Đại Kỷ Nguyên

Giải mã truyện cổ Andersen: Con quỷ của ông chủ cửa hàng tạp hóa

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Con quỷ của ông chủ cửa hàng tạp hóa

Ngày xưa có một anh chàng sinh viên nghèo, thật thà, ngay thẳng, sống trong một căn gác xếp, chẳng có lấy một tí gì. Cũng trong căn nhà ấy lại có một ông bán hàng tạp hóa lương thiện và là chủ của căn nhà. Bạn của ông là một con quỷ sứ. Đêm Noel ông cho nó một bát bột ngào sữa và một mẩu bơ to tướng. Con quỷ sứ ở ngay trong cửa hàng, nơi nó biết đến là lắm chuyện.

Một buổi tối kia, chàng sinh viên đi cửa sau vào mua nến và pho-mát. Chàng không có ai giúp việc và vẫn phải tự đi mua lấy các thứ. Người ta giao hàng và chàng trả tiền. Ông chủ cửa hàng gật đầu chào chàng, chàng sinh viên đáp lễ và dừng lại đọc tờ giấy gói miếng pho-mát của mình. Đó là một tờ giấy xé ở một cuốn sách cũ, lẽ ra không nên xé vì cuốn sách ấy là một tập thơ.

Ông chủ cửa hàng bảo:

– Cuốn sách ấy có nguyên vẹn đâu. Có một bà lão đem đổi cho tôi lấy một nắm cà phê đấy mà. Đưa tôi tám silinh, tôi sẽ đưa nốt chỗ còn lại cho anh.

– Không! Có đổi lấy miếng pho-mát thì đổi, tôi ăn bánh mì với bơ thôi cũng đủ, xé một cuốn sách như vậy thật đáng tiếc. Bác là một con người khôn ngoan thực tế, nhưng đối với thơ ca, bác cũng chỉ hiểu biết đại khái như cái sọt này mà thôi!

Nói như vậy cũng khá vô lễ, nhất là đối với cái sọt, nhưng ông chủ hàng vẫn cười, anh sinh viên cũng cười…

Họ đùa nhau, nhưng con quỷ sứ thấy có người nói như vậy lấy làm tức lắm, vì ông chủ hiệu tạp hóa bán loại bơ ngon nhất, lại là chủ của nó.

Đêm đến, lúc mọi người đi ngủ cả, trừ anh chàng sinh viên, con quỷ sứ bèn lẻn vào buồng bà chủ lấy hàm răng giả của bà. Cái hàm răng ấy có phép kỳ diệu, chỉ cần đặt nó lên bất cứ vật gì trong buồng lập tức vật ấy sẽ nói được và sẽ phát ra những tư tưởng cảm xúc của nó, không kém gì bà chủ, có điều là không bao giờ nói cùng với bà ta cả; thế cũng may, nếu không thì đâm ra cả hai cùng nói trong mồm.

Con quỷ sứ đặt hàm răng vào trong sọt đựng báo cũ và hỏi sọt:

– Có đúng là mày không biết thơ là gì phải không?

– Biết lắm chứ, sọt nói, thơ là cái ta vẫn thấy ở phía dưới các tờ báo và thường được người ta cắt ra ấy mà. Tôi tưởng rằng tôi còn chứa nhiều thơ hơn một anh sinh viên ấy chứ, nhưng ví với ông chủ thì tôi còn kém xa.

Con quỷ đặt hàm răng vào cái sọt. (Ảnh: youtube.com)

Con quỷ sứ đặt hàm răng giả lên cái cối xay cà phê, rồi đặt lên hũ đựng bơ và ngăn kéo đựng tiền. Chúng đều đồng ý kiến với sọt. Phải tôn trọng ý kiến của đa số.

Quỷ sứ nói:

– Thôi đến lượt anh sinh viên!

Nó trèo lên thang gác nhà bếp lên đến tận căn gác xép tồi tàn của chàng sinh viên, bên trong vẫn còn sáng. Con quỷ sứ dòm qua lỗ khóa thấy chàng sinh viên đang ngồi đọc những trang sách nát trong cuốn sách của ông chủ hàng. Nhưng sao căn phòng lại sáng đến thế! Cuốn sách phát ra một tia sáng tỏa ra như một gốc cây, vươn rất cao và xõa cành trên đầu người đọc sách. Tấm lá nào cũng tốt tươi, mỗi đóa hoa là một cái đầu thiếu nữ xinh tươi với cặp mắt huyền đen láy hoặc những đôi mắt xanh cực kỳ trong sáng. Mỗi quả là một vì sao lấp lánh và trong phòng vang lên tiếng đàn hát mê hồn….

Quỷ sứ chưa từng hình dung nổi những cảnh tuyệt vời như thế bao giờ. Nó kiễng chân, đứng đực ra đấy, mắt nhìn chằm chằm, cho đến khi ánh sáng trong phòng vụt tắt đi.

Sau lúc chàng sinh viên tắt đèn đi ngủ, quỷ sứ vẫn không nhúc nhích vì tiếng hát vẫn ngân lên êm ái và quyến rũ như ru cho chàng sinh viên ngủ.

Quỷ sứ lẩm bẩm:

– Thế mới tuyệt chứ! Mình không ngờ đấy. Không biết có nên đến ở với anh sinh viên này không nhỉ?

Nó suy nghĩ hồi lâu rồi tự nhủ:

– Nhưng hắn lấy đâu ra bột ngào sữa cho mình ăn?

Nghĩ thế nó quyết định trở về với ở với ông chủ hàng tạp hóa.

Nó về vừa đúng lúc vì cái sọt dùng hàm răng giả nói quá nhiều nên đã gần mòn hết. Con quỷ sứ mang hàm răng giả về trả cho bà chủ. Nhưng từ đó trở đi, cả cửa hàng từ ngăn kéo đựng tiền cho đến hũ bơ đều tán thành ý kiến của sọt, đều kính nể và hoàn toàn tin tưởng ở sọt. Thậm chí đến ông chủ hàng đọc bài “tin tức văn nghệ và sân khấu” đăng trong tờ báo buổi chiều cũng cứ tưởng là bài của sọt.

Nhưng con quỷ sứ không ngồi yên được lấy một lúc, khoa học và đạo lý thu lượm được trong cửa hàng tạp hóa đối với nó không đủ.

Đèn vừa thắp trong kho thóc thì dường như có những tia sáng như những sợi dây thừng kéo nó lên gác. Nó chạy vội lên nhìn qua lỗ khóa và lúc đó một cảm giác mạnh mẽ nổi lên trong người nó, giống như người đi bể gặp phong ba.

Chẳng hiểu tại sao nó khóc òa lên và cảm thấy nguôi nguôi qua hàng lệ. Giá được ngồi bên chàng sinh viên dưới gốc cây lớn thì thú vị biết bao! Than ôi! Không được, nó đành nhìn qua lỗ khóa vậy.

Quỷ sứ ước rằng nó được ngồi bên chàng sinh viên. (Ảnh: youtube.com)

Gió thu bắt đầu thổi qua kẽ hở trên mái nhà, nhưng nó vẫn còn đứng đấy, đứng trên ván gác lạnh.

Dẫu có rét đến mấy nó cũng chẳng bao giờ cảm thấy gì trước khi ánh sáng trong phòng tắt đi và tiếng nhạc ca im hẳn. Chỉ đến lúc đó nó mới cảm thấy cóng, nó run rẩy trở về cửa hàng, dưới ấy mới dễ chịu và ấm áp, ấy là chưa nói đến món bột ngào sữa đêm Noel và mẩu bơ to tướng.

Ông hàng tạp hóa còn giữ được nó là ở chỗ đó.

Một đêm kia, tiếng ồn ào dữ dội làm con quỷ sứ bừng tỉnh. Nhìn qua cửa sổ nó thấy thiên hạ đang kêu cứu. Bác tuần canh đang báo động.

Cháy sáng rực cả phố. Cháy cửa hàng tạp hóa hay cháy nhà bên cạnh? Thật khủng khiếp! Bà chủ hàng kinh hoảng đến nỗi tháo ngay hoa tai bỏ vào túi, nghĩ rằng mình cũng đã chạy được chút đỉnh. Ông chủ hàng chạy cái két bạc và chị giúp việc chạy cái khăn vuông bằng lụa của chị.

Ai cũng muốn chạy vật gì quý giá nhất.

Quỷ sứ nhảy lên đến tận buồng chàng sinh viên, anh ta đang lặng lẽ đứng trước cửa sổ xem đám cháy phát ra từ nhà bên cạnh. Con quỷ sứ vớ lấy quyển sách kỳ diệu đang để trên bàn, nhét vào cái mũ trùm đầu màu đỏ của nó và giữ khư khư bằng cả hai tay: Thế là của quý nhất nhà vẫn còn nguyên chưa việc gì!

Nó chui qua ống khói, chuồn lên mái nhà. Nó ngồi đấy, ngồi trong ánh lửa của căn nhà bên cạnh đang cháy, hai tay giữ cái mũ màu đỏ của nó, trong đựng của quý.

Giờ đây nó đã biết tâm hồn nó phải ngả về đâu và con người nó thuộc về ai. Nhưng khi đám cháy tắt thì lý trí lại thắng thế. Nó tuyên bố :

– Ta sẽ sống san sẻ với cả hai người. Không thể bỏ đứt ông chủ hàng tạp hóa được, vì món bột ngào sữa quả thật là ngon quá.

Trong nguy nan quỷ sứ biết tâm hồn nó phải ngả về đâu. (Ảnh: youtube.com)

Điều đó cũng rất “con người” vậy.

Chúng ta cũng thế thôi, chúng ta cũng sẽ quay trở về với ông chủ hàng tạp hóa chỉ vì món bột ngào sữa.

Lời bàn:

Bạn đọc chắc hẳn đã từng có lần đi ăn xôi sáng hay mua quà vặt mà tình cờ đọc được một câu chuyện ý nghĩa, một bài thơ hay… trên tờ giấy gói xôi, gói quà. Lúc ấy, có lẽ bạn sẽ nhớ đến câu chuyện này và mỉm cười.

Con quỷ được ông chủ hàng tạp hóa nuôi nên khi thấy chàng sinh viên coi thường kiến thức của ông chủ thì quỷ ta bất bình lắm. Làm sao một người khôn ngoan, thực tế, người cho nó ăn uống ngon lành no đủ lại kém hiểu biết hơn một tay sinh viên nghèo kiết xác, phải đổi pho-mát để lấy cuốn sách cũ? Chắc quỷ đã nghĩ: “Đúng là cái đồ đã nghèo lại còn sĩ diện!”.

Ví sự hiểu biết về thơ của ông chủ hàng với cái sọt đựng báo cũ thì quá quắt lắm. Nó phải đi hỏi cái sọt xem sao. Tất nhiên, sọt đã đựng rất nhiều báo, trên báo có thơ. Anh sinh viên nghèo kiết kia làm sao chứa đựng được nhiều thơ như nó, vì nếu thế thì anh ta ăn bằng gì? Thế mà báo ấy do ông chủ vứt vào, rõ là sọt còn thua cả ông chủ về khả năng biết về thơ ấy chứ. Các đồ vật trong cửa hàng đều xác nhận điều ấy. Mà chắc hẳn đa số là phải nắm chân lý chứ lị.

Quỷ ta chắc mẩm anh sinh viên thua đứt.

Nhưng những gì quỷ nhìn thấy từ những trang sách chàng sinh viên nghèo đang đọc đã làm nó chấn động. Không ngờ thơ đẹp thế. Thơ không chỉ dùng để gói hàng và khi thơ và người đồng điệu, thì đó là cảnh trí nơi thiên đường mà quỷ không bao giờ ngờ được. Quỷ đờ ra mất một lúc. Nó xúc động lắm. Trong khoảnh khắc ấy nó tự hỏi có nên bỏ ông chủ hàng để đến ở với anh sinh viên không?

Nó đã hiểu vì sao thơ trong tay ông chủ chỉ là giấy gói hàng, còn chàng sinh viên lại thấy được đó là báu vật. Đúng là “cầm vàng còn để vàng rơi”.

Nhưng bát bột ngào sữa đã kéo nó về với “thực tại”.

Khi quay về cửa hàng tạp hóa, quỷ đã nghĩ khác rồi. Lúc này thì cái sọt đã trở thành một kẻ ba hoa rỗng tuếch, được tung hô bởi đám đông cũng rỗng tuếch như nó. Hình như cứ mang danh là kẻ chứa đựng sách vở kiến thức là thiên hạ nể phục rồi. Chẳng trách thiên hạ ham bằng cấp, thích thương hiệu đến thế.

Nhưng cái ánh sáng và âm thanh mê li kia thì sọt và những kẻ hâm mộ của sọt chưa từng được nhìn thấy. Đó là ánh sáng của chân lý, của trí huệ, của những cảnh giới tinh thần cao chất ngất. Chúng tưởng rằng chân lý cũng chỉ là mẩu giấy gói hàng.

Nhưng quỷ thì không bao giờ quên được cảm giác tuyệt vời khi nó được nhìn thấy một chút chân lý qua lỗ khóa. Nó chán ngán với đám đông ngốc nghếch kiêu căng, chán ngán với những đạo lý nông cạn nơi ấy. Thế mà trước đây nó cũng từng là một trong số chúng, tưởng rằng ý nghĩa của cuộc đời chỉ nằm trong bát bột ngào sữa và miếng bơ to là hết. Một sức mạnh vô hình kéo nó lên trước cửa phòng anh sinh viên để lại được nhìn thấy gốc cây trí tuệ ấy. Nó xúc động đến nỗi òa khóc và đứng chôn chân ngoài cửa bất chấp gió lạnh như cắt. Nó ước gì ngay lập tức được ngồi cạnh anh sinh viên bên gốc cây ấy, thế thì hạnh phúc biết bao.

Nhưng khi tiếng nhạc và ánh sáng tắt hẳn thì nó lại không quên được món bột ngào sữa và mẩu bơ to tướng.

Tâm trí quỷ bị giằng xé bởi một bên là thế giới tinh thần cao đẹp thiêng liêng và một bên là nhu cầu vật chất trần trụi.

“Bánh mì hay hoa hồng”, quỷ ta sẽ chọn gì đây?

Ai trong đời mà chẳng phải có sự lựa chọn. Và sẽ đến lúc buộc phải lựa chọn mà không kịp suy nghĩ gì cả.

Đấy là khi đám cháy xảy ra. Cái mỗi người cứu đầu tiên là cái quan trọng nhất với họ. Ông chủ cửa hàng chạy cái két bạc và chị người ở chạy cái khăn vuông bằng lụa của chị. Còn bà chủ thì tháo vội đôi hoa tai cho vào túi.

Chỉ mình con quỷ là lo lắng đến tập thơ. Nó chạy ngay lên buồng anh sinh viên và ôm chặt lấy cuốn sách kỳ diệu đó và giữ khư khư. Thôi, may quá, quỷ yên tâm thở phào rồi.

Chỉ có chàng sinh viên là bình thản nhìn đám cháy mà không phải lo chạy bất cứ đồ vật gì. Bởi chàng không có vật gì quý giá hết, chàng cũng chẳng cho vật gì là quý giá. Điều quý nhất chàng đã thu nhận nó vào trí óc và trái tim rồi. Nó không ở bên ngoài nữa.

Chàng là sinh viên hay nhà hiền triết?

Còn quỷ thì vẫn phải ôm cuốn sách. Bởi vì như bất cứ ai, chỉ cần một lần được nhìn thấy ánh sáng và âm thanh huyền diệu của nó thì đến chết cũng không thể quên được. Và đi theo cái ánh sáng ấy thì cũng không chết được. Chàng sinh viên có chết đâu. Chàng còn vui vẻ vô tư hơn người thường là đằng khác.

Nhưng quỷ lại nghĩ khác. Không có bát bột ngào sữa và miếng bơ to thì nó nghĩ mình cũng chết sớm. Thành ra quỷ ta giờ cũng chẳng biết hồn mình ai giữ. Vì phần “con người” của nó vẫn mạnh lắm. Giá như nó có thể buông bỏ hết thảy, thì nó sẽ đứng cạnh, nắm tay chàng sinh viên mà bình thản nhìn xuống loài người đang nháo nhác chạy loạn bên dưới trong cuộc đời mà trăm năm, nghìn năm vẫn vậy. Có lẽ quỷ lúc ấy đã sang một cảnh giới tinh thần khác, một kiểu sinh mệnh khác.

À mà, nhân loại chúng ta cũng thế thôi!

Lý Chình

Exit mobile version