Đại Kỷ Nguyên

‘Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao’, câu nói thâm trầm sâu sắc, ít người thấu hiểu

Đại đa số độc giả chúng ta đều nghĩ “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” cũng giống như câu “Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, và đều có nghĩa là “Coi nhẹ, coi thường cái chết”. Tuy nhiên ý nghĩa đích thực của nó không phải vậy.

Rất nhiều người đã quen thuộc với câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”.

Đây là bản dịch của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, còn trong bản gốc chữ Hán của Đặng Trần Côn thì 4 câu thơ trên nguyên văn như sau:

“Trượng phu thiên lý chí mã cách

Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao

Tiện từ khuê khổn tùng chinh chiến

Tây phong minh tiên xuất Vị kiều”.

Dịch nghĩa:

“Chí bậc trượng phu rong ruổi ngoài ngàn dặm, sẵn sàng da ngựa bọc thây

Thái Sơn ném xuống nhẹ như lông hồng

Bèn từ biệt chốn khuê phòng (vợ) tòng quân chinh chiến

Tiếng roi ngựa vang lên trong gió tây (gió thu), tráng sỹ xuất chinh ra khỏi cầu sông Vị (ở kinh đô Tràng An)”.

Chí bậc trượng phu rong ruổi ngoài ngàn dặm, sẵn sàng da ngựa bọc thây. (Ảnh: ĐKN)

“Mã cách” nghĩa là “da ngựa”. Trong “Hậu Hán thư”, Mã Viện bảo Mạnh Ký rằng: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mới là đáng trọng, chứ sao lại chịu nằm ở xó giường, chết ở trong tay bọn đàn bà con trẻ thì có hay gì?”

Từ câu thơ của Lý Bạch…

“Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao”, câu này tác giả dùng nguyên câu thơ của Lý Bạch trong bài thơ “Kết miệt tử” (Tên một điệu hát cổ, nghĩa là “Đan tất”):

“Yên nam tráng sĩ Ngô môn hào,

Trúc trung trí duyên ngư ẩn đao.

Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh,

Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao”.

Dịch nghĩa:

“Tráng sĩ miền nam nước Yên (Cao Tiệm Ly) và hào kiệt đất Ngô (Chuyên Chư)

Giấu hòn chì trong đàn trúc (để hành thích vua Tần), giấu đao trong bụng cá (để hành thích vua Ngô)

Cảm ơn vua nên đem tính mạng đền ơn

Gieo núi Thái Sơn nhẹ như lông chim hồng”.

Dịch thơ (bản dịch của Trần Trọng San):

“Ngô Môn có bậc anh hào,

Lòng đàn bụng cá giấu dao tung hoành.

Đền ơn vua, quyết dâng mình,

Một gieo núi Thái, nhẹ tênh lông hồng”.

Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh, Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao. (Ảnh: ĐKN)

Đại đa số độc giả chúng ta đều nghĩ “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” cũng giống như câu “Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, và đều có nghĩa là “Coi nhẹ, coi thường cái chết”. Tuy nhiên ý nghĩa đích thực của nó không phải vậy.

“Chinh phụ ngâm” do Đặng Trần Côn sáng tác, là kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Đặng Trần Côn quê ở Thanh Trì, Hà Nội, sống vào thời Lê trung hưng. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng. Sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu.

Có một vài giai thoại về Đặng Trần Côn. Tương truyền lúc ấy chúa Trịnh Giang cấm nhân dân Thăng Long ban đêm không được đốt lửa, để đèn sáng, ông phải đào hầm dưới đất, thắp đèn mà học. Khi mới làm thơ, Đặng Trần Côn có đem đến cho bà Đoàn Thị Điểm xem, Đoàn Thị Điểm cười nói: “Nên học thêm sẽ làm được thơ.”

“Chinh phụ ngâm” viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Có nhiều bản dịch và phỏng dịch của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn, Phan Huy Ích. Trong số những bản dịch đó, có một bản dịch thành công nhất được cho rằng là của Đoàn Thị Điểm, nhưng theo một khuynh hướng khác thì tác giả bản dịch đó là Phan Huy Ích.

Lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận, đã có nhiều bản dịch thành công được cho là của Đoàn Thị Điểm nhưng cũng có ý kiến bản dịch đó là của Phan Huy Ích. (Ảnh: Youtube)

Đến lá thư báo tin cho bạn của Tư Mã Thiên…

Câu thơ “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, Đặng Trần Côn dùng lại nguyên văn câu thơ Lý Bạch, nhưng nguồn gốc của câu đó lại là câu của Tư Mã Thiên, sử gia vĩ đại đời Hán, viết trong bức thư gửi bạn. Để hiểu rõ câu nói đó, cần xem về bối cảnh khi Tư Mã Thiên viết ra.

Năm 110 TCN, Tư Mã Thiên về đến Trường An, nhưng không kịp gặp mặt lần cuối cha già. Nguyện vọng duy nhất của cha già là muốn Tư Mã Thiên viết bộ sử ký. Ba năm sau Tư Mã Thiên kế thừa chức vụ của cha, bắt đầu tìm tòi tư liệu viết sử.

Năm 99 TCN, tướng nhà Hán là Lý Lăng thua trận đầu hàng Hung Nô, Tư Mã Thiên biện hộ giúp, bị định tội giáng ngục và bị thiến. Ông vô cùng đau khổ và nhục nhã, chỉ muốn chết, nhưng nhớ tới nguyện vọng của cha chưa hoàn thành, ông nhẫn nhục sống tiếp. Sau khi ra tù ông đảm nhiệm Trung thư lệnh, tiếp tục viết sử. Năm 91 TCN ông hoàn thành kiệt tác đồ sộ “Sử ký”.

Trong “Báo Nhiệm An thư” (Thư báo tin cho bạn Nhiệm An), Tư Mã Thiên viết:

“Nhân cố hữu nhất tử, hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc kinh ư hồng mao”.

Nghĩa là:

“Con người cố nhiên sẽ một lần chết, có cái chết nặng hơn Thái Sơn, có cái chết nhẹ hơn lông hồng, là do cách sử dụng cái chết khác nhau mà ra”.

Lúc đó Tư Mã Thiên sống trong nhục nhã, sống không bằng chết. Nhưng ông thấy, nếu chết vì không chịu nổi cái nhục là cái chết vô nghĩa, không thể khinh suất mà coi thường vứt bỏ tính mạng trân quý nặng hơn cả Thái Sơn của mình được. Sinh mạng của ông còn cần phải thực hiện sứ mệnh cao cả.

Tư Mã Thiên để viết được cuốn Sử Ký đã phải trả qua bao nhẫn nhục chịu đựng. (Ảnh: Read01)

Và khí tiết của tráng sỹ Kinh Kha

Nhưng câu trên cũng không phải do Tư Mã Thiên sáng tác, mà ông viết dẫn lại câu nói của tiền nhân. Trong “Văn tuyển” của Lý Thiện, khi trích lục câu nói này của Tư Mã Thiên, đã chú thích như sau:

“Trong sách “Yên Đan Tử” (Gồm 3 quyển ra đời khoảng cuối thời Tần, đầu thời Hán, không rõ tác giả, hiện đã thất truyền) có viết: “Kinh Kha nói với thái tử rằng, khí tiết của kẻ sỹ lẫm liệt, có khi chết nặng hơn cả Thái Sơn, có khi chết nhẹ hơn lông hồng, chỉ hỏi xem dùng (cái chết) vào chỗ nào mà thôi”.

Như vậy, câu này không phải nói về hai người, hai loại người với hai cái chết khác nhau, mà là nói về một người, đứng trước sự lựa chọn bước vào cái chết, tự đánh giá, phán đoán giá trị, để mà quyết định “dùng cái chết vào chỗ nào”, làm sao để cái chết có ý nghĩa, xứng đáng.

Do đó câu: “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” có nghĩa là: sinh mệnh rất trân quý, rất đáng giá, nó còn nặng hơn núi Thái Sơn, do đó cần suy nghĩ xem xét xem dùng sinh mệnh vào việc gì, nơi nào thật ý nghĩa. Khi đã tìm được ý nghĩa để sử dụng sinh mệnh rồi, đáng sử dụng rồi thì khảng khái thực hiện sứ mệnh, đánh đổi sinh mệnh mình cho nghĩa cử trân quý, lúc đó sẽ coi cái chết thật nhẹ nhàng, nhẹ hơn cả lông hồng.

Triêu Lộ

Exit mobile version