Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…
Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.
***
“Một mảnh lá của Trời”…
Trong bầu không khí trong sạch nhất, tít trên trời cao, có một Thiên Thần bay từ vườn hoa Thiên đàng ra, tay cầm một bông hoa. Trong khi hôn vào hoa, Thiên Thần làm rơi một chiếc lá. Chiếc lá đó rơi xuống đất vào giữa một cánh rừng. Lập tức nó bén rễ và mọc lên giữa các cây khác.
Những cây này không muốn nhận nó là đồng loại. Chúng nói:
– Cái cây gì mà lạ vậy?
Cây gai và cây tầm ma là những cây đầu tiên cất lời trêu chọc. Cây gai nói với giọng khinh miệt:
– Không biết nó ở đâu tòi ra thế nhỉ? Chắc là một hạt rau giống nào đó. Có ai lại mọc nhanh thế bao giờ? Như thế có khó coi không? Nó tưởng là chúng mình ở đây để đỡ khi nó gục xuống chắc?
Mùa đông tới, mặt đất đầy tuyết phủ. Cây Thần truyền cho tuyết một vẻ rực rỡ, như có ánh nắng chiếu sáng từ dưới đất lên. Đến mùa xuân, nó nở ra một đoá hoa đẹp hơn tất cả các loại hoa khác.
Giáo sư thực vật học trứ danh toàn quốc nhận được tin ấy. Ông vội vác tấm bằng chứng nhận sự uyên bác của mình đến tận nơi. Ông nghiên cứu cái cây con, phân tích nó, và nếm thử một ít lá. Nó không giống với bất cứ một thứ cây nào ông đã trông thấy. Ông không tìm thấy một giống nào, loài nào để xếp nó vào cả.
Ông kêu lên:
– Đây là một cái cây lai giống nào đó, thật là môt loại quý, nó chẳng thuộc vào một hệ thống nào cả.
Bọn cây gai và tầm ma nhắc lại:
– Nó chẳng thuộc vào một hệ thống nào cả.
Những cây to và cây cao trông thấy và nghe thấy chuyện xảy ra, nhưng chẳng nói gì cả. Chẳng chê mà cũng chẳng khen, đó là cách xử trí khôn ngoan nhất khi con người ta ngu đần.
Bỗng một cô gái nhỏ nghèo khổ đi tới khu rừng, cô là hiện thân của sự ngây thơ trong trắng, lòng tin làm cho trí khôn cô sáng suốt. Trên đời, cô chỉ có mỗi một quyển Kinh Thánh, trong đó hình như Đức Chúa Trời trực tiếp nói với cô. Qua đấy cô đã hiểu được rằng loài người độc ác biết bao, nhưng cô cũng biết rằng khi họ hành hạ ta một cách bất công, khi họ đã hiểu nhầm và chế giễu ta, phải nhớ đến gương sáng của người con tốt nhất và trong sạch nhất của Thượng Đế đã bị họ treo lên cây thánh giá mà vẫn tâu với Người rằng: “Thưa cha, xin cha hãy tha tội cho chúng, chúng không biết việc chúng làm”.
Người thiếu nữ đứng trước cái cây kỳ diệu có đóa hoa đang toả ra không khí một hương thơm ngào ngạt và lóng lánh dưới ánh Mặt Trời như một trùm pháo hoa. Khi gió thổi rung lá cây, người ta nghe vang lên tiếng nhạc thiên thần. Cô bé đứng ngây ngất trước kỳ quan ấy. Cô cúi xuống cái cây để ngắm được gần hơn và ngửi hương thơm của nó, cô cảm thấy tim cô thêm sức mạnh và linh hồn được soi sáng bởi trí huệ của Thiên Thần. Trong thâm tâm, cô muốn hái đóa hoa, nhưng cô nghĩ như thế là không tốt, hoa sẽ héo đi. Cô chỉ hái một chiếc lá xanh nhỏ thôi, đem cặp vào trong quyển Kinh Thánh để cho nó được tươi tắn và xanh thắm mãi mãi.
Vài tuần sau, quyển Kinh Thánh cùng chiếc lá được đặt dưới đầu cô gái nhỏ trong quan tài. Cô đã yên nghỉ, khuôn mặt hiền từ, nghiêm trang, phản ánh niềm sung sướng được thoát khỏi bụi trần và được gọi về gần đấng sáng tạo ra mình.
Trong khi đó, cái cây lớn lên, trổ hoa. Chim chóc bay qua nghiêng đầu chào lễ phép.
Những cây hoa gai và cây mâm xôi làu bàu:
– Phải gió cái bọn lạ mặt ấy, chúng có biết là chúng đã phí phạm lời chào của chúng không? Chúng mình chẳng bao giờ lại rồ dại như thế.
Những con sên rừng xấu xí cũng khạc nhổ trước cái cây rơi từ trên trời xuống.
Một anh chăn lợn đi hái cây về đun bếp, nhổ cả rễ mâm xôi, hoa gai, tầm ma và cả cái cây đẹp ấy mang về. Anh nói:
– Tất cả cái đám cây này chỉ đun bếp là tốt thôi.
Nhà vua nước ấy từ lâu mắc bệnh âu sầu, u uất không gì khuây khoả nổi. Để giải sầu, ngài quay ra chăm lo trị vì trăm họ. Ngài bắt đọc cho ngài nghe sách của các tác giả tốt, rồi đến sách của những nhà văn viết truyện tục tằn và bá láp. Chẳng ăn thua gì. Người ta bèn hỏi ý kiến một nhà thông thái nhất trần gian. Ông ta trả lời rằng có một cách để chữa bệnh cho nhà vua là lấy cho ngài chiếc lá của một cây hoa nhà trời mọc trong một cánh rừng trước đây. Ông tả lại hình dạng chiếc lá.
Người ta nhận ra cây hoa và ai cũng lấy làm lạ về chuyện đó.
Anh chăn lợn nghĩ thầm: “Chết thật! Mình đã nhổ nó đi rồi và từ lâu nay nó chỉ còn là chút tro tàn. Dốt nát mới ra nông nỗi ấy”. Anh chăn lợn tự thấy xấu hổ và ỉm câu chuyện sai lầm đó đi. Dù sao anh cũng biết chỉ trích mình, như vậy cũng còn là tốt. Những nhà bác học liệu có tỏ ra biết nghĩ hơn anh không?
Cây hoa đã biến mất. Nó chỉ còn lại có mỗi một chiếc lá nằm trong nấm mộ người con gái. Nhưng không ai biết chuyện ấy cả.
Nhà vua đích thân đến cánh rừng để xem tận mắt cho chắc chắn việc cây hoa đã biến mất. Ngài phán:
– À! Thế ra cây hoa đã mọc ở đây, vậy thì từ nay trở đi, chỗ này phải coi là đất thánh.
Ngài cho làm một cái hàng rào bằng vàng xung quanh nơi ấy và đặt lính canh gác.
Vị giáo sư thực vật học trứ danh bèn viết một bài bình luận đầy lý thuyết khoa học về những giá trị của cây hoa Thần Tiên, lão chứng minh tất cả những sự thiệt thòi khi mất cây hoa đó. Nhà vua thưởng vàng đầy kín từng trang của tác phẩm ấy và chính con lừa đó đã kiếm chác được nhiều nhất trong vụ này.
Nhà vua vẫn giữ nỗi sầu khôn nguôi và những người lính gác đáng thương cũng rất buồn bực trong cánh rừng.
***
Độc giả vẫn luôn luôn nhớ về nhà văn Andersen với những tác phẩm lừng lẫy như: Bộ quần áo mới của Hoàng đế, Em bé bán diêm, Gió tháo tung các biển hàng, Bà Chúa Tuyết, Bầy chim thiên nga… nhưng ông vẫn còn nhiều viên ngọc khác không kém phần lộng lẫy và tinh xảo đang kín đáo ẩn mình chờ chúng ta khám phá. Và khi ta tìm được những viên ngọc ấy, ánh sáng huyền diệu của nó cũng sẽ cảm ứng tới những viên ngọc tuyệt đẹp trong tâm hồn chúng ta. Một mảnh lá của trời (A leaf from Heaven) chính là tác phẩm như thế.
Khó có thể tưởng tượng chỉ với một nghìn chữ mà Andersen đã dựng nên cả một bức tranh xã hội thu nhỏ. Xã hội ấy có đủ các thành phần: từ vua quan, nhà khoa học, những người lính, anh chăn lợn, cô gái nghèo ngoan đạo… cho đến các loại cây rừng, hoa lá, chim chóc, sâu bọ. Mỗi nhân vật đại diện cho một lớp người, qua đó thể hiện góc nhìn và thái độ riêng của họ về “một mảnh lá của trời”.
Đó chỉ là một mảnh lá – một chút thần khí bé nhỏ từ Thiên thượng rơi xuống thế gian, nhưng lại động chạm đến biết bao cảm xúc và quan niệm trái ngược nơi trần thế. Cây gai và cây tầm ma – những kẻ chuyên môn gây tổn thương cho đời sống, đại diện cho những thứ dị hợm xấu xí và độc ác của cõi trần (1) – cảm thấy hết sức bực tức rằng vì sao lại có thứ cây trong lành và tốt đẹp đến thế mọc lên bên cạnh mình? Chúng cảm thấy bên cạnh cái thiện lành của cây Thần, cái ác của chúng càng nổi rõ hơn; bên cạnh vẻ đẹp của cây Thần, chúng càng trở nên xấu xí hơn. Những con sên rừng nhầy nhụa cả đời chỉ bò lê dưới đất bùn và lá mục ẩm ướt cũng có cùng thái độ với chúng. Chúng vui mừng khi tóm được một nhận xét có lợi cho việc đả kích cây Thần: “Nó chẳng thuộc vào hệ thống nào cả”.
Nhận xét này thuộc về một nhà thực vật học, nhà khoa học “uy tín”. Và vì ông có uy tín cho nên tất cả mọi sinh mệnh của thế gian mới yên tâm lấy nhận xét đó làm tham chiếu. Nhưng thực sự, dù bằng tất cả học vấn, sự uyên bác, bằng cấp, sách vở và khả năng phân tích khoa học của mình, ông cũng chẳng biết đó là cây gì. Ông kết luận nó là cây lai. Thì dù sao, theo cách phân tích của giới chuyên gia khoa học, ông đành phải kết luận vậy thôi. Nếu không, thì làm gì có cách nào khác?!
Nhưng chỉ duy nhất một cô gái nhỏ, nghèo khổ, ngây thơ và trong trắng là hiểu được giá trị của cây Thần. Dù không có sự uyên bác của một chuyên gia và kiến thức của một nhà khoa học, nhưng cô lại có trí huệ của người ngoan đạo. Cho nên, chỉ mình cô mới có thể nhận thấy “mùi hương ngào ngạt, sắc đẹp lóng lánh và nhạc khúc thiên đường” tỏa ra từ những đóa hoa trên cây Thần. Đó là bởi ánh sáng của Thánh Kinh luôn chiếu rọi trong cô, để cô được đắm mình trong trí huệ và lòng từ bi bao la của Thiên Chúa.
Cô cũng hiểu được rằng: một khi Chúa Jesus – người con tốt đẹp và thánh thiện nhất của Thượng Đế – vẫn còn bị sỉ nhục và hãm hại, thì cây Thần hay những điều tốt đẹp nơi thế gian sẽ còn phải hứng chịu đủ mọi bất công. Điều cô học được chính là lòng từ bi vô lượng để tha thứ cho những kẻ đã hãm hại và lăng nhục mình. Nhờ đó mà cô trở nên cao lớn hơn hết thảy, thoát khỏi trần gian và trở về với Đấng Sáng Tạo.
Thực vậy, cô còn cao hơn cả người đứng đầu vương quốc – một ông vua tưởng như đã có trong tay tất cả. Nhưng dù đã dùng hết các cách tiêu khiển, các thứ kiến thức thượng vàng hạ cám của thế gian, vị vua ấy vẫn chẳng thể thoát khỏi nỗi u sầu. Ngài chẳng biết trong hồn mình đang thiếu thứ gì. Phải chăng là cái “thần khí” ấy, cái đức tin cao thượng vào một thế giới thần thánh, từ bi, sáng suốt huyền diệu mà cây Thần là đại diện, mới chính là điều duy nhất có thể bù đắp cho nỗi trống vắng trong tâm hồn ngài?
Đến lúc ngài biết được điều ấy thì đã quá muộn màng, cây Thần đã trở thành nạn nhân của thế gian ấu trĩ. Chừng như luyến tiếc vì mất mát một điều gì to lớn lắm, nhà vua cho xây dựng “khu tưởng niệm” với hàng rào bằng vàng nơi cây Thần từng mọc. Thật đúng như dân gian hay nói: “Mất bò mới lo làm chuồng”.
Tất nhiên, các anh lính sẽ lại bực bội rồi, không dưng phải vào giữa rừng chỉ để canh gác một bãi đất trống? Họ vẫn không tài nào hiểu nổi ý nghĩa của việc làm này.
Và cũng như thường lệ, những kẻ biết hùa vào “khóc” theo vua sẽ được trọng thưởng. Nhà khoa học ấy đã “khóc” trong bao nhiêu trang giấy, “nước mắt” biến thành vàng rồi rơi cả vào túi riêng. Chẳng hiểu sao xưa kia lão không nói điều này sớm hơn? Xem ra còn thua cả anh chăn lợn thất học biết tự im lặng hổ thẹn với lòng mình vì đã làm một việc ngu dốt.
Và “một mảnh lá của trời” còn lại duy nhất, như khi nó lần đầu tiên xuống cõi trần, giờ đây đang nằm yên trong ngôi mộ của cô gái nghèo khổ, đức hạnh và ngoan đạo.
“Nhưng không ai biết chuyện ấy cả” – Andersen đã viết trong truyện như thế. Vậy mới hay:
Mảnh lá của trời rớt trần gian
Ưu phiền một kiếp chịu tiếng oan
Ở chốn thâm u chờ người Thiện
Thiên đường nhạc khúc vút dặm ngàn. (2)
Lí Chình
Chú thích:
- (1) Theo Sáng Thế Ký – Kinh Thánh, sau khi Adam và Eva phạm tội và bị Thiên Chúa đuổi khỏi vườn Địa Đàng Eden, Ngài cũng khiến cho mặt đất nơi họ sống “sinh ra những gai cùng góc”, một điều mà trong thế giới tốt đẹp trước kia chưa bao giờ có.
- (2) Thơ Văn Nhược