Đại Kỷ Nguyên

Gia Cát Lượng: Đời người phải có được ‘3 điều sáng suốt’ nhớ đem theo trên đường đời

Gia Cát Lượng nói: “Con người cần có 3 sáng suốt: Sáng suốt nhìn thấy trước, sáng suốt tự biết mình và sáng suốt nhận biết người”. Trên đường đời hiểu được ‘3 sáng suốt’ này thì cuộc đời mới dễ dàng bước đi thuận lợi và sáng láng.

Sáng suốt nhìn thấy trước là một thể hiện của trí tuệ, giỏi dùng những chi tiết để phán đoán xu thế phát triển của sự vật, đồng thời có sự lựa chọn thông minh.

Sáng suốt tự biết mình là một tiêu chí của sự tu dưỡng và trưởng thành. Người sáng suốt tự biết mình không đưa ra các mục tiêu quá cao quá xa vời, cũng không tự đánh giá thấp mình, được vinh nhục không kinh sợ, được mất cứ tùy duyên.

Sáng suốt nhận biết người là một loại trưởng thành, là tích lũy của kinh nghiệm, thể hiện ra một loại trí tuệ sâu sắc. Người sáng suốt nhận biết người sẽ không chỉ dựa vào lời nói một mặt của người khác, cũng không dựa vào hiểu biết một phía của bản thân mà liền đưa ra phán xét đối với người khác.

Sáng suốt nhìn thấy trước là trí tuệ

Người xưa nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, nghĩa là: “Người không lo xa, ắt có buồn gần”. Bất luận là làm người hay là xử lý sự việc, tầm nhìn cần phải xa, phải có dự kiến.

Người thông minh nhìn hiểu, người sáng suốt nhìn chuẩn, người cao minh nhìn xa.

Người không có tầm nhìn xa chỉ có thể nhìn thấy hiện tại. Người có tầm nhìn xa nhìn thấy những cơ hội có thể có trong tương lai, đồng thời tích cực chuẩn bị, vì cơ hội chỉ dành cho người có chuẩn bị tốt.

Đường đời luôn luôn phủ đầy gai góc, sáng suốt nhìn thấy trước có thể giúp tránh cái có hại mà đến với cái có lợi, kiếm tìm cơ hội, giảm thiểu những trở ngại trên đường đời.

Sáng suốt nhìn thấy trước là một loại trí tuệ. Người sáng suốt nhìn thấy trước có thể thấy cái nhỏ mà nhìn ra cái lớn, thông qua vết tích mà đoán biết phương hướng phát triển của sự việc, từ đó có sự lựa chọn sáng suốt.

Một chiếc lá rụng biết được mùa thu đến, vạn vật trong thế gian đều không cô lập, chúng đều có liên hệ, hiệu ứng cánh bướm tồn tại khắp mọi nơi.

Đời người như cuộc cờ, đi bước nào tính bước đó là kẻ bất tài, đi một bước tính 3 bước là một kẻ bình thường, đi một bước tính 10 bước mới là kẻ trí.

Người sáng suốt nhìn thấy trước có đầu óc thông minh sâu sắc, tầm nhìn sắc bén, nhìn thấu thế sự, phân tích rõ ràng lý tính, việc gì cũng nhìn chính xác, nhìn rõ ràng, nhìn xa, thường biết lo xa, thu lụa khi trời chưa mưa, không đợi đến khát mới lo đào giếng.

Lưu Bị cầu hiền như khát nước, 3 lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng, hai người trò chuyện một phen liền trở thành điển cố “Đối sách Long Trung” nổi tiếng.

Khi đối thoại với Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã phân tích hình thế thiên hạ, chỉ ra cho Lưu Bị con đường “tín nghĩa khắp bốn biển, nghênh đón bậc anh hùng, cầu hiền như khát nước”.

Câu chuyện đối sách Long Trung  đã trở thành câu tục ngữ: “Đối sách Long Trung Gia Cát Lượng – Sáng suốt nhìn thấy trước”.

Gia Cát Lượng hiến kế thiên hạ chia ba. (Ảnh: xuehua.us)

Người sáng suốt nhìn thấy trước có tầm nhìn xa đặc biệt, cuộc sống mỗi ngày đều có giới hạn, thế nên cuộc đời cần phải biết lo xa, chớ nên mất bò mới lo làm chuồng.

Những năm đầu triều Minh, Chu Nguyên Chương vừa mới định giang sơn, một lần ông viết một bài thơ rằng:

Bá quan chưa dậy ta dậy trước,
Bá quan đã ngủ ta chưa ngủ.
Chẳng bằng phú hộ Giang Nam,
Mặt trời năm trượng vẫn nằm trong chăn.

Hai câu đầu bài thơ này miêu tả nhà vua cần mẫn chính sự vì dân, hai câu sau ngưỡng mộ cuộc sống của phú hộ Giang Nam.

Sau khi bài thơ này truyền ra, người thường nghe cũng sẽ không có bất kỳ liên tưởng nào. Có một thương gia giàu có là Vạn Nhị lại thấy được ý ngoại ngôn tại, cảm giác tai nạn sắp xảy ra. Ông ta đem gia sản phó thác lại cho nô bộc quản lý, rồi mua một chiếc thuyền chở vợ con đi xa.

Một năm sau, Chu Nguyên Chương hạ lệnh tịch thu toàn bộ gia sản các gia tộc lớn đất Giang Nam. Rất nhiều phú hộ bị đi đày sung quân, chỉ có Vạn Nhị vì đã dự kiến trước được tai họa nên đã bình an vô sự.

Chu Nguyên Chương khi mới định thiên hạ, vì chiến loạn liên miên nhiều năm khiến quốc khố trống rỗng, đã sớm có dự tính hạ thủ đối với các phú hộ Giang Nam, để giải mối nguy cấp quốc gia, do đó đã hé lộ ra trong thơ.

Trong “Ngụ phố tạp ký” viết rằng, đến thời giữa và cuối thời Chu Nguyên Chương thống trị, các dòng họ gia tộc lớn đất Tam Ngô “hoặc bị chết, hoặc bị hình phạt, không còn lại một người nào còn nguyên vẹn”. Cả khu vực Giang Nam Chiết Giang phồn hoa náo nhiệt trở thành một vùng đất tiêu điều, “thành ấp làng xã xơ xác, kế sinh nhai khó khăn”, tử khí nặng nề, không chút sức sống, người đi qua không ai không thương cảm.

Sáng suốt tự biết mình là tu dưỡng, là trưởng thành

Con người quý ở sáng suốt tự biết mình. Trên đời không có nhân tài toàn năng, mỗi người đều có sở trường và sở đoản riêng.

Làm người cần sáng suốt tự biết mình, chỉ có nhận thức rõ bản thân, đặt vị trí mình cho chính thì mới có thể thành công.

Trong sách “Lão Tử” có viết: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, nghĩa là “Người hiểu người khác là kẻ trí, người tự biết mình là kẻ sáng suốt”. Sáng suốt tự biết mình là một loại tu dưỡng.

Làm người cần sáng suốt tự biết mình, chớ đánh giá thấp bản thân quá, và cũng đừng đánh giá cao chính mình.

Trong cuộc sống, người đánh giá cao bản thân nơi nào cũng gặp. Họ cho rằng thành công của người khác chẳng qua chỉ là gặp được cơ hội tốt hoặc được người ta biết đến tài năng. Nhưng cũng cần biết rằng, bất kể là vận may hay được người ta biết đến tài năng thì cũng đều cần thực lực.

Làm người sáng suốt tự biết mình thì làm việc mới có sức mạnh.

Làm người sáng suốt tự biết mình thì làm việc mới có sức mạnh. (Ảnh: timepixs.pw)

Trong “Tam Quốc chí” của Trần Thọ có dùng một câu khái quát Gia Cát Lượng dẫn binh Bắc phạt rằng: “Nhưng động binh mấy năm liền mà chưa thành công, có lẽ là do ứng biến và sách lược dụng binh về quân sự, không phải là sở trường của Gia Cát Lượng”.

Theo “Hán Tấn xuân thu” ghi chép, Gia Cát Lượng cũng đã từng nói: “Đại quân ở Kỳ Sơn, Ki Cốc, đều có nhiều giặc, người mà không phá được giặc, mà bị giặc phá thì không phải do binh lực thiếu, mà là tại một người (ý nói là do bản thân ông)”.

Ai cũng đều có sở trường sở đoản riêng. Chỉ có người hiểu rõ mình mới có thể phát huy sở trường, hạn chế sở đoản, mới có thể định vị chính xác cuộc đời mình.

Theo “Sử ký – Hoài Âm Hầu liệt truyện” của Tư Mã Thiên đời Đông Hán ghi chép, Lưu Bang đã từng trong lúc rảnh rỗi đàm đạo với Hàn Tín về tài năng của các tướng, người nào cũng có sở trường sở đoản. Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Tài năng như trẫm thì có thể thống lĩnh được bao nhiêu binh mã?”

Hàn Tín nói: “Bệ hạ chỉ có thể thống lĩnh được 10 vạn quân”.

Lưu Bang lại hỏi: “Còn khanh thì sao?”

Hàn Tín đáp: “Hạ thần càng nhiều càng tốt”.

Lưu Bang cười nói: “Khanh càng nhiều càng tốt, tại sao lại bị ta chế ngự?”

Hàn Tín đáp: “Bệ hạ không giỏi dẫn quân, nhưng lại giỏi chế ngự tướng lĩnh, đó là nguyên nhân hạ thần bị bệ hạ chế ngự. Hơn nữa tài năng của bệ hạ là được Thượng Thiên ban cho, không phải sức người có thể làm được”.

Sáng suốt tự biết mình còn là biểu hiện của trưởng thành.

Nói một cách thông tục và đơn giản, sáng suốt tự biết mình chính là biết mình có thể ăn được mấy bát cơm.

Sáng suốt tự biết mình là tiêu chí của một người đang trưởng thành. Thiếu sáng suốt tự biết mình có lúc sẽ gây trò cười.

Thời xưa có một người viết chữ kém mà lại tự cảm thấy rất đẹp, rất thích đi đề chữ cho người ta.

Một hôm anh ta bỗng gặp một người quen, thấy người kia tay cầm chiếc quạt bằng giấy trắng, trên quạt không có chữ nào, liền vội vàng cầm lấy chiếc quạt định đề chữ.

Người kia sắc mặt bỗng tái đi, vội quỳ sụp xuống không chịu đứng dậy. Anh ta thấy vậy tươi cười nói: “Chẳng qua là viết mấy chữ thôi mà, hà tất phải hành đại lễ như thế này?”

Người kia khóc méo cả mặt nói: “Không phải tôi cầu xin ông viết chữ, tôi cầu xin ông đừng viết”.

Con người quý ở sáng suốt tự biết mình. Người không tự biết mình, giống như mắt không nhìn thấy lông mi. Con mắt người có thể nhìn thấy vật ngoài trăm bước mà chẳng nhìn thấy lông mi của mình.

Đời người như hoa, ai ai cũng muốn rực rỡ muôn màu, hương thơm ngào ngạt, nhưng không phải ai ai cũng đều trở thành đóa hoa tươi sắc.

Khi không trở thành đóa hoa tươi được thì ngại chi hãy làm một nhành lá biếc, một chiếc lá khỏe khoắn xanh tươi.

Khi không trở thành một chiếc lá xanh được thì ngại chi hãy làm một ngọn cỏ, một ngọn cỏ nhỏ bé vui vẻ.

Khi không trở thành một ngọn cỏ được thì ngại chi hãy làm một hòn đất, một hòn đất đầy đặn.

Người sáng suốt tự biết mình thì không vì một câu tán dương rẻ tiền mà như ở trong mây mù, mê mất bản thân, cũng không vì một lời trách móc mù quáng mà rụt đầu cụp đuôi thay đổi hướng đi cuộc đời.

Người sáng suốt tự biết mình không theo đuổi viển vông xa vời, cũng không tự hạ thấp xem thường bản thân, vinh nhục không kinh sợ, được mất cứ tùy duyên.

Người sáng suốt tự biết mình không theo đuổi viển vông xa vời, cũng không tự hạ thấp xem thường bản thân. (Ảnh: firstbusiness.com)

Sáng suốt biết nhận người là trí tuệ sâu sắc

Phàn Trì hỏi Khổng Tử: “Thế nào là nhân?”

Khổng Tử nói: “Yêu thương người”.

Phàn Trì lại hỏi: “Thế nào là trí?”

Khổng Tử nói: “Biết người”.

Biết người là một học vấn cao thâm. Tô Thức đã từng nói: “Người muốn lập công phi thường ắt phải sáng suốt nhận biết người”.

Trong cuộc sống thường nhật, sáng suốt nhận biết người giúp cho chúng ta trong biển người mênh mông kia vẫn có thể tìm được người bạn tâm đầu ý hợp.

Một người có thể sáng suốt biết nhận người quả rất khó. Cho dù bậc trí giả như Gia Cát Lượng cũng đã từng sai lầm trong việc biết người mà phải ‘gạt lệ trảm Mã Tốc’.

Người sáng suốt nhận biết người mới có thể thông qua hiện tượng mà nhìn thấu bản chất. Người đạo mạo hiên ngang, diện mạo cao quý chưa chắc đã thật sự cao quý. Người cẩn thận từng cái nhỏ mọn, diện mạo ti tiện chưa chắc đã thực sự ti tiện.

Để hiểu chính xác một người, nên bắt đầu từ tiểu tiết, từ chỗ nhỏ nhặt, rồi thời gian sẽ mách bảo bạn ai là người thực sự đáng tin cậy.

Tăng Quốc Phiên dẫn quân đánh nhau với quân Thái Bình, khi chiếm lĩnh An Khánh thì có một người thân thích ở quê ông tìm đến đầu quân. Có lần khi ngồi ăn cơm, Tăng Quốc Phiên phát hiện ra ông này nhặt những hạt cơm còn vỏ trấu vứt đi.

Từ việc nhỏ nhặt này, Tăng Quốc Phiên nhìn ra người này không chịu được khổ, không thể bồi dưỡng thành người có thành tựu được, thế là mau chóng cho ông ta trở về quê.

Biết người cũng cần những biểu hiện của họ vào thời khắc then chốt. Phẩm đức tiết thủ của một người như thế nào, lúc bình thường không nhất định có thể nhìn rõ ra được. Chỉ khi đối diện với khảo nghiệm sinh tử, xung đột lợi ích thì mới bộc lộ ra được.

“Đường xa biết sức ngựa, lâu ngày thấy lòng người”, thời gian lâu dài, một người rốt cuộc là như thế nào, cuối cùng cũng sẽ cháy nhà ra mặt chuột.

Sáng suốt nhận biết người là một sự trưởng thành, là tích lũy của kinh nghiệm, thể hiện ra một loại trí tuệ. Người sáng suốt nhận biết người sẽ không chỉ dựa vào lời nói một mặt của người ta, cũng không dựa vào hiểu biết một mặt của bản thân mình liền phán xét người khác.

Gia Cát Lượng đã viết bài “Tri nhân tính”, trong đó đã chỉ rõ “7 cách nhận biết người”.

Thành quả nhận biết người lớn nhất cuộc đời Gia Cát Lượng có lẽ là Lưu Bị. Lưu Bị bản tính thiện lương, “người trong quận là Lưu Bình vốn khinh thường Lưu Bị, coi ở dưới quyền Lưu Bị là sỉ nhục nên đã sai thích khách hành thích. Thích khách không nỡ hành thích, nói cho Lưu Bị biết rồi bỏ đi. Lưu Bị được lòng người đến mức như thế đó”.

Để mời Gia Cát Lượng xuất sơn, Lưu Bị đã 3 lần lặn lội đến lều tranh, một mực thỉnh mời.

Trong “Xuất sư biểu”, Gia Cát Lượng viết: “Tiên đế không vì thần hèn mọn mà đã hạ mình 3 lần lặn lội đến lều tranh, hỏi thần về việc thời thế, do đó thần cảm kích, nguyện rong ruổi theo tiên đế”.

Chính vì nhìn thấy Lưu Bị thiện lương như thế này nên Gia Cát Lượng mới cam lòng để Lưu Bị sai khiến.

Cuộc đời như một đường hầm dài, có thể giữa đường gặp phải bóng tối tạm thời. Vậy nên, ghi nhớ đem theo 3 ngọn đèn sáng này lên đường, dùng “sáng suốt nhìn thấy trước, sáng suốt tự biết mình và sáng suốt nhận biết người” để chiếu sáng phương hướng tiến lên, bước tốt con đường đời của mình.

Theo soundofhope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version