Đại Kỷ Nguyên

Hai đại Long mạch Trung Hoa: Một bị chặt thân, một xảy ra dị tượng suốt 20 năm

Hai đại Long mạch Trung Hoa: Một bị chặt thân, một xẩy ra dị tượng 20 năm nay

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Cuộc chiến cuối cùng phân định chính tà liệu có khôi phục lại được một Trung Hoa huy hoàng thuở xưa?

Trong văn hóa truyền thống, vai trò và ảnh hưởng của phong thủy địa lý được mô tả là vượt xa những gì mắt người bình thường có thể nhìn thấy được. Có những câu chuyện đụng đến là có người cho rằng mê tín nhưng nó vẫn luôn hiện hữu quanh ta, bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời, số phận người ta.

Lịch sử Trung Hoa gắn với vùng sông nước “nhược thủy”

Từ xưa đến nay, cổ nhân vẫn lưu truyền, trong các danh sơn đại xuyên thì đều có những vị Thần núi, Thần sông cai quản, duy trì hoàn cảnh sinh tồn tự nhiên của vạn vật trong đó. Mỗi lần trên bề mặt trái đất xảy ra các biến hóa lớn, thì tương ứng ở một không gian khác cũng là sự thay thế của các vị Thần.

Tương truyền vào 4.000 năm trước, trận đại hồng thủy với độ cao 2.000m so với mực nước biển mang tính phạm vi toàn thế giới đã nhấn chìm toàn bộ lục địa. Ở vùng Châu Á, cao nguyên Thanh Tạng, dãy núi Côn Lôn bỗng chốc biến thành cô đảo, bốn phía đều bị nước bao quanh. Loại nước này không giống như nước sông hay nước biển. Nó được gọi là “nhược thủy”, tức nước yếu (lực nâng của nước yếu hơn nước bình thường, người ta nếu bị rơi vào vùng nước này sẽ ngay lập tức bị nhấn chìm và mất đi sinh mạng). Thời cổ rất nhiều dòng sông nông mà chảy xiết không thể dùng thuyền mà chỉ có thể dùng bè da đi qua, cổ nhân cho rằng bởi nước yếu (lực nâng yếu) nên không thể chở thuyền.

Trong Hải Nội Thập Châu Ký – Phượng Lân Châu có chép: “Phượng Lân Châu nằm ở chính giữa vùng ‘tai ương’ của Tây Hải, địa phương trong suốt 1.500 năm bốn bề có nhược thủy, người ta nói rằng đến sợi lông của con chim hồng bay ngang qua làm rớt xuống cũng bị chìm nghỉm, chứ đừng nói đến thuyền bè”. Vậy nên mới có câu trên: “Chốn Bồng Lai nào dễ đến, nhược thủy ba ngàn dặm”.

Đứng từ góc độ vật lý học mà lý giải, thì “nhược thủy phù lực tiểu”, nghĩa là nước yếu thì sức nâng của nước đối với vật ở trong đó cũng yếu. Còn trong văn hóa Thần truyền của người Trung Hoa, thì khu vực này ở một không gian khác chính là có một loại yêu tinh một chân tác oai, tác quái, người ta thường gọi là “Võng lượng”. Trung Quốc cổ đại cũng gọi là “Quỳ”, một loại giống quái như con rồng có một chân, chính là con rắn thành tinh.

Trong Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Kinh lại viết: “Đông Hải Lưu Ba Sơn, vào biển bảy ngàn dặm”, nghĩa là nơi này hẻo lánh hoang vắng xa xôi vô cùng, ở trên đó có các con thú, hình dáng nó trông giống như con bò, chỉ có một chân, thân thì xanh biếc, còn đầu thì không có sừng, hễ cứ ra vào trong nước thì ắt có mưa to gió lớn. Ánh sáng nó phát ra như mặt trăng mặt trời, âm thanh như tiếng sấm, tiếng sét, dân gian gọi nó là “Quỳ”.

Sau khi Hoàng Đế bắt được nó, đã dùng da “Quỳ” làm trống, xương cốt làm dùi. Âm thanh rộng lớn của tiếng trống vang xa tới 500 dặm (tương đương 250km), quả thực lấy uy thiên hạ. Khổng Tử Gia Ngữ – Biện Vật viết: “Mộc Thạch chi quái Quỳ võng lượng”, nghĩa là yêu quái do gỗ đá hóa thành tinh.

Trong Sưu Thần Ký, cuốn 16 có chép: “Vua Chuyên Húc có 3 người con trai, sau khi chết đi làm quỷ ôn dịch: một cư trú ở nước sông Giang (Trường Giang), chuyên làm những việc của ‘Ngược Quỷ’, gieo bệnh sốt rét; một sống ở vùng nhược thủy, chuyên làm những việc của quỷ Võng lượng; một nữa cư ngụ tại Cung Thất, là một tiểu quỷ, dễ khiến trẻ em sợ hãi”.

Trong Cửu Châu Thanh Hoành Truyền viết: “Nhược thủy – nước yếu nhất là ở đầm lầy về đêm, trong vùng nhược thủy ấy vạn vật đều không thể sinh tồn, duy chỉ có con mãng xà và con cháu của loài chim đêm là tồn tại”.

Nghĩa là người xưa nhận thức có mối liên quan giữa yêu ma quỷ quái và quỷ ôn dịch, cũng như những câu chuyện truyền thuyết trong nhân gian về sông Hoàng Hà và sông Trường Giang.

Dân tộc Hoa Hạ phát triển ở phương Đông, những câu chuyện tưởng như là con người đang làm nơi thế gian này, nhưng thật ra là có Thần an bài, khai sáng ra hoàn cảnh sinh tồn cho con dân đất Thần Châu. Trong có sự tham gia của Hoàng Long và Thanh Long, hai con rồng sống ở trên thiên đình mà người ta vẫn lưu truyền trong truyền thuyết xưa nay.

Vùng nhược thủy ở Tây Hải, trong Hậu Hán Thư. Tây Vực Truyền. Đại Tần viết: “Phía Tây nước Đại Tần có nhược thủy, cát chảy. Trong Hành trình về phương Tây của nhà sư Đường Huyền Trang còn lưu lại những tháng ngày gian nan cực khổ khi đi qua vùng nhược thủy này – Sông Lưu Sa”.

Tây Du Ký hồi thứ 22 viết: “Lưu Sa tám trăm dặm, nước sâu ba ngàn thước”. Tương truyền sông Lưu Sa dài 800 dặm, nước sâu ba nghìn thước, trên không có chim bay, dưới không có dấu thú chạy, hoàn cảnh tự nhiên nơi này vô cùng khắc nghiệt, có liệt hỏa, lốc xoáy, cát bụi cuồn cuộn, lại thêm tiếng sấm rền vang. Những người qua sông đều phải nhờ vào một vị Thần vô cùng cao lớn. Thần dùng hai bàn tay của mình làm chiếc cầu giúp họ qua sông. Sau khi sang tới bờ bên kia, vị Thần này sẽ chắp hai bàn tay lại trước ngực để tiễn chân họ.

Trong Đại Đường đại từ ân tự Tam Tạng pháp sư truyện miêu tả: “Ở Lưu Sa Hà, ban đêm nổi lên những đốm lửa quỷ dị như những ngôi sao rực rỡ, gió thổi cát bay mù mịt như trời mưa. Huyền Trang ở đây năm ngày bốn đêm không có một giọt nước, bị không gian huyễn hoặc ngăn cản hòng phá hoại lý tưởng sang Tây Thiên thỉnh kinh của ngài. Nhưng Pháp sư Huyền Trang đã dựa vào ý chí kiên định và lòng dũng cảm phi thường để ngăn những thứ nhơ bẩn kia quấy rối, cuối cùng đã qua được con sông rộng tám trăm dặm này”.

“Nhược thủy” chính là do yêu quái Võng lượng làm nên, vì vậy, muốn xóa bỏ đi “nhược thủy”, ắt phải xảy ra đại chiến chính tà: Song Long diệt Võng lượng. Bởi vì câu chuyện không được ghi chép và lưu lại một cách chi tiết bằng văn tự, nên các phiên bản lưu truyền không được đồng nhất, sau đây là một đoạn tương đối sinh động, được kể lại bởi người có công năng và liễu giải của họ về câu chuyện này.

Thác Hồ Khẩu thác nước lớn thứ hai ở Trung Quốc trên sông Hoàng Hà (ảnh: Wikipedia).

Song Long diệt Võng lượng, hạ thổ thành Long mạch

Sau một thời gian hoành hành tác oai tác quái, nguyên lai của Võng lượng đã bị Thanh Long và Hoàng Long biết được. Theo đó, Võng lượng có thể dùng ma lực khiến cho trong tâm mỗi người đều ẩn náu một loại nhân tố tức giận, có thể tương hỗ lẫn nhau mà hành việc ác, khuấy loạn nhân gian. Có rất nhiều người đã sùng bái mà đi theo chúng.

Những người đi theo Võng lượng mắc một chủng bệnh gọi là “Yểm”, tức là bị bóng đè trong khi ngủ. Oán khí của một đám người bị chết bi thảm đã trở thành kẻ khống chế “những cơn ác mộng”. Dân gian có câu: “Cửu ma nhất Yểm”, thì loại khống chế này còn mạnh hơn cả “Yểm” ấy. Vì thế mà, những người hành ác kia, trong tâm trí bị khống chế mà không hề hay biết.

Thanh Long và Hoàng Long quyết tâm thay loài người trừ yêu diệt quái, quy chính nhân gian quay về chính đạo. Họ biến hóa thành hai vị đạo sĩ, lấy việc trị bệnh trừ tà để tiêu bỏ đi những tâm bệnh và ác niệm của con người. Họ để người bệnh uống đan sa, trân châu, các loại tảo biển, dạy mọi người niệm thần chú để thoát khỏi “nhân tố bị khống chế” ấy.

Qua quá trình điều trị, rất nhiều người đã khỏi bệnh, trái tim trở nên lương thiện hơn, giải trừ được nỗi thống khổ trong cuộc sống. Cứ như vậy, một truyền mười, mười truyền một trăm, người người biết đến. Chỉ sau ba tháng, hàng ngàn, hàng vạn người đã trở lại cuộc sống bình thường, người ta vì thế cũng xôn xao kể lại câu chuyện về hai vị thần tiên sống.

Võng lượng nghe nói có người phá được phép thuật của mình, nên đã phái cá sấu tinh cùng cóc tinh đi nghe ngóng thực hư sự tình.

Hai con yêu tinh hóa thành người bị bệnh, trà trộn lẫn vào dòng người đang đi tới chỗ hai vị đạo y. Con cóc tinh nhìn thấy trên đầu hai vị đạo y phát ra ánh sáng màu xanh và màu vàng thông thẳng lên tít trời cao. Biết được lai lịch của hai vị đạo y không hề nhỏ, con cóc tinh với đầu não đơn giản nhưng lại đầy hung hãn, trong bụng mưu tính quỷ kế nói với cá sấu tinh: “Đây chỉ là hai tên tiểu mao, không cần phải bận tâm, ngươi cứ ngồi yên đây, mình ta ra tay là được”.

Cá sấu tinh vừa nghe một cái, liền tức giận quát “Cơ hội đang thuận lợi như thế này, ngươi chẳng phải là con cóc tinh kén chọn hay sao?”. Thế rồi, bọn chúng ngay lập tức hiện nguyên hình, giương cái miệng to đùng lao thẳng tới hai vị đạo y.

Hai con rồng sớm biết là hai con yêu tinh tới, Hoàng Long liền phóng ra viên đạn ngọc châu trong tay, quật cá sấu tinh ngã xuống đất, cá sấu tinh thấy tình thế không ổn, đang muốn xoay mình chạy trốn, Thanh Long liền đưa tay ra lật một cái, lập tức khiến bộ não của nó văng tung tóe.

Con cóc tinh nhân cơ hội đó chạy trốn về bẩm báo Võng lượng: Là Thanh Long và Hoàng Long đã phá trừ phép thuật của chúng ta.

Võng lượng giận dữ, đích thân dẫn 5 vạn ma binh tới khiêu chiến. Thanh Long và Hoàng Long dặn dò mọi người mà họ đã chữa khỏi hãy ẩn núp cẩn thận, ngàn vạn lần không được đi ra. Sau đó cưỡi mây dàn trận trên không trung nghênh chiến Võng lượng. Thanh Long cùng Hoàng Long thi triển pháp lực, đại chiến với đám ma binh suốt bảy ngày bảy đêm.

Ảnh minh họa: Shiguangyouju.

Từ xưa tới nay, chính luôn thắng tà, nhìn thấy Thanh Long và Hoàng Long đánh thắng hết trận này đến trận khác, còn ma binh của mình càng ngày càng ít đi, không cam lòng chịu thất bại, Võng lượng làm ma pháp triệu tập tất cả những người đã bị trúng “Yểm” dưới mặt đất, phân nam bắc xếp thành hai trường xà trận, xa xa nhìn thấy sương mù yêu quái lượn lờ, giống như hai con rắn khổng lồ phun lửa trên mặt đất đang chầm chậm dồn vào giữa, từng chỗ nó đi qua đều khiến đất đai khô cằn như bị thiêu đốt.

Ý đồ của bọn chúng là muốn lấy mạng Thanh Long, Hoàng Long và tất cả những người đã được hai vị đạo y chữa khỏi, chính là lấy mạng đổi mạng. Thanh Long và Hoàng Long đã khổ chiến cùng ma binh suốt mấy ngày đêm, khiến thân mệt mỏi, sức lực kiệt quệ. Khi nhị long thấy Võng lượng mưu toan hủy diệt những người đã được họ tự tay cứu thoát đã quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ những mạng người lương thiện ấy.

Vì vậy, không để ý đến an nguy của bản thân, Thanh Long và Hoàng Long hóa thành hai dòng sông tách biệt lạnh như băng, một xanh, một vàng, phân chia nghênh đón “Rồng lửa” (tức 2 con rắn lửa phía trên).

Khi “Rồng lửa” vừa chạm vào con sông lớn, toàn bộ những ma binh cùng Võng lượng bị vòng xoáy to lớn cuốn vào trong lòng sông, những người trên mặt đất “đi theo” võng lượng kia cũng khó lòng mà tránh khỏi, lần lượt bị cuốn sâu trong vòng xoáy. Trải qua 3 ngày 3 đêm, hai con “Rồng lửa” bị đẩy xa hơn ngàn dặm.

Thanh Long cùng Hoàng Long lại dùng thân thể to lớn, từ từ đem “Rồng lửa” đè ở dưới thân mình (vì để trấn áp Võng lượng, bảo vệ loài người, mà Thanh Long và Hoàng Long đã không trở lại thiên đình). Thân thể dần dần hạ xuống mặt đất, hình thành nên dòng sông Trường Giang và Hoàng Hà bây giờ. Tất nhiên cuộc chiến kinh thiên động địa này xảy ra ở không gian khác.

Cho tới hôm nay, đời con cháu của Viêm Hoàng hai bên bờ sông Trường Giang và Hoàng Hà vẫn dựa vào hai con sông lớn này để sinh sôi, nảy nở muôn đời sau.

Xây đập, chặt đứt thân Rồng, Võng lượng xoay mình?

Suốt lịch sử các triều đại ở Trung Nguyên, các bậc Thánh hoàng minh quân thường xuyên thờ phụng các vị Thần, trong đó có cả Thần sông và Thần núi. Hoàng đế luôn khiêm tốn và biết ơn các vị Thần đã ban tặng cho con người một môi trường tự nhiên vô giá để sinh tồn. Mấy ngàn năm qua, người dân Trung Quốc vẫn luôn tôn kính vào Thần, sống hài hòa cùng thiên nhiên.

Nhưng năm tháng trôi qua, lòng người thay đổi, thời mạt Pháp cuối cùng cũng đến, đạo đức con người trượt dốc mỗi ngày, không còn kính ngưỡng vào Thần Phật, ma vương xuất thế gây họa loạn thế gian, không chỉ phá hoại văn hóa Thần truyền, mà còn phá hủy đi hoàn cảnh sinh tồn mà Thần đã khai sáng cho con người.

Thuyết vô Thần ở phương Đông không tin vào “Thiên – Nhân hợp nhất”, còn ở phương Tây gọi là sự thâm nhập khoa học. Dựa trên học thuyết này mà phát động mọi người “đấu với Trời, đấu với Đất”, “mắng Trời, rủa Đất”.

Trải theo năm tháng dài đằng đẵng, trên sông Trường Giang đã xây lên một con đập lớn mang tên đập Tam Hiệp. Điều này chẳng khác gì việc chặt đứt thân rồng, tạo cơ hội cho Võng lượng xoay mình. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc lấy lý do an toàn mà cấm người dân đốt pháo dây. Loại âm thanh này theo phong thủy mà nói là có thể trừ tà, xua đuổi yêu quái. Như vậy, dịch độc của quỷ đã trỗi dậy rồi, thậm chí có người còn bị hàng vạn oan hồn khống chế – chính là “Yểm”.

Lịch sử giống như lại đang luân hồi lặp lại, nhưng kết cục liệu có giống với năm xưa?

Trung Quốc có câu thành ngữ: “Thủy trích thạch xuyên”, nghĩa là nước chảy đá mòn. Những thứ nhân tạo làm sao có thể trường tồn cùng với thời gian được chứ? Làm sao có thể sánh được với thiên nhiên do Thần tạo ra?

Rồi cũng sẽ đến ngày điều gì đến sẽ đến, cái giá phải trả sẽ thật đắt nhường nào. Chẳng phải đây chính là đưa con cháu đời sau đi vào chỗ nguy hiểm hay sao?

Sau 31 ngày cảnh báo mưa lớn liên tục kể từ 2/6, hồ chứa nước đập Tam Hiệp đang ở mức báo động. Chính quyền Trung Quốc đã công nhận việc xả lũ khẩn cấp để bảo vệ con đập, khiến nước lớn làm ngập một loạt các thành phố ở hạ du Tam Hiệp.

Trước đó, các vấn đề an toàn của đập Tam Hiệp được thế giới bên ngoài rất quan tâm và giả thuyết về việc vỡ đập đã trở nên rất phổ biến. Mặc dù chính quyền Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ, nhiều chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rằng một trong những nguyên nhân có thể khiến đập Tam Hiệp bị vỡ là những trận động đất. Và bây giờ, khi những trận động đất đang xảy ra liên tiếp ở Tứ Xuyên, điều mà các chuyên gia lo lắng nhất dường như đã bắt đầu.

Tất cả những gì đã, đang và sắp xảy ra đều đang đe dọa sự an toàn cho đập Tam Hiệp, đe dọa tính mạng của nhân dân, bách tính Trung Hoa, cũng như uy hiếp trực tiếp đến sự tồn vong của ĐCS Trung Quốc.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp đang bị biến dạng.

Tử cổ chí kim, đã có biết bao những lời tiên tri cảnh tỉnh con người tránh xa cái ác, làm người lương thiện, được trời xanh bảo hộ.

The Call to Glory được xuất bản bởi nhà tiên tri hiện đại nổi tiếng người Mỹ Jenny Dixon vào năm 1971 viết rằng: “Trận chiến cuối cùng giữa thiện và ác trong thời kỳ Tận thế (Armageddon) sắp diễn ra vào năm 2020, khi ấy, quỷ sa tăng (Satan) sẽ chiến đấu với Thần, đối đầu với nhân loại”.

Đối mặt với cuộc chiến chính tà, cả tam tài Thiên – Địa – Nhân đều sẽ bị lay động. Vậy thì Thiên Long và Hoàng Long liệu có thể không làm gì? Hơn nữa, ngoài hai con sông lớn Trường Giang và Hoàng Hà ra, còn có vô số những con sông nhỏ khác, Long tộc sẽ “tái chiến giang hồ”, cùng nhau trỗi dậy tương chiến với “Rồng lửa”.

Trong quá khứ, Thanh Long và Hoàng Long vì cứu lấy nhân loại mà tạo lập vô lượng công đức. Thiên Địa sẽ không để cho bất cứ điều gì hủy hoại họ. Nếu vậy thì tương lai của chính quyền Trung Quốc sẽ đi về đâu?

Hoàng Hà xảy ra dị tượng suốt 20 năm

Trong “Bình Sơn Lãnh Yến” của La Quán Trung viết: “Khi Thánh Nhân xuất hiện tại nhân gian, khắp nơi trên mặt đất và núi sông đều có thể xuất hiện những dị tượng, những vật chất bẩn thỉu, đục ngầu trong trần thế sẽ bị loại bỏ, nước sông Hoàng Hà vạn dặm sẽ trở nên trong vắt”.

Trong lịch sử đã ghi chép ít nhất 119 lần xuất hiện hiện tượng trên. Từ cổ xưa đến nay, mọi người thấy Hoàng Hà luôn có màu vàng, vì phù sa trong nước quá nhiều, trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “Ngàn năm khó thấy Hoàng Hà trong”. Do đó nước sông Hoàng Hà trở nên trong là cảnh tượng “ngàn năm khó gặp”, đối với người xưa mà nói, thì đó là việc đại sự.

Cố Viêm Vũ, học giả cuối đời nhà Minh đã phân loại ghi chép lại những sự việc này như sau:

Năm thứ 9 đời Hán Hoàn Đế, Hoàng Hà trong, năm sau Hoàn Đế băng hà.

Thời Võ Thành Đế triều Bắc Tề, Hoàng Hà trong, hơn 10 năm sau, nhà Tùy giành được thiên hạ.

Thời Tùy Dương Đế, Vũ Dương và Long Môn xảy ra vài lần Hoàng Hà trong, sau đó triều Đường đánh bại nhà Tùy làm chủ thiên hạ.

Thời Vệ Thiệu Vương nhà Kim, Hoàng Hà trong, 4 năm sau, Kim Tuyên Tông soán ngôi.

Năm Chí Chính thứ 21 đời Nguyên Thuận Đế, Hoàng Hà từ vùng Bình Lục trở xuống nước sông trong trên 500 dặm, liền sau đó Minh Thái Tổ dấy binh đánh bại nhà Nguyên đoạt thiên hạ.

Những năm Chính Đức nhà Minh, Hoàng Hà trong, Minh Vũ Tông băng hà không người kế vị, Hưng Vương Chu Hậu Thông được chọn lên ngôi.

Năm Thái Xương nhà Minh, Hoàng Hà trong, Minh Hy Tông chết trẻ, các con còn nhỏ, Tín Vương Chu Do Kiểm lên ngôi, hiệu Sùng Trinh.

Thời Tống Huy Tông tại vị, ông đã trải qua 3 lần sự kiện nước sông Hoàng Hà trong xanh: Lần thứ nhất là năm 1107, Hoàng Hà đột nhiên trở nên trong vắt, khu vực nước trong kéo dài khoảng 800 dặm, diễn ra 7 ngày 7 đêm. Sau đó các quan lại các địa phương tấp nập dâng sớ thông báo, đồng thời cho rằng đây là điềm lành. Họ nào biết nước sông Hoàng Hà trong là bắt đầu báo hiệu triều Bắc Tống diệt vong. Cũng trong năm đó Hoàng đế khai quốc triều Nam Tống là Triệu Cấu ra đời.

Sau đó liên tục 3 năm, nước Hoàng Hà lại 3 lần trở nên trong vắt. Có thể nói đó là ngàn năm chưa từng có. Trong những tiếng nói vui mừng bởi vẻ ngoài giống như điềm lành này, bách tính bắt đầu nghi hoặc, có thật là điềm báo chúng ta sẽ đón nhận thời thịnh thế ngàn năm chưa từng có không? Những quan lại thấy gió chiều nào che chiều ấy cũng bắt đầu viết thơ ca a dua xu nịnh rằng: “Nước Hoàng Hà trong, thái bình thịnh thế”.

Tuy nhiên thực tế lại là dù 3 năm liên tục nước sông đổi màu trong vắt, nhưng triều đại chẳng đem lại cái gì gọi là thịnh thế, trái lại biên giới quốc gia liên tiếp bị ngoại tộc xâm phạm. Mấy năm sau, quân Kim hung hãn đánh thẳng xuống phía nam bao vây kinh đô Biện Kinh, bắt sống Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và cả gia tộc hoàng gia đem về nước. Đến tận khi chết, Tống Huy Tông vẫn chưa được trở về nước. Cuối cùng triều Bắc Tống diệt vong. Đây là đại nhục của triều Tống mà lịch sử gọi là “Tĩnh Khang chi biến” (Sự biến Tĩnh Khang).

Năm 2020 vốn bị “nguyền rủa” là năm tai ương: “Canh Tý chi tai”. Ngoài những sự kiện bất thường đang diễn ra bên trong Trung Quốc hiện nay, vào tháng 5/2020, dân chúng phát hiện nước Hoàng Hà, đoạn dưới cầu Đại Kiều xuất hiện hiện tượng nước sông đột nhiên trong chưa từng thấy. Đây là chuyện lạ chưa từng có trong mấy trăm năm qua.

Dân chúng phát hiện nước Hoàng Hà, đoạn dưới cầu Đại Kiều xuất hiện hiện tượng nước sông đột nhiên trong chưa từng thấy (ảnh qua Secretchina.com).

Thực tế từ năm 2000, Hoàng Hà đã bắt đầu trong, và kéo dài đến nay. Theo chuyên gia lịch sử địa chất Lý Ngạc Vinh, lịch sử ghi chép lần “Hoàng Hà trong” một đoạn dài nhất là năm 1727, Hoàng Hà trong kéo dài hơn 2.000 dặm. Nhưng “Hoàng Hà trong” xảy ra ở thế kỷ này có thời gian kéo dài vượt xa những ghi chép xa xưa, thực sự là “hiếm có trong lịch sử”.

Vậy thì, trong năm nay, nước Hoàng Hà đột nhiên trong vắt, liệu rằng điềm báo Trung Hoa sắp thay triều đổi đại có trở thành hiện thực?

Như vậy cả hai đại Long mạch của Trung Quốc đều đã có biến, một bị xây đập chặt đứt thân Rồng, một xảy ra dị tượng báo hiệu thay triều đổi đại. Mãnh Long đều đang chuyển mình phản ứng? Cuộc Long chiến phân thiện – ác liệu có một lần nữa làm nên Trung Hoa mới?

Theo Thanh Nguyên Tử, Secretchina
Tâm Thanh biên dịch và biên tập

Exit mobile version