Suốt 2000 năm qua cho đến tận ngày nay, những lời tiên tri của Gia Cát Lương vẫn là bí ẩn chưa thể nào giải mã hết.
Theo sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng vốn là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông), quận Lang Nha đời Thục Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181). Lá số của ông là một trong 1.000 lá số của những người có ảnh hưởng lớn nhất cổ kim, được in trong cuốn “Tử vi đẩu số toàn thư Trung Quốc”. Theo lý giải của tử vi thì Gia Cát Lượng là người “tuyệt thế kỳ tài, thiên hạ vô song”.
Gia Cát Lượng vô cùng hiếu học, ông đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Kinh Dịch được ông nghiên cứu khá nhiều, sau đó kết hợp với Chu Dịch của Chu Văn Vương Cơ Xương thời nhà Chu để sáng tạo ra “Gia Cát thần toán sách” về xem bói, vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Tiên đoán trước tương lai
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, hình tượng Gia Cát Lượng được mô tả nổi bật như một Thần nhân, có khả năng dự liệu như Thần, còn có tài hô mưa gọi gió. Nhiều người coi ông là người với trí tuệ mưu lược quân sự “ngồi trong trướng bày mưu tính kế, quyết thắng ngoài ngàn dặm”.
Nói về tài chiêm tinh, tiên tri của vị quân sự họ Gia Cát này, có rất nhiều giai thoại được người đời lưu truyền suốt hàng nghìn năm qua. Có thể dẫn ra đây vài thí dụ.
Lưu Bá Ôn (1311 – 1375), là khai quốc công thần của nhà Minh, cũng là một mưu sĩ tài ba, lỗi lạc, văn võ song toàn. Trong một lần xuất chinh tấn công kẻ thù, Lưu Bá Ôn bị lạc vào một hang núi.
Trong hang, Lưu Bá Ôn lần ra được một tấm bia đá khắc dòng chữ: “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”, phía dưới có dòng chữ đề “Gia Cát Lượng thủ bút”. Nghĩa của dòng chữ khắc trên bia có thể diễn ra rằng: “Gia Cát Lượng chính là quân sự tài giỏi nhất vạn đời nhưng Lưu Bá Ôn mới là người có thể thống nhất giang sơn”.
Sau tấm bia còn có bản đồ chi tiết chỉ dẫn đường ra khỏi hang. Lưu Bá Ôn cứ lần theo bản đồ ấy, cuối cùng cũng thoát khỏi được hang sâu, bảo toàn mạng sống để sau này phụng sự đắc lực cho Chu Nguyên Chương, kiến lập ra triều Minh.
Sau này, Lưu Bá Ôn làm chức tể tướng triều Minh, là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, trăm trận trăm thắng, sống ở Thiếu Thành, chính là phủ Khổng Minh ngày xưa, trên phủ có treo một bảng hiệu:“Thiên hạ đệ nhất nhân”. Ông liền hỏi rằng đây là ai mà lại to gan như vậy, dám tự phong bản thân là “thiên hạ đệ nhất nhân” (người tài giỏi nhất trong thiên hạ).
Sau khi nghe gia nhân cho biết đó là Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc. Lưu Bá Ôn nghe xong, vô cùng tức giận, thầm nghĩ: “Khổng Minh tuy là bậc kỳ tài, nhưng cũng không thể tự xưng mình là “thiên hạ đệ nhất nhân” được! Lưu Bá Ôn ta nếu sinh sớm mấy trăm năm, nói không chừng có khi còn vượt xa hơn cả ông ta!”.
“Các người mau dẹp bỏ tấm bảng hiệu này cho ta!”. Khi tùy tùng tháo bỏ tấm bảng đó đi, lại phát hiện thấy bên trong còn có một tấm bảng nữa, trên đó ghi một bài thơ:
Tiền triều quân sư Gia Cát Lượng
Hậu triều quân sư Lưu Bá Ôn
Ngũ bách niên tiền ngô tri nhu
Ngũ bách niên hậu nhu tri thùy?
Tạm dịch:
Quân sư triều trước là Gia Cát Lượng
Quân sư triều sau là Lưu Bá Ôn
500 năm trước ta biết ngươi
500 năm sau ngươi có biết ta?
Lưu Bá Ôn nhìn tấm bảng hiệu kinh ngạc nói không nên lời.
Cuốn “Gia Cát Lượng dã sử” có chép một câu chuyện khác cho thấy tài thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng:
Trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng nhắn gửi lời dặn dò đến con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.
Sau khi ông qua đời, cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm nhất thống thiên hạ, phá thế tam phân Ngụy – Thục – Ngô, lên ngôi hoàng đế, kiến lập ra triều Tấn. Viêm nghe nói trong đám quan quân có người là hậu duệ của Gia Cát Khổng Minh nên muốn mang ra trừng trị, hòng làm tuyệt tự dòng họ Gia Cát.
Một hôm, đương buổi thiết triều, Viêm cất tiếng hỏi: “Trong các ngươi ai là hậu duệ Gia Cát Khổng Minh?”. Một người bước ra sụp lạy. Viêm hỏi tiếp: “Trước khi chết, tổ phụ của nhà ngươi căn dặn những gì mau nói ra?”.
Người kia bèn kể lại chuyện Gia Cát Lượng dặn dò trước lúc lâm chung. Nghe lời đó, Tư Mã Viêm liền phái giáp sĩ tới nhà dỡ tường, lấy giấy ra xem. Bên trong có một phong thư đề mấy chữ “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là nếu đúng là vua thì mới được mở ra).
Quân lính trở về trình thư lên, Viêm bóc thư ra xem thử, thấy ghi mấy chữ “Lùi lại ba bước”. Viêm nghi hoặc làm theo. Vừa hay lúc đó xà nhà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi làm ghế bàn gãy tan tành.
Mấy dòng cuối thư viết tiếp: “Ta đã cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng cho con cháu ta”. Viêm xem xong thì cực kỳ cảm kích, khâm phục tài trí của Gia Cát Khổng Minh, nhân đó mà tha cho người hậu duệ của ông.
Những lời tiên tri của Gia Cát Lượng được tập hợp trong một bộ sách có tên “Mã tiền khóa” (quẻ gieo trước ngựa). Ở đó, ông đã đưa ra nhiều dự liệu cực kỳ chuẩn xác về những sự kiện trọng đại như: nhà Thục Hán diệt vong, nhà Tấn thống nhất thiên hạ, thời loạn ly sau thời Tấn, những việc đại sự thời nhà Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Thậm chí sự ra đời của Trung Hoa dân quốc vào năm 1912 cũng không nằm ngoài dự liệu của Gia Cát Khổng Minh.
Không chỉ là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Gia Cát Lượng còn có tài tiên tri, nhìn sao đoán mệnh, quả thực là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu lòng người”. Thời xưa, tiên tri là một trong những khả năng thể hiện sự liên lạc giữa người và thần. Những người có tài này thường được gọi với danh xưng “Thần nhân”.
Đại Kỷ Nguyên bàn:
Trên thực tế, Gia Cát Lượng có năng lực dự tính siêu thường, chẳng những tinh thông binh pháp, mà còn trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. “Thiên văn” ở đây không phải là thiên văn học ngày nay, hoặc là dự báo thời tiết. Trong văn hóa truyền thống, những người tu Đạo đều biết dùng Dịch Lý để giải thích và quan sát thiên tượng, nếu dùng khái niệm khoa học hiện nay mà nói, là có khả năng đột phá sự hạn chế thời gian, không gian ở một tầng thứ nhất định, quan sát những biến hóa của thời gian, không gian trong một phạm vi rộng.
Khả năng tiên tri của Gia Cát Lượng là một trong 6 loại công năng (Công năng ban vận, công năng dao thị, công năng thấu thị, khả năng nhận biết vật thể bằng bộ phận khác ngoài con mắt, truyền cảm tâm linh, tiên tri) được khoa học nghiên cứu và công nhận rộng rãi trên thế giới. Những năng lực trên thường xuất hiện ở những người tu Đạo, họ rất tinh thông lý số, thấu hiểu mệnh trời, có thể phát hiện được “quy luật của vũ trụ”, “quy luật của vật chất”.
Họ hiểu rằng vạn sự trên đời thảy đều có định số. Vật chất chuyển động theo những mô tuýp cố định, vũ trụ bao la này cũng là do vật chất tạo thành, cũng đều vận hành theo một “cơ chế” có sẵn, biết trước là đến lúc nào thì sự việc gì sẽ xảy ra. Vì vậy họ an nhiên tĩnh tại, sống cảnh đời đạm bạc nhưng trí tuệ thì như biển cả.
Những tiên đoán của các bậc tiền nhân đến tận hôm nay vẫn chuẩn xác phi thường, trong lịch sử không chỉ có Gia Cát Lượng mà còn có Lưu Bá Ôn, Nostradamus, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều để lại những lời “sấm truyền” để cảnh tỉnh hậu thế phải luôn biết mình đang ở đâu, không được tự cao ngạo cho rằng mình là nhất, là sự “tiến hoá hoàn hảo” của tự nhiên, rồi coi thường thiên lý, coi Trời bằng vung.
Video: 6 câu nói của cổ nhân giúp bạn thấy rõ lòng người thật giả