Người mê truyện Tây Du, ít ai không nhớ tình tiết Tôn Hành Giả trổ tài bắt mạch, coi bệnh cho quốc vương nước Chu Tử. Xung quanh những hồi truyện thú vị này còn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc khác. 

Trong 72 phép thần thông biến hóa mà Tôn Ngộ Không học được từ Bồ Đề sư tổ, có rất nhiều phép liên quan đến trị bệnh. Đầu tiên là phép “Lộng hoàn”, giúp Mỹ Hầu Vương biết bắt mạch, kê đơn. Một phép khác gọi là “Y dược” giúp Ngộ Không chế thuốc, giải phẫu. Lại có một phép khác là “Phù thủy”, có thể vẽ bùa, đốt giấy trong nước, người bệnh uống vào là khỏi ngay.

Y thuật tinh thông, giỏi tài ứng biến

Hồi thứ 68 “Tây Du Ký” kể rằng, thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, đi qua nước Chu Tử. Quốc vương nước này đang lâm trọng bệnh. Các thái y đều bó tay không tìm được thuốc chữa. Quốc vương bèn treo bảng cáo thị chiêu mời danh y, hứa chia đôi giang sơn nếu bệnh được trị khỏi.

Khi ấy, Tôn Hành Giả đang đi bách bộ ngắm phố phường, dò hỏi thực hư, rồi bày ra một kế. Hành Giả đọc thần chú, dùng phép ẩn thân, lén đến giật tờ cáo thị xuống, lại thổi ra một trận cuồng phong đánh lạc hướng đám người đang vây quanh. Đoạn, Hành Giả đến bên Bát Giới, khi ấy đang khò khò đánh giấc no say, bèn lấy tờ cáo thị khe khẽ nhét vào bụng chú ngốc.

Dân chúng hớt hải đi tìm tờ cáo thị đã bị gió cuốn đi, thấy Bát Giới vẫn còn khò khò nằm ở vệ đường, lại thấy từ trong bụng lấp ló một tờ giấy. Tả hữu bèn cứ túm chặt lấy Bát Giới, bắt phải vào cung chữa bệnh cho vua vì cho rằng chú ngốc là người đã dám giật tờ cáo thị thì ắt có tài lạ.

Tôn Ngộ Không làm phép cho tờ cáo thị bay vào người Bát Giới.

Đương nhiên chú ngốc của chúng ta chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, ngơ ngơ ngác ngác, chỉ biết ú ớ gọi tên sư huynh Ngộ Không đến cứu. Sau, Ngộ Không gặp đám người nọ, tủm tỉm kể lại chuyện khi trước và nhận lời chữa bệnh cho quốc vương. Đọc mấy hồi này mới thấy kiến thức y học của Ngộ Không thực không phải hạng thường.

Vào cung, quốc vương vừa trông thấy bộ dạng dữ tợn của Hành Giả thì sợ hãi quá, run lẩy bẩy, ngã nhào xuống đất. Tả hữu phải lao vào vực dậy, đều mắng mỏ Hành Giả là thô lỗ, quê mùa. Hãy xem trong truyện kể Hành Giả ứng biến ra sao:

“Quốc vương nghe thấy giọng nói hung hãn, lại thấy mặt mũi xấu xí, thì sợ quá run lẩy bẩy ngã nhào xuống. Bọn nữ quan, hoạn quan sợ quá, vội vàng vực nhà vua vào nội cung.

Quốc vương nói:

– Trẫm sợ chết khiếp!

Các quan ai nấy oán trách Hành Giả, nói:

– Hòa thượng này quê mùa thô lỗ quá! Thế mà tại sao lại cả gan bóc tờ bảng văn?

Hành Giả nghe xong, cười nói:

– Các ngài đừng vội trách tôi. Cứ cái thói khinh người như thế, thì bệnh tật của quốc vương các ngài đến nghìn năm cũng chẳng khỏi!

Các quan nói:

– Đời người ta sống được bao lâu mà nghìn năm cũng chẳng khỏi?

Hành Giả nói:

– Nhà vua bây giờ sống là một ông vua ốm, chết vẫn là một con ma ốm, chuyển sinh kiếp khác vẫn là một người ốm, thế không phải một nghìn năm cũng chẳng khỏi à?

Các quan tức giận, nói:

– Hòa thượng này thật vô lễ! Mở mồm ra toàn nói nhảm nhí!

Hành Giả cười, nói:

– Không nhảm nhí đâu. Các ngài nghe tôi nói đây:

Y môn lý pháp cực huyền,
Trong lòng cốt phải cần chuyên mới thành.
Vọng, văn, vấn, thiết rành rành,
Thiếu một điều ấy chẳng thành y khoa.
Một là thần sắc xem qua,
Nhuận khô, gầy béo nhận ra tỏ tường.
Hai nghe giọng nói trong, khàn,
Lời chân chất hoặc ngông cuồng biết ngay.
Ba hỏi bệnh đã mấy ngày,
Uống ăn, tiểu tiện bấy nay thế nào?
Bốn bắt mạch biết thấp cao,
Phù trầm, biểu lý loại nào rõ ngay.
Vọng, văn, vấn, thiết không hay,
Mệnh này đừng tưởng có ngày được yên.

Trong số hai ban văn võ có cả quan ở Thái y viện. Quan thái y nghe nói như vậy, bèn tỏ ý khen ngợi nói với mọi người:

– Vị hòa thượng này nói có lý lắm! Ngay bậc thần tiên xem bệnh cũng phải vọng, văn, vấn, thiết, kết hợp với công dụng xảo diệu của các bậc thần thánh.

Vọng, văn, vấn, thiết chính là “tứ chẩn” trong Đông y, là những bước chẩn đoán, khám bệnh được lưu truyền từ hàng nghìn năm qua ở Á Đông. Vọng là quan sát sắc mặt, dáng vẻ, màu sắc của da, lông, tóc, móng tay… Văn là nghe tiếng ho, tiếng thở, tiếng nói. Vấn là hỏi về nóng lạnh, chỗ đau, triệu chứng. Thiết là sờ nắn, thăm khám vùng bị bệnh và bắt mạch. Xem ra Ngộ Không thực sự thông hiểu Đông y chứ không phải lời nói bỡn lúc cao hứng.

Ngoài ra, Ngộ Không còn chỉ rõ rằng bệnh của quốc vương là do nghiệp chướng tạo thành, nếu không bỏ thói khinh người, thành tâm sửa lỗi thì nghìn năm chuyển sinh vẫn phải mang theo bệnh nghiệp ấy. Phật gia cho rằng bệnh tật của người ta chính là quả báo và nghiệp nợ họ đã gây ra từ kiếp trước, mắc bệnh chính là lúc đang hoàn trả món nợ ấy. Quả là đúng vậy thay.

Nhưng rồi quốc vương vẫn không chịu cho Hành Giả vào coi bệnh vì sợ dung mạo trông như yêu quái của hắn. Hành Giả bèn nghĩ ra cách chẩn bệnh… chẳng giống ai, treo sợi tơ mà bắt mạch. Nghĩa là quốc vương cứ việc nằm trong long sàng, trướng rủ màn che, Hành Giả đứng ở ngoài cửa tẩm cung, dùng 3 sợi tơ buộc vào cổ tay trái của quốc vương rồi bắt mạch.

Chẳng cần mất quá nhiều thời gian, Hành Giả đã đoán được bệnh của quốc vương, chính là chứng “đôi chim mất bạn”, ám chỉ rằng quốc vương mất vợ nên khổ não mà sinh bệnh. Bắt bệnh xong, Hành Giả lại sai người chuẩn bị các vị thuốc cho mình. Đoạn này, trong sách thuật lại rằng:

“Lúc đó, có viên quan thái y hỏi:

– Bệnh đã rõ rồi, vậy bây giờ ngài dùng thuốc gì?

Hành Giả nói:

– Hà tất phải chấp vào bài, cứ có thuốc là được.

Y quan nói:

– Kinh có nói: “Thuốc có tám trăm linh tám vị, người có bốn trăm linh bốn bệnh”. Bệnh không ở trong người của một người, thuốc làm gì có cái lý toàn dụng. Lẽ nào cứ có thuốc là được?

Hành Giả nói:

– Cổ nhân có câu: “Thuốc không chấp phương, tùy nghi mà dùng”, cho nên lấy hết các thứ thuốc men rồi tùy nghi mà gia giảm”.

Mấy viên quan thái y nửa đời người đọc biết bao sách vở y khoa, lại suốt ngày coi bệnh cho hoàng tộc, vậy mà Hành Giả chỉ nói vài câu đã bẻ được lý luận của họ. Hành Giả không chỉ thạo nghề y mà còn vô cùng linh hoạt, sáng tạo, giỏi ứng biến. Bệnh của quốc vương chính là tâm bệnh, không phải bệnh thường, vậy cũng không thể dùng những cách thường tình, những vị thuốc thường tình để trị được. Hãy cùng xem Hành Giả dùng đến cách đặc biệt nào?

“Hành Giả nửa đêm điều thuốc tễ, quân vương trên tiệc kể yêu ma”

Đó là tên gọi của hồi thứ 69 “Tây Du Ký”. Hồi này bắt đầu kể chuyện Tôn Ngộ Không và hai sư đệ là Trư Bát Giới và Sa Tăng cùng điều chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử. Trước đó, Ngộ Không yêu cầu quan thái y phải mua đủ 808 vị thuốc, mỗi vị 3 cân mang về quán trọ để ba anh em điều chế. Truyện kể rằng:

“Trời đã tối, Hành Giả gọi viên quan coi giữ quán, bảo:

– Thu dọn đồ đạc, rót thêm dầu vào đèn, để đêm khuya chúng tôi chế thuốc.

Mấy viên quan coi giữ quán chuẩn bị đèn dầu xong, ai nấy ra về. Khoảng nửa đêm, phố xá vắng vẻ, không một tiếng động. Bát Giới hỏi:

– Sư huynh ơi, chế thuốc gì, làm sơm sớm đi để em còn ngủ tí.

Hành Giả bảo:

– Chú em lấy một lạng đại hoàng nghiền cho nhỏ ra.

Sa Tăng bèn nói:

– Đại hoàng vị đắng, tính hàn, không độc, tính trầm mà không phù, công dụng đi mà không giữ lại, khai mọi uất kết mà không ủng trệ, yên họa loạn gây dựng thái bình, tên gọi “tướng quân”. Thứ thuốc này chỉ có vậy, nhưng sợ quốc vương mắc bệnh đã lâu, thân thể hư nhược, không dùng được.

Hành Giả cười, nói:

– Chú em không biết, thứ thuốc này long đờm thuận khí, làm tan hết hàn nhiệt ở trong bụng. Chú cứ để mặc tôi, hãy đi lấy một lạng ba đậu, bóc vỏ màng, giã cho hết đầu độc, rồi nghiền nhỏ ra cho tôi. 

Bát Giới nói:

– Ba đậu vị cay, tính nhiệt, có chất độc, tiêu tích cứng, làm tan hết chứng trầm hàn trong lá phổi, thông bế tắc, lợi cả đường đại tiểu tiện, là vị tướng phá thành cướp của, không thể dùng một cách khinh suất được.

Hành Giả nói:

– Chú em càng không biết nốt. Thứ thuốc này phá uất kết, thông đường ruột, chữa được chứng tim bị phù trướng. Đi chế ngay đi, để tôi còn chế những vị tá, sứ phụ thêm vào”. 

Tôn Ngộ Không và hai sư đệ là Trư Bát Giới và Sa Tăng cùng điều chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử.

Bát Giới và Sa Tăng chỉ biết được công dụng của đại hoàng, ba đậu ghi trong sách y học, lại cũng giống như những viên quan thái y trước đó chỉ biết dùng kinh nghiệm mà phán đoán. Ngộ Không trái lại đọc sách mà không câu nệ vào sách, ứng biến linh hoạt, học một hiểu mười, tùy nghi sử dụng, không theo lối mòn. Sở dĩ giữa họ có nhận thức khác biệt đến vậy là bởi tầng thứ, cảnh giới của Ngộ Không cao hơn so với Sa Tăng và Bát Giới. Cùng là một sự vật, Ngộ Không có được cái nhìn toàn diện hơn. 

Nhưng đó chưa phải là điểm độc đáo nhất của đơn thuốc mà Ngộ Không kê cho quốc vương Chu Tử. Ngoài các vị thuốc thông thường, thứ mà Ngộ Không gọi là “những vị tá, sứ phụ thêm vào” còn có nhọ nồi và… nước tiểu ngựa. Cứ theo giải thích của Hành Giả với các sư đệ của mình thì nhọ nồi là “bách thảo sương” có thể điều bách bệnh. Còn nước tiểu của con Bạch Long Mã vốn cõng Đường Tăng thì là nước tiểu của rồng, rất quý, cá uống vào thì hóa rồng, cỏ được tưới vào cũng hóa thành linh chi, người có bệnh gì uống vào đều khỏi.

Ba anh em cả đêm hì hụi giã nặn, cuối cùng chế được thành 3 viên thuốc hoàn lớn mang vào dâng cho quốc vương. Thứ thuốc này còn phải dùng cái gọi là “nước không rễ” mà uống. Hành Giả giải thích: “Nước ở đáy giếng, lòng sông đều có rễ cả. Nước không rễ của ta không phải loại đó, mà là nước từ trên trời rơi xuống, chưa chạm đất đã phải uống ngay. Đó mới gọi là “nước không rễ“. Nói nôm na đó là nước mưa, hứng trực tiếp ngoài trời.

Sau khi quốc vương uống thứ nước ấy vào thì “thấy bụng không ngớt sôi lên sùng sục, bèn mang tới chiếc thùng sạch nôn vào đấy dăm ba bãi, đoạn ăn một ít cháo, rồi ngồi tựa bên long sàng“. Các cung nhân mang thùng ra kiểm tra thì thấy các thứ đờm dãi ô uế đều đã được thải cả ra. Quốc vương nhờ đó dần dần hồi tỉnh, bệnh kia cũng lành.

Trọng đức thì mới có y thuật cao siêu

Vì sao Tôn Hành Giả có được y thuật cao siêu đến vậy? Trên tầng nghĩa bề mặt nhất có thể lý giải rằng đó là bởi Hành Giả tu luyện theo Bồ Đề sư tổ, học được phép thần thông, có thể hành nghề y. Tuy nhiên, ở một tầng sâu hơn mà giảng, cội gốc của y thuật tinh thâm chính là cảnh giới đạo đức cao thâm.

Ngộ Không từ khi mới bắt đầu tu Đạo với Bồ Đề tổ sư đã tỏ ra là một con khỉ có căn cơ. Chẳng vậy mà Bồ Đề tổ sư đã chọn Ngộ Không là đồ đệ chân truyền, dạy cho 72 phép biến hóa rồi lại… đuổi xuống núi. Đuổi đi không phải vì Ngộ Không hư hỏng mà là bởi Bồ Đề tổ sư biết con khỉ đá này chính là “người được chọn”, có sứ mệnh cao cả là hộ tống người đi lấy kinh, phổ truyền Phật Pháp ở miền Trung thổ.

Đạo gia truyền dạy đồ đệ đều là có chọn lọc. Đồ đệ chân truyền trong Đạo gia đều phải là người có căn cơ lớn, có đức lớn, đảm bảo sau này có thể tu thành Chân Nhân. Sau này, khi Ngộ Không bước chân vào cửa Phật, theo Đường Tăng thụ giới Phật Pháp thì chính là thêm một lần nữa tu tâm dưỡng tính, làm dày thêm phúc đức của mình.

So với Trư Bát Giới và Sa Tăng, Ngộ Không có căn cơ tốt hơn, có ngộ tính cao hơn và có đức lớn hơn. Bởi vậy mà tài năng và thần thông của Ngộ Không cũng dẫn đầu trong số các đồ đệ của Đường Tăng. Tầng thứ cao thấp thật sự của con người là do đạo đức quyết định. Nếu đạo đức cao thượng, tầng thứ tất nhiên sẽ cao, khả năng cũng lớn, có thể hiểu được những điều mà người ở cảnh giới thấp không thấu rõ được. Ngược lại, người ở tầng thứ thấp với phẩm chất đạo đức thấp kém, dù có làm thế nào cũng không thể biết được pháp lý ở trên tầng thứ cao, không lý giải nổi người có cảnh giới cao hơn mình.  

Xét riêng về Trung y cổ đại, các bậc danh y ngày xưa đều rất xem trọng sự tu dưỡng đạo đức. Họ thường không sử dụng y thuật của bản thân như một loại kỹ năng để cầu danh cầu lợi. Các danh y giảng về trị bệnh cứu người, thậm chí chẳng cần công sá, thù lao. Hoa Đà rạch tay, cạo xương, rút độc, cứu cho Quan Vũ một cánh tay mà khi ra đi nhất quyết không nhận dù chỉ một lượng bạc, chỉ nói rằng đó là vì tình tri âm. Yêu cầu của các danh y đối với truyền nhân đời sau của mình cũng rất nghiêm khắc. Nếu không tìm được người phù hợp để kế thừa sự nghiệp, họ thà mang theo tất cả tinh hoa xuống nấm mồ chứ quyết không tùy tiện truyền cho người không đủ tư cách.

Ngày nay, cái gọi là “Đông Tây y kết hợp” quả thực đang mang đến những nhầm lẫn đầy nguy hiểm cho con người. Đông y vốn được truyền thừa hàng mấy nghìn năm ở Á Đông cũng đang ngày một trở nên biến dị, xa rời đạo gốc ban đầu. Bác sĩ Đông y hiện nay tuyệt đại đa số là được đào tạo từ trong trường đại học mà ra. Người ta chỉ coi Đông y là một loại kỹ năng cần phải học để biết, để chấm điểm thi qua môn như nhiều khoa mục khác được giảng dạy trong trường. 

Mà ở trong trường học đó, về căn bản người ta đều không nhấn mạnh cho người học cần phải coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, cũng không giảng về quan hệ giữa y thuật và đạo đức. Kết quả là kỹ năng y học và tu luyện đạo đức bị tách khai. Những bác sĩ không đủ phẩm chất đạo đức cũng ngày một nhiều hơn. Kết quả là toàn bộ Trung y hiện đại đã bị đóng khung trong một giới hạn. Những gì nghiên cứu được cũng chỉ là phần vỏ ngoài nông cạn. Nội hàm thâm sâu hơn hoàn toàn không được khai mở. Tất cả thầy thuốc đều chỉ sống nhờ vào các bài thuốc tổ truyền và kinh nghiệm trong sách y học mà không có bất cứ đột phá nào mới nữa. 

Bạn thử xem, hỏi ngày nay có ai còn học được cách chữa bệnh độc đáo như Tôn Ngộ Không ở nước Chu Tử hay không?

Nguồn ảnh: Chụp màn hình phim Tây Du Ký 1986.

 Video: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

videoinfo__video3.dkn.tv||48868aefb__