Ngày nay nói đến từ kỹ nữ thì già trẻ trai gái đều nghĩ ngay đến những người làm nghề bán thân, sống bằng nghề bán dâm. Về nguồn gốc nguyên lai và quá trình biến đổi đến kỹ nữ như chúng ta thấy ngày nay, đằng sau có rất nhiều bí mật ẩn chứa mà ít người biết tới.
Kỹ nữ thời cổ đại
Từ kỹ nữ gốc Hán là 妓女, trong đó chữ Kỹ gồm chữ Nữ và chữ Chi, chỉ người phụ nữ phường hát, con hát, sống bằng bán nghệ và bán thân. Nhưng ban đầu chữ Kỹ nữ được viết 伎女, trong đó chữ Kỹ gồm chữ Nhân và chữ Chi, nghĩa là người có kỹ năng, tài năng (nghệ thuật), do đó Kỹ nữ có nghĩa là nữ nghệ nhân, từ Kỹ nữ ban đầu chỉ nữ nghệ nhân ca múa. Hậu Hán Thư có chép: “Khôi tự sát, phi thiếp 11 người, con gái con trai 70 người, kỹ nữ 24 người, tất cả đều chết trong ngục”.
Thời cổ đại, Hoàng Đế sáng tạo ra Nhạc vũ để tế Thần. Đến thời vua Nghiêu đặt ra chức Nhạc quan. Đến thời nhà Hạ Kiệt, đạo đức, lễ nhạc suy thoái, vua Kiệt nuôi 3 vạn nữ nhạc trong cung, ca múa phóng túng. Tuy vậy những nữ nhạc này vẫn là biểu diễn ca múa các bản nhạc điệu múa phóng túng.
Đến thời nhà Chu, Chu Văn Vương hưng thịnh lại lễ nhạc thì không nuôi bọn nữ nhạc, mà tất cả con em quý tộc đều phải học, luyện 6 điệu nhạc vũ lớn, được ghi trong Chu lễ, là những bản nhạc vũ dùng để tế lễ, tế Thần.
Đến thời Đông Chu, lễ băng nhạc hoại, chính trị suy vi, đạo đức suy đồi, thì nữ nhạc lại rất thịnh hành, rồi lan xuống tất cả các nước chư hầu. Vương tôn quý tộc đều có nuôi các đội nữ nhạc của riêng để hưởng lạc, gọi họ là các nhạc công nữ kỹ (vẫn dùng chữ Kỹ với nghĩa nghệ nhân).
Đến thời Hán, các nữ nhạc được gọi là nhạc vũ kỹ nhân, mà người nổi tiếng nhất thời đó là Triệu Phi Yến, vốn là nữ kỹ của nhà công chúa Dương A, sau được Hán Thành Đế đưa vào cung làm chức nữ quan gọi là Tiệp Dư, rồi cuối cùng được Hán Thành Đế đưa lên làm hoàng hậu.
Đến thời Đường Tống, vũ đạo phát triển rộng rãi, kỹ nhạc vũ đạo lên đến thời cực thịnh, đến khắp các giai tầng xã hội. Cung đình có cung kỹ, quân đội có doanh kỹ, quan phủ có quan kỹ, tư gia có gia kỹ. Nuôi các đội kỹ nhạc vũ đạo đã thành trào lưu thịnh hành, nhiều có thể lên hàng ngàn, ít cũng vài người, vài chục người. Như Bạch Cư Dị khi về già từ quan về vui thú điền viên cũng nuôi gia kỹ mấy người.
Hiện nay còn lưu truyền lại bức tranh “Hàn Hy Tái dạ yến đồ” thời Nam Đường, cho thấy trong yến tiệc, các mệnh quan triều đình, còn có cả các văn nhân nhã sỹ, và hòa thượng nghiêm trang, tường hòa, thư thái thưởng thức các nữ nhạc chơi nhạc, múa. Có lúc Hàn Hy Tái còn đánh trống, quan khách khác chơi nhạc để các nữ nhạc múa thướt tha.
Thời Tống, danh kỹ Lý Sư Sư, tài nghệ và dung mạo đều tuyệt trần, được Tống Huy Tông sủng ái, phong làm Doanh quốc phu nhân.
Ở Nhật Bản có loại hình sân khấu truyền thống ca múa nhạc, gọi là Kabuki (tiếng Nhật: 歌舞伎, Hán-Việt: ca vũ kỹ) là một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản. Nhà hát Kabuki được biết đến với sự cách điệu hóa trong kịch nghệ và sự phức tạp trong việc trang điểm cho người biểu diễn.
Chữ kanji 歌 (ca) nghĩa hát, 舞 (vũ) nghĩa là múa, và 伎 (kỹ) nghĩa là kỹ năng. Do đó, Kabuki đôi khi được dịch là “nghệ thuật hát múa”.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có các Geisha tức “nghệ giả” được hình thành từ hai chữ gei (藝 nghệ) và sha (者 giả) xuất phát từ phương ngữ Tokyo. Tiếng Nhật chuẩn gọi là “nghệ kĩ”, Geigi (藝伎, “nữ nghệ sĩ”). Tầng lớp quý tộc Nhật, các samurai sống rất có văn hoá, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục. Nhu cầu giải trí tao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha.
Ở Việt Nam, ca kỹ được gọi là cô đầu, ả đào hay đào nương. Vào thời nhà Lý, có ca kỹ họ Đào, rất vừa ý Lý Thái Tổ nên thường ban thưởng, từ đó các con hát hay được gọi là Đào nương. Tuy nhiên theo Công dư tiệp kí, “Cuối đời nhà Hồ (1400 – 1407), có người con hát họ Đào quê ở làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Đào. Từ đấy những người đi hát được gọi là ả đào”.
Sang thời nhà Lê, nghề con hát trở thành một dạng nghề hèn mạt, đánh đồng với nô lệ, ai xuất thân từ nhà con hát đều không thể làm quan (như Đào Duy Từ). Cứ theo Việt sử tiêu án, khi ấy các con hát ngoài gọi là Ả đào, còn được gọi là Náo nương (鬧娘) hay Cô Náo (姑鬧), Náo Hát (鬧歌)… các danh xưng. Các con hát không biểu diễn ở cung đình vì thân phận thấp hèn, họ chỉ quanh quẩn ở các đình làng hay ca quán tại địa phương.
Vào thời nhà Nguyễn, những ghi chép chi tiết về thú chơi cô đầu là vào những năm Pháp thuộc và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Cô đầu sống thành từng nhóm, trong các giáo phường, khách đến đó hát ả đào được gọi là quan viên. Đây là thú chơi tao nhã của các quan lại, nho sinh xưa. Các cô đầu đàn hát, múa, còn các khách thưởng thức cũng chơi nhạc hòa nhịp, hoặc đặt lời cho các cô đầu hát.
Kỹ nữ biến tướng
Từ cuối thời Nam Tống trở đi, xã hội loạn lạc, đạo đức suy đồi, con người phóng túng, bắt đầu xuất hiện mua bán con gái nhà nghèo, hoặc do kế sinh nhai, đã có các kỹ nữ vừa bán nghệ vừa bán thân. Lúc này dùng từ Kỹ nữ 妓女, trong đó chữ Kỹ gồm chữ Nữ và chữ Chi, chỉ người phụ nữ phường hát, con hát, sống bằng bán nghệ và bán thân.
Đến thời Minh, xuất hiện hàng loạt các kỹ viện với kỹ nữ chuyên bán thân. Các đô thị lớn có hàng ngàn kỹ nữ, ở các “Giáo phường”. Các châu ấp nhỏ cũng có kỹ nữ, ở các “Lạc hộ”, cũng có người. Quan phủ bắt đầu đặt ra thuế khóa thu thuế, gọi là “Tiền phấn son”.
Tạ Triệu Chiết, tiến sỹ năm Vạn Lịch đời Minh có viết lại phong khí xã hội bại hoại thời đó trong “Ngũ tạp trở” rằng: “Thời nay kỹ nữ khắp thiên hạ, các đô hội lớn có hàng trăm hàng nghìn người, các châu, ấp hẻo lánh cũng có, cả ngày dựa cửa bán nụ cười, bán dâm để sống. Kế sinh nhai đến mức thế này, cũng thật đáng thương thay”.
Từ đời Minh trở đi, những người mượn nghề ca hát hành nghề mại dâm dần thịnh hành, từ đó, từ kỹ nữ gắn liền với nghĩa gái bán dâm.
Ở Việt Nam cũng vậy, triều Lê (cùng thời vời triều Minh Trung Quốc), cũng xuất hiện những người mượn nghề ca hát để bán dâm, gọi là Hoa nương hoặc Hoa mại nương. Vua Lê Thánh Tông có viết trong bài thơ “Thập giới cô hồn ngữ văn”, phần “Giới hoa nương”:
Say mây mưa bàn tán mấy cơn, đón nhân tình bằng mèo thấy mỡ,
Đắm trăng gió lân la đòi đoạn, mệt thế sự tựa kiến sa dầu.
Chốc mòng quán Sở lầu Tần,
Chấp chới ả Diêu nàng Ngụy.
Quấn quýt sự anh sự ả.
Dập dìu tin bướm tin ong.
Làm bạn gửi, lấy chồng quyền, sụt sịt rằng tôi thương tôi thảm,
Đưa người lâu, rước khách mới, bẻo lẻo chào anh ngược anh xuôi.
Cuối thời Lê, Đan Sơn viết trong sách “Sơn cư tạp thuật” rằng:
“Nước ta trước đây đĩ điếm phần nhiều tụ tập ở kinh thành và quân doanh, chỗ nào cũng có, riêng phố Hàng Chĩnh, Hàng Cau đông nhất. Đĩ phần nhiều bị giang mai, tục gọi là mụn Tiêm La. Tương truyền khi chinh phạt Tiêm La, tướng sĩ mắc chứng này, về lây cho nhau, đứa phóng đãng trăng hoa hay mắc phải, có khi chết người. Sau năm Mậu Thân (1788), tướng sĩ trấn Bắc Thành phần đông lây bệnh này, nguy cấp khôn cứu, cấm cũng không dứt được. Bèn lùng bắt đĩ khắp các phố phường, cạo đầu, phạt trượng rồi đuổi đi. Đó cũng là một cách làm hay!”.
Như vậy khi đạo đức xã hội suy đồi, con người buông thả, phóng túng dục vọng, thì kỹ nữ bán dâm phát triển. Đàn bà thì muốn an nhàn hưởng lạc lại có tiền, cũng có người do hoàn cảnh kinh tế nên đã bán thân. Đàn ông thì buông thả, không có chí hướng học Đạo, lập thân, lập danh, lập ngôn, như cổ nhân, cũng không còn lý tưởng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ theo bậc Thánh hiền xưa.
Còn về văn hóa nghệ thuật, đời sống tinh thần thì họ cũng không biết gì về các thú chơi tao nhã của giới quý tộc, quan lại, Nho sinh thời xưa, đối với Cầm, kỳ, thư, họa, hoàn toàn không hiểu, cũng không có hứng thú, nên chỉ có vùi đầu vào rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện và gái. Để thỏa mãn những ham muốn dục vọng, họ tìm mọi cách kiếm tiền, bất chấp đạo lý, pháp luật, để rồi lại nướng vào mấy thú chơi hạ lưu, thứ mà người xưa ghê tởm khinh bỉ.
Tệ nạn mại dâm ngày nay
Những năm gần đây, những tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mại dâm, ma túy đã lan tràn ra khắp ngóc ngách cuộc sống, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược… Cả xã hội điên đảo vì những tệ nạn này và nó ngày càng có xu hướng công khai. Mọi người cũng dần quen và tự nhiên coi những cái xấu xa thấp kém là bình thường. Có khi còn được coi trọng hơn người nghèo, khinh người nghèo chứ không khinh phường kỹ nữ.
Mua bán dâm là tệ nạn của nhiều nước trên thế giới, những nhà lãnh đạo các nước tiên tiến đều ý thức được mua bán dâm xói mòn đạo đức xã hội, gây những hậu quả vô hình to lớn. Nó cũng tàn phá các thế hệ thanh thiếu niên, gây ra các lối sống biến dị, buông thả, kéo theo hàng loạt các hệ lụy xã hội khác, cũng chính là dần dần bóp chết hy vọng vào tương lai tươi sáng cho một dân tộc, một quốc gia.
Năm 2006, chính phủ Ireland và Phần Lan áp dụng chế tài rất mạnh, thay vì xử lý gái bán dâm thì chính phủ sẽ xử phạt nặng những hành vi mua dâm, qua đó từng bước xóa bỏ tệ nạn mại dâm đang lan tràn. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tuyên bố xóa sổ mại dâm, đồng thời đề ra những hình phạt nặng cho tội mua bán dâm, nhờ vậy tệ nạn mại dâm năm 2007 đã giảm gần một nửa so với 2002.
Đại đa số các nước trên thế giới đều nghiêm cấm mại dâm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào trình độ quản lý quốc gia, cũng như nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống của các tầng lớp dân cư khác nhau mà có kết quả khác nhau. Những nước quản lý yếu kém, đạo đức, văn hóa người dân thấp kém, phong khí xã hội suy đồi thì tệ nạn mại dâm luôn là vấn đề nhức nhối.
Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, xử lý tệ nạn mại dâm không ở chỗ cấm mại dâm, hay hợp pháp hóa, mà ở chỗ trở về với các giá trị truyền thống chân chính. Khi đạo đức xã hội được nâng lên, tố chất văn hóa người dân nâng cao, mọi người sẽ truy cầu những lý tưởng cao đẹp, tu thân quả dục, sống vị tha và theo đuổi các mục tiêu có ý nghĩa nhân sinh, vui chơi giải trí bằng những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh.
Bước đầu tiên chính là vạch trần các tệ nạn đánh bạc, mại dâm, đề cao giá trị đạo đức thiện lương. Khi mọi người đều thấy đó là tệ nạn xấu, đáng xấu hổ, đánh khinh bỉ, thì tự khắc nó sẽ không còn nhiều đất sinh sống nữa.
Nam Phương