Đại Kỷ Nguyên

Hàn Tín, hùm thiêng khi đã sa cơ (Kỳ 5): Bày trận tựa sông, phá 20 vạn quân Triệu nhưng vẫn bị thu ấn tướng

Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Sau chiến thắng Bành Thành, Hạng Vũ đã xem Lưu Bang là đối thủ nguy hiểm nhất, cái gai trong mắt phải nhổ. Ông tập trung chấn chỉnh binh lực, liên hợp với các nước Tề, Triệu, Ngụy và Cửu Giang vương Anh Bố, chuẩn bị đánh từ hai mặt nam bắc, thẳng tiến đến tận Quan Trung. Lúc này, Ngụy Vương Báo vốn đã quy thuận giờ thấy Lưu Bang yếu thế bèn liên thủ với Hạng Vũ quay sang đánh Lưu Bang từ hai bên mặt. 

Xem thêm: Kỳ 1,   Kỳ 2,   Kỳ 3,   Kỳ 4

1. Tập kích bất ngờ phá tan quân Ngụy 

Lãnh địa của Ngụy vương ở Hà Đông, phía tây tiến đến uy hiếp Quan Trung, phía nam có thể cắt đứt liên hệ giữa Quan Trung và Huỳnh Dương. Vậy nên trước khi quyết chiến cùng Hạng Vũ, Lưu Bang cần phải giải quyết mối hoạ Ngụy vương Báo. Trước tiên, Lưu Bang sai biện sĩ Lệ Thực Kỳ đến khuyên giải.

Ngụy vương Báo trước nay cực kỳ chán ghét thái độ ngạo mạn vô lễ ngày thường của Lưu Bang nên không muốn tiếp kiến sứ giả. Lệ Thực Kỳ đành phải không công trở về. Bất đắc dĩ Lưu Bang đành phải dùng lại Hàn Tín lần nữa, bổ nhiệm Hàn làm tả thừa tướng và đại tướng quân, cùng với Tào Tham, Quán Anh dẫn quân đi đánh Ngụy. 

Ngụy vương ở ven bờ Hoàng Hà có cử trọng binh canh giữ, bố trí phòng hộ nghiêm ngặt, không chút sơ hở. Vấn đề thứ nhất mà Hàn Tín phải đối mặt là vượt sông Hoàng Hà thế nào. Quân Hán chỉ có một trăm chiếc thuyền cũ trong tay, nếu miễn cưỡng vượt sông, ắt sẽ thiệt hại to lớn, thắng bại khó lường.

Sông Hoàng Hà. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Hàn Tín đã dùng diệu kế: “Thùng gỗ vượt sông”. Ông chia quân thành hai đường, một sáng một tối, sáng là đội quân hướng đến Bồ Bàn, do Quán Anh chỉ huy, 1 vạn binh mã cùng hơn 100 chiếc thuyền dàn thành thế trận, bày thuyền bè, hư trương thanh thế như muốn vượt qua sông Lâm Tấn. Ngụy vương Báo thấy quân Hán bày trí thuyền bè ở Bồ Bản, lập tức hiệu lệnh thuộc hạ, điều động rất nhiều binh mã từ nơi khác đến bày trận nghênh địch.

Hàn Tín sai một đạo binh mã khác âm thầm tiến đến Hạ Dương (Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây ngày nay), nơi cách đó hơn một trăm dặm về phía Bắc. Hạ Dương là bến thuyền tốt nhất giữa Long Môn quan đến Bồ Tân quan, mặt sông rộng rãi, đáy bờ nước chậm, thuyền bè đi lại dễ dàng, hơn nữa có 20 dặm đồng bằng thuận tiện cho quân đội tập kết. Hàn Tín sau khi đến Hạ Dương thì không dùng thuyền vượt sông, mà sai quân lĩnh đẵn cây, làm các loại thùng gỗ, lại dùng dây thừng buộc chặt thùng gỗ và khúc gỗ với nhau, làm thành bè gỗ.

Quân Hán âm thầm qua sông khi quân Nguỵ ở bên kia sông đều đã bị điều đến Bồ Bản, vậy nên không hề kinh động, quỷ thần chẳng biết. Sau khi qua sông, Hàn Tín mau chóng đánh úp và giành được đất An Ấp. Đây vốn là một vùng quân sự quan trọng, Ngụy vương Báo không thể không kéo binh trở về ứng cứu. Ngụy quân vừa rút lui khỏi Bồ Bản, quân Hán lập tức chèo thuyền vượt sông, mau chóng chiếm lấy Bồ Bản.

Hai đạo quân Hán lần lượt vượt sông mau chóng hợp binh giáp công đại quân của Ngụy vương Báo giữa Bồ Bản và An Ấp. Dưới thành An Ấp, quân Ngụy đại bại bỏ trốn, Tào Tham đuổi sát theo sau. Quân Ngụy chạy đến Đông Viên, Tào Tham cũng lần theo dấu vết đuổi đến. Toàn bộ tàn quân Ngụy đều bị diệt, Ngụy vương Báo cũng bị bắt sống. Tiếp đó, Hàn Tín lại bắc tiến công chiếm Bình Dương, chỉ qua vài trận đã bình định toàn bộ nước Ngụy lớn mạnh, thời gian không đến một tháng.

Thùng gỗ vượt sông” cũng là một chiến thuật kinh điển trong lịch sử chiến tranh, không chỉ cách thức vượt sông mới lạ đặc biệt, trình tự chiến lược của nó càng kỳ diệu hơn. Trước hết “dương đông kích tây”, sau khi đánh tây xong rồi lại đánh đông lần nữa, khiến đối thủ hoàn toàn ở vào trạng thái bị động chịu đòn. Về cơ bản “Thùng gỗ vượt sông” chính là một phiên bản khác của “Ám độ Trần Thương“, cũng chính là “Dối trời qua biển“, vờ đánh Đồ Bản mà thực ra là tiến đến An Ấp.

Thông thường mà nói, sau khi một mưu kế nào đó được sử dụng thành công, người ta đều sẽ lấy đó làm bài học, làm gương. Bởi vậy diễn lại trò cũ nguyên là việc rất khó khăn. Thế mà kỳ tài quân sự Hàn Tín lại có thể 2 lần thực thi kế sách: “Ám độ Trần Thương” ấy, thực là tuyệt diệu vô cùng! 

Hàn Tín bình định nước Ngụy thực sự đã giải trừ được uy hiếp đối với quân Hán, khiến hậu phương Quan Trung càng thêm vững chắc, cũng khiến kế hoạch tấn công cánh phải của Hạng Vũ không cách nào thực thi, hóa giải áp lực trên chiến trường Huỳnh Dương. Đặc biệt, Hàn Tín tác chiến trước nay vẫn lấy phá binh làm chủ, tiêu diệt chủ lực của kẻ địch chứ không chỉ là chiếm lĩnh thành trì một cách đơn thuần.

Vậy nên địa bàn mà ông chiếm giữ được thông thường đều rất vững chắc, sẽ không xuất hiện tình trạng được rồi lại mất. Nước Ngụy vừa diệt, Lưu Bang lập tức cử người đến điều đi toàn bộ tinh binh bắt giữ được và lượng lớn vật tư thu giữ được, danh nghĩa là chi viện chiến trường Huỳnh Dương, nguyên nhân trọng yếu hơn cả là để kìm hãm thực lực của Hàn Tín. 

Thùng gỗ vượt sông, phá tan quân Ngụy. Ảnh dẫn theo lieqiwo.com

2. Khéo léo đoạt Yên, Triệu 

Hàn Tín diệt Ngụy đã nhổ bỏ được cái gai cắm trên trên lưng quân Hán, nhưng chư hầu các nước Đại, Triệu, Yên, Tề ở phía bắc sông Hoàng Hà vẫn đang hùng cứ một phương, liên hợp với quân Sở đối đầu với quân Hán. Trên chiến trường chính, quân Hán vẫn ở thế bất lợi, Huỳnh Dương hai lần thất thủ. Cuộc chiến giằng co gian khổ khiến Lưu Bang có lần muốn từ bỏ Huỳnh Dương. 

Hàn Tín đã phân tích tình hình, chủ động xin 3 vạn binh mã tiến lên phía bắc đối phó Yên, Triệu, Đại, Tề, chặn đứt đường vận lương giữa các nước chư hầu với nước Sở. Nếu như thu phục được các lộ chư hầu này, Hán sẽ hình thành thế đánh giáp công nước Sở từ hai mặt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đại tướng đưa ra sách lược này: Kết hợp giữa phòng ngự mặt chính bền vững và tấn công từ hai bên mặt. Với Lưu Bang mà nói loại chiến lược cao siêu này nhất thời vẫn khó lý giải, nhưng cũng không có lý do để phản đối, bèn gật đầu đồng ý. Ông đặt nước Ngụy thành quận Hà Đông, cử Trương Nhĩ làm trợ thủ đồng thời giám sát hành động của Hàn Tín.

Tháng 9 nhuận năm thứ 2 Hán Cao Tổ, Hàn Tín lĩnh binh Bắc tiến. Mục tiêu tấn công đầu tiên là nước Đại. Một năm trước, Lưu Bang dụ nước Triệu xuất binh đánh Hạng Vũ. Trần Dư đề nghị phải giết chết Trương Nhĩ mới đồng ý xuất binh. Lưu Bang liền tìm chọn ra một người trông giống hệt Trương Nhĩ giết chết, lừa Trần Dư xuất binh trợ chiến.

Về sau, Trần Dư phát hiện mình bị mắc lừa, nên đã phản bội Lưu Bang. Khi đó, Đại vương Trần Dư không ở nước Đại, mà chạy đến nước Triệu làm tướng quốc, giúp Triệu vương trị lý quốc gia, công việc của nước Đại do tướng quốc Hạ Thuyết thay mặt lo liệu. Nước Đại nước nhỏ binh yếu vốn không chịu nổi một đòn tấn công, Hàn Tín mau chóng thẳng tiến đánh bại quân Đại, bắt sống Hạ Thuyết, diệt nước Đại.

Nhưng trong liên minh Triệu – Đại, có thực lực thật sự chính là nước Triệu. Nếu muốn hoàn toàn thắng lợi thì ắt phải diệt Triệu. Nhưng ngay lúc này, Lưu Bang lại sai người đến thu giữ quân đội để bổ sung cho chiến trường Huỳnh Dương. Lần này không chỉ dẫn đi tù binh, mà còn “rút củi tận đáy nồi”, điều đại tướng Tào Tham và quân đội của ông cùng đến chi viện Huỳnh Dương để chống Sở. 

Hàn Tín không muốn bỏ dở nửa chừng, thỉnh cầu Hán vương cho phép ông xây dựng quân đội, tiếp tục Bắc tiến đánh Triệu. Lưu Bang khó lòng từ chối, đã phân phối một chút binh lực cho Hàn Tín. Nhưng đến khi Hàn Tín xốc lại đội hình binh mã của mình thì đã lỡ mất thời cơ tốt nhất, quân Triệu đã dàn binh phòng thủ, bày xong thế trận chờ quân Hán.

Địa hình nước Triệu dễ thủ khó công, dãy núi Thái Hành cao lớn, hiểm trở là tấm bình phong thiên nhiên che chở. Con đường duy nhất tiến vào nước Triệu là cửa Tỉnh Hình, một trong tám hẻm núi lớn của núi Thái Hành. Chỗ này chính là đại hạp cốc (hẻm núi lớn), hai bên vách núi sừng sững, con đường chật hẹp, xe không thể song hành, ngựa cũng không thể đưa vào, chỉ cần một người chẹn ngoài cửa thì vạn người không thể đi ra. Muốn vượt qua hẻm núi lớn này, quân đội cần phải xếp thành một hàng dài, đầu và đuôi không thể phối hợp với nhau. Chỉ cần quân Triệu cho một đối quân nhỏ canh giữ ở một lối ra nào đó thì quân Hán khó tiến sâu vào đất Triệu. Hơn nữa lối ra của cửa Tỉnh Hình còn có một con sông chảy xiết. Như vậy, tiến vào đất Triệu thì cũng ngang với đi vào “Quỷ môn quan”, rất khó trở về. 

Trần Dư trù tính một mẻ diệt sạch toàn bộ binh lực của Hàn Tín nên không cử binh lính chế ngự hẻm núi, mà tập trung 20 vạn đại quân ở phía đông hẻm núi sẵn sàng đón đánh. Chính là Trần Dư muốn đợi quân của Hàn Tín hoàn toàn qua khỏi cửa Tỉnh Hình rồi dùng binh lực vượt trội của mình mà đè bẹp quân Hán. Kế hoạch hoàn mỹ như vậy, lại bị một cao nhân nhìn ra chỗ sơ hở. Người này chính Quảng Võ Quân Lý Tả Xa (cháu của Lý Mục) thủ hạ dưới trướng của Trần Dư.

Lý Tả Xa cho rằng Hàn Tín một đường thừa thắng tiến tới, tình thế khó mà đương đầu. Nhưng mà, “vận lương nghìn dặm, quân sĩ có dáng đói, đợi hái củi cắt cỏ mà nấu ăn, lính tráng không được no” (Sử Ký – Hoài Âm hầu liệt truyện). Ý tứ là ngoài nghìn dặm vận chuyển lương thực cho quân đội, binh sĩ sẽ phải chịu đói. Hiện giờ kiếm củi nấu cơm, binh sĩ ắt sẽ ăn không được no. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của quân Hán. Cửa Tỉnh Hình lối đi chật hẹp, lương thảo quân Hán lại ở tận phía sau. Nếu như bố trí binh mã đi theo đường tắt chẹn đường vận tải, đợi quân đội đi qua cửa Tỉnh Hình, rồi lại sai quân kiên trì trấn giữ khe núi, không cho binh mã rút lui, quân Hán sẽ lâm vào hai tình cảnh khó khăn “tiến không vào được đất Triệu, lui lại không thể trở về”. Không cần dùng đến 10 ngày, quân Hán sẽ không đánh mà tự tan. Nhưng Trần Dư lại cho rằng “Nghĩa binh thì không dùng mẹo lừa dối, mưu kỳ lạ” (Sử Ký – Hoài Âm hầu liệt truyện), bỏ mặc kiến nghị của Lý Tả Xa sang một bên.

Hàn Tín hay được chuyện này, trong lòng mừng thầm, lập tức bố trí hành động. Đúng lúc nửa đêm, điểm 2 nghìn kị binh nhẹ mang theo cờ đỏ của quân Hán ẩn náu ở gần doanh trại quân Triệu, lại lệnh cho những binh sĩ khác dùng bữa trước, chuẩn bị xuất phát, và nói với tướng sĩ rằng: “Hôm nay phá quân Triệu xong sẽ họp nhau ăn tiệc”.

Nghe thấy mệnh lệnh của đại tướng quân, đám quân sĩ vẻ mặt ngơ ngác. Lúc đó quân Hán chỉ có 3 vạn nhân mã, làm sao đánh bại được 20 vạn quân Triệu đây? Hơn nữa còn nói đánh trận xong rồi họp nhau ăn tiệc! Hẳn là đại tướng quân đang nói mơ chăng? Hàn Tín không để ý đến ánh mắt nửa tin, nửa ngờ của mọi người, ông chỉ huy 1 vạn binh sĩ đi vào từ cửa Tỉnh Hình trước, lập doanh trại quay lưng ra phía sông. Ông hiểu rõ mưu kế của Trần Dư là muốn một trận tiêu diệt gọn quân Hán, vậy nên khi không thấy toàn bộ quân Hán xuất hiện tuyệt sẽ không đến quấy rối. Tình thế quả nhiên như Hàn Tín tiên liệu, 1 vạn binh sĩ thuận lợi bố trí ổn thỏa. 

Sau khi trời sáng, Hàn Tín gióng trống khua chiêng tiến vào cửa Tỉnh Hình, bày trận bối thủy (quay lưng ra sông) ở bờ sông, sau đó thách đánh quân Triệu. Trần Dư nhìn thấy quân Hán người ít, bản thân lại chiếm ưu thế về địa hình, thế dựa vào núi và nhìn ra sông. Hai quân đánh nhau được một lúc, Hàn Tín giả thua bỏ chạy, trống trận và cờ xí đều không kịp mang theo, vứt ngổn ngang suốt dọc đường. Trần Dư nhìn thấy vậy, càng cảm thấy nắm chắc phần thắng, lập tức lệnh cho toàn quân ra trận bắt sống Hàn Tín. Hai nghìn quân kỵ mà Tín đã cho đi từ trước chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo quân Hán, liền ruổi nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng 2 nghìn lá cờ đỏ của Hán. 

Bên này, đội quân của Hàn Tín đã nhập vào đạo quân ở gần sông, ra sức đánh lại quân Triệu. Bởi không còn đường để rút lui, quân Hán ai nấy cũng đều chiến đấu dữ dội. Hai bên đánh nhau hơn cả nửa ngày trời vẫn không phân thắng bại. Quân Triệu thấy đánh nhau đã lâu mà vẫn không thắng, bèn thu binh về lại doanh trại. Về đến nơi thì thấy bên trong doanh trại toàn là cờ hiệu của quân Hán tung bay, cho rằng quân Hán đã chiếm mất doanh trại, lập tức lòng quân hoang mang, binh sĩ hỗn loạn bỏ chạy. Lúc này quân Hán rút đến gần sông liền chủ động quay lại đánh trả, cùng với 2 nghìn binh sĩ này thừa cơ hai bên áp lại, phá tan quân Triệu. Trần Dư tử trận, Triệu vương Yết và Lý Tả Xa bị bắt sống. Hàn Tín chỉ trong một trận mà diệt Triệu. 

Sau khi chiến trận kết thúc, các tướng hỏi Hàn Tín: “Binh pháp nói ‘Bên phải sau lưng thì núi gò, trước mặt bên trái thì sông đầm’ nay tướng quân lại sai chúng tôi quay lưng ra sông mà bày trận, thế mà lại có thể thắng được, không biết rốt cuộc là đạo lý gì đây?“. 

Hàn Tín cười nói rằng: “Điều đó ở trong binh pháp, chỉ có điều mọi người không xét đến mà thôi. Chẳng phải binh pháp có nói: ‘Hãm vào đất chết thì sau mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau mới còn’ đó sao? Vả chăng Tín không phải có những tướng sĩ đã từng được huấn luyện. Đây cũng như người ta nói là kéo những người ngoài chợ bắt họ đi đánh. Tình thế này nếu không đặt họ vào nơi đất chết khiến cho người nào cũng vì mình mà chiến đấu thì không được. Nếu như ta để cho họ vào nơi đất sống thì họ đều bỏ chạy, ta còn làm sao dùng họ được nữa“. Mọi người lúc này mới thấy Hàn Tín đúng thật là cao thủ dùng binh. 

Hàn Tín vô cùng bội phục kiến thức của Quảng Võ Quân Lý Tả Xa. Khi Lý Tả Xa được dẫn vào trong quân doanh, Hàn Tín đã tự mình cởi dây trói và xin lỗi, mời ông ngồi ở hướng đông, mình thì ngồi ở hướng tây giống như học trò thỉnh giáo về sách lược thảo phạt nước Yên và nước Tề. Lý Tả Xa khiêm nhường nói: “Tôi nghe nói ‘làm tướng mà quân đã thua trận thì không thể nói là dũng cảm, quan đại phu của nước đã mất thì không thể bàn đến việc bảo tồn nước’. Nay tôi là tên tù bại trận đâu có xứng đáng bàn đến việc đại sự”. 

Hàn Tín vội đáp: “Tôi đây nghe nói Bách Lý Hề thời Xuân Thu trước là quan nước Ngu, về sau nước Ngu bị diệt, ông đã được Tần Mục Công dùng năm tấm da dê chuộc về, làm quan đại phu ở nước Tần, giúp Tần Mục Công thực xưng bá chư hầu. Đây vốn không phải Bách Lý Hề ở nước Ngu thì ngu mà về nước Tần thì khôn, cũng không phải vì ông không chịu tận sức cho nước Ngu, hay càng tận tâm cho nước Tần. Mà bởi quân vương nước Ngu không chịu nghe theo kế của ông, còn Tần Mục Công lại tiếp nhận kế sách của ông. Giả sử Trần Dư nghe theo kế của túc hạ thì bọn Tín cũng đã bị bắt rồi. Chỉ vì ông ta không dùng mưu của túc hạ cho nên Tín mới được hầu chuyện đó thôi

Lý Tả Xa thấy Hàn Tín đối xử chân thành như vậy, lòng cảm động sâu sắc, nghiêm túc phân tích cục diện hiện thời: “Người khôn nghĩ một nghìn điều, thế nào cũng có một điều sai. Người ngu nghĩ một nghìn điều, thế nào cũng có một điều đúng, cho nên có câu: ‘Lời nói của người cuồng cũng được thánh nhân xét đến’, chỉ sợ mưu kế của tôi chưa chắc đã dùng được, nhưng cũng xin bày chút trung thành dại dột.

Thành An Quân Trần Dư có kế bách chiến bách thắng, không may phút chốc thất bại, quân đội bị thua ở gần đất Cảo Thành, thân chết trên sông Chi Thủy. Nay tướng quân vượt Tây Hà, cầm tù vua Ngụy, bắt sống Hạ Thuyết ở Ứ Dự, đánh một trận lấy Tỉnh Hình, chưa trọn buổi sáng đã phá được hai mươi vạn quân Triệu, giết Thành An Quân Trần Dư. Danh tiếng nổi trong nước, uy thế rung động thiên hạ. Người nông phu không ai không nghỉ việc, buông cày, mặc áo đẹp, đem thức ăn ngon, nghiêng tai để chờ quyết định vận mệnh. Đó là cái sở trường của tướng quân.

Nhưng nay quân mệt, lính mỏi, đóng lâu ở dưới chân thành kiên cố của nước Yên. Muốn đánh thì sợ đánh lâu mà sức không thể lấy được. Thực tình sẽ lộ ra sơ hở khiến quân uy giảm sút, lâu ngày hết lương mà nước Yên yếu thế kia vẫn không phục, nước Tề thế nào cũng giữ biên giới để tự cường. Nước Yên, nước Tề đều chống cự không chịu đầu hàng, thì chưa biết họ Lưu hay họ Hạng sẽ nắm phần thắng lợi. Đó là sở đoản của tướng quân.

Tôi là người ngu, trộm cho kế của ngài là sai. Vì vậy kẻ giỏi dùng binh không lấy cái sở đoản để đánh cái sở trường mà lấy cái sở trường để đánh cái sở đoản. Nay tính mưu kế cho tướng quân, không gì bằng xếp giáp cho quân nghỉ ngơi, bình định nước Triệu, vỗ về những người con mất cha. Trong vòng trăm dặm, vò rượu ngày nào cũng đem đến để thết sĩ phu, khao quân lính, hướng về nước Yên ở phía Bắc mà đóng quân. Sau đó sai người biện sĩ mang một bức thư, nói rõ cái sở trường của mình với nước Yên, chắc chắn nước Yên không dám không nghe theo. Nước Yên đã nghe theo, sai người biện sĩ đi về hướng Đông nói với Tề, nước Tề thế nào cũng nghe theo như cỏ lướt trước ngọn gió, dẫu có người mưu trí cũng không biết bày cách gì cho Tề. Như thế thì có thể lấy được thiên hạ. Việc binh vốn có cái thuật ‘trước hư trương thanh thế rồi sau mới dùng thực lực’, tức là như thế”.

Hàn Tín nghe xong tấm tắc khen hay, lập tức cử sứ giả đến nước Yên dâng thư cho Yên vương, trình bày lợi hại khuyên họ quy hàng. Yên vương khiếp sợ uy danh của Hàn Tín, quả nhiên đầu hàng, bỏ Sở theo Hán.

Nước Yên bỏ Sở theo Hán. Ảnh dẫn theo dssk.net

3. Rạng đông cướp tướng ấn

Sau khi Hàn Tín liên tiếp giành được thắng lợi ở miền Bắc, cục diện trên chiến trường đã bắt đầu có lợi cho quân Hán. Hạng Vũ hết sức khẩn trương, thường xuyên cử binh đến quấy nhiễu biên giới Yên, Triệu. Hàn Tín bôn ba tới lui đánh đuổi quân Sở, vỗ về dân chúng, đồng thời huấn luyện, chiêu mộ binh mới, chi viện chiến trường mặt chính ở Huỳnh Dương của Lưu Bang.

Cùng lúc này, ở đất Đại, đất Triệu đôi lúc cũng có những chiến sự vụn vặt phát sinh. Để tiện quản lý, Hàn Tín tiến cử với Lưu Bang lập Trương Nhĩ làm Triệu vương. Thật ra với công lao của Hàn Tín, thỉnh cầu sắc phong cho mình làm vương cũng là rất thỏa đáng. Trương Nhĩ là bạn cũ của Lưu Bang, rất được tín nhiệm, cộng thêm Lưu Bang đang bị Hạng Vũ áp chế đến thở không ra hơi, nên đã vui vẻ đáp ứng thỉnh cầu của Hàn Tín.

Tuy Hàn Tín cùng lúc đánh Đại, phá Triệu nhưng Hạng Vũ cũng đã bắt đầu phản công Lưu Bang dữ dội hơn. Lưu Bang dĩ nhiên không phải là đối thủ của Hạng Vũ. Quân Sở mau chóng đoạt lại toàn bộ căn cứ địa của quân Hán từ Huỳnh Dương trở về phía đông, chặt đứt con đường vận chuyển lương thảo, vây chặt Huỳnh Dương chật như nêm cối. Lần bao vây này kéo dài hơn một năm trời. 

Lưu Bang bản lĩnh đánh trận không giỏi, nhưng lại rất giỏi bảo toàn tính mệnh và dùng mưu kế thâm hiểm. Ông ta trước tiên xách động Anh Bố, về sau lại đưa cho Trần Bình 4 vạn tiền để ông này ly gián quan hệ giữa Hạng Vũ với nhóm đại tướng Chung Ly Muội, Long Thư. Điều này còn khiến cho Phạm Tăng, mưu sĩ được Hạng Vũ tín nhiệm nhất, uất hận mà bỏ đi. Dù vậy, vòng vây Huỳnh Dương vẫn không giải trừ được. Lưu Bang cuối cùng đã dùng kế trá hàng, cho tướng quân Kỷ Tín đóng giả mình, thừa lúc hỗn loạn bỏ trốn. 

Tạo hình mưu sĩ Phạm Tăng, Á phụ của Hạng Vũ. Ảnh dẫn theo twitter.com

Sau khi Hạng Vũ đoạt lại Huỳnh Dương liền thừa thắng đuổi theo, lần nữa lấy lại được trọng trấn Thành Phụ. Lưu Bang thì rụt cổ ở Võ Quan, chỉ phòng thủ chứ không nghênh chiến, đồng thời không ngừng cầu xin Bành Việt gây rối ở hậu phương Hạng Vũ. Bành Việt đánh mãi đến phụ cận Bành Thành, trực tiếp uy hiếp kinh đô nước Sở. Hạng Vũ buộc phải hành quân nghìn dặm trở về ứng cứu kinh sư. Áp lực của Lưu Bang ngay lập tức được giảm nhẹ. Quân Hán lại thừa cơ chiếm lĩnh Thành Phụ và Huỳnh Dương. Sau khi Hạng Vũ đánh bại được Bành Việt, điều quân trở về công đánh Lưu Banh, chưa đến một tháng, đã liên tiếp chiếm lại Huỳnh Dương và Thành Phụ. Ngay trước khi thành Thành Phụ bị công phá, hai người Lưu Bang và Hạ Hầu Anh đã trốn được ra ngoài. 

Lưu Bang sức cùng lực cạn, đã bị Hạng Vũ đánh cho kinh sợ, nhưng trốn đến nơi nào mới được an toàn đây? Ông bèn nghĩ đến Hàn Tín đang đóng quân ở Tu Võ. Sau khi Hàn Tín thu phục được Yên, Triệu, theo kế hoạch sẽ tiến lên đất Tề nhưng bởi Lưu Bang liên tục bại trận ở chiến trường chính Huỳnh Dương nên Hàn Tín đã chọn Tu Võ ở phía nam đất Ngụy làm căn cứ địa để tiện luyện tập binh sĩ và chi viện cho Lưu Bang. 

Nghĩ đến Hàn Tín, tâm tình của Lưu Bang vô cùng phức tạp. Nhờ Hàn Tín chống đỡ cục diện nguy nan, ông mới có thể chết đi sống lại hết lần này đến lần khác, thật đúng là vô cùng may mắn. Mặt khác, Hàn Tín chỉ dựa vào 3 vạn binh mã tầm thường lại chế phục được các chư hầu phương Bắc, còn ông thân là Hán vương lại liên tục bại trận, không biết để mặt mũi vào đâu. Bây giờ Hàn Tín đã có hơn 10 vạn binh mã, còn Lưu Bang chỉ còn lại một người một xe, ông muốn có được quân tiếp viện nhưng lại không muốn nợ ân tình của Hàn Tín. Lưu Bang trầm ngâm suy nghĩ, trù tính ra một màn kịch đời sau gọi là “rạng đông đoạt tướng ấn”. 

Tháng 6 năm thứ tư Hán Cao Tổ (tức năm 203 TCN), Lưu Bang cùng với Hạ Hầu Anh thảm hại trốn chạy từ Thành Cao, suốt quãng đường ăn gió nằm sương đã đến được Tu Võ, nơi Hàn Tín đóng quân. Nhưng bản thân Lưu Bang bản tính đa nghi, ngờ vực, vốn không đi đến doanh trại gặp mặt Hàn Tín, Trương Nhĩ mà âm thầm lặng lẽ ở trong trạm dịch. Hôm sau trời còn chưa sáng, nhân lúc Hàn Tín, Trương Nhĩ vẫn còn đang ngủ say, Lưu Bang giả trang thành sứ giả của Hán vương lén vào trong lều trại của Hàn Tín, lấy trộm binh phù, lệnh tiễn và tướng ấn của Hàn Tín, Trương Nhĩ, đoạt  binh quyền của hai người họ vào trong tay mình. Lại triệu tập các tướng lĩnh khác, bố trí lại chức vị các tướng mới yên tâm đánh thức Hàn Tín, Trương Nhĩ hai người. 

Hàn Tín và Trương Nhĩ vội vàng chỉnh đốn áo mũ đi ra nghênh đón. Lưu Bang phong Hàn Tín làm tướng quốc, lệnh cho Trương Nhĩ quản lý hai vùng đất Triệu, Đại, còn bản thân thì dẫn theo đại quân của Hàn Tín đi giải cứu nguy cơ nơi chiến trường Huỳnh Dương. Sau đó, nhờ vào đại tướng quân Hàn Tín và Bành Việt đánh giúp hậu phương Hạng Vũ, Lưu Bang cuối cùng đã đoạt lại được Huỳnh Dương và Thành Phụ. 

Diễn biến về sau ra sao, mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version