Đại Kỷ Nguyên

Giải mã truyện cổ Andersen: ‘Mẹ hiền yêu quý của con ơi! Có thật mẹ là người hư hỏng không?’

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Mụ ấy hư hỏng

Ông thị trưởng đang đứng ở cửa sổ. Ông ta diện một áo sơ mi mỏng thêu hoa, có lá sen bằng đăng-ten trước ngực, trên đó lóng lánh một chiếc kim đầu bằng kim cương. Ông vừa mới cạo râu xong. Ông làm đứt một tí ở mặt, tạm thời rịt vào đấy một mẩu giấy báo.

– Thế nào, bé con!

Em bé đi qua là con một chị thợ giặt nghèo khổ. Khi đi qua cửa nhà ông thị trưởng, em đã lễ phép ngả mũ chào. Cái mũ lưỡi trai đã gập đôi vì em vẫn cuộn và nhét mũ vào túi.. em bé dừng lại với một vẻ lễ độ, khúm núm như đứng trước nhà vua. Quần áo em tồi tàn nhưng rất sạch sẽ, vá víu cẩn thận. Em đi một đôi guốc kếch xù.

Ông thị trưởng nói:

– Mày là một đứa bé ngoan, mày lễ phép như thế vừa ý ta lắm. Chắc hẳn mẹ mày đang giặt ngoài bờ sông. Đúng là mày lại mang cho mẹ mày cái của đang thò đầu ra ngoài túi kia chứ gì? Mẹ mày làm thế thật là hư hỏng. Chỗ ấy bao nhiêu đấy?

– “Thưa ông, nửa chai ạ!”. Em bé sợ hãi quá, trả lời bằng một giọng gần như nghẹn ngào.

Con người đứng đắn ấy nói tiếp:

– Mà sáng nay mẹ mày cũng đã uống đúng chừng đấy rồi chứ gì?

Em bé cãi lại:

– Thưa không, hôm qua đấy ạ!

– Hai nửa cộng lại thành một chai. Mẹ mày thật là đồ hư hỏng. Thật đáng buồn, mẹ mày phải lấy làm xấu hổ mới phải. Còn mày cố tránh đừng có trở thành thằng nghiện rượu, nhưng rồi mày cũng thế, chẳng tránh được đâu con ạ. Tội nghiệp! Thôi đi đi.

Em bé bước đi, trong lúc mủi lòng, em vẫn cầm chiếc cát két ở trong tay. Gió lùa vào mái tóc vàng hoe của em, hất tung những chùm tóc xoăn dài.

Em bé bước đi, trong lúc mủi lòng. (Ảnh minh họa: picswe.com)

Đến góc phố, em ngoặt vào một ngõ hẻm đi ra bờ sông. Ở đó, mẹ em quỳ gối trên chiếc ghế dài, đang ráng sức nện cái bàn đập xuống những bó quần áo to tướng. Cửa cống cối xay đã mở, dòng nước chảy xiết, kéo trôi những tấm khăn trải giường lớn, đe dọa lật đổ cả chiếc ghế dài. Chị thợ giặt bắt buộc phải dùng hết sức chống chân xuống giữ.

Chị nói với con:

– Một tí nữa thì mẹ bị nước cuốn đi. May quá! Con đã đến, mẹ đang cần phải lấy lại sức một chút. Nước buốt quá mà mẹ phải ngâm ở đây sáu tiếng đồng hồ rồi. Con có mang gì cho mẹ không?

Em bé rút chai rượu ra. Người mẹ cầm lấy tu một ngụm.

Chị nói:

– Tốt quá! Nóng cả người! Một ngụm này đã rẻ hơn lại công hiệu ngang một bát súp. Con trai của mẹ uống một tí đi, trông mặt con tái lắm. Đã sang thu rồi đấy, mặc quần áo mỏng thế chắc con mẹ rét lắm. Úi chào! Sao mà cái nước này buốt thế! Cốt là mẹ đừng ốm! Nhưng không, không thể được. Đưa mẹ uống ngụm nữa. Con cũng uống đi, một ngụm thôi nhé! Chớ có quen thói, con yêu quý tội nghiệp của mẹ!

Chị rời cái ghế dài lên bờ. Nước nhỏ giọt từ chiếc áo và manh chiếu quấn quanh người. Chị lại nói:

– Mẹ đem hết sức lực ra làm việc đến nỗi gần như bật máu ra đầu ngón tay, nhưng mẹ vui lòng làm để nuôi con một cách lương thiện, con trai yêu quý của mẹ!

Lúc đó có một người đàn bà nhiều tuổi hơn một chút, ăn mặc rách rưới, đi tới. Chị ta bại một nửa chân và chột mắt. Chị kéo một búp tóc lớn xuống che con mắt bị tật, nhưng lại càng làm cho người ta thấy rõ hơn. Chị là bạn của chị thợ giặt. Hàng xóm gọi chị ta là Mactơ què tóc xõa.

Mactơ nói:

– Chị phải làm việc vất vả dưới nước lạnh buốt như thế này thật đáng thương! Đúng là chị cần phải uống tí rượu cho lại sức, thế mà có những đứa ác khẩu còn mở miệng ra chê trách chị đấy.

Chị ta nhắc lại bài diễn thuyết hay ho mà ông thị trưởng đã tuôn ra với em bé lúc nãy. Chị đã nghe thấy khi đi ngang qua và chị cũng lấy làm buồn vì ông ta đã nói mẹ em như thế. Chị nói tiếp:

– Chính con người nghiêm khắc ấy, thấy người ta uống vài giọt rượu để giữ sức làm việc nặng nhọc đã cho là một tội nặng, hôm nay lại thết một bữa tiệc lớn có đủ các thứ rượu mùi ngon, rượu vang nặng. Mỗi người uống tới hai ba chai, nhất định không phải là việc uống cho đỡ khát. Nhưng làm thế nào họ có cho là uống rượu đâu, vì họ là những người sang trọng. Còn chị, họ lại bảo là đồ hư hỏng.

Mactơ đem chuyện ông thị trưởng kể lại. (Ảnh minh họa: rahha.ir)

Môi run lên vì đau đớn, chị thợ giặt nói:

– A! Ông ấy bảo con thế đấy à? Bảo là con có một người mẹ tính hạnh không tốt… Có thể là đúng, nhưng nhẽ ra chẳng nên nói chuyện đó với trẻ con. Biết bao nhiêu chuyện đau buồn của mẹ đều nhà ấy mà ra cả.

Mactơ nói:

– Ngày xưa, khi bố mẹ ông thị trưởng còn sống, chị đã ở cho nhà ấy. Người ta có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Mactơ mỉm cười về câu khôi hài của mình và nói tiếp:

– Câu chuyện là thế này: Ông thị trưởng đã mời rất nhiều người đến dự tiệc. Đến phút cuối cùng ông ta lại định thôi không đặt tiệc nữa, nhưng không kịp, thức ăn đã mua và làm dở rồi. Đầy tớ nhà ấy đã kể chuyện với tôi rằng: lúc ấy có thư báo là em út ông ta vừa chết ở thủ đô Côpenhagơ.

– Chết! – Chị thợ giặt kêu lên, mặt tái xanh như một cái xác không hồn.

– Đúng đấy! Nhưng tại sao chị lại có vẻ quan tâm nhiều đến việc ấy thế? Ừ phải rồi, chị biết ông ta từ hồi ở cho nhà ấy chứ gì?

– Sao? Chết rồi ư? Ông ta có tâm hồn cao quý biết bao! Ông ta chính là hiện thân của lòng nhân từ và hào hiệp. Cũng trong tầng lớp ấy, chẳng mấy người được như ông ta.

Trong lúc nói thế, nước mắt chị thợ giặt chảy ròng ròng trên má.

Chị lại nói tiếp:

– Chóng mặt quá! Hay là vì tôi đã uống quá mức nên không chịu được? Tôi thấy rất khó chịu.

Chị tựa người vào một tấm ván. Mactơ bảo:

– Trời ơi, chị bị cảm thật rồi. Cố gắng một tí cho nó qua đi nào! Nhưng chẳng được đâu, tôi thấy chị cảm nặng đấy. Tốt nhất là tôi dẫn chị về nhà.

– Còn đống quần áo kia?

– Cứ để đấy tôi giặt cho. Lại đây, đưa tay đây. Để cháu ở lại trông quần áo. Tôi sẽ quay lại và giặt nốt chỗ dở cho, cũng chẳng còn mấy.

Chị thợ giặt đáng thương lảo đảo bước đi. Chị nói:

– Tôi dầm nước lạnh lâu quá. Từ sáng tôi chưa được ăn uống gì cả. Tôi bị cảm, Giêsuma lạy chúa! Hãy giúp con về được đến nhà! Khổ thay cho con tôi!

Chị khóc sướt mướt. Khi ở lại bờ sông trông quần áo một mình, thằng bé cũng khóc. Hai người đàn bà bước đi chầm chậm. Chị thợ giặt lảo đảo bước qua ngõ hẻm. Đến trước cửa nhà ông thị trưởng, chị kiệt sức ngã lăn ra bờ hè. Người qua đường xúm quanh chị, chị què Mactơ chạy vội về nhà bạn gọi người đến giúp.

Thị trưởng và quan khách ra cửa sổ đứng xem. Ông chủ tiệc nói:

– À, mụ thợ giặt đấy mà, có lẽ mụ ấy lại uống rượu nhiều quá rồi. Mụ ấy thật là hư hỏng. Đáng tiếc cho thằng con trai của mụ, thằng bé ngoan quá, tôi yêu nó lắm… Nhưng mẹ nó lại là đồ khốn kiếp.

Người đàn bà đáng thương hồi tỉnh lại. Người ta đưa chị về gian buồng bé nhỏ tồi tàn của chị, đặt chị nằm vào giường. Mactơ pha cho chị một cốc bia nóng với bơ và đường. Theo chị, đó là môn thuốc tốt nhất. Sau đó, chị quay ra sông giặt qua loa chỗ quần áo, hay đúng hơn, là chỉ rưới nước lên rồi cho vào sọt. Chị có ý định tốt, nhưng chỉ hiềm nỗi yếu sức.

Khi hồi tỉnh lại, chị được người ta đưa về gian buồng bé nhỏ tồi tàn của chị. (Ảnh minh họa: investxp.ru)

Đến tối, chị đến ngồi cạnh chị thợ giặt trong xó nhà nghèo nàn. Chị bếp nhà ông thị trưởng đưa cho chị chuyển cho người ốm mấy củ khoai rán và một miếng giăm-bông mỡ. Mactơ và em bé chén một bữa thoả thuê. Chị bảo: “Người ốm không ăn được thì ngửi mùi cho lại sức!”.

Mactơ đặt em bé nằm ngủ ngang giường, dưới chân mẹ nó và đắp cho nó một cái nệm cũ viền xanh đỏ. Chị thợ giặt đã khá hơn một chút. Hơi thức ăn ngon và bia nóng đã làm cho chị lại sức.

Chị nói:

– Mactơ ơi, chị tốt lắm. Biết lấy gì trả ơn chị được? Lúc nào cháu ngủ rồi, tôi sẽ kể tất cả chuyện cũ cho chị nghe, mà hình như nó ngủ rồi thì phải. Chị xem cháu nằm ngủ ngoan, hiền lành vô tội thế kia! Nó không biết rằng mẹ nó đau khổ như thế nào và Thượng Đế cũng muốn rằng không bao giờ nó biết chuyện ấy.

Chị cũng biết rằng trước kia tôi đã ở cho quan tư vấn trong triều, bố ông thị trưởng bây giờ. Bỗng một hôm, con giai út ông ta, học ở Côpenhagơ trở về thăm nhà. Lúc đó, tôi còn trẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng đứng đắn. Có Chúa chứng giám cho điều đó. Anh sinh viên trẻ tuổi ấy là một thanh niên vui vẻ, dễ tính, đáng yêu và đẹp trai. Trong người anh không có giọt máu nào khác ngoài dòng máu của những người coi trọng danh dự và trung thực. Anh ấy là con nhà chủ, tôi chỉ là người ở, nhưng chúng tôi yêu nhau, trong sạch và đứng đắn. Như vậy cũng không phải là có tội. Anh kể chuyện ấy với mẹ anh. Đối với anh, bà ấy cũng như Thượng Đế trên trần gian. Và thực ra đó là một bà mẹ rất mực hiền hậu và yêu con.

Anh đeo vào tay tôi một chiếc nhẫn vàng và trở lại Côpenhagơ. Anh ấy vừa đi khỏi, bà chủ đã gọi tôi lên. Bà ta nghiêm nghị nhưng ngọt ngào lắm, những lời nói của bà tôi nghe như tiếng trên trời nói xuống. Bà giảng giải cho tôi rõ sự cách biệt giữa anh ấy và tôi. Bà bảo: “Bây giờ nó chỉ biết một điều là mày rất xinh thôi. Nhưng sắc đẹp sẽ tàn đi. Mày không được học tập và hiểu biết bằng nó, chúng mày không hợp với nhau ở chỗ đó, và đó sẽ là một điều đau khổ”. Bà nói thêm: “Tao rất quý và trọng những người nghèo, dưới mắt Thượng Đế, trên thiên đàng, nhiều người nghèo đã chiếm được ngôi cao hơn người giàu. Nhưng dưới trần gian này thì chớ có đi nhầm đường. Mày hãy coi chừng, chớ lôi cuốn cả hai vào con đường đau khổ mà chúng mày tưởng lầm là bảo đảm được hạnh phúc. Tao biết, có một người trung hậu, một người thợ đã hỏi mày. Đây tao nói về Erich, anh thợ làm găng tay. Anh ta goá vợ, nhưng không có con, làm ăn dễ chịu. Hãy suy nghĩ cẩn thận về những lời tao vừa bảo”.

Mỗi một lời nói của bà chủ xuyên vào lòng tôi như một nhát dao nhọn hoắt. Bà ta nói đúng, đó là những điều làm cho tôi bối rối và đau khổ.

Tôi chua xót, hôn tay bà, nước mắt ròng ròng. Tôi còn nức nở đến khi về tới buồng riêng và lăn ra giường. Đêm hôm ấy là một đêm khủng khiếp. Chỉ có Thượng Đế mới biết rằng tôi đau đớn và đấu tranh để chịu đựng như thế nào.

Chị thợ giặt chua xót, kể về quãng đời trước kia của mình. (Ảnh minh họa: wisgoon.com)

Ngày chủ nhật sau, tôi đến trước bàn thờ Chúa xin người soi sáng linh hồn. Hình như đúng là ý Chúa. Vừa ở nhà thờ bước ra, tôi đã gặp ngay Erich. Lúc đó tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng tôi hoàn toàn hợp nhau. Hoàn cảnh chúng tôi giống nhau, anh ta cũng có một cái vốn nho nhỏ. Tôi tiến về phía anh, cầm tay anh và hỏi:

– Anh còn nghĩ đến tôi không?

Anh trả lời:

– Còn chớ! Luôn luôn và mãi mãi.

– Anh có muốn lấy một người con gái chỉ quý trọng anh mà không yêu anh không? Có ngày điều đó sẽ đến.

Anh đáp lại:

– Điều đó sẽ đến, tôi tin chắc như thế.

Và chúng tôi hứa hôn với nhau.

Tôi trở về nhà, chiếc nhẫn vàng của anh sinh viên tặng ban ngày tôi đeo vào trong cổ áo, gần chỗ trái tim để tránh sự dị nghị của mọi người. Chỉ đến đêm, khi đi ngủ, tôi mới đeo nó vào tay. Tôi cầm lấy nó, hôn nó đến nỗi môi rớm máu. Rồi tôi đem nó trả lại cho bà chủ và bảo cho bà biết tin kết hôn của tôi sẽ công bố vào tuần lễ sau. Bà ta ôm chặt tôi vào lòng và hôn tôi. Bà ta không hề bảo tôi là đồ hư hỏng.

Hay là lúc đó tôi tốt hơn bây giờ, mặc dầu tôi chưa từng trải sự đau khổ. Chúng tôi cưới nhau vào ngày lễ thánh mẫu hiến đường. Năm đầu tiên, mọi việc đều ổn cả. Chúng tôi có một người cùng làm và một chú học việc. Lúc đó chị ở cho nhà chúng tôi, chị Mactơ yêu quý.

Mactơ nói:

– Ừ, hồi ấy chị là một bà chủ tốt và đáng mến. Tôi không bao giờ quên được lòng tốt của chồng chị và chị đối với tôi hồi ấy.

Vâng, những năm chị làm với tôi là những năm tươi đẹp. Chúng tôi chưa có con. Anh sinh viên và tôi không gặp nhau nữa. Tuy nhiên, có một lần tôi trông thấy anh ấy, nhưng anh ấy chẳng hề trông thấy tôi. Ngày chôn cất bà mẹ, anh ấy có về đây. Anh ấy đứng bên mộ, nhợt nhạt như xác chết và chìm ngập trong niềm đau thương vô hạn. Nhưng đấy là anh ấy khóc mẹ mà thôi.

Ít lâu sau, khi cha chết, anh ấy đi du lịch rất xa ra nước ngoài, không trở lại đây nữa. Tôi được biết hình như anh ấy đã làm luật sư và không lấy vợ. Còn tôi, anh ấy đã quên rồi. Nếu anh ấy có gặp tôi, chắc anh ấy cũng chẳng nhận ra tôi nữa, vì tôi đã trở nên gớm ghiếc như thế này! Nhưng thế cũng tốt, thế còn hơn.

Chị kể đến những ngày gian nan, những ngày nghèo túng đã làm khổ chị một cách tàn nhẫn.

– Hồi đó, chúng tôi có năm trăm đồng tiền vàng. Ở phố lớn, người ta bán một ngôi nhà cổ giá 200 đồng. Chúng tôi đã mua và xây lại thành cái nhà mới, tính cả công thợ mộc và công thợ nề mất 1.020 đồng. Erich đã vay mượn được tiền ở Côpenhagơ. Chuyến tàu mang tiền về bị đắm và số tiền vàng cũng chìm xuống đáy biển.

Chính dạo ấy là lúc tôi sinh đứa cháu thân yêu hiền hậu đang ngủ ngoan ngoãn đằng kia. Chồng tôi bị một trận ốm nặng và kéo dài. Suốt trong chín tháng trời, tôi phải săn sóc, thay quần áo cho anh ấy vì anh ấy yếu quá. Công việc làm ăn của chúng tôi ngày càng lụn bại. Chúng tôi mắc nợ. Tiền dành dụm, đồ đạc bán đi đều trả nợ sạch. Erich mất, tôi đã phấn đấu, làm việc vất vả để nuôi con. Tôi làm việc liên tục, nhận bất cứ việc gì, lau thang gác thuê, giặt đủ các loại quần áo, lụa và vải. Nhưng sự đau khổ vẫn đeo đẳng tôi cho đến bây giờ. Đó là ý Chúa, rồi cuối cùng, chắc người sẽ gọi tôi về bên người. Tôi cũng tin rằng người sẽ chẳng bỏ rơi con trai tôi đâu.

Đó là ý Chúa, rồi cuối cùng, chắc người sẽ gọi tôi về bên người. Tôi cũng tin rằng người sẽ chẳng bỏ rơi con trai tôi đâu… (Ảnh minh họa: nevsepic.com)

Trong lúc đó, thị trưởng cho người gọi chị thợ giặt tới vì có một việc quan trọng cần báo cho chị. Lúc ấy thì đã muộn. Mactơ chạy gọi ông thợ cạo đến chích huyệt. Muộn quá rồi. Chị thợ giặt đáng thương đã qua đời.

Thị trưởng bảo:

– Mụ ấy rượu lắm vào nên mới chết.

Và đây là việc mà ông định bảo chị. Trong thư báo tin em ông chết có kèm một bản trích tờ di chúc: 600 đồng tiền vàng được dành cho chị thợ giặt góa chồng, ngày xưa đã ở cho cha mẹ ông. Số tiền này phải trao dần cho chị hay con chị, nhiều ít tuỳ theo sự cần dùng của họ.

Thị trưởng nghĩ thầm:

– À, mình nhớ ra rồi. Trước kia có chuyện gì đó giữa mụ ấy và em mình. Mụ ấy chết đi cũng phải, thằng bé con sẽ được hưởng cả số tiền. Mình sẽ gửi nó đến nhà tử tế, sau này nó sẽ trở thành người thợ khéo và tốt.

Và quả nhiên, Thượng Đế cũng muốn những lời nói đó được thực hiện đầy đủ.

Thị trưởng gọi em bé đến. Ông hứa sẽ trông nom em và nói thêm rằng em không nên buồn phiền. Đúng là em đã mất một người mẹ, nhưng mẹ em cũng đã quá hư hỏng. Em bé đứng bên cạnh mẹ nức nở:

– Mẹ hiền yêu quý của con ơi. Có thật mẹ là người hư hỏng không?

Chị ở cũ ngước mắt lên trời như muốn cầu xin Thượng Đế làm chứng và nói:

– Mẹ cháu chính là hiện thân của đạo đức. Ta đã biết điều đó từ lâu và càng biết rõ hơn sau câu chuyện đêm nọ. Ta thề với cháu rằng: Mẹ cháu là người ngay thẳng, đức hạnh, và trên kia Thượng Đế cũng phán như thế. Vậy cháu hãy mặc cho người đời chê bai mẹ cháu là đồ hư hỏng, cháu phải luôn tôn kính hương hồn mẹ cháu.

(Mụ ấy hư hỏng – Andersen)

***

Người viết không muốn bàn gì thêm nữa. Chỉ chợt nhớ lại và xấu hổ vì có những khi nào đó, mình cũng đứng ở nơi cao cao kia, ăn mặc sạch sẽ, tươm tất nhưng lại buông lời phán xét tệ bạc, khinh suất và thiếu trách nhiệm về đạo đức của nhiều con người khốn khổ ở tầng đáy của xã hội. Đó là những người mà ta không lý giải được hành động của họ nếu không tự đặt mình vào hoàn cảnh ấy. Ta hiểu rằng bản chất cuộc sống không nhất thiết đồng nhất với hiện tượng bề mặt, nên họ vẫn là những con người sống hết sức kiên cường và lương thiện.

Bạn đọc chúng ta đã tự có nhận định của riêng mình. Chúng tôi xin phép được im lặng trong niềm xúc động trước một người mẹ đức hạnh và anh hùng. Cầu cho “nàng Phăng-tin” của Andersen được thăng lên một chốn công bằng hơn trong sự phán xét của Thượng Đế. Và cháu nhỏ hãy ngẩng cao đầu để tự hào về người mẹ của mình. Xin cảm ơn lòng nhân ái của nhà văn Andersen.

Lí Chình

Exit mobile version