Nếu hỏi trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, Đường Tăng vượt quan ải nào nhiều lần nhất, câu trả lời có lẽ là quan tình – sắc dục.
Đường Tăng là một người tu luyện chân chính, một lòng hướng Phật, nhưng hết lần này tới lần khác bị phái nữ ép duyên. Nhân vật nữ có khi là hạng yêu quái độc hại như rết tinh, nhện tinh, chuột tinh muốn hút khí nguyên dương; cũng có khi là nữ vương hiền dịu trong cõi người chỉ ước ao hạnh phúc; lại cũng có lúc là Thần Thánh biến hoá thử lòng. Lần nào Đường Tăng cũng giữ mình đúng đắn, bao phen phá tung lưới dục, ra khỏi lồng tình, nhưng chẳng ngờ sắp đặt chân lên đất Phật, chỉ vì một niệm bất chính, công quả suýt đổ biển đổ sông.
Đó là khi thầy trò Đường Tăng vượt qua trăm sông nghìn núi, sang tới địa phận nước Thiên Trúc. Ở Chùa Cấp Cô Bố Kim, Đường Tăng được nhà sư già tiếp đãi trọng hậu, và bí mật cho hay một năm trước có một người con gái tự xưng là công chúa Thiên Trúc, bị gió thổi tới đây. Để bảo toàn tính mạng, người con gái ấy giả điên giả dại, sống trong nhà giam tối tăm, cơm hẩm canh suông sống qua ngày. Nhà sư già thấy trong nước vẫn có một nàng công chúa đang tại vị, nên không rõ thực hư, nhờ cậy thầy trò Đường Tăng làm rõ trắng đen thật giả. Khi tới kinh đô đổi điệp văn, vừa lúc công chúa dựng lầu hoa kén phò mã, Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không mới tới xem gieo cầu, một là để xem xét thật giả, hai là vì quốc vương đang vì chuyện này mà không thiết triều. Chẳng ngờ, Đường Tăng bị quả cầu thêu rơi trúng đầu, bị ép kết hôn cùng công chúa giả.
“Hoạ phúc không có cửa, do con người tự vời đến cho mình” (*)
Câu chuyện “Vườn Cấp Cô hỏi cổ bàn nguồn; Nước Thiên Trúc chầu vua được vợ” trong hồi 93 “Tây du ký”(**) thoạt nghe tưởng như một cái hoạ “từ trên trời rơi xuống” đối với Đường Tăng, nhưng thực ra là do chính ông chiêu cảm đến. Ngay từ đầu hồi 93 đã viết:
Khởi niệm là liền có ái,
Dậy tình ắt sẽ sinh tai.
Niệm ấy của Đường Tăng là niệm gì? “Tam Tạng dừng lại bên đường nói với Hành Giả:
– Nơi đây từ con người, quần áo, nhà cửa, đồ dùng, cho tới giọng nói, ngôn ngữ chẳng khác gì nước Đại Đường ta. Ta nhớ tới chuyện tiên mẫu ta cũng do ném quả cầu thêu mà tìm được nhân duyên cũ, kết làm vợ chồng, thì thấy hóa ra vùng này cũng có phong tục ấy nhỉ?”
Những gì Đường Tăng nhớ lại ấy – hạnh phúc lứa đôi, nhân duyên chồng vợ – đây đều là những gì mà người thường coi là tốt đẹp, là cảnh tượng mỹ hảo chốn nhân gian khiến lòng người lưu luyến.
Có lẽ câu nói bâng quơ này chưa thật đủ để kết luận Đường Tăng còn ham luyến trần tục, nên sang hồi thứ 94 – “Bốn sư dự tiệc vườn ngự uyển; Một quái mơ mộng tình ái vui”, “Tây du ký” còn miêu tả vị thánh tăng chăm chú xem bốn bài thơ vịnh cảnh bốn mùa ở gác Hoa Di ra làm sao, ông tức cảnh sinh tình làm thơ hoạ lại như thế nào. Đây là lúc lễ cưới đã được ấn định vào ngày 12, Đường Tăng trong thân phận phò mã tương lai cùng đức vua dự tiệc trong vườn thượng uyển. Là lúc Đường Tăng đã ở trong miệng cọp rồi, bằng chứng là khi ngày 12 đến ông “sợ quá chồm dậy níu chặt lấy Hành Giả nghiến răng rin rít”, rồi “nét mặt đăm chiêu, lòng buồn rười rượi”, thế mà lúc này đây ông còn có tâm trạng để vịnh cảnh xuân hạ thu đông. Vừa trước đó ở phủ Kim Bình, cũng vì mải ngắm hội hoa đăng, “lỏng lơi thiền tính” mà Đường Tăng sa vào tay yêu tinh; nay lại tức cảnh sinh tình trước cảnh đẹp, điều này cho thấy tâm ham luyến cõi trần của Đường Tăng vẫn chưa trừ tận gốc.
Mắt còn ham luyến cái đẹp, chưa thể tu thành
“Tây du ký” có thơ rằng:
Kinh có nói: “Thái cực sinh bĩ”,
Trong cái vui có chứa cái buồn.
Thưởng đèn thiền tính buông tuồng,
Mải mê cảnh đẹp đạo thường lìa xa.
Đại đan đó từ xưa nên giữ,
Một lần rơi, suy rõ lại may.
Tâm thiền gìn giữ từng giây,
Lỏng lơi lười biếng là quay sang tà.
Với người thường, thích nhìn ngắm núi sông hoa cỏ là một thú vui tao nhã. Nhưng với người tu, đó có thể là một “chấp trước”, ràng buộc, khiến lạc vào ma đạo.
Quả vậy, ở hồi 95 – “Giả hợp chân hình bắt thỏ ngọc; Chân âm về chính gặp nguồn thiêng”, đoạn thơ tả cảnh giao đấu giữa Ngộ Không và thỏ ngọc có câu rằng: “Chỉ do vua chẳng chính kinh, Yêu hoa nên mắc vào vành yêu ma.”
Người ta thường ví người con gái xinh đẹp tựa như hoa; là hoa hay là nữ nhi nhan sắc yêu kiều cũng dễ xiêu lòng người quân tử. Kỳ thực, đó đều là tâm tham luyến cái đẹp, là do cảm thụ của đôi mắt trần tục gây ra. Từ ngày vượt qua núi Lưỡng Giới, Tôn Ngộ Không đã diệt trừ lục tặc, một trong sáu tên cướp đó là “Nhãn Khán Hỷ” (Mắt thấy mừng). Phật gia giảng “lục căn thanh tịnh”, muốn đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện thì sáu giác quan “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý” đều phải thanh tịnh. Đến hồi này Đường Tăng lại gặp nạn, có lẽ là để ông tịnh hóa lục căn của mình thêm một tầng nữa.
Thật ra, ngay từ lúc Đường Tăng còn ở chùa Bố Kim, ông đã nhận được điểm hoá phải cẩn thận với ma sắc. Hồi 93 có viết:
“Các nhà sư đáp:
– Quả núi chúng tôi đây gọi là núi Bách Cước. Mấy năm trước vẫn thái bình. Gần đây thiên khí tuần hoàn, chẳng biết vì sao lại sinh ra mấy con rết thành tinh thường nằm dưới mặt đường hại người qua lại. Tuy không đến nỗi chết người, nhưng cũng chẳng ai dám đi….”
Hai lần trước Đường Tăng sa lưới tình đều liên quan tới yêu tinh rết, loài rết này có độc, cũng như thứ độc tố của ái tình làm tê bại tâm tu luyện của Đường Tăng. Lần này, mấy con rết thành tinh nằm dưới mặt đường, lẽ ra nên nhắc ông thận trọng, nhưng cuối cùng ông vẫn mắc sai lầm. Người tu luyện thấy yêu tinh hại người, cũng chính là nói phát hiện ra ma tính của bản thân, “tuy không đến nỗi chết người” nhưng cũng là có sơ hở, phải nghiêm túc diệt trừ. Không thể mang theo bất cứ chấp trước nào mà viên mãn. Nhưng Đường Tăng chỉ lo sớm vào thành đổi điệp văn nên bỏ qua, khác nào “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, chiêu mời khổ nạn. Quả nhiên về sau, khi Tôn Ngộ Không đánh thắng công chúa giả, giải cứu công chúa thật xong rồi, một việc cần làm đó là “chọn chừng nghìn con gà trống thả vào trong núi để trừ loài trùng độc đó”. Đó cũng là một khía cạnh của việc người tu luyện “tu kỷ lợi nhân”, tu chính mình mà tạo phúc cho chúng sinh vậy.
Sự suồng sã của Bát Giới
Dĩ nhiên, buông bỏ cái tâm tham luyến sắc đẹp và dục vọng ái tình ấy không phải dễ dàng. Vì để giải cứu công chúa thật, Đường Tăng phải theo kế “ỷ hôn hàng quái”, tự mình dấn thân vào miệng cọp, nếu việc không thành thì chính mình cũng mạng vong. Tất nhiên, trong con mắt phàm phu tục tử thì Đường Tăng “vớ bở” rồi, vợ đẹp lại giàu sang như thế mơ cũng chẳng được! Nên mới có chuyện “Bát Giới nghe xong giậm chân vỗ ngực nói:
– Biết thế tôi đi có hơn không. Chỉ tại cái chú Sa Tăng vô lại này. Giá chú không ngăn tôi, tôi đã đi tuột tới chỗ lầu hoa, quả cầu thêu gieo trúng đầu lão Trư, công chúa kén lão Trư làm phò mã chẳng tuyệt hơn à? Trai anh hùng sánh gái thuyền quyên. Vớ được món bở như thế còn thú nào bằng!”
Sau lại nói: “Sư phụ làm phò mã, vào cung giao hoan với công chúa, không phải trèo đèo lội suối, đụng quái gặp ma, cần gì phải anh bảo vệ!…” Sau này khi gặp lại Hằng Nga, Bát Giới ta lại lòng dục xốn xang, buông lời trêu ghẹo.
Như chúng ta đã biết, năm thầy trò Đường Tăng là “ngũ vị nhất thể”, tuy năm mà một, trong đó Trư Bát Giới là hình tượng hoá tình cảm và dục vọng của người tu hành. Biểu hiện suồng sã của Bát Giới, sự bực tức và đe nẹt của Đường Tăng trong mấy hồi này cho thấy những giằng co, tranh đấu giữa Phật tính và ma tính trong nội tâm của người tu luyện. Phần “con người” thấm đẫm khao khát tình yêu vẫn mơ mộng cảnh “trai anh hùng, gái thuyền quyên”, thậm chí vì nó mà tranh đấu một đời, tự mình chuốc khổ. Có người vì giấc mộng uyên ương không thành mà cõi lòng nát tan, như cây úa tàn không buồn sống nữa. Có biết đâu rằng, đời người ngắn ngủi, tất cả những truy cầu đẹp đẽ đó chỉ như hoa trong gương, trăng trong nước, sớm vỡ tan như bong bóng xà phòng mà thôi. Điều mà người phàm cho là tốt ấy, với người tu luyện chân chính có khi lại là xấu, là ma lực cản bước trên đường hồi Thiên.
Công chúa giả, công chúa thật
Trước đây ở hồi 58 – “Nhị tâm làm loạn càn khôn rộng; Một thể khó tu tịch diệt chân”, cuộc giao đấu giữa Mỹ hầu vương thật và Mỹ hầu vương giả từng chấn động cả thiên đình địa phủ, cũng là ẩn dụ cho sự hung hăng của “cái tôi giả” của người tu luyện, cấu thành từ những quan niệm, thói quen xấu và nghiệp lực hậu thiên. “Cái tôi thật” mới là chân tâm, chân tính của người tu luyện có từ tiên thiên, là lương thiện, vô tư, thuần khiết; nhưng khi rơi rớt xuống hồng trần, trải qua luân hồi chuyển kiếp nó đã bị “cái tôi giả” kia phong bế mất rồi.
Giờ đây, vài dòng miêu tả công chúa giả cũng phần nào hé lộ bản chất của cái giả ngã này. Khi Ngộ Không hét vang xông tới, yêu quái “trút hết áo xiêm, bỏ cả vòng xuyến trang sức, chạy tuột vào miếu thổ địa”; đám hậu phi cũng có người nói “Đúng đây là quần áo vòng xuyến của công chúa, nay yêu tinh bỏ cả lại, trần trụi đánh nhau với hòa thượng trên trời, vậy ắt hẳn là yêu quái rồi”. Yêu quái trần truồng giao đấu, phải chăng ý nói rằng cái tôi giả này phản ánh những ham muốn của thân xác thịt, những cảm thụ đến từ nhục thể này, không bỏ chúng đi thì không siêu thoát nổi? Phải chăng cũng vì thế mà trước khi lên được Linh Sơn, Đường Tăng phải trút bỏ thai phàm ở bến Lăng Vân, cũng là nói thoát khỏi sự buộc ràng của mọi đam mê nhục dục.
Quay trở lại câu chuyện ép hôn ở kinh thành Thiên Trúc, sự xuất hiện của công chúa giả một lần nữa cho thấy, “cái tôi giả” này trải qua bao khó nạn vẫn chưa được tận trừ. Khi công chúa thật đang ngắm hoa dưới trăng, cũng là nói khi người tu luyện “lục căn buông sổng nhiều tham dục”, thì công chúa giả thừa cơ nổi gió cuốn người thật đi thật xa, còn khiến nàng rơi vào thảm cảnh “giả điên tác quái, đái ngay chỗ ngủ, ỉa ngay chỗ nằm, ban ngày nói nhăng nói nhít, giả dại giả ngây, nhưng đến đêm khuya tĩnh mịch lại nhớ cha mẹ khóc thút thít”. Đọc đến đây chợt cảm khái, nếu ta đắm chìm trong hưởng thụ thanh sắc thế gian này, thì thật có lỗi với sinh mệnh của chính ta!
Vậy làm thế nào tìm lại công chúa thật? Hồi 95, “Giả hợp chân hình bắt thỏ ngọc; Chân âm về chính gặp nguồn thiêng” có viết:
“Quốc vương nghe xong, níu lấy Đường Tăng hỏi:
– Công chúa giả là yêu quái, vậy công chúa thật đang ở đâu? Hành Giả tiện mồm đáp:
– Để tôi bắt xong công chúa giả, công chúa thật tự nhiên sẽ trở về.”
Một câu nói đơn giản mà đạo lý thâm sâu. Nhận ra, tiêu diệt những biểu hiện giả dối của cái tôi cấu thành từ dục vọng và nghiệp lực hậu thiên đó, thì bản tính thuần chân sẽ tự nhiên hiển hiện xuất lai. Hành trình giải cứu công chúa thật phải chăng cũng chính là con đường “phản bổn quy chân” mà giới tu luyện xưa nay đều tuyên giảng?
Công chúa thật vốn là nàng Tố Nga trên cung Quảng rơi xuống hồng trần, một lần nữa tiết lộ thiên cơ: bản lai sinh mệnh con người đến từ Thiên Thượng. Vậy nên, con người sống ở thế gian thì làm người vốn không phải là mục đích, mà có thể tu luyện trở về mới là ý nghĩa chân thật. Trong sách “Chuyển Pháp Luân”, đại sư Lý Hồng Chí giảng giải tận tường về nguồn gốc sinh mệnh, khai mở những ẩn đố về tu luyện, vũ trụ và nhân sinh; bài viết này chỉ là chút kiến giải hạn hẹp, một phần rất nhỏ lĩnh hội được nhờ đọc cuốn “thiên cổ kỳ thư” ấy.
Quả đúng là:
“Ầm ầm trên chốn vũ đài,
Người kia vừa xuống thì người này lên.
Thực là dại dại điên điên,
Quê ai mà nhận là miền làng ta.
Quay đầu giờ mới tỉnh ra,
May quần áo cưới đều là vì ai!”
(Hảo liễu ca chú – “Hồng Lâu Mộng”)
Chú thích:
(*) Một câu trong kinh điển Đạo gia là “Thái thượng cảm ứng thiên”.
(**) Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986.
- Xem trọn bộ Giải mã Tây Du Ký
Thanh Ngọc