, tâm đồng ý thỏa. Pháp Bổn nói: “Bần đạo sống ở chùa Trúc Lâm tại núi Tây Sơn, phía trước chùa có một cây cột đá, sau này có dịp xin nhất định đến chỗ tôi làm khách một chuyến”. Sau này, vị tăng nhân ấy cứ mãi nhớ lời dặn của Pháp Bổn nên đã quyết tâm đi tìm Trúc Lâm Tự để gặp tăng nhân Pháp Bổn.

Vị tăng nhân này theo chỉ dẫn của Pháp Bổn mà tìm đến núi Tây Sơn. Khi đến chân núi Tây Sơn, trời cũng đã xế chiều, nhìn thấy gần đó có một ngôi chùa nhỏ, vị tăng nhân ấy đã bước xin ở lại qua đêm và hỏi thăm những tăng nhân bản địa đường đi đến Trúc Lâm Tự còn bao xa? Các tăng nhân bản địa nghe hỏi vậy thì tỏ vẻ nghi vấn rồi chỉ về phía xa xa, nơi có một sườn núi cheo leo hiểm trở và đáp: “Phía xa kia chính là Trúc Lâm Tự, tự cổ đến nay qua hết đời này đến đời khác, mọi người đều tương truyền rằng đó là nơi ở của các bậc Thánh nhân, nhưng bây giờ chỉ còn lại cái tên Trúc Lâm Tự chứ không còn tịnh xá nào cả”.

Sáng sớm hôm sau, vị tăng nhân khởi hành theo hướng mà các vị tăng nhân bản địa đã chỉ. Khi đến bên trong rừng trúc, ông nhìn thấy một cây cột đá, tuy nhiên ngoài cây cột đá đó ra không hề tìm thấy bất kỳ dấu tích nào khác. Nhớ lại lời Pháp Bổn nói rằng chỉ cần gõ lên cột đá là có thể nhìn thấy mình, vị tăng nhân bèn dùng gậy thiết trượng gõ nhẹ mấy cái lên cột đá.

Đột nhiên, ba bề bốn bên, gió nổi ầm ầm, mây đen vần vũ, nhất thời mọi thứ chìm trong bóng tối không còn nhìn thấy bất kể thứ gì. Mọi thứ đến và đi thật nhanh như chớp, nháy mắt một cái khung cảnh lại trở lên trong xanh yên lặng. Trước mặt vị tăng nhân là một cảnh tượng hoàn toàn mới lạ: lâu đài nguy nga tráng lệ san sát kề nhau, còn bản thân vị tăng nhân lại đang đứng trước mặt một ngôi chùa nơi cửa núi.

Một lúc sau, Pháp Bổn từ phía trong chùa đi ra, hai người gặp nhau vô cùng vui mừng, tiếp đó cùng nhau ôn lại chuyện cũ khi còn ở Tương Châu. Xong xuôi, Pháp Bổn dẫn vị tăng nhân đi vào mật điện thăm viếng lão tiền bối của Pháp Bổn.

Lão tiền bối hỏi Pháp Bổn sao lại dẫn người này tới đây? Pháp Bổn đáp do trước đây có duyên gặp mặt ở Tương Châu nên đã mời vị ấy đến. Lão tiền bối nghe vậy liền bảo Pháp Bổn dẫn vị tăng nhân đi ăn cơm rồi rời đi, ở đây không phải nơi dành cho vị tăng nhân ấy.

Sau khi dùng cơm, Pháp Bổn tiễn vị tăng nhân ra nơi cửa núi, hai người chia tay. Pháp Bổn vừa dứt lời tạm biệt thì vị tăng nhân liền thấy trời đất quay cuồng, bỗng chốc tất cả cảnh vật thay đổi hoàn toàn. Vị tăng nhân đột nhiên thấy mình đang đứng bên cạnh cột đá, lâu đài, chùa chiền bỗng chốc không còn thấy đâu cả.

(Ảnh minh họa: epochtimes.sg)

Bồng Cầu vô tình lạc vào Tiên Nữ Cung

Trong cuốn “Tây Dương Tạp Trở” cũng có ghi chép một câu chuyện tương đồng.

Phía tây Bối Đồi, nay thuộc vùng Tân Châu, Sơn Đông, có một ngọn núi tên Ngọc Nữ Sơn. Tương tuyền những năm đầu Tây Tấn, ở Bắc Hải quốc có một người tên Bổng Cầu, tự là Bá Kiên, một hôm vào núi kiếm củi ngửi thấy mùi thơm khác lạ liền theo hướng gió mà tìm. Khi vào tới trong núi Ngọc Nữ, đột nhiên thấy cảnh vật mở ra trong xanh khác lạ, trước mặt là cung điện, lầu gác nguy nga to lớn.

Bổng Cầu bước vào trong cửa trộm nhìn, thấy 5 cây đại thụ bằng ngọc, bước thêm mấy bước vào trong thì nhìn thấy 4 vị nữ nhân dung mạo xinh đẹp tuyệt thế đang ngồi đánh cờ. Nhìn thấy Bổng Cầu, tất cả đều giật mình kinh ngạc hỏi: “Bổng tiên sinh, sao tiên sinh lại vào được đây?”. Bổng Cầu đáp: “Tại hạ theo hương thơm mà tìm tới”.

Nghe Bổng Cầu đáp vậy, cả 4 vị nữ nhân kia đều không nói gì nữa mà tiếp tục chơi cờ, lúc sau một nữ nhân trẻ lên lầu gảy đàn, mấy nữ nhân ở dưới gọi: “Vô Huy, sao cô lại lên lầu một mình vậy?”. Bổng Cầu một mình đứng dưới gốc cây ngọc đại thụ, vừa xấu hổ vừa thấy nhàm chán, bụng lại đói nên dùng tay với lấy chiếc lá uống mấy giọt nước trên đó.

Bổng Cầu vừa uống mấy giọt nước trên lá xong thì có một tiên nữ cưỡi hạc bay đến, giận dữ nói: “Ngọc Hoa, tại sao chỗ ở của mọi người lại có tục nhân tới? Vương Mẫu Nương Nương phái Vương Phương Bình đi tuần tra Tiên cung chuẩn bị tới đây”. Bổng Cầu nghe vậy liền sợ hãi lui ra khỏi cổng, chớp mắt quay lại nhìn, mọi thứ liền biến mất chẳng thấy đâu. Về đến nhà hỏi thăm đã là năm Kiến Bình, nghĩa là 60 năm sau đó, nhà ở năm xưa nay cũng chẳng còn, trước mắt chỉ thấy mọi thứ tiêu điều, nhà hoang tường phế.

Theo soundofhope.org

Minh Vũ biên dịch  

Exit mobile version