“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi mang đậm tính huyền sử của Trung Quốc, thường được giới học giả so sánh với trường ca Iliad của Hy Lạp. Bộ truyện lấy bối cảnh chiến tranh Thương – Chu, lồng vào rất nhiều yếu tố của Phật, Đạo, Thần, người, ma, chuyện quái dị, thơ, từ, ca, phú… được người đời tán thưởng không thôi. 

Từ khi “Phong Thần diễn nghĩa” ra đời vào triều Minh đến nay, nhà nhà đều biết, người người đều hay. Loạt bài “Giải mã Phong Thần” này muốn thêm một lần nữa phân tích, giải mã bộ tiểu thuyết đồ sộ này, hy vọng độc giả sẽ có được một sự tiếp nhận mới mẻ hơn, đồng thời nhận rõ được yếu tố văn hoá Thần truyền vĩ đại ẩn chứa bên trong đó. 

1. Tác giả bộ truyện là ai? 

Đến nay, đó vẫn còn là câu hỏi chưa tìm ra lời giải. Có người nói là do Hứa Trọng Lâm đời Minh viết, lại có người cho rằng tác giả là một người tu hành Đạo gia họ Lục. Chuyện cũ không còn nhiều bằng chứng để xét đoán, vậy nên ai là tác giả cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Dẫu vậy, người đó chắc chắn phải có kiến thức uyên thâm về những chuyện tu luyện Đạo gia, Thần tiên ma quỷ thì mới viết được bộ tiểu thuyết nội hàm phong phú, tài tình đặc sắc, sống động như thật thế này. Đọc “Phong Thần”, dù là người thanh nhã hay kẻ phàm tục cũng đều có được thu hoạch riêng. 

Tác giả có thể là người tu hành hay văn nhân có nền tảng văn hóa sâu sắc, thông qua phương thức văn hóa thông tục, lấy lịch sử làm cơ sở mà viết ra kiệt tác để giáo hóa nhân tâm, làm rõ thiện ác, hoằng dương chính khí, truy về nguồn gốc, ảnh hưởng sâu rộng. Thật đúng là: “Văn để chuyển Đạo”. 

Tranh vẽ Trụ Vương: Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

2. Hình mẫu điển hình về chuyện thay triều đổi đại

Lịch sử Thương Trụ vong, Chu Võ hưng là một thời kỳ trọng yếu trong nền văn minh thượng cổ. Trong đó, thiện ác đối lập, thứ bậc của người và Thần, mới và cũ thay nhau, kiếp vận và số trời, cao thấp sang hèn, vương hầu thế tập và biến đổi. So với bất kỳ lần biến ảo vương triều nào trong 5.000 năm, nó đều điển hình và nổi bật hơn cả, có thể nói là hình mẫu, kinh điển lịch sử tốt nhất. 

Đáng suy nghĩ hơn, toàn bộ cuốn tiểu thuyết mô tả lại quá trình người, Thần, yêu, ma đều gặp kiếp nạn cùng lúc, người thượng cổ từ thuần phác sang văn minh, từ cai quản sang li loạn, từ thái bình sang sát phạt. Khi ấy, mỗi sinh mệnh đều cần đưa ra lựa chọn cuối cùng của bản thân trong hoàn cảnh mà cương thường đạo lý đều đã mất hết, chính tà hỗn tạp, thiện ác đan xen. 

Từ người đến Thần, từ Thần đến yêu quái, từ Trời đến Đất, từ Triều Ca đến Tây Kỳ, từ vương hầu đến ngư tiều, từ núi rừng đến hải đảo, từ hồng trần đến cõi tiên, không ai có thể tránh được sự “phán xét” cuối cùng ấy.

Họ phải chủ động hoặc bị động lựa chọn con đường cho mình, đứng về chính nghĩa hay cùng một giuộc với gian tà, hoặc là kích động, hoặc là do dự, hoặc là mơ màng, hoặc là quyết sống chết, thái độ của mỗi một sinh mệnh, trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định tương lai của chính họ. Chọn con đường tiến sang tương lai hay chấp nhận bị níu chân lại và chịu sự huỷ diệt, đều là do thái độ ấy mà thành. 

3. Kẻ vô đạo ắt chẳng kính Thần 

Thế cuộc ngàn năm, luôn là lấy đạo đức làm đầu. Triều Thương kế thừa đạo đức của Thành Thang, Thành Thang cầu hiền Y Doãn, mở lối ra cho sinh linh, khoan thứ nhân đức, cứu giúp sinh mệnh, làm cho mưa thuận gió hòa, nhường ngôi truyền vị 600 năm.

Trụ vương nhà Thương thay rường đổi cột, sức mạnh vô song, văn có Thương Dung, Tỉ Can, Triệu Khải, võ có Thái sư Văn Trọng, Hoàng Phi Hổ, tam cung hoàng hậu hiền lương thục đức, tứ đại chư hầu, uy chấn 8 phương. Đó vốn là điều kiện để có thể tạo dựng nên một thời thịnh thế. Nhưng Trụ vương lại là kẻ vô đạo, ỷ mạnh mà hoang dâm, báng bổ thần linh, coi thường luân lý. 

Kẻ vô đạo như thế ắt là chẳng kính Thần. Thời thượng cổ, người người đều kính Trời Đất, kính quỷ thần, giữ đạo đức, giữ luân thường. Nữ Oa là Thần thủy tổ Trung Hoa, thế mà Trụ vương lại có ý báng bổ, từ đó xúc phạm thần linh, gieo mầm nhân quả, vì sắc dục mà đã chiêu mời con hồ ly tinh ngàn năm đến, bị mê mất bản tính, cuối cùng mất đi giang sơn xã tắc.

Mở đầu, “Phong Thần diễn nghĩa” nói về kẻ vô đạo (Thương Trụ) bất kính Thần cũng chính là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Tất cả khởi đầu của vô đạo đều là bất kính Thần. Bất kính Thần nên phóng túng dục vọng, đánh mất đạo đức, gieo cái nhân diệt vong vậy. 

Tranh vẽ Nữ Oa vá trời: Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

4. Người thường và người tu hành cùng sống trên đời 

Con người thời thượng cổ, do chuẩn mực đạo đức cao, phong thái người dân thuần hậu, tin vào sự dạy bảo của Thần, nên các kỳ tích Thần, Đạo đều triển hiện trước mắt cho người đời. Họ cũng không coi đó là những chuyện viển vông, mê tín như cái cách mà con người hiện đại ngày nay vẫn thường cố chấp. 

Thời ấy, người tu hành đương thời được tôn trọng ở khắp nơi. Từ việc Trụ vương tiếp kiến Vân Trung Tử, có thể thấy Thiên tử cũng mộ Đạo ra sao. Văn Thái sư đã tu hành trong Triệt giáo, Hoàng Phi Hổ, Trương Quế Phương, Sùng Hắc Hổ, Trương Khuê, võ tướng chư hầu đều có cao nhân dị thuật, đều có mối liên hệ mật thiết với các bậc tu hành ở cõi tiên. 

Lý Tĩnh, tướng trấn thủ Trần Đường Quan học Đạo với tản tiên Độ Ách ở Tây Côn Luân. Con trai cả Kim Tra bái Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn ở Ngũ Long Sơn làm thầy. Con trai thứ Mộc Tra nhận Phổ Hiền Đạo Nhân ở Cửu Cung Sơn làm thầy. Con thứ ba Na Tra cũng bái Thái Ất Chân Nhân ở Can Vân Sơn làm thầy.

Con trẻ có căn cơ tốt thường được các sư phụ Đạo gia tìm đến thu nhận làm đồ đệ rồi vào núi chuyên tu khổ luyện. Có người xuất thế tu thành bậc Thần Tiên, có người học xong phụ tá quân vương, có người lại ẩn dật chốn dân gian tu thân dưỡng tính.

Vào thời triều Thương lúc đó, những người như thế này rất phổ biến, từ giáo dục, dụng binh, nghệ thuật, lựa chọn nhân tài, phong tục tập quán dân gian, chế độ, lĩnh vực nào cũng có thể thấy văn hóa cuối thời nhà Thương là văn hóa nửa Thần – nửa người điển hình. Đó cũng không phải là truyền thuyết, mà là lịch sử chân thực, tồn tại trong cuộc sống hiện thực của người đương thời. 

Sự diệt vong của triều Thương cũng đã dự báo về một cái kết thời đại người thượng cổ và người tu hành cùng chung sống. Nguyên nhân chủ yếu là đạo đức tổng thể của người đời đã trượt dốc, cần sự ra đời nền văn hóa và chẩn mực thích ứng với thời kỳ mới. Mỗi lần thay đổi như thế này, mãi cho đến tận hôm nay, đã trải qua bao năm tháng xa xưa, người đời vẫn cho rằng đó là các câu chuyện thần thoại hư cấu.

Truyện ngày nay đời sau người ta đều cho là thần thoại: Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

5. Vua Trụ tại sao độc ác hung tàn đến thế?

Trụ vương có sức mạnh địch vạn người, giết gấu đánh hổ, hùng tài cái thế, chính là một minh quân, vì sao lại trở nên hung tàn, độc ác tuyệt đỉnh cổ kim? Lý do chính vì bị con yêu tinh cáo làm mê muội, đánh mất bản tính. Yêu tinh cáo tu luyện ngàn năm, đã giết chết một cô gái tiến cung tên là Đát Kỷ, chiếm lấy xác nàng và làm mê hoặc Trụ vương bằng phép yêu. 

Nhưng có câu nói: “Kẻ phóng túng dục vọng thì chiêu mời ma quỷ“. Yêu ma không phải tự nhiên đến, mà là khởi nguồn từ việc Trụ vương phóng túng, ma tính vô độ, buông thả sắc dục, phỉ báng thần linh, đặt hình phạt nướng chết để chặn lời can gián, giết vợ giết con, diệt nhân luân tông miếu, đặt các bồn bò cạp ăn thịt người trong cung, giết chư hầu, thất tín thiên hạ. Ông ta còn dựng các kho lẫm vơ vét của cải thiên hạ, ức hiếp vợ kẻ bề tôi, không mảy may liêm sỉ, tàn sát bạo ngược sinh mệnh để mua vui, mổ thai phụ moi thai, cắt thận các đồng nam nấu canh ăn, tuyệt diệt dòng dõi của muôn họ. 

Quân vương hưởng cực đỉnh phú quý chốn nhân gian không phải để mê đắm trong dục vọng. Họ cần phải giữ đức bậc quân vương, thực hiện luân thường, bảo vệ sinh mệnh bá tính, tránh xa sắc dục, đón nhận lời trung, biết liêm sỉ, tiết dụng của cải, kính trời yêu dân, thuận theo thiên ý. Trụ vương hoàn toàn là làm ngược lại, cuối cùng nước mất nhà tan, đốt xác diệt thân nơi hoang đài. 

Trụ vương tích tụ hết tội ác cổ kim, là cái gương thiên cổ cho hậu thế. Con người không thể làm ác, phóng túng dục vọng, nghịch lẽ trời, diệt nhân tính, quân vương lại càng cần giữ những điều này. Ác tày trời như Trụ vương, cuối cùng chiêu mời yêu ma đến hại mình. Con người thế nhân bại hoại đạo đức, phóng túng dục vọng, yêu ma cũng tất sẽ lại đến hại người. Trong “Phong Thần” có một câu nói rất quen thuộc, ai đọc cũng nhớ: “Nước sắp vong tất có yêu nghiệt” chính là để nói về tình huống này. 

6. Người và Thần ai dám trái lời thề? 

Thân Công Báo vốn là đạo sỹ tu hành trên núi Côn Luân, vì lòng đố kị mà gây sự với Triệt giáo và Xiển giáo, trước mặt sư tôn đã lập lời thề, phản bội lời thể bị ném vào mắt biển Bắc Hải. Ân Giao, Ân Hồng là con Trụ vương, phụ ơn cứu mạng của Đạo gia Côn Luân, quên nỗi hận đau đớn giết mẹ, chẳng nghe lời sư tôn khổ tâm dặn dò, làm ngược ý trời, giúp Trụ làm ác. Ân Giao, Ân Hồng đều lập lời thề, nhưng cả hai đều bị Thân Công Báo kích động, cuối cùng đã phản bội lời thề, một kẻ biến thành tro trên Thái cự đồ, một kẻ kẹt dưới núi bị cày cuốc bổ xẻ. 

Trong “Phong thần”, những nhiều câu chuyện thề độc như thế vốn có rất nhiều. Những kẻ không thực hiện lời thề chắc chắn không thoát được nhân quả, dù đó là Thần cao đến mấy, có pháp lực siêu thường đến mấy. Lời thề một khi thốt ra là nghiêm túc phi thường, đôi khi có quan hệ đến sinh mạng của mình. Đừng bao giờ đùa cợt với lời thề, làm trái những thệ ước của chính mình. 

7. Thân người khó được

Trong “Phong Thần” kể rằng, vào  triều đại Nhà Thương có 3 giáo phái cùng phát triển rực rỡ là: Xiển giáo, Triệt giáo và Đạo giáo. Đứng đầu 3 giáo phái lần lượt là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo Chủ và Lão Tử. Trong đó, Triệt giáo và Xiển giáo thường phát sinh mâu thuẫn, liên tục phân tranh.

Nguyên nhân là Triệt Giáo quan niệm: “Hữu giáo vô loài”, tức là bất cứ loài nào, dù là người hay động vật, chỉ cần có ý muốn tu hành là đều có thể được truyền dạy Đạo. Vấn đề động vật có thể được tu thành chính quả hay không vẫn luôn là mấu chốt khiến cho thượng giới chia rẽ. Sự mâu thuẫn đó thể hiện ở dưới xã hội loài người là cuộc chiến tranh Thương – Chu. Triệt giáo ủng hộ nhà Thương, còn Xiển giáo ngả về nhà Chu.

Môn đồ Triệt giáo phần nhiều là động vật tu hành, đắc được linh khí của trời đất. Nhưng pháp lý của vũ trụ chính là động vật không thể tu thành chính quả, lại vừa đúng gặp kiếp số, rất nhiều môn đồ Triệt giáo đã không giữ được tâm tính, bị đánh hạ trở lại nguyên hình, đạo hạnh đã tu trong ngàn năm bị hủy trong chốc lát.

Ô Vân Tiên hóa thành con ba ba vàng, bị Tây phương Chuẩn đề Đạo nhân cho vào Tây phương Bát đức trì. Cầu Đầu Tiên bị đánh xuống thành sư tử lông xanh, bị Văn Thù Quảng Phát Thiên Tôn cưỡi. Linh Nha Tiên bị đánh xuống thành con voi trắng, bị Phổ Hiền Đạo Nhân thu phục. Kim Quang Tiên bị Từ Hàng Đạo Nhân đánh xuống thành con chó lông vàng. Quy Linh Thánh Mẫu bị đánh xuống về nguyên hình là con rùa…

Loài động vật hoang cũng có thể tu luyện thành. Mai Sơn có 7 yêu quái, chúng là 7 loại động vật hoang dã: Vượn trắng, lợn, dê, trâu, chó, rắn và rết, tu luyện mà thành. Nhưng chính vì động vật không thể tu thành chính quả, chúng mới vào lúc Võ vương phạt Trụ, không chịu nổi cô đơn, xuất sơn cầu danh, chỉ qua một trận đại chiến, 7 yêu quái đều bị giết cả. Động vật không được phép tu thành chính quả, cho dù có tu trì ngàn năm, thì cũng có kiếp nạn đến để diệt chúng. 

Tu hành không dễ, căn cơ khác nhau, đạo hạnh cũng có nông sâu, mỗi người đều có chỗ trở về của mình. Ba Đại Sỹ sau khi nhận 3 con vật để cưỡi đã đại hưng Thích giáo, Khổng Tuyên Đại Minh Vương theo Chuẩn Đề Đạo Nhân đi thế giới Tây Phương, những vị thần có tên trong bảng Phong Thần đều có con đường trở về khác nhau, cũng là phần thưởng cho những khổ tu của họ.

(còn nữa)

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch

Xem thêm: