Đại Kỷ Nguyên

Hai gia tộc có kết cục đối lập nhau chỉ vì có thái độ khác nhau với “việc thiện”

Người xưa thường khuyên rằng: “Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà làm”, đây thực sự là lời dạy bảo vô cùng quý giá cho người đời sau!

Có câu cổ ngữ nói về làm việc thiện: “Làm việc thiện, quý ở chỗ kiên trì không trễ lười. Có được cái nhỏ nên mới thành được cái lớn, tích góp từ một rồi mới thành triệu. Tòa tháp cao chín tầng lúc ban đầu cũng là xây nên từ nền đất mà thành, hành trình xa ngàn dặm cũng bắt đầu từ từng bước chân một.”

Nếu bạn biết rõ đó là việc thiện, thì phải ngay lập tức làm ngay, hơn nữa còn phải chăm chỉ cố gắng và kiên trì bên bỉ mà làm. Dưới đây là hai câu chuyện kể về vấn đề này.

Gặp việc thiện không làm, gia tộc suy vong

Có một số người nhìn thấy việc thiện ngay ở trước mặt nhưng lại chối từ không làm, và đã để mất cơ hội “ngàn vàng”.

Có một câu chuyện thế này:

Vào cuối thời nhà Chu, một người đàn ông tên là Tề Hoàn Công, trong một lần đi qua đống đổ nát của gia đình họ Quách, anh ta bèn tò mò hỏi một người già ở gần đó rằng: “Xin hỏi ông, gia tộc họ Quách vì sao lại bị suy bại diệt vong như vậy?

Ông lão trả lời: “Họ bị suy bại là vì gặp cơ hội làm việc thiện mà lại không làm.”

Tề Hoàn Công lại hỏi: “Gặp việc thiện mà không làm là sao?

Ông lão trầm tư nói: “Gia tộc họ Quách thích gặp điều lành, nhưng tự họ lại không làm việc thiện. Họ ghét điều ác, nhưng lại không khống chế được bản thân mình đừng làm việc ác. Đó là lý do họ suy bại diệt vong.”

Tề Hoàn Công nghe xong câu trả lời của ông lão, hiểu ra nguyên nhân sự tình và trong lòng không khỏi xót xa...

Năng làm việc thiện, khích lệ người khác làm việc thiện được phúc báo

Vào thời Bắc Tống, có một người tên là Hàn Kỳ, là một người đức cao vọng trọng. Ông luôn đối xử với mọi người bằng thái độ nhân từ và độ lượng. Mỗi khi nhìn thấy việc thiện, ông đều nhất định cố gắng làm ngay.

Mỗi lần gặp người khác làm được việc thiện, ông đều dùng lời hay lời đẹp để cổ vũ, khích lệ và khen ngợi họ. Câu mà ông thường nói với họ là: “Hàn Kỳ thực sự còn phải học hỏi nhiều!”

Có người hỏi ông vì sao lại làm như vậy, ông nói: “Lòng người hướng thiện là cao quý nhất. Ca ngợi người làm việc thiện sẽ khiến cho họ sau này cố gắng làm được nhiều việc thiện hơn nữa. Đồng thời khiến cho người nghe thấy cũng sinh lòng hướng thiện. Điều này cũng khiến cho những người làm việc xấu cảm thấy hổ thẹn và thay đổi bản thân mình. Vậy nên khuyến khích làm việc tốt rất là quan trọng.”

Ông còn thường xuyên đọc và phổ biến sách thánh hiền cho mọi người, ông nói: “Sách của các bậc Thánh hiền có thể chỉ đạo con người ta trở thành chính nhân quân tử”.

Sau này, Hàn Kỳ đã trở thành một vị tướng đức độ, được phong làm Ngụy Quốc Công, đồng thời, ông cũng đạt được cả “ngũ phúc” (trường thọ, phú quý, khỏe mạnh, hiếu đức, ra đi thanh thản). Con cháu của ông sau này, có nhiều đời làm quan cho triều đình mãi đến tận những năm cuối của triều đại Nam Tống.

Nhắc đến Hàn Kỳ, mọi người đều cho rằng, những gì ông được hưởng đều là vì ông đã làm việc thiện tích đức mà thành!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version